Chuyện thi cử
Giáo dục - Ngày đăng : 07:08, 03/05/2019
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, kết quả đổi mới giáo dục của Việt Nam được các nước, tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Còn nhớ, Ngân hàng Thế giới (WB) đã khẳng định, 7 trong số 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, trong đó sự phát triển thực sự ấn tượng là ở hệ thống giáo dục của Việt Nam, quốc gia tiên phong trong đổi mới giáo dục. Đây là một thành tựu lớn của khu vực và có thể trở thành những bài học kinh nghiệm quan trọng cho các quốc gia khác trên thế giới.
Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Lâm - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang vẫn băn khoăn, giáo dục Việt Nam đứng thứ 10 toàn thế giới hay của Đông Á - Thái Bình Dương, lưu ý, khu vực này chỉ có 10 nước, nếu đứng thứ 10 khu vực này thì có đáng đưa vào báo cáo không? Vị đại biểu này thẳng thắn nhìn nhận, giáo dục nước ta liên tục đổi nhưng chưa mới, vẫn còn bệnh thành tích và dối trá nhưng không dám đối diện.
Liệu có nặng lời quá chăng? Không đâu. Qua 4 năm thực hiện kỳ thi THPT quốc gia “2 trong 1”- vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển vào các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ), mặc dù đã có nhiều điều chỉnh so với năm đầu tiên (2015) nhưng kỳ thi này vẫn còn nhiều hạn chế, tiềm ẩn nhiều kẽ hở dễ nảy sinh tiêu cực.
Đặc biệt, vụ gian lận sửa điểm thi ở các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang trong kỳ thi năm 2018 gây chấn động khiến dư luận bất bình và đến nay, khi sắp vào mùa thi năm 2019 vẫn chưa xử lý xong, những hậu quả và hệ lụy tiếp tục gây phẫn nộ trong xã hội. Các chuyên gia giáo dục cho rằng tiêu cực, gian lận trong thi cử sẽ tiếp tục còn đất sống nếu vẫn tổ chức thi theo kiểu “2 trong 1” như đang thực hiện.
Nhằm đơn giản, nhẹ nhàng hóa một kỳ thi quốc gia duy nhất, Bộ GD-ĐT đã chọn cách giao toàn quyền kỳ thi này cho địa phương. Từ khâu tổ chức thi đến chấm thi đều do các Sở GD-ĐT chịu trách nhiệm chính, các trường ĐH chỉ là đơn vị phối hợp thực hiện trong phần coi thi. Thực tế kỳ thi trong năm 2018, khâu chấm thi nằm gọn trong tay các địa phương là “lỗ hổng chết người”.
Thực tế ngay sau khi thực hiện kỳ thi THPT quốc gia “2 trong 1”, nhiều ý kiến trong ngành đã cho rằng không thể nào đáp ứng được khi 2 tiêu chí hoàn toàn khác nhau. Chính vì thế mà năm nào cũng phải điều chỉnh từ khâu ra đề thi, tổ chức thi, chấm thi và năm nào cũng phát sinh những vấn đề nổi cộm. Rối đến kỳ thi năm 2019 sắp tới sẽ có không biết bao nhiêu giải pháp được ban hành.
Thực tế cho thấy đã đến lúc xem xét về việc có nên tiếp tục tồn tại kỳ thi “2 trong 1” hay không.