Long Biên-Hà Nội: Lại chôn lấp sông Hồng bằng chất thải?
Pháp luật - Ngày đăng : 10:19, 14/12/2016
Bắt đầu từ chiều tối, những xe chở phế thải nối đuôi nhau đổ về, những "con đường mới" cắt ngang dòng chảy cũ đã và đang hình thành. Điều đáng nói, mọi hoạt động đều diễn ra ngay trong phạm vi "chỉ giới thoát lũ".
Sai phạm đã từng bị xử lý
Tháng 6 năm 2015, chính quyền UBND phường Long Biên đã bị UBND TP. Hà Nội kết luận là sai phạm nghiêm trọng khi chỉ đạo cho san lấp 10 hec-ta thuộc hành lang thoát lũ của sông Hồng, khu vực đã được UBND TP. Hà Nội phê duyệt theo quy hoạch hành lang thoát lũ do Viện Quy hoạch Thủy lợi xây dựng từ năm 2009.
Xe chở rác thải vào vùng xả lũ
Tại thời điểm đó, khi trả lời báo chí, ông Phó Chủ tịch UBND phường Long Biên Nguyễn Đức Hùng cho biết, mục đích san lấp là “để xây nghĩa trang” nhưng ông Chủ tịch UBND phường Nguyễn Ngọc Phan lại khẳng định là không phải vậy. Tuy nhiên cả hai ông cùng thừa nhận “đó là ý tưởng của UBND phường” và “ý tưởng này chưa được quận hay Thành phố chấp nhận”.
Sự việc sai phạm đã được báo chí nhanh chóng vào cuộc, đấu tranh mạnh mẽ. Chính quyền UBND TP. Hà Nội cũng đã có công văn số 4939/UBND-NNNT yêu cầu UBND phường Long Biên dừng ngay việc san lấp, trả lại hiện trạng ban đầu và nghiêm khắc kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân để xảy ra vi phạm.
Chôn lấp ngang lòng sông cạn.
Có sự chỉ đạo kịp thời của UBND TP. Hà Nội, sự chung tay trách nhiệm của các bên, sai phạm cũng đã sớm được khắc phục hậu quả. Hàng loạt xe tải lớn, máy xúc, máy ủi được chính quyền phường huy động làm việc ngày đêm. Lòng sông nhanh chóng được trả lại nguyên trạng. Tuy nhiên, tổn hại về kinh tế không rõ tập thể hay cá nhân sẽ phải gánh chịu. Các hình thức kiểm điểm, xử lý đối với những người chịu trách nhiệm được thực thi chưa thực sự minh bạch trước công luận và quần chúng nhân dân.
Dòng sông cạn bị lấp dần ra phía bãi nổi.
Tái phạm có chủ ý?
Sai phạm vẫn có thể tái diễn nếu chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe. Kể từ giữa năm 2016, các hoạt động san lấp hành lang xả lũ tại địa bàn phường Long Biên lại được rầm rộ triển khai. Lần này, việc tổ chức chôn lấp dòng xả lũ cũng được tiến hành rất công khai, gồm rác thải dân sinh, chất thải rắn, rác thải bẩn, vỏ bao bì có dấu hiệu thuộc một số loại hóa chất độc hại…
Một hành vi có nhiều dấu hiệu vi phạm Luật Đê điều và môi trường, tái diễn ngay trong cùng một khu vực, trong một thời gian ngắn,vẫn cùng một ê kíp lãnh đạo cũ, khiến dư luận bức xúc.
Máy xúc hỗ trợ xả rác
Theo những thông tin mà nhóm phóng viên thu được, đã nhiều tháng nay, cứ chiều muộn, có rất nhiều xe chở rác ra sông Hồng, chủ yếu là rác thải dân sinh, rác thải bẩn, theo nhiều ngả đường đổ về. Sau giờ thu gom rác, càng đêm muộn, mật độ xe chở rác ra bãi sông càng nhiều hơn.
Tại lòng sông cạn, phía trong cột mốc “chỉ giới thoát lũ” vài trăm mét, với sự hỗ trợ của máy xúc và con người, chỉ trong chốc lát toàn bộ rác trên thùng xe được đổ xuống. Xe rác lại ra về với thùng không.
Một xe đang xả rác.
Hiện trạng, một phần lòng sông cũ với diện tích rộng đã được chôn lấp bởi một lớp đất mới rất dầy. Nhiều bãi chôn lấp phế thải rắn rất dễ nhận thấy bằng mắt thường. Một con đường mới vắt ngang qua lòng sông cạn cũng đang dần hình thành. Nhiều bãi bồi nhân tạo thuộc hành lang xả lũ đang lớn dần từng ngày.
Trao đổi với người dân địa phương, chúng tôi được biết, vì lo ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước và thiên tai tiềm ẩn, bà con cũng đã có những kiến nghị lên phường yêu cầu dừng đổ rác. Tuy nhiên, sau nhiều tháng, các hoạt động đổ chất thải vẫn tiếp diễn.
Phế thải rắn được chôn lấp chặn dòng chảy nhánh sông phụ.
Câu hỏi nhiều người đặt ra, vì sao sai phạm đã bị lãnh đạo UBND TP Hà Nội xử lý trong năm 2015 nhưng chính quyền UBND phường Long Biên vẫn để sự việc tái diễn?Phải chăng đó là sự cố tình, có chủ ý?
Xe chở rác quận Long Biên.
Theo Điểm a,b, khoản 3, Điều 12, chương III Nghị định số 139/2013/NĐ-CP về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều; phòng, chống lụt, bão” có ghi rất rõ: Đổ từ 0.5m3 chất thải xuống dòng chảy, bãi sông thuộc hành lang thoát lũ cũng đã là vi phạm, bị xử lý, phạt tiền. Điểm a, khoản 8, Điều 12 chương này cũng quy định về biện pháp khắc phục sự vi phạm này là buộc phải khôi phục nguyên trạng cũ.
Khoản 1, Điều 23, chương V của Nghị định Số 139/2013/NĐ-CP về thẩm quyền xử phạt hành chính có ghi rõ “Chủ tịch UBND cấp xã/phường có quyền” xử phạt.
Xe đang xả rác trong phạm vi nhánh sông cạn.
Liên quan đến vụ việc, Báo Công lý sẽ tiếp tục phối hợp với các chuyên gia luật, chuyên gia về môi trường và các cơ quan chức năng vào cuộc với mong muốn làm rõ hơn bản chất vụ việc.
Xe ghi Công ty CP công trình đô thị Long Biên.
Theo phương án về quy hoạch hành lang thoát lũ sông Hồng được Viện quy hoạch Thủy lợi xây dựng và đã được HĐND.TP Hà Nội biểu quyết, thông qua ngày 10/12/2009, những hộ dân, công trình nằm từ chỉ giới thoát lũ trở ra phía mép bờ sông đều thuộc diện giải tỏa. Trong tổng số gần 15.000 hộ dân thuộc diện di dời thời điểm đó (2009), khu vực Bồ Đề, Long Biên, Cự Khối có 677/1.652 hộ nằm trong hành lang thoát lũ phải di dời. Khu vực cầu Chương Dương, tuyến thoát lũ đi theo tuyến đê chính. Vùng bãi thuộc phường Bồ Đề, Long Biên, Cự Khối đường chỉ giới đi theo đường quản lý nhà máy nước, tính từ đường này trở ra phía sông, tất cả các công trình, dân cư ở đó phải di chuyển. Tại khu vực xã Đông Dư, xã Bát Tràng đường chỉ giới thoát lũ đi theo đường bao dân sinh thôn Hồng Hà (xã Đông Dư), Bát Tràng đến cống Xuân Quan. Từ cửa vào cống lấy nước Xuân Quan đến hết địa phận hành chính Hà Nội (thuộc các xã Kim Lan, Văn Đức), chỉ giới thoát lũ sẽ đi theo ven khu dân cư xã Kim Lan, sau đó đi theo tuyến đê bối xã Văn Đức, huyện Gia Lâm. |