Năm 2014, ngành Giáo dục đổi mới như thế nào?
Chính trị - Ngày đăng : 13:06, 26/02/2014
Đó là: Đổi mới tư duy nhận thức là khâu khởi đầu, đổi mới quản lý là giải pháp then chốt và đổi mới thi cử là khâu đột phá. Là lĩnh vực gắn trực tiếp với đời sống người dân nên mỗi quyết định của Bộ này đều được người dân quan tâm đặc biệt…
Năm 2013: Nhiều dấu ấn quan trọng
Ngành Giáo dục đã bước qua năm 2013 với nhiều dấu ấn, trong đó quan trọng nhất là việc ngày 4/11, Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Tuy Nghị quyết được ban hành vào cuối năm nhưng ngành đã kịp có nhiều hoạt động khởi đầu cho những đổi thay. Những đổi thay ấy dự kiến sẽ còn diễn ra mạnh mẽ hơn vào năm 2014 bởi đây là năm đầu tiên ngành chính thức đưa Nghị quyết vào cuộc sống.
Để có được quyết định ban hành của Trung ương Đảng, ngành Giáo dục đã kết hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chuẩn bị đề án từ năm 2012 với rất nhiều lần sửa chữa, hoàn thiện.
Theo Nghị quyết, giáo dục sẽ lấy học sinh làm trung tâm, chuyển từ truyền thụ kiến thức sang dạy người với mục tiêu giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân. Giới chuyên môn cho rằng nếu thực hiện đúng tinh thần nghị quyết, đây sẽ thực sự là một cuộc cải cách và sẽ mang lại một diện mạo mới cho giáo dục nước nhà, một tương lai mới cho nguồn nhân lực Việt. Và vì thế, nó được coi là đề án giáo dục được kỳ vọng nhất từ trước tới nay.
Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, ngành đã có nhiều hoạt động tích cực để triển khai đổi mới giáo dục như dự thảo cho các trường đại học được tự chủ tuyển sinh, đưa lộ trình kết thúc thi đại học ba chung vào năm 2016. Bộ cũng công bố dự thảo thay đổi thi tốt nghiệp trung học phổ thông, theo đó sẽ có khoảng 20% học sinh có thành tích học tập tốt được miễn thi, số môn thi cũng rút xuống còn 4 môn thay vì 6 môn như hiện nay… Những thay đổi này nhằm tạo một kỳ thi gọn nhẹ hơn, thực chất hơn đồng thời thực hiện đúng Luật Giáo dục đại học.
Tuy còn nhiều ý kiến trái chiều xung quanh những dự thảo này và lãnh đạo Bộ cũng cho biết sẽ lắng nghe, tiếp thu để hoàn thiện hơn, nhưng điều đó cũng cho thấy Bộ đã bắt tay ngay vào thực hiện những đổi mới, trong đó đầu tiên là đổi mới thi cử, vấn đề được Nghị quyết coi là giải pháp đột phá.
Năm 2013, ngành giáo dục còn có hàng loạt những đổi mới trong cách dạy và học như nhân rộng mô hình trường tiểu học mới lên đến trên 1.400 trường, triển khai công nghệ giáo dục môn tiếng Việt lớp một đến 37 tỉnh thành và bắt đầu thí điểm ở lớp hai. Ngành khuyến khích bỏ chấm điểm đối với học sinh lớp một để giảm áp lực học hành cho các em.
Tuy nhiên, 2013 cũng cho thấy nhiều lỗ hổng trong ngành như việc tiếp tục xảy ra tiêu cực trong thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Giáo dục mầm non tiếp tục báo động đỏ với hàng loạt vụ việc thương tâm.
Năm 2014, ngành Giáo dục xác định đổi mới tư duy nhận thức là khâu khởi đầu
Đổi mới giáo dục: Xác định xong thế “kiềng ba chân”
Năm mới 2014, ngành Giáo dục đã xác định thế kiềng ba chân trong đổi mới giáo dục: Đổi mới tư duy nhận thức là khâu khởi đầu, đổi mới quản lý là giải pháp then chốt và đổi mới thi cử là khâu đột phá.
Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, để thực hiện thành công đổi mới giáo dục lần này, lãnh đạo Bộ cho rằng, đổi mới tư duy, đổi mới nhận thức là khâu khởi đầu và theo tôi, có ý nghĩa rất quan trọng, thậm chí là yếu tố quyết định thành công của công cuộc đổi mới. Bởi vì, nếu không có nhận thức mới, không có tư duy phù hợp thì không thể có chương trình, kế hoạch chuẩn xác để triển khai được.
Bộ xác định đổi mới quản lý là giải pháp then chốt. Bởi vì đổi mới giáo dục và đào tạo không phải là việc của riêng Bộ Giáo dục - Đào tạo hay Bộ trưởng, mà là của gần 2 triệu thầy cô giáo, của 20 triệu học sinh, sinh viên. Trên thực tế, tất cả các ngành, các cấp, cả xã hội sẽ cùng với ngành Giáo dục thực hiện công cuộc đổi mới giáo dục dưới sự lãnh đạo của Đảng. Như vậy, đòi hỏi phải có sự chỉ đạo, phối hợp rất ăn khớp và đồng bộ.
Trong nội bộ ngành Giáo dục, lãnh đạo Bộ xác định, đổi mới thi cử là khâu có ý nghĩa đột phá vì các lý do sau: Thứ nhất, nền giáo dục của chúng ta hiện nay đang nặng về ứng thí, đổi mới thi cử sẽ dẫn ngay đến đổi mới trong nội dung, phương pháp học và dạy. Đổi mới thi cử không là mục tiêu cuối cùng, nhưng nếu làm tốt sẽ làm lay chuyển các khâu xung yếu khác, dẫn đến sự thay đổi trong cả hệ thống và sẽ tạo ra những thay đổi về chất. Thứ hai, thi cử đang là một khâu gây nhiều bức xúc, được cả xã hội quan tâm. Thứ ba, nếu chuẩn bị chu đáo thì chúng ta có thể thực hiện được ngay đổi mới thi cử, đảm bảo được yếu tố chắc thắng mà không cần phải đầu tư nhiều kinh phí, cơ sở vật chất...
Theo đó trong năm 2014, ba việc ưu tiên lớn nhất là: Thứ nhất là thiết kế xong chương trình, trên cơ sở đó biên soạn sách giáo khoa phổ thông; thứ hai, thay đổi đào tạo của các trường sư phạm và thứ ba, tìm mọi cách nâng cao chất lượng của giáo dục đại học, theo hướng tăng cường kỹ năng mềm, kỹ năng sáng tạo cho học sinh, sinh viên.
Chương trình, sách giáo khoa mới phải lấy sự phát triển phẩm chất, năng lực người học làm trung tâm chứ không phải logic khoa học như trước đây. Tuy nhiên, không ít ý kiến lo ngại về việc “bình cũ” thì liệu “rượu có mới” khi các chuyên gia viết sách hầu hết vẫn là những giáo sư lâu năm trong ngành. Giáo sư Đinh Quang Báo, một trong những thành viên biên soạn cũng thừa nhận: “Phải thay đổi trong nhận thức của người làm chương trình, của người biên soạn sách giáo khoa thì họ mới có thể xây dựng được nội dung mới. Tuy nhiên, điều đó là rất khó. Hiện đội ngũ các nhà biên soạn sách ở Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu này”.
Thay đổi trong đào tạo của các trường sư phạm càng là bài toán khó khi phải có chương trình, sách giáo khoa mới để đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu mới. Việc quy hoạch các trường sư phạm, quy hoạch nguồn nhân lực sư phạm cũng đang là vấn đề chưa giải quyết được của ngành, khiến cho sinh viên ra trường không có chỗ đứng trên bục giảng, chưa nói đến chất lượng đào tạo.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển, Bộ sẽ sắp xếp lại mạng lưới đào tạo sư phạm, có thể đưa trường sư phạm khu vực thành những “máy cái”. Các giáo viên đang dạy cũng sẽ được rà soát toàn bộ để có thể tổ chức bồi dưỡng. Những giáo viên không đủ năng lực đứng lớp sẽ xem xét chuyển công tác khác. “Đây là công việc rất bộn bề”, Thứ trưởng Hiển chia sẻ.
Việc quan trọng thứ 3 là Bộ quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Đây cũng là bài toán không dễ giải khi đánh giá thực trạng của bậc học này năm 2013 của Bộ cho thấy điều kiện cơ sở vật chất và số lượng giảng viên của nhiều trường chưa đáp ứng với quy mô đào tạo.
Giáo dục là lĩnh vực gắn trực tiếp với đời sống người dân, là chủ đề chính trong từng bữa cơm gia đình nên từng bước đi của ngành trong năm mới 2014, năm đầu tiên ngành đưa Nghị quyết của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, sẽ được toàn xã hội dõi theo với nhiều hy vọng.