Giết vợ để “tiếp quản”… em vợ!

Ký sự pháp đình - Ngày đăng : 10:53, 13/04/2012

Ông Đỗ Khắc Tiệp, Viện trưởng VKSND tỉnh Đắk Lắk cho biết: Nhận thức pháp luật của đồng bào dân tộc thiểu số còn rất thấp, dẫn đến nhiều vụ án đau lòng. Như vụ án Điểu Khươn, theo quan niệm của một số đồng bào dân tộc thiểu số như Ê đê, M Nông thì khi người vợ không may qua đời, người chồng phải cưới em hoặc chị vợ. Quan niệm đó đã trở thành một hủ tục và vẫn đ

Điểu Khươn là một chàng trai khỏe mạnh người dân tộc M Nông, sinh sống tại thôn 7, xã Quảng Tín, huyện Đắk Rlấp, tỉnh Đắk Lắk. Mặc dù mới ba mươi xuân xanh nhưng Điểu Khươn đã có đến 5 con. Vợ Khươn, chị Thị Glê vốn xinh đẹp nhất nhì bản làng nhưng do sinh đẻ nhiều, phải lao động vất vả nên trông làn da, nụ cười chị không còn tươi như đóa hoa rừng mà trước đây từng khiến Khươn ngây ngất.

Quá chán ngán cô vợ trẻ nhưng già sớm, Điểu Khươn đổ đốn, không chịu lao động, suốt ngày chơi bời, lăng nhăng chuyện trai gái. Chị Glê quá buồn lòng, âm thầm chịu đựng khiến tình cảm vợ chồng càng thêm rạn nứt. Thỉnh thoảng Khươn nhậu say về lại lôi người vợ tội nghiệp ra “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” để… giã rượu.

Bản tính trăng hoa cộng với trình độ văn hóa thấp khiến Khươn “để mắt” luôn cả cô em vợ mới lớn xinh đẹp, chưa chồng tên là Thị Ni. Mỗi ngày nhìn Ni hồn nhiên, xinh tươi, Khươn nảy sinh ý đồ chiếm đoạt. Theo phong tục lạc hậu của người M Nông, nếu người vợ qua đời thì người chồng được lấy em vợ. Một kế hoạch “đưa vợ về thế giới bên kia” để lấy Thị Ni làm vợ được Khươn chuẩn bị kỹ lưỡng.

Vào một buổi sáng trung tuần tháng 3, như thường lệ Khươn chở vợ đi làm rẫy ở thôn 7, xã Quảng Tín. Trước khi lên đường, Khươn mang theo một con dao phát cây dài gần 1m mà hôm trước y đã hì hục mài sáng loáng. Vào đến rẫy, chị Glê mang gùi đi trước, Khươn cầm dao theo sau. Khi đến địa điểm hoang vắng không còn bóng người, Khươn lạnh lùng vung dao chém vào đầu chị Glê khiến chị gục xuống. Kẻ phụ tình tàn ác tiếp tục bồi thêm 2 nhát nữa, sau đó y kiểm tra tình trạng người vợ tội nghiệp, thấy chị Glê vẫn còn thoi thớp, y dùng tay bóp cổ vợ cho đến chết mới thôi.

Thủ ác xong, Khươn bắt đầu tìm cách tạo dựng hiện trường giả. Khươn bế xác chị Glê vứt xuống lòng suối cạn cách đó khoảng 16m, y quay lại lấy gùi, dép ném xuống lòng suối cạn bên cạnh xác vợ. Tiếp đó, Khươn dùng chân đạp trượt cỏ cây bị ngã bắc qua cầu suối cạn phía trên xác chị Glê, nhằm tạo hiện trường giả theo hướng chị Glê đi qua cây bị trượt ngã xuống suối chết. Xong xuôi, Khươn hớt ha hớt hải chạy đến chòi rẫy của một số người gần đó kêu góc rằng vợ y bị tai nạn chết, nhờ mọi người giúp đỡ cùng y đưa xác chị Glê về nhà.

Trong suy nghĩ của Khươn thì “vở kịch” như thế là quá hoàn hảo, y có thể ung dung cưới cô em Thị Ni làm vợ theo đúng hủ tục. Tuy nhiên, sau khi nhận được tin báo, Công an huyện Đắk Rlấp đã nhanh chóng xuống hiện trường. Qua khám nghiệm cho thấy tử thi của chị Glê có nhiều vết chém sâu và mạnh đến mức vỡ xương vòm sọ đã tố giác toàn bộ hành vi phạm tội của Khươn. Trước Cơ quan điều tra, Điểu Khươn cúi đầu thừa nhận xuống tay giết vợ với động cơ, mục đích đê hèn là để… “tiếp quản” em vợ.

Điểu Khươn đã lĩnh án chung thân vì tội Giết người. Bản án tương xứng với hành vi phạm tội, tuy nhiên, nó chưa đủ sức răn đe cho nhiều thanh niên nơi khác trong vùng đồng bào thiểu số vì nơi đây trình độ dân trí cũng như hiểu biết pháp luật vẫn còn quá thấp. Đó cũng là điều trăn trở của tất cả chúng ta.

An Dương

(Kỳ sau: “Ghen ngược” bằng... rựa”)

congly.com.vn