Luật Tổ chức TAND: Bước tiến mới trong tiến trình cải cách tư pháp

Cải cách tư pháp - Ngày đăng : 06:00, 01/01/2015

Luật Tổ chức TAND vừa được Quốc hội thông qua đã đánh dấu một bước phát triển quan trọng của hệ thống Tòa án; có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đổi mới, kiện toàn tổ chức và hoạt động của cơ quan Tòa án theo tinh thần cải cách tư pháp hiện nay.

Bảo vệ công lý, quyền con người

 Luật Tổ chức TAND năm 2014 là một trong những đạo luật quan trọng về tổ chức bộ máy Nhà nước được Quốc hội thông qua theo tinh thần Hiến pháp mới; thể chế hóa các quan điểm lớn, tiến bộ của Đảng và Nhà nước ta về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về quyền tư pháp nhằm xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao. Đây cũng là cơ sở pháp lý quan trọng để kiện toàn, nâng cao năng lực và chất lượng hoạt động của TAND, bảo đảm Tòa án thực sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người.

Luật cũng đã được sửa đổi, bổ sung căn bản so với Luật Tổ chức TAND năm 2002, từ phạm vi điều chỉnh, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của TAND; các nguyên tắc tổ chức hoạt động, tổ chức bộ máy của TAND; thẩm quyền của từng cấp Tòa án; chế độ tuyển chọn, bổ nhiệm Thẩm phán; chế độ bầu (cử) Hội thẩm; nhiệm vụ của Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án; các quy định bảo đảm hoạt động của Tòa án. 

Nguyên tắc Hiến định “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” là một trong những yêu cầu quan trọng để TAND thực hiện có hiệu quả quyền tư pháp, bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Trong quá trình xây dựng Luật, để bảo đảm thực hiện nguyên tắc này, Ban soạn thảo dự án Luật đã nghiên cứu, xác định rõ tiêu chí bảo đảm sự độc lập của Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân khi xét xử theo đúng tinh thần Hiến pháp; bổ sung những quy định mới nhằm bảo đảm cho Thẩm phán, Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật trong xét xử.

Luật Tổ chức TAND: Bước tiến mới trong tiến trình cải cách tư pháp

Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình chủ trì Hội nghị góp ý kiến đối với dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)

Chủ thể thực thi quyền Hiến định phải độc lập trong xét xử là các Thẩm phán và Hội thẩm. Theo đó, Thẩm phán được bổ nhiệm phải là người được đào tạo, rèn luyện có đủ trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức, kinh nghiệm công tác, bảo đảm để có đủ ý chí, bản lĩnh và quyết tâm thực hiện quyền tư pháp và độc lập khi xét xử. Trong Luật Tổ chức TAND, các điều kiện, tiêu chuẩn để tuyển chọn, bổ nhiệm vào từng ngạch Thẩm phán đã có những sửa đổi, bổ sung quan trọng nhằm bảo đảm yêu cầu này (các Điều 67, 68 và 69).

 Luật cũng chỉ quy định thành lập một Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia do Chánh án TANDTC làm Chủ tịch Hội đồng để bảo đảm chất lượng đồng đều giữa các ứng viên được tuyển chọn, đề nghị bổ nhiệm làm Thẩm phán, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ Thẩm phán, đáp ứng yêu cầu luân chuyển, điều động, biệt phái Thẩm phán giữa các địa phương, khu vực trong cả nước (Điều 70).

Nhiệm kỳ của Thẩm phán được kéo dài hơn (Điều 74); Nhà nước có chính sách ưu tiên về tiền lương, phụ cấp và các chế độ chính sách khác đối với Thẩm phán; nghiêm cấm các hành vi cản trở, đe dọa, xâm phạm tính mạng, danh dự, uy tín, nhân phẩm của Thẩm phán và thân nhân của Thẩm phán (Điều 75). Những quy định này sẽ góp phần bảo đảm Thẩm phán yên tâm cho cuộc sống cá nhân và gia đình, đủ niềm tin, nghị lực, ý chí để giữ gìn phẩm chất đạo đức, kiên định thực hiện quyền tư pháp, độc lập khi xét xử, không bị can thiệp, chi phối, tác động bởi các quyền lực, thế lực, tác động làm ảnh hưởng đến hoạt động của người cầm cán cân công lý.

Bộ máy hành chính tư pháp trong TAND độc lập với hệ thống tổ chức các Tòa án theo thẩm quyền xét xử. Nhiệm vụ công tác quản lý hành chính tư pháp trong TAND là bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất, trang bị và các điều kiện khác phục vụ cho hoạt động xét xử; nghiêm cấm công chức hành chính tư pháp trong TAND các cấp can thiệp hoặc tác động vào hoạt động xét xử.

Bên cạnh các quy định nêu trên thì để Thẩm phán, Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, hệ thống pháp luật của nước ta cần tiếp tục được hoàn thiện theo hướng công khai, minh bạch, đầy đủ và rõ ràng, tạo cơ sở pháp lý cho Thẩm phán, Hội thẩm làm nhiệm vụ; đồng thời, cần bổ sung các chế tài hình sự, chế tài hành chính cụ thể vào các luật tương ứng để xử lý đối với người có hành vi can thiệp vào hoạt động xét xử.

Chuẩn bị tốt cho việc thi hành

Một trong những điểm mới được nhiều người quan tâm và đồng tình là đã bổ sung quy định Tòa án có quyền kiểm tra, xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ theo quy định của Bộ luật tố tụng Hình sự.

Việc bổ sung quy định này với mục đích để Tòa án chỉ tiến hành kiểm tra, xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ đối với những trường hợp mà Viện Kiểm sát đã truy tố và vụ án đã được Tòa án thụ lý mà trong quá trình chuẩn bị xét xử hoặc tại phiên tòa, các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, kết quả thẩm vấn và tranh tụng tại phiên tòa chưa làm rõ được tội danh và tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội, cần được bổ sung hoặc xác minh thêm để bảo đảm xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật hoặc trường hợp Tòa án đã trả hồ sơ để Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra điều tra bổ sung nhưng kết quả điều tra bổ sung không làm rõ được những vấn đề mà Tòa án đã yêu cầu.

Đây là quy định hết sức cần thiết, bởi lẽ, việc giao thẩm quyền này cho Tòa án là điều kiện để Tòa án, với tư cách là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, đưa ra phán quyết đúng pháp luật, tránh oan sai và bỏ lọt tội phạm; chủ động thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; không bị phụ thuộc vào kết quả điều tra trước đó do Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát thực hiện. Có giao cho Tòa án thẩm quyền này thì Tòa án mới là “trung tâm của hoạt động tư pháp” chứ không phải là khâu cuối của tố tụng hình sự như quy định hiện hành. Đồng thời, sẽ góp phần khắc phục tình trạng việc giải quyết vụ án bị kéo dài hoặc trường hợp Tòa án quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhưng Viện Kiểm sát, Cơ quan điều tra không bổ sung theo yêu cầu của Tòa án, thậm chí đình chỉ vụ án thì Tòa án không có cơ sở pháp lý để kiểm soát có hiệu quả hoạt động này. Quy định này cũng đã thể chế được yêu cầu đã đặt ra tại Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị, đó là: “Xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ giữa các cơ quan trong việc thực hiện các hoạt động tư pháp”.

Việc quy định Hội đồng Thẩm phán TANDTC có nhiệm vụ lựa chọn, công bố án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử sẽ đáp ứng yêu cầu phải kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, khắc phục tình trạng quá tải và chậm ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật cũng là nội dung quan trọng đáng chú ý.

 Hơn nữa, công bố án lệ sẽ giúp người dân nắm rõ đường lối xét xử, dự báo được kết quả những vụ việc có liên quan đến quyền và lợi ích của họ. Về phía Tòa án, tham khảo án lệ, phân tích thiếu sót trong những vụ án xét xử trước đó cũng sẽ giúp Thẩm phán rút kinh nghiệm, hạn chế việc kết án oan, sai.

Bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Hiến pháp giao cho TANDTC thực hiện và đã được cụ thể hóa trong Luật Tổ chức TAND. Để việc lựa chọn và công bố án lệ được triển khai có hiệu quả, phù hợp với quy định của Hiến pháp và pháp luật, TANDTC đã triển khai xây dựng Quy chế lựa chọn và công bố án lệ, trong đó quy định cụ thể về quy trình phát hiện, tuyển chọn, thẩm định và thông qua án lệ. Theo Quy chế này, án lệ sẽ được Hội đồng toàn thể Thẩm phán TANDTC biểu quyết thông qua bằng Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC. Như vậy, khi áp dụng án lệ thì về hình thức là áp dụng Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC; về nội dung sẽ áp dụng án lệ được ban hành kèm theo Nghị quyết. Như vậy sẽ bảo đảm nguyên tắc “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.

Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/6/2015. Thời gian từ nay cho đến ngày Luật có hiệu lực thi hành không còn dài. Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn cho biết, TANDTC nói riêng và các TAND nói chung đã có những bước chuẩn bị về cơ sở vật chất, về công tác cán bộ, về đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật tố tụng và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến tổ chức, hoạt động của Tòa án để bảo đảm khi Luật Tổ chức TAND được thông qua sẽ được triển khai thi hành có hiệu quả.

Cho đến nay, Ban Cán sự Đảng TANDTC đã chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan xây dựng các đề án, phương án về công tác cán bộ, về chế độ, chính sách đối với Thẩm phán, cán bộ, công chức Tòa án; về kiện toàn cơ sở vật chất, phương tiện làm việc của các TAND; về đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách... trình cấp có thẩm quyền.

Cùng với việc thực hiện các công việc nêu trên, Trường Cán bộ Tòa án cũng đang khẩn trương tiếp tục hoàn thiện các chương trình đào tạo, đào tạo nâng ngạch, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các Thẩm phán, Hội thẩm, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án để bảo đảm đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ mới.

Phó Chánh án cũng xác định, đây là nhiệm hết sức nặng nề mà TAND cần phải nỗ lực tối đa để bảo đảm triển khai có hiệu quả việc thi hành Luật, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Quốc Huy