Phiên họp thứ 27 UBTVQH: Cần thống nhất cơ quan quản lý về mã số định danh cá nhân
Chính trị - Ngày đăng : 23:03, 24/04/2014
Theo Tờ trình của Chính phủ, mục tiêu xây dựng Luật Hộ tịch nhằm tạo cơ sở pháp lý ổn định, thống nhất, lâu dài cho công tác đăng ký, quản lý hộ tịch ở nước ta theo hướng từng bước chuyên nghiệp, hiện đại, bảo đảm một cách thuận lợi cho việc thực hiện quyền đăng ký hộ tịch của người dân theo quy định, góp phần tăng cường quản lý dân cư trong giai đoạn mới của đất nước.
Có thay thế được 20 loại giấy tờ công dân?
Về việc mã số định danh cá nhân sẽ thay thế được bao nhiêu giấy tờ cho người dân, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, hiện có khoảng 20 loại giấy tờ cá nhân như: Giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn, giấy chứng tử, chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, giấy phép lái xe… Luật Hộ tịch ra đời không trực tiếp xóa bỏ hay thay thế được loại giấy tờ nào nhưng sẽ gián tiếp tạo ra bước đột phá khi quy định mã số định danh cá nhân. Mã số này sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng, góp phần hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để tiến tới, có thể cắt giảm hầu hết các loại giấy tờ rườm rà cho người dân sau năm 2020.
Thường trực UBPL cho rằng, việc loại bỏ ngay lập tức các loại giấy tờ công dân cần phải có lộ trình và kết quả thực tế của việc xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư như đã được đề ra trong Đề án 896. Điều quan trọng là, Chính phủ cần quan tâm, chỉ đạo sát sao nhằm đúng hoặc sớm hơn lộ trình thiết lập Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đảm bảo việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa các Bộ, ngành, địa phương để loại bỏ nhiều loại giấy tờ không cần thiết trong quá trình quản lý công dân.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường giải thích, cùng với việc đổi mới về phương thức yêu cầu đăng ký hộ tịch sẽ đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng, cắt giảm mạnh các giấy tờ khi làm thủ tục đăng ký hộ tịch. Số định danh cá nhân trong dự thảo Luật mở ra cơ hội cho người dân có quyền lựa chọn phương thức tối ưu nhất để thực hiện yêu cầu đăng ký hộ tịch, kể cả gửi hồ sơ thông qua trực tuyến. Khi đăng ký hộ tịch, cá nhân chỉ thông báo số định danh, không cần xuất trình giấy tờ. Như vậy sẽ đơn giản hóa thủ tục hành chính một cách tối đa, tạo thuận lợi cho người dân trong đăng ký hộ tịch. Cùng với việc quy định về số định danh cá nhân, xây dựng phần mềm ứng dụng trong đăng ký hộ tịch, dự thảo Luật cũng có những quy định mang tính cải cách về thủ tục hành chính, nhằm đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính trong đăng ký hộ tịch từ 46 thủ tục xuống còn 25 thủ tục.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường phát biểu tại phiên họp
Thường trực UBPL tán thành với việc sử dụng số định danh cá nhân trong quản lý hộ tịch, vì đây là điểm có ý nghĩa đột phá, tạo tiền đề cho việc cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong công tác quản lý nhà nước. Tuy nhiên, số định danh cá nhân là nội dung được quy định trong dự thảo Luật Căn cước công dân. Do đó, trong dự thảo Luật Hộ tịch chỉ nên quy định việc sử dụng số định danh cá nhân chứ không nên quy định lại nội dung này.
Phải làm rõ trách nhiệm hai Bộ quản lý
Hiện, hộ tịch và hộ khẩu do hai ngành Tư pháp và Công an thực hiện quản lý. Dự án Luật Căn cước công dân xác định, khi hoàn thành cơ sở hạ tầng và tích hợp đầy đủ dữ liệu về công dân sẽ bỏ sổ hộ khẩu nên dự thảo Luật Hộ tịch không cần mở rộng phạm vi điều chỉnh cả hộ khẩu.
UBPL đề nghị làm rõ hơn về trách nhiệm và sự phối hợp giữa cơ quan quản lý hộ tịch (Bộ Tư pháp) với cơ quan quản lý căn cước (Bộ Công an) trong việc cấp số định danh cá nhân. Bên cạnh đó, cần phải làm rõ chủ thể đề nghị cấp là ai, người làm công tác đăng ký khai sinh hay là người đi đăng ký khai sinh? Và, số định danh cá nhân được ghi trong giấy khai sinh hay trong căn cước công dân từ khi được sinh ra?
Cũng theo Thường trực UBPL, dự án Luật quy định việc cấp số định danh cá nhân cho người đã đăng ký khai sinh trước ngày Luật này có hiệu lực. Tuy nhiên, theo Đề án 896 thì bắt đầu từ ngày 1/1/2016, sẽ cấp số định danh cho cá nhân và đến hết năm 2020 mới hoàn thành. Vì vậy, cần phải quy định cụ thể ngay trong Luật, việc cấp số định danh cho mọi cá nhân, kể từ khi sinh ra, cấp cả cho người đăng ký khai sinh trước ngày luật này có hiệu lực.
Nhiều ý kiến cũng đề nghị, trong dự án Luật cần làm rõ hơn trách nhiệm quản lý đối với mã số định danh cá nhân, phí và lệ phí có giảm thiểu nhất, điều kiện cấp trích lục, bảo vệ bí mật thông tin… bố trí cán bộ hộ tịch chuyên trách hoàn toàn phù hợp. Luật Cán bộ công chức đề nghị cho phép đưa quy chuẩn cán bộ tư pháp - hộ tịch vào Luật để khắc phục tình trạng: Hiện nay, do sự bố trí của UBND cấp xã nhưng trên 35% không có trình độ trung cấp, thậm chí, không đỗ cao đẳng, đại học vẫn được bố trí làm cán bộ tư pháp - hộ tịch để “chờ”.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa, quan điểm của Đề án 896 là bảo đảm tập trung, thống nhất trong quản lý công dân từ lúc sinh ra, tiến tới xây dựng Thẻ công dân điện tử để xây dựng Chính phủ điện tử. Cách tốt nhất là thống nhất Bộ Công an quản lý về mã số định danh cá nhân. Công dân sinh ra cần được cấp Thẻ công dân điện tử ngay, thực chất nó là thẻ căn cước; đến 14 tuổi chỉ tích hợp ảnh vào để nhận dạng; 10 năm sau cập nhật ảnh khác mà không phải đổi thẻ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đề nghị phải rà soát, đối chiếu với các luật có liên quan, nhất là Luật Căn cước công dân, Luật Tổ chức HĐND… để quy định cho phù hợp. Đồng thời, thống nhất giữa Luật Hộ tịch và Luật Căn cước công dân đối với nội dung cấp Thẻ công dân điện tử cho công dân ở thời điểm nào?
Trước đó, UBTVQH cũng đã cho ý kiến Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của QH.
Theo Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2014, dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) dự kiến trình QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 và thông qua tại kỳ họp thứ 8, dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương dự kiến trình QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8. Đến nay, Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình hai dự án này trong một kỳ họp QH khác.
Tính đến ngày 30/3/2014, Ủy ban Pháp luật của QH đã nhận được đề nghị Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2015 gồm 94 dự án Luật (theo phương án 1) và 90 dự án Luật (theo phương án 2) của Chính phủ. Nhiều ý kiến cho rằng, số lượng dự án Luật là quá lớn, trong đó, có nhiều dự án mới chưa có trong Chương trình khóa XIII. Như vậy là vượt quá khả năng chuẩn bị cũng như quỹ thời gian của các cơ quan liên quan và khả năng xem xét, thông qua của QH.
Đáng chú ý, trong Chương trình năm 2015, Chính phủ đề xuất QH phương án tổ chức thêm một kỳ họp chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật (khoảng 10 đến 15 ngày vào cuối tháng 7/2015). Theo phương án này, tổng số các dự án Luật, Pháp lệnh mà Chính phủ phối hợp chỉnh lý, trình trong năm 2015 là 38 dự án.