Xây dựng chính sách cho giáo sinh người dân tộc muốn về dạy tại các trường nội trú

Giáo dục - Ngày đăng : 06:42, 20/12/2018

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cần có phương án tăng cường đưa các sinh viên là người dân tộc thiểu số đã tốt nghiệp các trường sư phạm về dạy ở các trường nội trú.

Xây dựng các chính sách ưu đãi cho những giáo sinh người dân tộc

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm Trường Phổ thông dân tộc nội trú giai đoạn 2008 – 2018, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ, mô hình truyền thống của trường Phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) đã và đang phát huy hiệu quả rất lớn, thực hiện được mục tiêu là nơi tạo nguồn nhân lực cho đồng bào dân tộc thiếu số. Chất lượng nhiều trường không thua kém các trường THPT chuyên, trường đại trà. Tuy nhiên, trong thời gian tới, mô hình trường PTDTNT sẽ cần thay đổi để khắc phục những tồn tại, hạn chế, đáp ứng tình hình thực tiễn đối với giáo dục dân tộc.

Xây dựng chính sách cho giáo sinh người dân tộc muốn về dạy tại các trường nội trú

Bộ Trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ.

Ở cấp tỉnh, tập trung nguồn lực cho một trường, ở cấp huyện có trường nội trú, bán trú, tránh tình trạng phân tán. Cần rà soát các tiêu chí để xây dựng mô hình phù hợp trên tinh thần duy trì, phát triển mô hình truyền thống và chọn lựa một số mô hình chất lượng cao phù hợp. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất mô hình trường PTDTNT vùng; mở rộng mô hình giáo dục hòa nhập đối với giáo dục dân tộc ở những nơi phù hợp, kèm theo các mô hình này là các khung tiêu chuẩn định hướng phù hợp với từng vùng miền.

Về các điều kiện đảm bảo chất lượng, Bộ trưởng chỉ đạo chương trình và kế hoạch giáo dục của hệ thống trường PTDTNT phải được xây dựng theo hướng tích hợp, kết hợp giữa dạy văn hóa, dạy kỹ năng, hướng nghiệp dạy nghề cho học sinh DTTS. Cơ sở vật chất, điều kiện sinh hoạt trong các trường PTDTNT phải đảm bảo cho học sinh yên tâm như sinh hoạt trong gia đình. Các điều kiện như nhà nội trú,  bếp ăn nội trú, nhà vệ sinh cần được quan tâm đầu tư, đáp ứng yêu cầu sinh hoạt của học sinh.

Nhấn mạnh vai trò của giáo viên bản địa dạy trong các trường nội trú, Bộ trưởng lưu ý, cần có phương án tăng cường đưa các sinh viên là người dân tộc thiểu số đã tốt nghiệp các trường sư phạm về dạy ở các trường nội trú. Các thầy cô với lợi thế hiểu địa bàn, thông hiểu tiếng bản địa, hiểu tâm lý học sinh vùng dân tộc sẽ giúp nâng cao chất lượng ở các trường nội trú. Về phía Bộ GD-ĐT sẽ nghiên cứu để tham mưu, xây dựng các chính sách ưu đãi cho những giáo sinh người dân tộc có nguyện vọng về dạy ở các trường PTDTNT.

Trước đề xuất của một số đại biểu tại hội nghị về việc tăng định mức giáo viên phù hợp với đặc thù của trường PTDTNT trong thời điểm đang thực hiện chủ trương tinh giản biên chế như hiện nay, Bộ trưởng cho biết, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục nghiên cứu kỹ để có đề xuất phù hợp. Các đề xuất về tăng định mức chi, chính sách tiền lương, phụ cấp cho giáo viên trường PTDTNT cũng sẽ được Bộ GD-ĐT tiếp thu để nghiên cứu và tham mưu, đề xuất với Chính phủ trên tinh thần, đáp ứng yêu cầu đặc thù của mô hình trường chuyên biệt này.

 Khoảng 40% số trường PTDTNT được công nhận đạt chuẩn quốc gia

Trường phổ thông dân tộc nội trú là loại hình trường công lập, chuyên biệt trong hệ thống giáo dục quốc dân. Trường dành cho thanh, thiếu niên các dân tộc thiểu số với mục tiêu tạo nguồn đào tạo cán bộ và nguồn nhân lực có trình độ cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi . Trường PTDTNT có vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và củng cố an ninh, quốc phòng ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi.

Hiện trên cả nước có có 315 trường PTDTNT ở 49 tỉnh, thành phố với tổng số 109.245 học sinh nội trú . Trong đó, có 59 trường PTDTNT cấp tỉnh, 256 trường cấp huyện, có 03 trường PTDTNT trực thuộc Bộ GD-ĐT. Quy mô trung bình của trường cấp tỉnh khoảng 600 học sinh, trường cấp huyện khoảng 290 học sinh. Đến nay, số trường PTDTNT được công nhận đạt chuẩn quốc gia đã đạt khoảng 40%.

Xây dựng chính sách cho giáo sinh người dân tộc muốn về dạy tại các trường nội trú

Toàn cảnh Hội nghị.

Chất lượng giáo dục của các trường PTDTNT ngày càng được nâng cao, từng bước khẳng định vị thế là trường hàng đầu về chất lượng giáo dục ở vùng vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Mô hình trường này cũng đã khẳng định được vai trò to lớn trong việc tạo nguồn đào tạo cán bộ, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng ở vùng vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, biên giới và hải đảo trong suốt giai đoạn vừa qua.

Tại hội nghị, nhiều khó khăn, hạn chế, bất cập của mô hình trường PTDTNT  đã được các đại biểu đề cập như: Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ việc dạy và học còn hạn chế, thiếu đồng bộ; chất lượng và hiệu quả đào tạo của hệ thống trường PTDTNT chưa cao; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên chưa được bồi dưỡng thường xuyên các chuyên đề về giáo dục đặc thù phù hợp với nhiệm vụ nuôi, dạy học sinh ở trường PTDTNT; một số chính sách, chế độ đối với trường PTDTNT còn chưa phù hợp, thiếu một số chính sách đặc thù cần thiết...

Đặc biệt, mô hình trường PTDTNT đang gặp nhiều bất cập trong vấn đề tuyển sinh, quy hoạch mô hình phù hợp với thực tiễn, xu thế phát triển của xã hội và thực hiện mục tiêu tạo nguồn đào tạo cán bộ cho một số dân tộc có nguồn nhân lực thấp (gồm 16 dân tộc có dân số dưới 10.000 người và một số dân tộc: Kháng, Gia Rai, Ba Na, Mông, Thái, Khmer, Raglai, Xtiêng, Khơ Mú, Co, Giẻ Triêng).

Để trường PTDTNT mang lại được hiệu quả giáo dục như mục tiêu, một số ý kiến cho rằng, trong giai đoạn 2018-2028, cần thiết phải có những định hướng giải pháp phù hợp với tinh thần đổi mới giáo dục và thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội ở vùng vùng dân tộc thiểu số, miền núi hiện nay.

Trong đó, việc rà soát, quy hoạch và sắp xếp lại hệ thống các trường PTDTNT trên cơ sở đáp ứng các điều kiện (tiêu chí) theo quy định về tuyển sinh, cơ sở vật chất, đội ngũ là một việc làm cần thiết và cấp bách để tránh lãng phí và mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác tạo nguồn đào tạo cán bộ và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng ở vùng vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, biên giới và hải đảo.

Đặng Hà