Sai phạm tại dự án Tây Hùng Vương (Quảng Trị): Nông dân điêu đứng vì vướng vòng lao lý?
Pháp luật - Ngày đăng : 10:20, 22/01/2015
Song, điều khiến một số nông dân ở đây điêu đứng là “bỗng nhiên” vướng vòng lao lý bởi bị truy tố về các tội danh: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Nhiều lá đơn cầu cứu, kêu oan đã được gửi đến các cơ quan chức năng.
Từ dự án khu tái định cư…
Dự án xây dựng CSHT KTĐC Tây Hùng Vương do UBND TP. Đông Hà làm chủ đầu tư, giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Đông Hà thu hồi đất. Ông Đặng Trọng Vân, nguyên Trưởng phòng Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) xin ông Lê Anh Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Đông Hà để việc lập, đo đạc bàn đồ địa chính do Công đoàn Phòng Tài nguyên-Môi trường thực hiện nhằm có nguồn thu. Ông Vân giao cho ông Trương Văn Tuấn (cán bộ Phòng TN-MT TP Đông Hà) thực hiện.
Do không có tư cách pháp nhân, ông Tuấn soạn hợp đồng kinh tế số 27/ĐCL ngày 15/10/2011 trong đó Bên A là Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Đông Hà do ông Lê Anh Sơn đại diện, Bên B là Công ty Cổ phần Tư vấn TN-MT Quảng Thái do ông Võ Văn Tái, Giám đốc Công ty đại diện. Ông Tái đồng ý với điều kiện được hưởng 30% giá trị của hợp đồng. Trong khi việc đo đạc lập bản đồ chưa xong thì ngày 22/12/2011, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Đông Hà và Công ty Quảng Thái lại thanh lý hợp đồng.
Tháng 2/2012, ông Tuấn bàn giao hồ sơ địa chính, danh sách thu hồi đất cho Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Đông Hà. Theo đó, ông Nguyễn Cao Cường, Phó Giám đốc Trung tâm phân công bà Dương Thị Minh Hòa (tổ trưởng), chịu trách nhiệm điều hành chung; bà Nguyễn Thị Hiếu, kiểm kê, lập hồ sơ bồi thường; một số cán bộ Trung tâm tham gia đi thực địa…
Ngày 8/2/2012, tổ kiểm kê tiến hành kiểm kê thực địa và lập biên bản ghi nhận các thửa đất của các hộ bị ảnh hưởng. Quá trình kiểm kê, bà Hiếu phối hợp với Ban chủ nhiệm HTX Lai Phước và những hộ có trong danh sách do bà Hiếu lập để xác định nguồn gốc đất. Bà Hiếu đưa danh sách cho cán bộ HTX Lai Phước tự ý sửa chữa, tẩy xóa, tên 14 hộ là chủ đất trong danh sách do Công ty Quảng Thái lập trước đó thành 9 hộ.
Khu đất lúa của bà con bị thu hồi để thực hiện dự án KTĐC Tây Hùng Vương.
Đến việc nông dân vướng vòng lao lý
Kết luận điều tra của Công an TP. Đông Hà về vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại công trình xây dựng dự án CSHT KTĐC Tây Hùng Vương thể hiện: “…Ông Võ Văn Tú (Chủ nhiệm HTX Lai Phước); Nguyễn Văn Sự (Phó chủ nhiệm HTX Lai Phước) và 4 đối tượng gồm: Nguyễn Thị Hằng; Nguyễn Đình Thông, Nguyễn Sắt và Võ Văn Ngữ đã thông đồng với nhau hợp thức hóa nguồn gốc đất của HTX thành đất theo Nghị định 64/CP để chiếm đoạt tiền đền bù”. Cũng chính từ bản kết luận điều tra này, một số nông dân, đặc biệt là bà Nguyễn Thị Hằng một mực kêu oan cho rằng bà không hề thông đồng với cán bộ để chiếm đoạt tiền của dự án.
Cụ thể, theo bà Hằng, trong năm 2011, UBND TP. Đông Hà làm thủ tục thu hồi đất lúa để phục vụ dự án. Sở TN-MT tỉnh Quảng Trị có Thông báo số 844/TB-STNMT ngày 27/6/2012 không chấp nhận việc thu hồi đất lúa này và đã gửi công văn hỏa tốc của Chính phủ đến UBND phường Đông Lương và UBND TP. Đông Hà yêu cầu phải thực hiện Công văn 5617/VPCP-KTN ngày 16/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thu hồi đất lúa, đất rừng phòng hộ… phải thông qua HĐND tỉnh và Bộ TN-MT xem xét trình Thủ tướng có ý kiến trước khi chuyển đổi mục đích.
Ngày 10/10/2012, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Trị đã có cuộc họp với các ngành, thống nhất đề nghị UBND TP. Đông Hà, UBND phường Đông Lương rà soát hiện trạng khu đất trên, gửi Sở TN-MT thẩm định trình UBND tỉnh xin ý kiến Thường trực HĐND.
Điều gây khó hiểu ở đây là mặc dù chưa có ý kiến chỉ đạo của các cấp, nhưng ngày 11/11/2012, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Đông Hà tổ chức chi trả tiền đền bù, hỗ trợ tại dự án nói trên cho bà con ở hội trường HTX Lai Phước. Khi trả tiền bồi thường, các cán bộ Trung tâm đều cho hay: Trung tâm mượn tiền trước của một doanh nghiệp (đơn vị thi công dự án này) để phát cho bà con chứ không phải tiền lấy từ Kho bạc Nhà nước?
Bà Hằng cho biết: “Năm 2010, HTX Lai Phước chia lại ruộng cho bà con và tháng 8/2011, HTX cho các xã viên đấu thầu lại ruộng tại Bàu Sen (vị trí thu hồi để thực hiện dự án), tôi đã có ý kiến với Ban chủ nhiệm HTX Lai Phước nếu chúng tôi đấu trúng ruộng ở trên thì HTX cho bà con làm sổ đỏ theo Nghị định 64/CP và HTX đồng ý. Tôi trúng thửa số 429 với diện tích 1012m2. Sau khi đấu trúng thửa ruộng này, do bề mặt đất của ruộng trước đó bị HTX bán đất mặt cho chủ lò gạch nên tôi buộc phải tiến hành cải tạo lại ruộng, đào kênh dẫn nước vào ruộng để sử dụng…”.
Cũng theo bà Hằng, việc chuyển đổi đất lúa (thu hồi) để làm dự án này đến tận tháng 10/2013 mới được Thủ tướng chấp thuận. “Như vậy, tôi không hề kê khống đất lúa để chiếm đoạt tài sản là 96.973.000 đồng. Việc Cơ quan điều tra quy kết cho tôi thông đồng với Ban chủ nhiệm HTX Lai Phước để lừa đảo chiếm đoạt tiền dự án là oan cho tôi, không đúng với bản chất của vụ việc…” - Bà Hằng nói.
Để tìm hiểu rõ hơn về loại đất ruộng theo trình bày của bà Hằng, chúng tôi được ông Trần Hùng, nguyên cán bộ địa chính phường Đông Lương, TP. Đông Hà cho biết: Toàn bộ diện tích đất lúa liên quan trong vụ án này đã được HTX Đông Lương giao cho bà con nhân dân theo Nghị định 64. Các giấy tờ liên quan đến việc giao đất này hiện vẫn còn lưu giữ.
Trao đổi thêm về vụ việc này, ông Hồ Đại Nam, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Trị cho biết: Hiện Tỉnh ủy Quảng Trị đã nhận được đơn thư, hồ sơ kêu oan trước kết luận điều tra của cơ quan Công an TP. Đông Hà của các nông dân liên quan trong vụ án trên. Theo đó, Bí thư Tỉnh ủy đã có chỉ đạo cho Văn phòng Tỉnh ủy chuyển đơn thư của các nông dân đến các cơ quan chức năng xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.