Bộ GD&ĐT giữ nguyên kết quả các đề tài khoa học bị “tố” có vấn đề
Giáo dục - Ngày đăng : 19:00, 23/03/2019
Theo đó, Bộ GD&ĐT đã thành lập Hội đồng thẩm định, tiến hành chấm thẩm định 6 dự án. Trong đó, có 2 dự án là 2 đề tài khiếu nại vì không được giải. Trong khi đó, 4 dự án còn lại đoạt giải nhất trong số 6 dự án, các phụ huynh cho rằng không xứng đáng.
Hội đồng chấm thẩm định phân tích chi tiết ưu, nhược điểm theo từng tiêu chí của từng dự án trên.
Cụ thể, các dự án "Máy làm sạch bề mặt bạt đáy ao nuôi tôm"; "Máy cắt tỉa cây cảnh sử dụng ắc quy và pin năng lượng mặt trời"; "Nghiên cứu chỉ số hạnh phúc học đường của học sinh trung học phổ thông" và "Học sinh thủ đô quảng bá giá trị di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám để phát huy truyền thống hiếu học trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0".
Sau khi chấm thẩm định lại, cả 4 dự án đều được đánh giá có vấn đề nghiên cứu rõ ràng, giải pháp thực hiện thực tế; kế hoạch nghiên cứu phù hợp; sản phẩm của đề tài đã được thử nghiệm và có hiệu quả rõ rệt; học sinh có nhiều sự sáng tạo trong việc thực hiện dự án. Do đó, 4 dự án từng được trao giải nhất này vẫn được giữ nguyên kết quả.
Ông Nguyễn Hữu Độ - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT và thành viên ban giám khảo nghe học sinh trình bày dự án trong cuộc thi khu vực phía Bắc ngày 9/3
Đối với 2 dự án “Chế tạo máy tự hành chăm sóc và thu hoạch cây ăn quả mô phỏng hoạt động của con người” và “Sự bùng nổ của hiện tượng thích mạo hiểm ở thanh thiếu niên - tác động của nó lên vỏ não và hệ thống limbic”, phụ huynh của học sinh có đề tài nghiên cứu khiếu nại vì không được giải.
Hội đồng thẩm định đã chỉ ra những hạn chế của đề tài. Đơn cử, dự án “sự bùng nổ của hiện tượng thích mạo hiểm ở thanh thiếu niên - tác động của nó lên vỏ não và hệ thống limbic”: mẫu nghiên cứu chưa phù hợp với đối tượng nghiên cứu; tính thực tiễn để giải quyết các vấn đề xã hội chưa thể hiện rõ trong đề tài; Phần xã hội hành vi bị tác động không rõ dẫn đến các giải pháp đưa ra chưa phù hợp.
Dự án “Chế tạo máy tự hành chăm sóc và thu hoạch cây ăn quả mô phỏng hoạt động của con người”, các nghiên cứu liên quan chưa đề cập, chưa trình bày các ưu, nhược điểm của từng nghiên cứu tương đồng; tên đề tài không sát với nội dung (tên đề tài nói chung về cây ăn quả nhưng báo cáo thì nói về quả thanh long). Chưa trình bày rõ phương án nghiên cứu.
Về tiến hành nghiên cứu; thu thấp dữ liệu và phân tích dữ liệu thì chỉ có kết quả chọn quả nhưng thiếu độ tin cậy (vì chọn 600 quả không biết trong thời gian bao lâu). Phần di chuyển của robot và thao tác chưa có minh chứng kết quả dẫn đến thiếu độ tin cậy và kết quả nghiên cứu;
Thiếu sơ đồ các thuật toán (ví dụ như thuật toán điều khiển cánh tay, nhận dạng…). Sản phẩm cuối cùng không có hình ảnh minh chứng. Không thấy đưa ra cấu tạo cơ khí dao cắt lắp đặt ở đâu (đây là bộ phận rất quan trọng trong quá trình cắt quả thanh long).
Phần thiết kế cơ khí cần phải xác định điểm trọng tâm của hệ thống nằm ở chân để xa sẽ không bị lật; Chưa mô tả cụ thể phương pháp tinh chỉnh, đây là phần quan trọng để tăng độ chính xác nhận dạng thu hoạch quả.
Công của học sinh có thể coi là đã lắp ráp của một hệ hay máy, đã kết cấu được một hệ mạch điện tử cho cơ cấu robot.
Kết quả, sau khi chấm thẩm định, 2 dự án này vẫn không đạt yêu cầu để trao giải.
Trước đó, nhiều phụ huynh đã gửi đơn khiếu nại đến Ban tổ chức cuộc thi phía Bắc khi cho rằng có một số đề tài được chấm giải nhất tại cuộc thi có dấu hiệu vi phạm quy chế, quy định của cuộc thi. Có tới 5/15 giải nhất không sáng tạo, có ý tưởng và giải pháp trùng lặp với kết quả nghiên cứu của các đề tài khoa học chuyên sâu trong và ngoài nước.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định, cuộc thi ở phía Bắc diễn ra một cách khách quan, minh bạch và công khai. Việc đánh giá và cho điểm dự án của các nhà khoa học diễn ra thận trọng, nghiêm túc.