Vụ án bắt người đòi nợ chuẩn bị đưa ra xét xử lại
Ký sự pháp đình - Ngày đăng : 09:13, 03/08/2017
Đây là vụ án được dư luận quan tâm vì Bản án phúc thẩm của TAND cấp cao tại TP HCM đã hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra lại vì có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Bắt người đòi nợ…
Theo Bản án phúc thẩm số 483 ngày 7/10/2015 của TAND cấp cao tại TP HCM, bà Nguyễn Thị Phương Nam và Lê Thị Thảo quen biết với nhau từ năm 2008 và nhiều lần mượn tiền qua lại. Năm 2010, bà Nam vay của Lê Thị Thảo 4,5 tỷ đồng với lãi suất 3%/tháng. Sau đó, Thảo nhiều lần đòi nợ nhưng bà Nam chỉ trả được 10.000 USD.
Cuối tháng 11/2010, Lê Thị Thảo đã điện thoại cho Trần Văn Miên (cư trú tại tỉnh Phú Thọ) nhờ Miên vào TP HCM để giúp Thảo đòi nợ bà Nam. Sau khi vào đến TP HCM, ngày 10/12/2010, bà Lê Thị Thảo, Trần Văn Miên cùng đồng bọn khống chế bắt giữ bà Nguyễn Thị Phương Nam và đưa đến nhiều điểm khác nhau tại TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai.
Trong một tuần lễ bị giam giữ, Miên yêu cầu bà Nam phải gọi điện thoại về gia đình lấy tiền trả cho bà Thảo, nếu không sẽ không được yên thân. Sợ hãi, bà Nam đã gọi điện thoại vay mượn người thân, bạn bè để trả cho Thảo 3,5 tỉ đồng.
Lợi dụng đang giữ bà Nam, Miên hăm dọa, buộc bà chuyển vào tài khoản riêng của mình 800 triệu đồng. Sau khi lấy được tiền, ngày 17/12/2010, Miên cùng đồng bọn đã thả bà Nam.
Hành vi của Trần Văn Miên bị TAND TP HCM xử phạt 1 năm tù về tội “Bắt giữ người trái pháp luật” và 12 năm tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Miên kháng cáo xin giảm nhẹ phạt đối với tội “Bắt giữ người trái pháp luật”, yêu cầu tuyên bố bị cáo không phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản” và không đồng ý bồi thường 800 triệu đồng cho bà Nam. Còn bị hại là bà Nguyễn Thị Phương Nam có đơn kháng cáo yêu cầu hủy án sơ thẩm để điều tra, truy tố và xét xử lại.
Đối với kháng cáo của Miên, Bản án phúc thẩm của TAND cấp cao tại TP HCM nhận định, hành vi của Trần Văn Miên có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm. Tòa án cấp sơ thẩm quy kết bị cáo Miên phạm hai tội “Bắt giữ người trái pháp luật” và “Cưỡng đoạt tài sản” là có căn cứ, đúng pháp luật, không oan cho bị cáo.
Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm
Tuy nhiên, Bản án phúc thẩm còn nhận định, theo kết luận điều tra, điều tra bổ sung, cáo trạng và bản án sơ thẩm đều xác định diễn biến hành vi của bị cáo Miên và một số người liên quan (trong đó có bà Lê Thị Thảo) trong việc bắt giữ bà Nam để ép bà phải vay tiền người khác chuyển trả nợ cho bà Thảo. Trong suốt quá trình điều tra cũng như tại các phiên tòa, bị cáo Miên đều khai thống nhất bị cáo thực hiện hành vi trên là theo yêu cầu của bà Lê Thị Thảo, giữa bị cáo Miên và bị hại hoàn toàn không quen biết hoặc có giao dịch gì trước.
Bị cáo Miên và bị hại khai trong thời gian giam giữ bà Nam ở nhiều nơi luôn có mặt bà Thảo, theo yêu cầu của bị cáo, bà Nam đã vay và nhờ người chuyển tiền cho bà Lê Thị Thảo nhận 2 lần tổng cộng 3,5 tỷ đồng. Bà Thảo cũng có lời khai thừa nhận việc này nhưng cho rằng chỉ nghĩ là bà Nam trả nợ thông thường, không biết việc bà Nam bị bắt giữ.
Như vậy, mặc dù bà Thảo không thừa nhận hành vi trong việc bắt giữ người nhưng căn cứ lời khai của bị cáo, người bị hại và các chứng cứ liên quan đến việc chuyển tiền như kết luận điều tra, cáo trạng đã nêu thì có cơ sở xác định bà Thảo có tham gia vào việc bắt giữ người trái pháp luật và cưỡng đoạt tài sản cùng với bị cáo Miên. Cơ quan điều tra và VKS cho rằng chỉ có lời khai của bị cáo Miên và lời khai của người bị hại không đủ căn cứ xử lý hình sự đối với hành vi của bà Thảo nên không khởi tố, truy tố là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Sau khi nhận định về kết luận điều tra và cáo trạng loại bỏ trách nhiệm những người liên quan là lọt người, lọt tội nên, TAND cấp cao tại TP HCM chấp nhận kháng cáo của bị hại, hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra lại.
Sau khi trả hồ sơ điều tra lại, ngày 30/5/2017, VKSNDTC ra Cáo trạng số 16 quyết định truy tố ra trước TAND TP HCM để xét xử đối với Trần Văn Miên về tội “Bắt giữ người trái pháp luật” theo khoản 1 Điều 123 BLHS và tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo khoản 4 Điều 135 BLHS; Lê Thị Thảo, Nguyễn Anh Đức về tội “Bắt giữ người trái pháp luật” theo khoản 1 Điều 123 BLHS.
Luật sư Nông Minh Đức ( Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng, việc Lê Thị Thảo và đồng bọn tự ý tổ chức thực hiện bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản để giải quyết nợ nần là hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật hình sự, đây là nhóm đồng phạm phạm tội có tổ chức nhưng Trần Văn Miên, Lê Thị Thảo, Nguyễn Anh Đức chỉ bị khởi tố, truy tố theo khoản 1 Điều 123 BLHS là không thỏa đáng. Bên canh đó, việc không khởi tố, không truy tố Lê Thị Thảo đối với hành vi cưỡng đoạt tài sản là có dấu hiện bỏ lọt tội phạm như nhận định của Bản án phúc thẩm số 483 ngày 7/10/2015 của TAND cấp cao tại TP HCM.