Bi kịch sau màn xin “tái hôn” bất thành

Ký sự pháp đình - Ngày đăng : 08:45, 06/12/2018

Bi kịch của gia đình bị cáo Đổng Hữu Trọng (SN 1971, quê Tây Ninh) được “tái hiện” qua phiên tòa sơ thẩm được TAND tỉnh Tây Ninh xét xử công khai. Người bị hại trong vụ án là chị Trương Thị Thúy Lan (SN 1973), người từng “môi kề má ấp” với bị cáo.

Theo lời khai của Đổng Hữu Trọng tại phiên tòa: Trọng và Lan là vợ chồng, từng có giai đoạn hạnh phúc, làm ăn thuận lợi và có 2 con chung. Tuy nhiên, năm 2017, mối quan hệ giữa vợ chồng Trọng rạn nứt do làm ăn thua lỗ phải bán nhà để trả nợ. Ngoài việc kinh doanh bết bát, Trọng khai nhận mâu thuẫn vợ chồng ngày càng trầm trọng do vợ có biểu hiện quan hệ tình cảm với người đàn ông khác. Họ không thể vượt qua được sóng gió nên đã đề nghị Tòa án xin ly hôn. Ngày  21/11/2017, gia đình Trọng “tan đàn xẻ nghé” khi Tòa ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn.

Tuy chỉ mới học hết lớp 4 và đi làm mướn kiếm sống nhưng Trọng thuê nhà trọ, nhận nuôi cả hai con, còn chị Lan về sống với cha mẹ ruột ở tỉnh Long An. Đến ngày 3/12/2017, Trọng chuẩn bị đi làm thuê ở tỉnh Bình Phước, cháu lớn đi làm công nhân ít về nhà nên con nhỏ của Trọng điện thoại cho mẹ về nhà trọ để chăm sóc. Chị Lan đồng ý lên nhà trọ ở cùng con. Khoảng 20 giờ tối 4/12/2017, Trọng thấy buồn cảnh “gà trống nuôi con” nên đặt vấn đề với chị Lan cùng bỏ qua chuyện cũ, hàn gắn lại cuộc sống vợ chồng để lo cho các con.

Chị Lan “bác” đề xuất của Trọng khiến hai người lời qua tiếng lại dẫn đến việc gây gổ, đánh nhau và được các con can ngăn. Sau đó, chị Lan và cháu nhỏ lên gác nhà trọ ngủ, còn Trọng chuẩn bị đồ để hôm sau đi làm thuê rồi lên gác ngủ chung.

Trọng khai tại Tòa: "Đến khoảng hơn 4 giờ sáng 5/12/2017, bị cáo trở mình quơ tay trúng vào người vợ cũ, lập tức chị Lan thức giấc và chửi bị cáo: “Đồ bẩn thỉu, đừng đụng vào người tao”. Lời nói đó khiến bị cáo tức giận bỏ xuống gác, mở cửa ra phía trước nhà trọ".

Trọng chợt nhìn thấy con dao dưới bàn thờ, do ám ảnh bởi lời nói cộng với sự tức giận kìm nén lâu nay, Trọng liền lấy con dao lên gác với mục đích sát hại vợ cũ rồi tự sát. Trọng bất ngờ tấn công khiến chị Lan không kịp chống đỡ, khi con gái của bị cáo thức dậy đã can ngăn nhưng Trọng vẫn quyết tâm thực hiện hành vi phạm tội đến cùng. Biết vợ cũ đã chết, Trọng lấy sợi dây dù dài khoảng 2m cột vào cây đòn tay trần nhà treo cổ tự tử. Tuy nhiên, con Trọng kêu cứu nên hàng xóm cùng khu nhà trọ đã chạy đến kịp thời ôm giữ và đưa bị cáo xuống đất. Sau khi tỉnh lại, Trọng đến Công an thị trấn đầu thú.

Kết quả giám định cho thấy Trọng ra tay quá tàn khốc khi có 25 vết thương trên cơ thể bị hại. Trọng khai nhận toàn bộ hành vi tại phiên tòa và chỉ xin giảm nhẹ hình phạt để sớm được về chăm sóc các con nhỏ. Nhìn cảnh bố mẹ vợ đã ngoài 80 tuổi phải lọ mọ ra tòa với tư cách đại diện hợp pháp người bị hại và xin không bồi thường thiệt hại, những người dự khán không khỏi ngậm ngùi.

HĐXX đã phân tích, làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo Đổng Hữu Trọng là nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm phạm đến tính mạng của người khác được pháp luật bảo vệ, gây đau thương, mất mát cho gia đình nạn nhân. Đáng nói, những người trực tiếp chịu ảnh hưởng do bi kịch Trọng gây ra lại chính là hai người con chung của bị cáo và bị hại, làm ảnh hưởng đến đạo đức của xã hội, gây mất trật tự trị an tại địa phương.

Vị Thẩm phán nhận định: Giữa bị cáo và bị hại từng có mối quan hệ vợ chồng, đã có với nhau 2 người con. Lẽ ra bị cáo phải bảo vệ người đã từng là vợ, là mẹ 2 đứa con của mình và cùng với bị hại chăm sóc tốt cho các con. Ngược lại, chỉ vì tức giận khi nghe bị hại chửi, bị cáo đã thực hiện hành vi dùng dao đâm nhiều nhát vào người bị hại, kết quả giám định cho thấy 25 vết thương thể hiện rõ tính chất côn đồ của bị cáo, cần xử lý nghiêm để đảm bảo tính răn đe giáo dục và phòng ngừa chung.

Sau khi cân nhắc các tình tiết, HĐXX tuyên phạt Đổng Hữu Trọng 20 năm tù về tội “Giết người”. Nhận hình phạt nghiêm khắc, có lẽ Trọng sẽ vô cùng thấm thía vì sai lầm nhất thời của bản thân. Sự bình yên cuộc sống, tương lai các con nhỏ đã bị chính Trọng hủy hoại vì sự nông nổi, cạn nghĩ. Giá như Trọng đừng ích kỷ và nhẫn tâm, có thể bi kịch đau lòng đã không xảy ra...

(Tên người bị hại đã được thay đổi).

An Dương