Đại án OceanBank: "Sơn không thể là chủ thể của tội Tham ô"
Ký sự pháp đình - Ngày đăng : 13:32, 15/09/2017
Luật sư Nguyễn Thị Minh Phương nói, theo căn cứ diễn biến mới nhất, Bộ Công an vừa khởi tố 3 vụ án hình sự lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro (VSP); Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR); Tổng công ty Thăm dò khai thác Dầu khí (PVEP) và khởi tố bổ sung đối với bị can Ninh Văn Quỳnh. Trong 3 vụ án vừa bị khởi tố có đến 2 vụ xảy ra ở 2 doanh nghiệp Vietsovpetro và Lọc hóa dầu Bình Sơn, nơi Sơn khai rằng trước đó có đưa tiền chi chăm sóc khách hàng cho một số cán bộ ở đây.
Luật sư Phương tiếp tục đưa quan điểm, Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) với số tiền gửi lớn tại Oceanbank thì liệu có nhận được tiền chăm sóc khách hàng của ngân hàng này hay không, trong khi nhiều công ty con của tập đoàn này nhận được. Nữ luật sư băn khoăn và đặt ra câu hỏi vì sao Bộ Công an phải khởi tố vụ án hình sự lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại 3 công ty liên quan đến ngành dầu khí?
Vị luật sư này tiếp tục cho rằng HĐXX cần phải trả hồ sơ vụ án đề điều tra bổ sung. Theo luật sư Phương, trong thời gian bị cáo buộc phạm vào tội Tham ô tài sản, bị cáo Sơn không phải là Chủ tịch thành viên của PVN, không được giao quản lý vốn, không điều hành PVN, mà “Đây là quyền hạn của hội đồng thành viên PVN và không có Sơn trong đó".
Luật sư Nguyễn Thị Minh Phương, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn
Luật sư Phương đặt câu hỏi rằng dựa vào căn cứ nào để cáo buộc Nguyễn Xuân Sơn quản lý tài sản và rút tiền của Oceanbank. "Sơn không thể là chủ thể của tội Tham ô", nữ luật sư nêu quan điểm.
Cùng tiếp tục bào chữa cho thân chủ của mình về cáo buộc chiếm đoạt số tiền 69 tỷ đồng thông qua Công ty BSC và 167/246 tỷ đồng do Hà Văn Thắm đưa chi đối ngoại cho PVN, luật sư Phương nêu nhiều dẫn chứng, quan điểm cho rằng các cáo buộc mà cáo trạng nêu chưa chính xác.
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp tiếp tục bào chữa cho bị cáo Hà Văn Thăm, ông đưa ra quan điểm với 2 tội danh: Tham ô và Lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản (2 tội danh còn lại đã được luật sư bào chữa trong phiên tòa sáng 14/9).
Mở đầu cho phần bào chữa của mình, luật sư Thiệp bày tỏ sự ngỡ ngàng. Bởi theo quan điểm pháp lý, những chứng cứ buộc tội chưa đủ căn cứ, còn mâu thuẫn và bất cập; đó là việc quy kết vội vàng có thể không tránh khỏi oan sai.
Theo quan điểm của luật sư Thiệp, cáo trạng quy kết Thắm là đồng phạm giúp sức cho Sơn nên việc bào chữa cho bị cáo Sơn cũng là đang bào chữa cho Hà Văn Thắm. Nếu Nguyễn Xuân Sơn không phạm tội thì Thắm mặc nhiên không phạm tội.
Vị luật sư này phân tích: “Trong phiên xét hỏi, Sơn khai nhận tiền để chi chăm sóc khách hàng thì hành vi này trở về giống hành vi Cố ý làm trái của các bị cáo khác. Về hành vi chi lãi ngoài, bị cáo Sơn đã nhận. Tuy nhiên, đó là chủ trương chung, lợi ích chung mà không gây thiệt hại cho tổ chức mình đang phục vụ. Lời khai của Sơn đã thay đổi tại tòa nhưng sao không xem xét cho bị cáo để đảm bảo đúng căn cứ pháp lý”, luật sư phân tích.
Theo luật sư Thiệp, bị cáo Sơn không chiếm đoạt, thậm chí không thể chiếm đoat, đặc biệt là 49 tỷ đồng của PVN. Dưới góc độ tài chính, số liệu này đã khách quan, phù hợp với kinh doanh của doanh nghiệp hay chưa? Bản thân PVN là nguyên đơn dân sự cũng không tự xác định được mình có bị chiếm đoạt hay không, không có đơn yêu cầu bồi thường. Khi được xác định là nguyên đơn dân sự, PVN cũng chỉ yêu cầu HĐXX căn cứ theo quy định của pháp luật. Đối với số tiền này, không đủ cơ sở nói Sơn chiếm đoạt của PVN.
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp, bào chữa cho bị cáo Hà Văn Thắm
Trong phần bào chữa của mình, luật sư Nguyễn Minh Phương bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn cũng đề nghị trả hồ sơ điều tra lại tội danh cho Sơn khi cáo trạng đã vội vàng kết luận tội danh. Điều này có phải là đang chấp nhận những lời bác bỏ nhận tiền của các lãnh đạo doanh nghiệp mà Sơn chi chăm sóc khách hàng?
Bị truy tố là đồng phạm với Nguyễn Xuân Sơn, luật sư Thiệp nhấn mạnh: “Hồ sơ không làm rõ được việc Sơn có chiếm đoạt tiền của PVN hay không nên không đủ căn cứ để xác định Thắm chung ý chí với Sơn về hành vi chiếm đoạt 246 tỷ đồng. Về việc huy động tiền gửi, đó là chủ trương chung, không riêng gì khách hàng PVN”.
Đưa ra lời bào chữa cho thân chủ, luật sư Thiệp phân tích, với cổ phần trong OceanBank gần 63% thì Thắm đã giúp sức cho Sơn chiếm đoạt 155 tỷ đồng của chính mình, trong số 246 tỷ đồng đưa cho Sơn để chi ngoài lãi suất tiền gửi của PVN là không có căn cứ: “Người không bị điên, không bao giờ làm điều này; không bao giờ tự mang tiền của mình đưa cho người khác chiếm đoạt”.
Nói về khoản tiền 69 tỷ đồng thu phí qua BSC, luật sư cho rằng khách hàng ký hợp đồng dịch vụ với BSC là những khách hàng không đủ điều kiện giao dịch với ngân hàng, đương nhiên khách hàng phải trả chi phí dịch vụ. Nếu không thông qua BSC thì khách hàng phải thông qua các công ty khác. Không thể cho rằng phí của các công ty khác là hợp pháp mà phí BSC lại là bất hợp pháp khi coi BSC là công ty “sân sau” của bị cáo Thắm. Phải làm rõ BSC có phải là sở hữu của OceanBank hay không?
Luật sư Thiệp giải thích, BSC là doanh nghiệp có tư cách pháp nhân độc lập, Hà Văn Thắm là chủ sở hữu nên Thắm có quyền sử dụng vốn. Nếu là thiệt hại của BSC thì đó cũng là thiệt hại của chính Thắm.
“Trong sự việc này, việc Sơn chiếm đoạt đã gây thiệt hại cho chính Thắm. Trong 69 tỷ đồng chiếm đoạt có 68,9 tỷ đồng là của BSC, hơn 500 triệu đồng là của Hà Văn Thắm nhưng cáo trạng quy kết số tiền 68,9 tỷ đồng này cũng không chính đáng. Nếu đây là doanh thu, BSC phải nộp thuế… vì thế, BSC không thể còn nguyên 68,9 tỷ đồng. Vì vậy, phần tiền chuyển cho Sơn, Thắm đều tự lo và là tiền cá nhân nên hành vi đồng phạm, chiếm đoạt tiền của chính mình là không thể xảy ra”, luật sư Nguyễn Huy Thiệp phân tích.
Phiên tòa sẽ tiếp tục được làm việc trở lại vào 14h chiều nay.