Hội thảo “Chiến lược phát triển công nghiệp du lịch tàu biển Việt Nam”

Chính trị - Ngày đăng : 20:44, 16/04/2014

Sáng ngày 16/4, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), Hiệp hội Du thuyền Châu Á và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp tổ chức Hội thảo "Chiến lược phát triển công nghiệp du lịch tàu biển Việt Nam".

Đến dự Hội thảo có ông Hồ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL; ông Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Bộ Giao thông-Vận Tải; ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch. Về phía khách mời quốc tế có ông Daniel G.Corpuz, Thứ trưởng Bộ Du lịch Philippine; ông Kevin Leong, Chủ tịch Hiệp hội du thuyền Châu Á (ACA - Singapore) và các tổ chức, hiệp hội tàu biển quốc tế. Về phía địa phương có ông Nguyễn Văn Cao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Phan Công Tuyên, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở VHTT&DL cùng đại diện lãnh đạo các cảng vụ hàng hải và các hãng tàu biển Việt Nam.

Hội thảo “Chiến lược phát triển công nghiệp du lịch tàu biển Việt Nam”

Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu khai mạc Hội thảo

Việt Nam có nguồn tài nguyên biển phong phú và đa dạng, có hàng chục cảng biển lớn nhỏ trải dài trên hơn 3260km bờ biển với 39 cụm cảng. Du lịch tàu biển là loại hình du lịch tiềm năng, phát triển du lịch tàu biển là một chiến lược quan trọng trong quá trình phát triển du lịch, góp phần quảng bá các giá trị văn hóa, hình ảnh về vùng đất, con người Việt Nam đến với du khách quốc tế. Sự phát triển của ngành công nghiệp du thuyền đang tạo ra những lợi ích rất lớn như doanh thu được tạo ra từ những chuyến tàu và du khách, một thị trường việc làm rộng lớn cho cả trên bến dưới thuyền, những lợi ích lan tỏa đến các ngành kinh tế khác như GTVT, ngân hàng, nông nghiệp, ngư nghiệp, dệt may, thủ công mỹ nghệ...

Hội thảo “Chiến lược phát triển công nghiệp du lịch tàu biển Việt Nam”

Ông Hồ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại buổi lễ, ông Hồ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL cho biết: Trung bình cứ 100 km2 đất liền ở Việt Nam có 1 km bờ biển (thế giới trung bình cứ 600 km2 đất liền mới có 1 km2 bờ biển) nhưng tại sao lượng khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường biển lại thấp, trong khi du lịch tàu biển là một trong những loại hình có tốc độ tăng trưởng nhanh về số lượng khách, chất lượng phục vụ và quy mô các hãng tàu với lượng khách đạt khoảng 21 triệu lượng năm 2013. Trong khi Châu Á được đánh giá là khu vực đầy tiềm năng cho phát triển du lịch tàu biển nhưng ở nước ta, thực tế bến khách chuyên dụng khách du lịch quốc tế chỉ đếm trên đầu ngón tay với cơ sở hạ tầng rất nghèo nàn, chưa có một cảng tàu du lịch chuyên dụng có quy mô khu vực, cũng như chưa có những sản phẩm du lịch biển đảo đặc sắc có tính cạnh tranh cao trong khu vực quốc tế, thiếu phân khúc sản phẩm, thị trường, thiếu sự điều tiết chung được nhận thấy rõ ràng trong dải du lịch biển miền Trung.

Hội thảo “Chiến lược phát triển công nghiệp du lịch tàu biển Việt Nam”

Ông Kevin Leong, Chủ tịch Hiệp hội du thuyền Châu Á phát biểu tại Hội thảo.

Hội thảo gồm 19 tham luận của các tác giả trong nước và quốc tế, tập trung chủ yếu vào hai nội dung cơ bản: "Những vấn đề chung về công nghiệp du lịch tàu biển" và "Thế mạnh và định hướng phát triển loại hình du lịch tàu biển ở các địa phương Việt Nam". Trong đó, có báo cáo quan trọng của ông Kevin Leong tái hiện lại bức tranh toàn cảnh về sự phát triển của nghành công nghiệp du thuyền khu vực Châu Á. Đặc biệt trong năm 2013, với những số liệu mới nhất minh chứng cho sự tăng trưởng bền vững của ngành công nghiệp này bất chấp những khủng hoảng kinh tế tài chính những năm gần đây. Mặc dù không so sánh số liệu chính xác về doanh thu, về những lợi ích mà ngành công nghiệp này mang lại cho cách hãng tàu thuyền, những đổi mới về công nghệ và dịch vụ, sự ra đời một thế hệ mới các con tàu hiện đại. Tất cả điều đó nhằm đáp ứng những nhu cầu tốt nhất cho du khách đã cho chúng ta nhìn thấy một khoảng cách không nhỏ giữa khu vực và Việt Nam trong phát triển du lịch tàu biển.

Tỉnh Thừa Thiên Huế tham gia 8 tham luận, trong đó tham luận của ông Nguyễn Văn Cao với chủ đề "Tầm nhìn Chân Mây" đã nêu bật vị trí của cảng Chân Mây là một trong 46 cảng dừng chân xung quanh khu vực Đông Nam Á, thu hút hàng chục dự án đầu tư lớn và là cảng giàu tiềm năng, có điều kiện để phát triển công nghiệp du thuyền, đáp ứng sự phát triển của vùng trọng điểm du lịch miền Trung. Ông Cao khẳng định, việc xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối phù hợp, hòa vào mạng lưới sâu rộng của các cảng biển sẽ thúc đẩy tăng trưởng của ngành du lịch tàu biển cùng với khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, còn có một số tham luận tiêu biểu của các ông Nguyễn Văn Công, Phan Công Tuyên, John F.Tercek...

Hội thảo đã chỉ ra những hạn chế của công nghiệp du lịch tàu biển Việt Nam so với nhiều nước trong khu vực như: hệ thống cơ sở hạ tầng, sản phẩm du lịch, công tác xúc tiến quảng bá, tiếp cận thị trường còn thiếu và yếu. Đồng thời đưa ra những giải pháp nhằm thúc đẩy tiến trình phát triển của ngành công nghiệp du lịch tàu biển như vấn đề đầu tư phát triển các cảng chuyên dụng. Bộ GTVT đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch phát triển cảng biển Việt Nam giai đoạn 2020 và xây dựng các đề án, các văn bản quy phạm pháp luật để xây dựng cơ chế phù hợp, thu hút các nhà đầu tư tham gia vào đầu tư cảng biển, đội tàu biển nói chung, đội tàu khách nói riêng. Công tác xiết chặt hoạt động vận tải và cải cách thủ tục hành chính tại cảng biển những năm gần đây cũng được đẩy mạnh nhằm mục đích tạo ra một môi trường pháp lý minh bạch để các doanh nghiệp có thể đầu tư dài lâu. Qua đó, chất lượng dịch vụ cũng được nâng cao, đáp ứng được nhu cầu của xã hội.

Hội thảo “Chiến lược phát triển công nghiệp du lịch tàu biển Việt Nam”

Hội thảo “Chiến lược phát triển công nghiệp du lịch tàu biển Việt Nam”

Hội thảo thu hút sự quan tâm của nhiều diễn giả trong và ngoài nước

Hội thảo diễn ra trong khuôn khổ Festival Huế lần thứ 8 có ý nghĩa hết sức đặc biệt nhằm đánh giá về tiềm năng, thực trạng, tình hình phát triển công nghiệp du thuyền Việt Nam, rút ra những bài học kinh nghiệm, những giải pháp phát triển du lịch tàu biển của đất nước trong thời gian sắp tới. Đồng thời, đây là cơ hội để quảng bá về một tiềm năng mới trong chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đối với trong nước và quốc tế. Hội thảo không những được giới chuyên môn về lĩnh vực phát triển công nghiệp du thuyền trong nước chú ý mà còn được lãnh đạo các Bộ, ngành TW và các địa phương có thế mạnh về du lịch tàu biển hết sức quan tâm.

Hội thảo sẽ tiếp tục diễn ra vào ngày 17/4 với các hoạt động như: Khảo sát cảng Chân Mây - Lăng Cô, khảo sát khu du lịch Laguna và sân golf18 lỗ, khảo sát khu du lịch nước khoáng nóng Mỹ An.

Hoa Đông - Hồng Nguyên