Phúc thẩm vụ án Vifon: Đại diện Công ty Vifon khẳng định số tiền 7,9 tỷ đồng là tiền của Vifon không phải của Nhà nước

Ký sự pháp đình - Ngày đăng : 22:23, 12/05/2014

Sáng ngày 12/5, Tòa phúc thẩm TANDTC tại Tp.Hồ Chí Minh đã mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án tham nhũng xảy ra tại Công ty Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Công ty Vifon).

Các bị cáo Nguyễn Bi (nguyên Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc) và Nguyễn Thanh Huyền (nguyên Kế toán trưởng, Phó giám đốc) kháng cáo kêu oan; Đàm Tú Liên (nguyên Kế toán trưởng), Dương Thị Mẫn (nguyên Kế toán thanh toán) và Ka Thị Thu Hồng (nguyên thủ quỹ) kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Riêng Công ty Vifon kháng cáo yêu cầu các bị cáo và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bồi thường số tiền trên 18 tỷ đồng.

Tại phiên khai mạc sáng nay, Bộ Công Thương tiếp tục từ chối là nguyên đơn dân sự trong vụ việc và khẳng định Nhà nước không bị thiệt hại trong vụ án này. Luật sư tham gia vụ xét xử đề nghị HĐXX hoặc là công bố công văn của Bộ Công Thương hoặc xem xét không có tội danh tham ô ở đây bởi Nhà nước khẳng định không bị thiệt hại.

Tuy nhiên, HĐXX cho rằng dù Bộ Công  Thương không tham gia phiên tòa sơ thẩm, cũng từ chối tư cách tố tụng của phiên tòa nhưng sau khi bản án sơ thẩm được tuyên Bộ này không kháng cáo về tư cách tham gia phiên tòa. Hơn nữa, thời điểm xảy ra vụ án là lúc Công ty đang có 100% vốn Nhà nước nên việc bản án sơ thẩm xác định Bộ Công Thương bị thiệt hại là chính xác, bởi vậy phiên tòa sẽ vẫn được tiếp tục.

Tại phiên tòa, bị cáo Huyền cho rằng mình không nhận tiền, không tham ô tiền từ Vifon. Tuy nhiên, về lập luận trên của bị cáo Huyền, HĐXX cho rằng Bộ Công Thương khẳng định không thiệt hại nhưng không có nghĩa là bị cáo Huyền không tham ô.

Phúc thẩm vụ án Vifon: Đại diện Công ty Vifon khẳng định số tiền 7,9 tỷ đồng là tiền của Vifon không phải của Nhà nước

Các bị cáo tại phiên toà

Tại phiên phúc thẩm sáng nay, HĐXX tiến hành xét hỏi và làm rõ hành vi của bị cáo Huyền về hai tội “Tham ô tài sản” 9,8 tỷ đồng và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” 1,3 tỷ đồng, theo đơn kháng cáo kêu oan của bị cáo. Bị cáo cho rằng không chiếm đoạt số tiền như tòa cấp sơ thẩm xác định, không chiếm đoạt 1,3 tỷ đồng của Công ty. Đối với tội Tham ô, Bộ Công Thương từ chối là nguyên đơn dân sự, tức là không có bị hại, nên không có thiệt hại xảy ra. Đồng thời bị cáo cũng là cấp dưới, chỉ làm theo sự chỉ đạo của Tổng Giám đốc.

Tuy nhiên, khi được mời lên chất vấn, bị cáo Nguyễn Bi phủ nhận lời khai này, cho rằng do tin tưởng bị cáo Huyền nên đã ký duyệt chi khống tiền thưởng và các giấy tờ liên quan trái pháp luật, không nhận tiền từ bị cáo Huyền.

Trong phần thẩm vấn buổi chiều, HĐXX, luật sư và kiểm sát viên làm rõ về khoản tiền 7,9 tỷ đồng mà Bộ Công nghiệp đồng ý cho Vifon trích thưởng. Bị cáo Huyền khai, khi Vifon cổ phần hóa, định giá tài sản là 48 tỷ đồng, đã bán và thu hồi vốn. Sau đó, Vifon đã tham gia liên doanh với ba công ty, phần vốn góp với hình thức góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất. Đến năm 2004, Vifon đã hoàn thành chuyển nhượng toàn bộ vốn cho đối tác nước ngoài. Sau khi nhận tiền hoàn vốn, Vifon đã thanh toán tiền thuê đất và các khoản khác cho Nhà nước, phần còn lại chuyển cho Bộ Công nghiệp. Bộ Công nghiệp giao lại cho Vifon 7,9 tỷ đồng để lập quỹ khen thưởng của công ty. Bị cáo Huyền khẳng định, số tiền 7,9 tỷ đồng là tiền của Công ty Vifon chứ không phải của Nhà nước.

Phúc thẩm vụ án Vifon: Đại diện Công ty Vifon khẳng định số tiền 7,9 tỷ đồng là tiền của Vifon không phải của Nhà nước

Các luật sư tham gia phiên toà

Bị cáo Nguyễn Bi cho rằng 7,9 tỷ đồng này được Bộ Công nghiệp cho phép trích làm quỹ khen thưởng của Công ty theo Quyết định khen thưởng số 01, sau khi trừ đi các chi phí. Trong đó, một phần dùng để thưởng cho lãnh đạo công ty đã có công trong việc liên doanh với đối tác đem lại lợi nhuận, phần còn lại là 2,3 tỷ đồng sẽ chi cho toàn thể cán bộ công nhân viên của Công ty Vifon. Như vậy, đây không phải phần vốn góp của Nhà nước. Bộ Công nghiệp cũng không có văn bản nào thu hồi khoản tiền này. Các bị cáo khác trong vụ án cũng khẳng định số tiền 7,9 tỷ đồng là tiền của Công ty Vifon.

Điều đáng lưu ý trong phần thẩm vấn buổi chiều, đại diện cho Công ty Vifon tiếp tục khẳng định số tiền 7,9 tỷ đồng là tiền của Công ty Vifon chứ không phải của Nhà nước. Bên cạnh đó, đại diện Công ty Vifon cũng xin rút yêu cầu đòi các bị cáo phải trả lãi suất 12%/năm của số tiền trên 18 tỷ đồng cho công ty.

Trước đó, trong phiên xử sơ thẩm, TAND Tp. Hồ Chí Minh tuyên phạt bị cáo Nguyễn Bi 22 năm tù về hai tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”; Nguyễn Thanh Huyền 30 năm tù về hai tội "tham ô tài sản" và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; Đàm Tú Liên  8 năm tù; Dương Thị Mẫn và Ka Thị Thu Hồng, mỗi bị cáo 7 năm tù cùng về tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ngày mai, phiên tòa sẽ tiếp tục thẩm vấn các bị cáo đối với tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Quang Trung