Xét xử phúc thẩm vụ án Dương Chí Dũng và đồng phạm: Những yếu tố tạo nên “kịch tính”

Ký sự pháp đình - Ngày đăng : 13:27, 30/04/2014

Những tình tiết mới xuất hiện cùng những diễn biến bất ngờ đã góp phần làm tăng sức thu hút của phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Dương Chí Dũng đối với dư luận…

Những diễn biến bất ngờ

Ngày 28/4, phiên phúc thẩm vụ án Dương Chí Dũng tiếp tục với phần thẩm vấn các bị cáo. Đến 15h30’, do có những tài liệu mới, HĐXX quyết định dừng phiên làm việc chiều để tòa tiếp tục xét hỏi vào sáng 29/4. Những tài liệu mới này liên quan đến ụ nổi 83M, được gửi từ Nakhodka, Nga. Tuy tài liệu có từ tháng 11/2013, cả Tòa, VKS đều chưa tiếp cận do chưa được đưa vào hồ sơ vụ án. Tòa tạm dừng làm việc để có thời gian nghiên cứu tài liệu.

Theo dự định ban đầu, vụ án Dương Chí Dũng sẽ được xét xử phúc thẩm trong 3 ngày (22/4 đến 24/4) và tuyên án vào 2h chiều 25/4. Tuy nhiên, do một số tình tiết chưa được làm rõ nên vào chiều 25/4, HĐXX đã bất ngờ hoãn tuyên án và quay lại phần thẩm vấn các bị cáo.
 Trước đó, trong ngày 25/4, các bị cáo Dương Chí Dũng, Trần Hải Sơn lần lượt được chủ tòa phiên tòa hỏi thêm về những tình tiết liên quan đến việc mua ụ nổi và số tiền 5 tỷ đồng. Bị cáo Trần Hữu Chiều cũng được HĐXX xét hỏi liên quan đến việc mua ụ nổi 83M. Tại phần xét hỏi, bị cáo Mai Văn Phúc tiếp tục kêu oan tội tham ô.

Tại phiên tòa ngày 25/4, bị cáo Dương Chí Dũng và bị cáo Mai Văn Phúc đã bắt tay nhau trước vành móng ngựa dù cho cả 2 bị cáo đều đang bị còng tay và có một công an ngồi ngăn cách giữa hai người. Hành động “bắt tay” khiến nhiều người chứng kiến có thể suy luận theo hướng tích cực về mối quan hệ giữa hai bị cáo. Tuy nhiên, trong diễn biến của phiên tòa, khi đối đáp với cơ quan công tố, bị cáo Phúc khẳng định bị cáo và bị cáo Dương Chí Dũng 'vốn không đội trời chung' thì không có việc bắt tay cùng chia chác tiền với ông Dũng.
Khi bị cáo Trần Hải Sơn khai đã đưa cho Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc mỗi người 10 tỷ đồng, Mai Văn Phúc cho rằng bị cáo Sơn khai gian dối. Bị cáo Phúc trình bày, ông lên chức Tổng giám đốc không có tay, không có chân, không có chân rết. Đặc biệt là với bị cáo Dương Chí Dũng thì “không đợi trời chung thì không thể làm ăn gì được”.

Xét xử phúc thẩm vụ án Dương Chí Dũng và đồng phạm: Những yếu tố tạo nên “kịch tính”

Dương Chí Dũng và đồng phạm tại phiên toà phúc thẩm

Một diễn biến đang chú ý khác là các bị cáo đồng loạt chối tội, phủ nhận lời khai. Trong phiên tòa ngày 22/4, sau khi phiên tòa chuyển sang phần thẩm vấn bị cáo Trần Hải Sơn, Mai Văn Phúc, các bị cáo đã phủ nhận lời khai của nhau.

Theo bị cáo Sơn, lời khai của bị cáo Dương Chí Dũng là không đúng. Tại tòa, bị cáo Trần Hải Sơn tiếp tục khẳng định đã đưa cho Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc mỗi người 10 tỷ đồng. Bị cáo Trần Hải Sơn xin giảm án ở tội Cố ý làm trái và Tham ô. Ở tội Cố ý làm trái, bị cáo cho rằng mình chỉ vi phạm ở việc ký nháy vào văn bản mua ụ nổi. HĐXX chuyển sang thẩm vấn cựu Tổng giám đốc Vinalines - Mai Văn Phúc. Trước vành móng ngựa, bị cáo Phúc cho rằng mình không phạm tội "Tham ô tài sản" vì không nhận bất cứ đồng nào từ phía Trần Hải Sơn liên quan đến số tiền 1,666 triệu USD.

Trước đó, tại phiên tòa, bị cáo Dương Chí Dũng trình bày sẽ quyết chống án đến cùng tội tham ô. Theo bị cáo, ở cương vị chủ tịch HĐQT Vinalines, việc để xảy ra việc "lại quả" là có lỗi, tuy nhiên bị cáo cho rằng việc kết tội này liên quan danh dự nên bị cáo "đến chết cũng không nhận tội". Dương Chí Dũng khai chỉ nhận chai rượu và phong bì tết từ bị cáo Trần Hải Sơn, không có chuyện nhận tiền tỷ như cáo trạng quy kết. Theo đó, bị cáo cũng sẽ bổ sung thêm yêu cầu kháng cáo và trình bày trong quá trình xét xử vụ án. Bị cáo cho biết việc lập dự án mua ụ nổi 83M do Hội đồng quản trị Vinalines quyết định, giao cho Tổng giám đốc Mai Văn Phúc triển khai và bản thân mình không chỉ đạo gì cụ thể trong việc mua ụ nổi, chỉ ký phê duyệt với tư cách đại diện cho Hội đồng quản trị.

Khi được hỏi về số tiền 4.7 tỷ đồng mà bị cáo Dương Chí Dũng nộp lại để khắc phục cho tội nào. Bị cáo Dương Chí Dũng trình bày đó là số tiền khắc phục chung chứ không phải là tiền khắc phục cụ thể cho tội Cố ý làm trái hay tội Tham ô. Bị cáo vẫn tiếp tục khẳng định mình không phạm tội tham ô.

Xuất hiện nhiều tình tiết mới

Ngoài những tài liệu mới liên quan đến ụ nổi 83M được đề cập trong ngày xét xử 28/4, tại các ngày xét xử trước đó cũng đã xuất hiện nhiều tình tiết mới liên quan đến vụ án.

Trước phiên tòa phúc thẩm, luật sư Trần Đình Triển - người bào chữa cho Dương Chí Dũng đã bổ sung tình tiết mới là bản tuyên thệ của ông Goh Hoon Seow, Giám đốc Công ty AP (Singapore) là công ty bán ụ nổi 83M cho Vinalines. Ông Goh viết: "Tôi biết ông Dũng, nguyên chủ tịch Vinalines và các con của ông trong thời gian họ học tập tại Singapore. Tuy nhiên, tôi chưa từng liên hệ và trao đổi trực tiếp hoặc gián tiếp với ông Dũng về việc bán ụ nổi 83M. Tôi cũng chưa từng liên hệ hay trao đổi với ông Phúc, cựu tổng giám đốc Vinalines về việc mua bán ụ nổi 83M này. Chỉ duy nhất một lần tôi đến chào xã giao ông Phúc tại trụ sở Vinalines tại Hà Nội, cùng đi có các ông Chiều, Sơn và một phiên dịch".

Xét xử phúc thẩm vụ án Dương Chí Dũng và đồng phạm: Những yếu tố tạo nên “kịch tính”

Khi phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án Dương Chí Dũng vào chiều nay 24/4 chính thức bắt đầu, Dương Chí Dũng đã vui vẻ bắt tay người đồng phạm Mai Văn Phúc trước tòa.

Còn số tiền 1,666 triệu USD, ông Goh cho biết đó là một phần của khoản thanh toán theo tín dụng thư để trả cho việc chuẩn bị hồ sơ xin giấy phép, thủ tục hải quan và xuất khẩu liên quan đến ụ nổi 83M.

Một tình tiết đáng chú ý  khác là việc Bộ Giao thông vận tải khẳng định ụ nổi 83M không phải là tàu biển. Trong phần xét hỏi sáng 23/4, HĐXX đã công bố 3 văn bản trả lời của Bộ Giao thông vận tải về việc ụ nổi 83M có phải là tàu biển hay không.

Trả lời luật sư Trần Hồng Phúc, bị cáo Lê Đăng Dương – Đăng kiểm viên Cục Đăng kiểm Việt Nam đề nghị Bộ Giao thông cần mở cuộc hội thảo để xem xét vấn đề ụ nổi có phải là tàu biển. Tại tòa, đại diện Bộ Giao thông vận tải đã khẳng định Bộ này đã gửi văn bản trả lời cho tòa về việc ụ nổi 83M có phải là tàu biển hay không. Về 3 văn bản trả lời của Bộ giao thông về ụ nổi 83M, theo HĐXX, Bộ Giao thông cũng xác định ụ nổi không phải là tàu biển. Và việc Hải quan Vân Phong không phân loại ụ nổi 83M không phải là tàu biển là đúng quy định. Tuy nhiên, Luật Hàng hải Việt Nam lại quy định khi xác định ụ nổi thì cần phải tuân thủ theo một số quy định giống như tàu biển để nhập khẩu.

Vấn đề này, HĐXX sẽ xem xét trách nhiệm của các bị cáo nguyên là cán bộ hải quan Vân Phong. Ông Trần Thái Sơn, đại diện Bộ Tài chính cũng khẳng định Hải quan đã làm đúng quy trình trong việc nhập khẩu ụ nổi 83M. Ông Sơn cho rằng, muốn biết trị giá thật của ụ nổi 83M hiện nay là bao nhiêu thì phải lập hội đồng định giá mới biết được.  Về việc Hải quan Vân Phong có phải chịu trách nhiệm sau khi nhập khẩu ụ nổi không, bị cáo Trần Hữu Chiều nói, sau khi nhập khẩu ụ nổi về thì Vinalines phải bỏ tiền ra chi phí neo đậu, sửa chữa ụ nổi... và Hải quan Vân Phong không phải chịu trách nhiệm về chi phí này.
 

Phương Nam