Việc một DN ở Xuân Trường, Nam Định bị tố cáo “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”: Cần bảo vệ uy tín cho doanh nghiệp
Pháp luật - Ngày đăng : 12:58, 06/10/2014
Có vay, có trả
Do có quan hệ quen biết với gia đình ông Bùi Viết Kham và bà Hoàng Thị Mơ, trú tại tổ 17, thị trấn Xuân Trường, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định nên ông Trần Thế Việt và vợ là bà Trần Thị Hồng- Chủ doanh nghiệp Hồng Việt đã vay tiền gia đình ông Bùi Viết Kham và bà Hoàng Thị Mơ với mục đích mua máy đóng đế giày cho Nhà máy sản xuất giày da xuất khẩu tại tổ 18, thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường, Nam Định).
Ngày 16/3/2012, hai bên đã ký hợp đồng vay vốn với số tiền 5 tỷ đồng; thời hạn vay là 2 tháng, tài sản thế chấp là Nhà máy sản xuất giày da xuất khẩu tại tổ 18, thị trấn Xuân Trường và Nhà máy gỗ xuất khẩu tại Km số 8, đường Vụ Bản, TP. Nam Định.
Sau đó, ông Bùi Viết Kham (vợ là Hoàng Thị Mơ) có đơn tố cáo Công ty CP Xây dựng Hồng Việt về hành vi "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" lên tới gần 10 tỷ đồng (cả gốc vài lãi-PV). Lý lẽ mà ông Kham đưa ra là: ông Việt đã sử dụng tài sản “không phải do mình sở hữu” để mang đi thế chấp vay vốn.
Trụ sở Công ty Hồng Việt
Tuy nhiên, theo Công ty CP Xây dựng Hồng Việt (Công ty Hồng Việt), sự thực không phải như vậy. Ngày 4/1/2012, Công ty CP Tập đoàn TVT (Công ty TVT) do ông Đinh Xuân Bình giữ chức Chủ tịch HĐQT đã ký Giấy ủy quyền cho bà Trần Thị Hồng, chức vụ Phó Giám đốc Công ty Hồng Việt với nội dung: Bà Hồng được quyền dùng tài sản là Nhà máy chế biến gỗ Nam Định thuộc Công ty TVT để huy động nguồn vốn từ chỗ ông bà Mơ Kham với số tiền không quá 10 tỷ đồng. Mục đích việc huy động là thực hiện dự án mở rộng Nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu Nam Định.
Tiếp đến, tại Giấy cam kết đề ngày 15/1/2012 giữa Công ty TVT và Công ty Hồng Việt cũng ghi rõ: “Do nhu cầu triển khai dự án mở rộng Nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu tại Nam Định, Công ty TVT có ủy quyền cho bà Hồng đứng ra bảo lãnh huy động vốn từ chỗ ông bà Mơ Kham cho Công ty TVT với số tiền không quá 10 tỷ đồng.
Số tiền huy động được chuyển vào Công ty TVT thể hiện bằng hợp đồng vay vốn giữa bà Hồng và ông bà Mơ Kham; phiếu thu tiền vay của ông bà Mơ Kham vào Công ty TVT. Công ty TVT cam kết sẽ thanh toán gốc, lãi đầy đủ, đúng hạn theo đúng hợp đồng vay vốn. Trong trường hợp đến hạn, Công ty TVT không thanh toán được để trả tiền cho ông bà Mơ Kham, Công ty TVT có trách nhiệm nhận nợ lại khoản vay trên để trực tiếp thanh toán với ông bà Mơ Kham”.
Như vậy, căn cứ theo tài liệu mà Công ty Hồng Việt cung cấp, thì việc thế chấp vay vốn có sự ủy quyền và thỏa thuận của Công ty TVT đối với Công ty Hồng Việt.
Gia đình ông Bùi Viết Kham cho rằng, sau khi vay số tiền gần 10 tỷ đồng, Công ty Hồng Việt chưa thanh toán bất cứ khoản tiền nào. Tuy nhiên, hồ sơ mà phía Công ty Hồng Việt cung cấp thì có sự trả nợ thường xuyên và đến nay vẫn đang tiếp tục trả nợ.
Ngày 16/5/2012, biên nhận ghi “Tôi là Bùi Viết Kham, Lạc Quần, Xuân Trường, Nam Định nhận của chị Việt- Hồng số tiền 2, 5 tỷ đồng”.
Ngày 16/6, Doanh nghiệp vàng bạc Kim Anh – Đức Kham (do ông Kham làm chủ) có ghi Giấy biên nhận với nội dung: “Cháu Đỉnh trả lãi cho mẹ Việt số tiền 371 triệu đồng”.
Giấy ủy quyền của Công ty Cổ phần Tập đoàn TVT cho bà Trần Thị Hồng
Tại Giấy biên nhận đề ngày 12/7 của Doanh nghiệp vàng bạc Kim Anh – Đức Kham có ghi: “Cháu Thỉnh trả hộ mẹ Hồng Việt số tiền 200 triệu đồng”.
Tiếp đến, tại Giấy biên nhận đề 4/8/2012 của Doanh nghiệp vàng bạc Kim Anh – Đức Kham có ghi: “Nhận của cháu Thỉnh con bác Việt (ông Trần Thế Việt-PV) 70 triệu đồng”.
Biên nhận ngày 12/8/2012 thể hiện Doanh nghiệp vàng bạc Kim Anh – Đức Kham nhận 110 triệu đồng từ “cháu Thỉnh con bác Việt”.
Biên nhận ghi ngày 8/2/2013 thể hiện: “Tôi là Trần Thị Oanh (em dâu chị Mơ) nhận 200 triệu đồng của Công ty Cổ phần tập đoàn TVT. Số tiền này trừ vào công nợ của chị Hồng- Việt vay của bác Kham để thi công công trình TVT Nam Định”.
Chỉ là quan hệ dân sự
Theo quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự thì hành vi phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là hành vi vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó, hoặc sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
Như vậy, theo hồ sơ mà Công ty Hồng Việt cung cấp thì không có việc dùng thủ đoạn gian dối khi ký hợp đồng vay vốn với gia đình ông Kham, bà Mơ; không có việc bỏ trốn vì Công ty Hồng Việt vẫn sinh sống, làm ăn tại địa phương và vẫn thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho gia đình ông Kham. Việc vay vốn của Công ty Hồng Việt nhằm mở rộng nhà máy sản xuất gỗ nên việc sử dụng vốn vay là đúng mục đích. Từ những phân tích trên, không có căn cứ để khẳng định ông Trần Thế Việt (vợ là Trần Thị Hồng) có hành vi lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Công ty Hồng Việt còn cung cấp một số tài liệu thể hiện có hoạt động “cho vay nặng lãi, tín dụng đen” của gia đình ông bà Kham Mơ. Cụ thể như hợp đồng vay vốn ngày 16/03/2012 ghi lãi suất 1800 đồng/ngày/1 triệu đồng. Như vậy với số tiền vay 5 tỷ đồng thì mỗi ngày bên vay phải trả lãi tới 9 triệu đồng. Về việc này, đề nghị Công an huyện Xuân Trường tiến hành xác minh, làm rõ và nếu có sai phạm tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.
Lãnh đạo Công ty Hồng Việt cho biết, từ lâu nay doanh nghiệp là đơn vị sản xuất kinh doanh có uy tín tại địa phương, tích cực tham gia công tác từ thiện xã hội và nhận được nhiều bằng khen, giấy khen. Việc tố cáo không có căn cứ đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy, đề nghị cơ quan chức năng huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định sớm có kết luận để bảo vệ uy tín, danh dự cho doanh nghiệp.