Chuyện đời bi hài của ông thợ hồ thích làm… “đại tá”
Ký sự pháp đình - Ngày đăng : 10:54, 13/04/2012
Bị cáo Châu Thanh Sơn (SN 1950, ngụ tại phường 24, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh) từng có “chiến tích” vượt biên và phải lãnh án 6 năm tù về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Ra tù, thời gian đầu Sơn mưu sinh kiếm sống bằng nghề phụ hồ. Thấy việc lao động chân tay cực nhọc nhưng không đủ tiền tiêu xài, Sơn nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Với thủ đoạn tự xưng là “đại tá”, sĩ quan cao cấp Bộ Công an, Sơn và đồng bọn đã thực hiện hàng loạt phi vụ lừa đảo để trục lợi tiền tỷ.
Những phi vụ đi lừa thiên hạ của Sơn được tái hiện rất rõ tại phiên toà. Do có mối quan hệ quen biết với ông T., một quan chức tại Tp. Hồ Chí Minh nên Sơn chủ động tìm gặp ông T. và “sáng tác” ra chuyện y đang triển khai hai công trình xây dựng lớn là Trại giam quốc tế (còn gọi là khu quân sự A75) và Khu điều dưỡng Bộ Công an tại xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, Tp. Hồ Chí Minh. Sơn đánh tiếng nhờ ông T. tìm giúp những đối tác có vốn, có năng lực để cùng thực hiện hợp đồng san lấp 12 triệu m3 cát thuộc hai dự án nêu trên. Không hiểu vì sao mà ông T. lại không mảy may nghi ngờ, giới thiệu Sơn với Nguyễn Kim Khôi (SN 1953, ngụ tại đường Phạm Văn Chiêu, phường 12, quận Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh). Khi tiếp xúc với Khôi, Sơn tự xưng là “đại tá”, sĩ quan cao cấp công tác tại Bộ Công an, hiện là Phó ban dự án. Sơn khoe khoang y được nhiều “sếp” đỡ đầu nên đã cộng tác với y thì phải… làm ăn lớn. Sau nhiều lần bàn bạc, Sơn và Khôi đã thống nhất thành lập Công ty cổ phần Thiên Gia Cát do Khôi làm Giám đốc.
Mặc dù nguồn vốn có hạn nhưng Khôi vẫn chủ động khai khống số vốn pháp định lên đến 6,5 tỷ đồng, tương ứng 6.500 cổ phần, trong đó riêng Khôi chiếm đến 3.000 cổ phần. Sau khi có đủ tư cách pháp lý, Sơn dùng thủ đoạn gian dối, lập hồ sơ giả là Quyết định số 039/QĐ-BCA của Bộ Công an, giả mạo chữ ký lãnh đạo Bộ Công an và làm dấu giả của Bộ Công an có nội dung: “Bộ Công an giao cho Công ty Thiên Gia Cát thi công san lấp Khu quân sự A75, Khu điều dưỡng Bộ Công an”. Sơn khai đã nhận bộ hồ sơ giả từ một người tên Bảo (không xác định được lai lịch) và giao lại cho Khôi để Khôi sử dụng như một “bùa hộ mệnh” nhằm tạo lòng tin để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các đối tác.
Bằng thủ đoạn trên, Sơn và Khôi đã ký rất nhiều hợp đồng, nhận tiền đặt cọc và chiếm đoạt tài sản của nhiều đơn vị và cá nhân với số lượng lớn. Để đối phó với các nạn nhân khi hợp đồng đến hạn mà không có công trình để giao, Sơn và Khôi tiếp tục giả mạo Thông báo số 005/KH-BCA và tiếp tục giả mạo chữ ký của lãnh đạo Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an với nội dung: “Công trình A75, Khu điều dưỡng, Bộ Công an sẽ được khởi công”. Kết quả đã có 9 đơn vị, cá nhân rơi vào “bẫy lừa” tinh vi của Sơn và Khôi, tổng cộng số tiền bọn chúng chiếm đoạt được lên đến trên 1,368 tỷ đồng. Trong đó, đáng kể là vụ Sơn và Khôi ký hợp đồng “độc quyền san lấp mặt bằng”, nhận 450 triệu đồng của Công ty Thảo Nguyên rồi… biến.
“Đại tá” Châu Thanh Sơn và Nguyễn Kim Khôi ra Toà về các tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trước vành móng ngựa, nếu như Khôi thành khẩn nhận tội thì “đại tá” Châu Thanh Sơn lại liên tục kêu oan rằng y “không lừa đảo gì cả”. Sơn cho rằng nghề nghiệp chính là thợ hồ, còn quân hàm “đại tá” là do Khôi tự đặt cho y(?). Dù không nhận tội nhưng việc Sơn và Khôi cấu kết chặt chẽ và làm giả nhiều giấy tờ của Bộ Công an để lừa đảo trong một thời gian dài đã thể hiện rất rõ. HĐXX tuyên phạt Châu Thanh Sơn tổng cộng 19 năm tù; Nguyễn Kim Khôi 17 năm tù.
Qua phiên toà, mọi người cần nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo tinh vi của bọn tội phạm mượn lốt “sĩ quan”.
An Dương