Kiếp… đạo chích
Ký sự pháp đình - Ngày đăng : 10:47, 23/04/2014
Ngay trong phần kiểm tra lý lịch, Hải khiến những người dự khán không khỏi ngỡ ngàng bởi hơn nửa đời vào tù, ra khám vì trộm cắp… Vì sao một người lưng dài vai rộng như Hải lại sa vào vũng lầy không lối thoát như vậy?
“Năm lần, bảy lượt” Trần Văn Hải phải đứng trước vành móng ngựa vì tội trộm cắp, riêng những lần bị xử lý hành chính thì Hải không thể nào nhớ hết. Hải sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở Vĩnh Long. Bố mẹ Hải quanh năm lao động quần quật nhưng không khá lên được do đông con. Gia cảnh khốn khó, cha mẹ lại thiếu quan tâm giáo dục nên Hải không chịu tu chí học hành, lớn lên không có công ăn việc làm. Sự lười nhác, túng thiếu khiến Hải chọn trộm cắp tài sản làm “nghề” mưu sinh. Ban đầu, Hải ăn trộm lặt vặt trong xóm ấp, thấy kiếm tiền dễ dàng, Hải bắt đầu chôm chỉa những thứ giá trị hơn. Hậu quả là năm 1994, Hải bị bắt quả tang khi đang thực hiện hành vi trộm cắp tài sản, sau đó ra Tòa lãnh án một năm tù.
Lần vấp ngã đầu đời không khiến Hải tỉnh ngộ, Hải nhớ lại: “Sau khi ra khỏi nhà tù, tôi trở về địa phương trong sự xa lánh của mọi người. Vừa thất nghiệp, vừa bị kỳ thị, tôi liền bỏ quê đi nơi khác sinh sống”. Năm 1996, Hải lại bị bắt sau một vụ đột nhập nhà trộm tài sản. Với tính chất tái phạm, Hải bị kết án 2 năm 6 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản”. Sau khi thụ xong án tù, Hải tìm về quê sinh sống. Bố mẹ Hải khấp khởi mừng thầm vì thấy con chịu khó đi làm thuê, họ nghĩ Hải đã thấm thía những sai lầm để đoạn tuyệt quá khứ làm người lương thiện. Vậy nhưng ngày vui không kéo dài được lâu, Hải lại “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, kết giao với những đối tượng trộm cắp và thực hiện các vụ cắt trộm dây điện bán phế liệu lấy tiền tiêu xài. Hậu quả là năm 2007, Hải tiếp tục ra Tòa, nhận thêm hai bản án với hình phạt tổng hợp là 7 năm tù về các tội “Trộm cắp tài sản” và “Hủy hoại tài sản”.
Đầu năm 2013, Hải ra tù về quê tập hợp các “chiến hữu”, tiếp tục các phi vụ trộm. Với 20 năm “kinh nghiệm”, Hải cùng đồng bọn tiếp tục thực hiện phạm tội tinh vi, “bài bản” hơn. Nửa đêm cuối tháng 12/2013, Hải cùng một đối tượng (chưa xác định được nhân thân) điều khiển xe máy đến khu vực xã Phú Quới, huyện Long Hồ. Trong đêm vắng lặng, chúng leo lên 2 trụ điện thực hiện hành vi cắt dây cáp điện bán phế liệu lấy tiền tiêu xài. Trong khi Hải đang loay hoay trên cột điện thì bị người dân phát hiện, ập đến vây bắt. Thấy bại lộ, đồng bọn của Hải phóng xe chạy mất, bỏ lại y bơ vơ hốt hoảng trên cột điện. Hải bị bắt quả tang với đầy đủ vật chứng là 50m dây cáp, trị giá hơn 3 triệu đồng.
Dường như quá chán ngán với đứa con “có lớn mà không có khôn”, bố mẹ Hải không ra Tòa để tham dự như những lần trước. Hải vẫn tiếp tục dùng điệp khúc “hoàn cảnh không nghề nghiệp” để lý giải cho việc tái phạm. Trong phần tranh luận, vị đại diện VKS đã bác bỏ những lý lẽ của Hải. Trong cuộc sống có nhiều người khó khăn hơn nhưng họ vẫn sống lương thiện, lao động chân chính. Còn đối với Hải, bị cáo gây án chỉ vì bản tính lười nhác, ham hưởng thụ nên liên tục phạm tội, ra tù lại tiếp tục tái phạm, điều đó cho thấy bị cáo bất chấp pháp luật.
Trong phần tuyên án, HĐXX nhận định: Bị cáo có nhiều tiền án, tiền sự, vẫn không biết ăn năn mà tiếp tục phạm tội nên cần bị xử lý nghiêm. Đặc biệt, thời gian qua ở nhiều địa phương xảy ra tình trạng cắt trộm dây điện, đốt lấy đồng bán phế liệu khiến dư luận rất bức xúc, ảnh hưởng xấu đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân. Vì vậy phải xử nghiêm nhằm giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung. Nhận mức án 5 năm tù về tội “Hủy hoại tài sản”, Hải lê bước chân nặng nề ra xe về trại giam. Tính ra, bị cáo đã 5 lần ra trước vành móng ngựa, bị pháp luật trừng phạt tổng cộng 15 năm 6 tháng tù, hy vọng lần này Hải sẽ biết đoạn tuyệt với kiếp “đạo chích” để trở thành người lương thiện…