Khó "ghìm cương" lạm phát ở mức 17%

Chính trị - Ngày đăng : 10:47, 13/04/2012

Sáng 21/7, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã thay mặt Chính phủ trình bày Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước sáu tháng đầu năm, các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong 6 tháng cuối năm 2011.

Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng (ảnh: Việt Hưng).

Quyết giữ lạm phát 2012 ở mức một con số

Theo đó, sáu tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng GDP chỉ ở mức 5,57%, thấp hơn chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng năm 2011 đã được Quốc hội thông qua là 7 - 7,5%. Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng: tốc độ tăng trưởng cả năm cần phấn đấu đạt mức hợp lý là 6%, để đảm bảo nguồn lực cần thiết thực hiện các mục tiêu về an sinh xã hội và giải quyết việc làm, đồng thời tạo tiền đề phấn đấu năm 2012 đạt tốc độ tăng trưởng 6,5% và các năm tiếp theo ở mức cao hơn.

Ngược lại, mức lạm phất sáu tháng đầu năm mặc dù có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao. Cụ thể, CPI tháng 6/2011 tăng 13,29% so với tháng 12/2010, tăng 16% so với cùng kỳ 2010. Mức tăng này vượt gần gấp đôi mục tiêu mà Quốc hội thông qua (7%).

Theo Phó Thủ tưởng Nguyễn Sinh Hùng, nguyên nhân của lạm phát cao có yếu tố bên ngoài như giá lương thực, xăng dầu quốc tế tăng và tình hình lạm phát cao ở nhiều nước. Nguyên nhân bên trong được Phó Thủ tướng chỉ ra là do tác động của việc sử dụng gói kích thích kinh tế và việc tăng giá điện, xăng dầu, tăng lương cán bộ, công chức.

“Từ thực tế biến động giá 6 tháng đầu năm và xu hướng giá thế giới, cần kiên trì, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành và thực hiện các giải pháp kiềm chế, giảm dần lạm phát để CPI năm 2011 tăng ở mức 15 - 17%, phấn đấu để năm 2012 và các năm tiếp theo lạm phát ở mức thấp hơn, trở về mức một con số và thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế”, Phó Thủ tướng trình bày.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ở vị trí đại biểu QH (ảnh: Việt Hưng).

Ngoài ra, Chính phủ đặt chỉ tiêu kiểm soát tăng trưởng dư nợ tín dụng cả năm 2011 ở mức dưới 20%, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 15 - 16%; kiểm soát nhập siêu cả năm không quá 15 - 16% tổng kim ngạch xuất khẩu; giảm bội chị ngân sách xuống dưới 5% GDP.

Nhấn mạnh các giải pháp điều hành cho 6 tháng cuối năm, Phó Thủ tướng cam kết kiểm soát chặt thị trường, giá cả, chủ ộng ứng phó, không để xảy ra đột biến giá các mặt hàng thiết yếu. Giá điện, xăng dầu, than sẽ được điều hành theo cơ chế thị trường nhưng phục vụ mục tiêu kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội.

Chính sách thuế sẽ tiếp tục được điều chỉnh bổ sung theo hướng hạn chế nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ, hàng không thiết yếu. Kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu hàng tiêu dùng, đặc biệt là hàng ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường. Nhà nước đảm bảo đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt của người dân, đi đôi với tiết kiệm điện.

Chính phủ “thúc” QH duyệt thông qua phương án miễn, giảm, giãn thuế. Việc giãn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động dự kiến khoảng 6.900 tỷ đồng, sẽ thu bù vào năm 2012. Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các đối tượng được giãn; hộ gia đình cho thuê phòng trọ, trông giữ trẻ, cúng ứng suất ăn ca cho công nhân để giữ giá cung ứng các dịch vụ này; thuế thu nhập cá nhân… dự kiến khoảng 6. 000 tỷ đồng.

Nhập siêu thấp nhưng không bền vững

Cũng trong sáng nay, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Hà Văn Hiền cũng đã trình bày báo cáo thẩm tra, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách 6 tháng đầu năm. Theo ông Hiền, việc giữ mục tiêu lạm phát ở mức 17% là “rất khó khăn”.

Các đại biểu QH khóa mới "bắt" ngay vào việc xem xét tình hình kinh tế xã hội (ảnh: Việt Hưng).

Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng, nhập siêu sáu tháng đầu năm (15,7%) thấp hơn mục tiêu đặt ra cả năm là 18%, nhưng thiếu tính bền vững do đóng góp vào việc giảm tỷ lệ nhập siêu này có yếu tố tăng giá và tăng xuất khẩu kim loại quý.

Kim ngạch nhập khẩu một số hàng hóa xa xỉ, cần hạn chế nhập khẩu vẫn như ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ, xe máy nguyên chiếc, đá quý, phụ tùng xe hơi… vẫn tăng mạnh. Theo Ủy ban Kinh tế, nếu nhập siêu không được kiểm soát tố thì cán cân thương mại sẽ tiếp tục thâm hụt lớn, tỷ giá vẫn có nguy cơ chịu sức ép tăng vào cuối năm.

Đáng chú ý, báo cáo thẩm tra cho thấy việc triển khai cắt giảm đầu tư công theo Nghị quyết 11 của Chính phủ ở nhiều bộ ngành, địa phương còn lúng túng, một phần vì việc hướng dẫn về cắt giảm, đình hoãn, giãn tiến độ dự án không rõ ràng, không có tiêu chỉ thống nhất.

Mặc dù theo Nghị quyết của Chính phủ là việc báo cáo và đề xuất phương án xử lý cắt giảm phải thực hiện vào tháng 3/2011 nhưng đến nay các cơ quan chức năng mới tổng hợp báo cáo của 23 trong tổng số hơn 100 tập đoàn kinh tế và tổng công ty cả nước.

Mặt bằng lãi suất vẫn ở mức cao, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh. Lãi suất huy động bình quân tăng 2,9% so với cuối 2010. Chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay khá lớn. Việc vay vốn tín dụng của doanh nghiệp vừa và nhỏ khó khăn. Nợ xấu của hệ thống ngân hàng có xu hướng tăng. Tiềm lực của hệ thống ngân hàng, thị trường chứng khoán tuy đã được tăng cường nhưng quy mô còn nhỏ, chưa đáp ứng yêu cầu của sự phát triển.

Nhập siêu 6 tháng đầu năm ước khoảng 6,65 tỷ USD, còn rất cao. Nhập siêu chủ yếu từ các nước trong khu vực, gây sức ép đối với tỷ giá, thị trường ngoại hối và lãi suất cho vay.

Phó Thủ tướng thường trực xác nhận, mô hình phát triển kinh tế đất nước còn bất cập, hiệu quả công tác dự báo chưa cao, thực hành tiết kiệm chống lãng phí chưa hiệu quả.

Phương Thảo - Hồng Kỹ

congly.com.vn