Sơ kết thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại tại TAND Tp Hồ Chí Minh

Tiêu điểm - Ngày đăng : 20:32, 02/04/2019

Ngày 2/4, Ban chỉ đạo Tp Hồ Chí Minh thực hiện thí điểm hòa giải, đối thoại tại TAND đã tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại TAND hai cấp.

Hội nghị có sự tham dự của Thẩm phán TANDTC Bùi Ngọc Hòa, thành viên Ban chỉ đạo Trung ương về thực hiện thí điểm hòa giải, đối thoại tại TAND; các thành viên Ban chỉ đạo, tổ giúp việc Ban chỉ đạo thành phố; lãnh đạo các ban ngành; Giám đốc, Phó giám đốc, hòa giải viên, đối thoại viên của 10 trung tâm hòa giải, đối thoại của TAND hai cấp Tp Hồ Chí Minh

Hòa giải, đối thoại đạt tỷ lệ cao

Tại Hội nghị, ông Lê Thanh Phong, Phó Chánh án TAND Tp. Hồ Chí Minh cho biết, đề án thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại sau một thời gian hoạt động đã đạt được kết quả nhất định, tạo điểm sáng trong giải quyết các tranh chấp dân sự, hành chính. Cụ thể, Tòa án đã nhận 8.774 đơn khởi kiện, chuyển 4.869 đơn về 10 trung  tâm, trong đó số đơn đủ điều kiện giải quyết là 3.660 vụ. Đã có 2.860,5 vụ được hòa giải, đối thoại, 2.219,5 vụ hòa giải, đối thoại thành, đạt tỷ lệ 77,59%. Trong số các vụ việc hòa giải, đối thoại thành thì các vụ việc hôn nhân gia đình có tỷ lệ hòa giải thành cao nhất, đạt 83,31%; các vụ việc về dân sự (40,67%), kinh doanh thương mại (34,62%), lao động (44,44%) và hành chính (26,92%). Nguyên nhân án hành chính thụ lý có số lượng ít là do thẩm quyền thay đổi nên lượng án hành chính chủ yếu tập trung ở Trung tâm hòa giải, đối thoại thành phố (tiếp nhận 124 đơn), nhưng các trung tâm ở quận/huyện chỉ tiếp nhận được duy nhất 1 vụ, có trung tâm tại quận Gò Vấp còn không tiếp nhận hồ sơ nào. Từ ngày các trung tâm đi vào hoạt động, công tác hòa giải, đối thoại đã đi vào hoạt định ổn định, góp phần giảm lượng án phải giải quyết cho ngành tòa án nói chung và các tòa án nơi diễn ra hoạt động thí điểm nói riêng.

Còn không ít vướng mắc

Sau hơn 3 tháng đi vào hoạt động các trung tâm đã gặp phải một số khó khăn, vướng mắc, đó là vấn đề cấp lương, chi phí hoạt động cho các trung tâm, hòa giải viên, đối thoại viên, tổ giúp việc do đang trong giai đoạn thí điểm. Có nhiều trung tâm, lương của các cán bộ, nhân viên trung tâm còn bị nợ chưa được chi trả, như trung tâm hòa giải, đối thoại huyện Củ Chi đến nay chưa có lương của 3 tháng thí điểm thực hiện; công tác tuyên truyền chưa thật sự hiệu quả, người dân; một số cơ quan, tổ chức chưa nhận thức được lợi ích và tầm quan trọng của trung tâm; các hòa giải viên, đối thoại viên còn thiếu linh hoạt, sáng tạo, chủ yếu hòa giải diễn ra tại trung tâm, chưa có trường hợp nào hòa giải ngoài trụ sở tòa án hoặc hòa giải bằng hình thức khác; việc bố trí nhân sự cho các trung tâm chưa hợp lý. Về vấn đề lương, chi phí hoạt động, ông Phan Ngọc Minh, Phó Trưởng Ban Nội Chính Thành ủy, Thành viên ban chỉ đạo thành phố cho biết, Thành ủy Tp Hồ Chí Minh đã có thông báo kết luận của Thường trực Thành ủy về duyệt kinh phí, UBND thành phố cũng đã có chỉ đạo thực hiện Kết luận của Thành ủy trên cơ sở đề xuất của TAND Tp Hồ Chí Minh, Sở Tài chính sẽ sớm cấp kinh phí để các Trung tâm hoạt động.

Tại Hội nghị, đại diện các Trung tâm hòa giải, đối thoại đề nghị BCĐ cấp thành phố nghiên cứu, chỉ đạo cho phép các quận, huyện được liên hệ với các bên đương sự bằng điện thoại để đảm bảo giảm bớt quá trình thủ tục hành chính như hiện nay hoặc cần có các hình thức tiếp xúc đương sự đa dạng hơn nữa, ban hành thành quy định cụ thể để tạo điều kiện giải quyết nhanh hơn các hồ sơ vụ việc tiếp nhận. 

tand

Thẩm phán TANDTC Bùi Ngọc Hòa phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thẩm phán TANDTC Bùi Ngọc Hòa, thành viên Ban chỉ đạo Trung ương biểu dương những thành tích các trung tâm hòa giải, đối thoại của thành phố đã đạt được. Theo ông Bùi Ngọc Hòa, kết quả Tp. Hồ Chí Minh đạt được xứng đáng là điểm sáng của cả nước về giải quyết các tranh chấp dân sự, hành chính. Lợi ích thấy rõ nhất là các bên đương sự, cũng như tòa án và các cơ quan bảo vệ pháp luật được giảm bớt gánh nặng về thủ tục hành chính, góp phần to lớn vào việc giải quyết các mâu thuẫn, ngăn ngừa xung đột, đoàn kết trong quần chúng nhân dân. Trong thời gian tới, các trung tâm cần tiếp tục phát huy các thế mạnh của mình, trên cơ sở khắc phục các khó khăn, bất cập còn tồn tại để đề án thí điểm thật sự đem lại hiệu quả, lợi ích thiết thực cho người dân. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo thành phố cần phải đánh giá năng lực, nhiệt huyết của các hòa giải viên, đối thoại viên để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, thường xuyên sơ kết, rút kinh nghiệm và khen thưởng kịp thời. Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, Quốc hội nên công tác tuyên truyền về thí điểm đề án cần thực hiện sâu rộng hơn nữa, trước tiên là quán triệt trong đội ngũ thẩm phán, CBCC tòa án phải hiểu rõ, để toàn thể xã hội, người dân được tiếp cận với các Trung tâm hòa giải, đối thoại. Qua đó, cụ thể hóa một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, là cơ sở để TANDTC trình Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án tại kỳ họp Quốc hội sắp tới.

Quang Trung