Sáng tác văn học và âm nhạc về TAND: Thực tế sinh động khơi gợi nhiều cảm xúc
Tòa án - Ngày đăng : 00:23, 17/07/2015
Đồng chí Nguyễn Mạnh Hồng, Tổng Biên tập Báo Công lý, Trưởng Ban tổ chức cùng các nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ và nhà báo 3 miền Bắc - Trung - Nam có nhiều buổi tiếp xúc, tìm hiểu thực tế tại Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Hồng, Tổng Biên tập Báo Công lý, Trưởng ban tổ chức cuộc vận động sáng tác ca khúc và văn học về TAND (bên trái ảnh) và đồng chí Nguyễn Văn Bường, Phó Chánh án TAND Cấp cao tại Đà Nẵng chủ trì buổi tọa đàm
Ngày 15/7, đoàn đã có buổi làm việc tại TAND Cấp cao tại Đà Nẵng. Trong buổi gặp gỡ, đồng chí Nguyễn Văn Bường - Phó Chánh án TAND Cấp cao tại Đà Nẵng vui mừng khi được anh em văn nghệ sỹ hưởng ứng cuộc thi đến TAND Cấp cao tìm hiểu tình hình. Việc đoàn đến thăm, tìm hiểu tại Tòa vừa là niềm vinh dự vừa là trách nhiệm của Tòa, nên sẽ tạo mọi điều kiện, chia sẻ, cung cấp thông tin để đoàn có được cái nhìn sâu hơn về TAND. “Đây là dịp để cán bộ, Thẩm phán TAND Cấp cao chia sẻ thông tin, giao lưu tâm sự về nghề. Mỗi người mỗi tâm trạng, mỗi vụ án là những vụ việc, hoàn cảnh khác nhau, vì vậy người Thẩm phán không chỉ dừng lại ở một cái đầu lạnh để phán xét công minh mà còn cần một trái tim ấm để thấu hiểu được cái lý, cái tình. Hy vọng, sau chuyến thực tế này, đoàn văn nghệ sĩ sẽ có nhiều tác phẩm hay về TAND, về những công việc thầm lặng mà người Thẩm phán đã cố gắng nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao”- Đồng chí Nguyễn Văn Bường chia sẻ.
Đoàn văn nghệ sĩ trong buổi khai thác tư liệu phục vụ sáng tác tại TAND TP. Đà Nẵng
Cũng trong ngày 15/7, đoàn văn nghệ sỹ đã tham gia thực tế một phiên tòa hình sự sơ thẩm vụ án “Mua bán trái phép chất ma túy” tại TAND TP. Đà Nẵng. Đây là một trong những vụ án mua bán ma túy lớn mà tại phiên xét xử, các văn nghệ sĩ đã thu thập được nhiều thông tin, ý tứ hay phục vụ cho tác phẩm.
Sau khi dự phiên tòa thực tế, đoàn tiếp tục có buổi làm việc tại TAND TP. Đà Nẵng với sự có mặt của các Chánh án, Phó Chánh án các Tòa án quận, huyện. Đồng chí Đặng Ánh - Phó Chánh án TAND TP. Đà Nẵng và các Thẩm phán, Phó Chánh tòa đã có thời gian trao đổi sâu hơn, cụ thể hơn về một số tình huống, nhân vật và những quy định pháp luật liên quan đến các thủ tục tố tụng.
Đồng chí Đặng Ánh cũng chia sẻ những kỷ niệm về quá trình đến với nghề xét xử cũng như những tâm huyết của bản thân. “Thường ngày, chúng tôi miệt mài với hành trình đem công lý cho mọi người, rất vui vì hôm nay chúng tôi được đón đoàn văn nghệ sỹ đến tìm hiểu thực tế. Chúng tôi hy vọng có thêm nhiều cơ hội được giao lưu, trao đổi với anh em nghệ sỹ để chúng ta có thể hiểu nhau hơn. TAND cũng cần có thêm những ca khúc, tác phẩm văn học, những chân dung được khắc họa đậm nét để truyền tải nhiều thông điệp về cái đẹp của người Thẩm phán, về TAND đến với công chúng. Đó là niềm vui chung của chúng tôi” - Đồng chí Đặng Ánh chia sẻ cùng đoàn.
Lãnh đạo TAND cấp cao tại Đà Nẵng chụp ảnh lưu niệm với Đoàn văn nghệ sĩ
Tại các buổi tiếp xúc, các văn nghệ sĩ đã có những cảm nhận về TAND, biểu tượng của công lý, nhận thấy cần có những tác phẩm văn học, báo chí và âm nhạc ngợi ca về Tòa án, giáo dục truyền thống và khơi dậy niềm tự hào về sứ mệnh cao cả, vinh quang của người Thẩm phán. Chuyến đi thực tế đã tạo điều kiện để các văn nghệ sĩ tham gia có cái nhìn sâu sát hơn về TAND, từ đó sẽ có những “đứa con tinh thần” thật ý nghĩa.
Buổi gặp mặt giữa các anh chị em văn nghệ sỹ với cán bộ TAND Tp. Huế
Ngày 16/7, đoàn có buổi làm việc với TAND TP. Huế. Trong buổi làm việc, các văn nghệ sỹ đã gặp gỡ, trao đổi với các Thẩm phán TAND Tp. Huế về những khó khăn, trăn trở cũng như những tâm tư, nguyện vọng của các Thẩm phán qua những năm tháng công tác trong hệ thống TAND nói chung và TAND TP. Huế nói riêng.
Toàn cảnh buổi gặp mặt
Qua trao đổi, tâm sự, chia sẻ cho thấy, các Thẩm phán luôn ý thức được vai trò, trọng trách của mình khi tuyên một bản án cho một người có tội hay không có tội. Trước khi tuyên án, các Thẩm phán đều trăn trở, thao thức làm sao để tuyên một mức án vừa đúng người, đúng tội nhưng cũng có thể giúp cho bị cáo có cơ hội làm lại từ đầu. Các Thẩm phán còn phải chịu nhiều áp lực về số lượng cũng như chất lượng án, luôn phải thận trọng để không có án bị hủy, sửa. Nếu có án bị hủy, sửa sẽ ảnh hưởng đến uy tín, thành tích thi đua của cá nhân cũng như cả tập thể.
Thẩm phán Lê Thị Phương Dung, TAND Tp. Huế chia sẻ những câu chuyện trong nghề với đoàn
Lắng nghe những chia sẻ của các Thẩm phán, các văn nghệ sỹ đã hiểu thêm về công việc và những khó khăn, vất vả của những người Thẩm phán trong TAND Tp. Huế và hệ thống TAND nói chung. Những câu chuyện rất thật đó sẽ mang thêm nhiều cảm hứng để các văn nghệ sỹ hoàn thiện tác phẩm của mình một cách sinh động.
Các Văn nghệ sỹ chụp ảnh với Ban Tổ chức tại buổi gặp gỡ, giao lưu tại Tp. Huế
Có thể nói chuyến thực tế là dịp để anh em văn nghệ sỹ có thêm cái nhìn mới về TAND. Hy vọng qua chuyến thực tế này, sẽ có thêm nhiều ca khúc, tác phẩm hay ca ngợi người Thẩm phán, cán bộ công chức TAND các cấp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống TAND.
Các Văn nghệ sỹ và lãnh đạo TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế trong buổi gặp gỡ, giao lưu
Nhân chuyến đi thực tế, PV đã ghi nhận một số ý kiến xung quanh Cuộc vận động sáng tác
Đồng chí Đặng Quang, Chánh án TAND tỉnh TT - Huế: "Chúng tôi đánh giá cao về cuộc vận động sáng tác văn học và âm nhạc về TAND, đây là một cuộc vận động sáng tác rất cần thiết và ý nghĩa nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống TAND. Mỗi bản án là sản phẩm của sự thật và tâm huyết không ngừng nghỉ của mỗi cán bộ Tòa án. Thông qua các tác phẩm văn học, báo chí và âm nhạc ca ngợi Tòa án trong cuộc vận động lần này, hình tượng Thẩm phán nói riêng và TAND nói chung sẽ được truyền tải đến công chúng dễ dàng, mềm mại hơn. Qua đó, giáo dục truyền thống và khơi dậy niềm tự hào về sứ mệnh cao cả, vinh quang của người Thẩm phán, của TAND".
Đồng chí Tôn Minh Hiền, Chánh án TAND Tp. Huế: "Thông qua cuộc vận động lần này, anh chị em văn nghệ sỹ, đội ngũ cán bộ Tòa án nói chung và TAND Tp. Huế nói riêng có dịp sáng tác những tác phẩm bắt nguồn từ cảm xúc chân thật của chính mình trong suốt quá trình công tác. Cuộc vận động có tầm ảnh hưởng rất sâu rộng và mang ý nghĩa nhân văn cao cả, qua các tác phẩm để người dân hiểu được tâm tư tình cảm của người Thẩm phán... Tôi hy vọng rằng, cuộc vận động sẽ được tiếp tục nhân rộng và được tổ chức nhiều hơn nữa".
Nhà thơ, nhà báo Lê Anh Dũng, Phó Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Đà Nẵng: Tôi thấy đây là cuộc vận động hết sức có ý nghĩa và tạo ra hiệu ứng rất tốt. Trước đây, người ta nhìn về Tòa án là những “Bao Công mặt sắt đen sì” vì tính chất nghiêm minh của pháp luật nên người ta khó gần. Qua cuộc vận động này, anh em nghệ sỹ, Thẩm phán các tòa làm bạn với nhau, thông cảm và hiểu nhau hơn. Mỗi cán bộ, công chức TAND đều có những cảm xúc, rung động, tình người trong xét xử. Bởi vậy, tôi thấy cuộc vận động này rất nhân bản, nhân văn, những sáng tác này sẽ dễ đi vào lòng dân qua những bài văn, câu thơ, bản nhạc. Tôi nghĩ giữa Tòa án và người dân sẽ gần gũi hơn, như vậy việc xét xử án sẽ hiệu quả hơn nhiều.
Nhà văn Phạm Khải, Phó Tổng Biên tập Báo Công an nhân dân: Mặc dù thời gian chuyến đi không dài, song chúng tôi đã có dịp gặp gỡ được những con người rất thú vị của Tòa án. Tôi và nhiều anh em văn nghệ sỹ trong đoàn đặc biệt ấn tượng với đồng chí Đặng Quang, Chánh án TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế. Là Chánh án nhưng đồng chí rất yêu thích và thể hiện là người am tường về văn học nghệ thuật. Câu chuyện với đồng chí Đặng Quang khiến chúng tôi thêm hiểu góc khuất nội tâm của những người được giao trọng trách giữ cán cân công lý và có cơ sở để thêm tin tưởng vào một bộ phận cán bộ công chức trong hệ thống Tòa án hiện nay. Đề tài về Tòa án là một đề tài khó, nhưng tôi tin tưởng rằng với những nhận thức cùng cảm xúc mà đoàn văn nghệ sỹ thu lượm được qua chuyến đi, chúng tôi sẽ có những tác phẩm ấn tượng.
Đồng chí H. Man, Trưởng Đại diện NXB Văn học Đà Nẵng - Miền Trung - Tây Nguyên: Chuyến đi thực tế sáng tác do TANDTC tổ chức thực sự gây ấn tượng tốt với tôi. Quan điểm phát động sáng tác đề tài về TAND đã tạo nên một góc nhìn khác về những gì đã khuất lấp trong cuộc sống. Nói đến Tòa án người ta quen nghĩ đến những người thực thi công lý, những Chánh án, Thẩm phán với khuôn mặt lạnh lùng, vô cảm. Khi được tiếp xúc với cán bộ chuyên trách của các Tòa, từ TANDTC, Tòa án các tỉnh, quận, huyện, chúng tôi hiểu thêm những trăn trở, những băn khoăn và tâm tình của những con người ấy. Trong bối cảnh hiện tại, việc phát động cuộc thi sáng tác về Tòa án là hoàn toàn thích hợp. Hy vọng sau chuyến đi này, tôi sẽ có nhiều sáng tác mới về TAND.
Nhạc sỹ, Nhạc trưởng Doãn Nguyên, Phó Giám đốc Nhà hát Đài tiếng nói Việt Nam: Đây là một trong những chuyến đi thực tế rất ý nghĩa và bổ ích. Qua đây, hiểu biết của tôi về đội ngũ cán bộ TAND được nâng lên rõ rệt. Tôi có điều kiện đi sâu vào tâm tư nguyện vọng của những người có công việc tưởng chừng cứng nhắc nhưng lại rất nội tâm, phong phú, mỗi bản án xét xử là một dấu ấn, tâm huyết của từng cá nhân. Từ đây, với vai trò là một nhạc sỹ, nhạc trưởng tôi dần đồng cảm và hiểu thêm về nghề Thẩm phán. Cuộc vận động sáng tác lần này là hoạt động rất thiết thực đối với hệ thống Tòa án nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống TAND.
Nhà văn Nguyễn Đình Tú, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội: Cuộc vận động sáng tác văn học và âm nhạc về TAND là cơ hội rất tốt cho đội ngũ nhà văn chúng tôi. Bởi vì đề tài về Tòa án rất rộng và thú vị với rất nhiều khía cạnh khác nhau để khai thác như hình tượng Tòa án, hoạt động tranh tụng xét xử, hình ảnh các cán bộ công chức Tòa án… Đây là lớp đối tượng dễ trở thành nhân vật để sáng tạo nên một tác phẩm nghệ thuật. Dịp này, được TANDTC tạo điều kiện giúp các nhà văn đi thực tế, gặp gỡ giao lưu với các cán bộ Tòa án là cơ hội tuyệt vời để chúng tôi sáng tác tác phẩm. Tôi hy vọng qua cuộc vận động này sẽ có lượng tác phẩm và thể loại phong phú, có chất lượng cao.