Xây dựng các chương trình giảng dạy và tài liệu hướng dẫn cho giáo viên về phòng chống tham nhũng

Giáo dục - Ngày đăng : 08:52, 22/11/2018

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT yêu cầu tập trung rà soát xây dựng các chương trình giảng dạy và tài liệu hướng dẫn giảng dạy cho giáo viên về phòng chống tham nhũng để triển khai tốt hơn nữa công tác giáo dục phòng chống tham nhũng trong nhà trường.

Cụ thể, Đoàn công tác do đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm Trưởng đoàn kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng tại Bộ GD-ĐT.

Theo báo cáo của Ban Cán sự Đảng Bộ GD-ĐT, xác định việc phòng ngừa tham nhũng là quan trọng, Ban Cán sự Đảng đã chỉ đạo quán triệt, tuyên tuyền, phổ biến pháp luật, hướng dẫn các đơn vị nghiêm túc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch; kê khai tài sản, thu nhập; thực hiện quy chế dân chủ trong các đơn vị; tăng cường công tác thanh tra hành chính và đột xuất.

Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo, có Kế hoạch và hướng dẫn công tác “Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2018” của ngành; gắn việc giáo dục phòng chống tham nhũng với nhiều nội dung triển khai Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” bằng các hoạt động phong phú, tích hợp nhiều nội dung.

Xây dựng các chương trình giảng dạy và tài liệu hướng dẫn cho giáo viên về phòng chống tham nhũng

Toàn cảnh cuộc họp.

Bộ cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn các đại học, trường đại học, cao đẳng tiếp tục đưa nội dung phòng chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục theo Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong cải cách tổ chức bộ máy hành chính, Bộ đã giảm từ 23 đơn vị hành chính xuống còn 21 đơn vị, giảm được 21 phòng và 63 vị trí lãnh đạo cấp phòng.

Ghi nhận, đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng Bộ GD-ĐT và lãnh đạo Bộ GD-ĐT trong việc thực hiện kế hoạch đôn đốc, kiểm tra công tác phòng chống tham nhũng, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã chỉ ra một số kết quả nổi bật của Bộ.

Cụ thể, Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã quan tâm chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng trong Bộ, trong ngành; ban hành kế hoạch triển khai công tác phòng chống tham nhũng của Bộ; bước đầu đưa nội dung phòng chống tham nhũng vào giảng dạy; thực hiện các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng, Chính phủ liên quan tới công tác phòng chống tham nhũng.

Bên cạnh đó đã quan tâm hoàn thiện các văn bản pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước để phù hợp hơn với điều kiện và tình hình thực tế, trong đó chú ý tới những vấn đề dư luận xã hội quan tâm. Chú ý hoàn chỉnh các quy trình, thủ tục để tăng cường tính công khai, minh bạch trong công tác lãnh đạo điều hành.

Xây dựng các chương trình giảng dạy và tài liệu hướng dẫn cho giáo viên về phòng chống tham nhũng

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã tiếp thu các ý kiến của đoàn công tác và cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh triển khai toàn diện công tác phòng chống tham nhũng trong Bộ và trong ngành.

Công nghệ thông tin, cải cách hành chính có tiến bộ, cải thiện đáng kể thứ bậc thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính so với một vài năm trước. Đồng thời, đưa nội dung công tác phòng chống tham nhũng vào chương trình, kế hoạch kiểm tra của năm 2018.

Nhấn mạnh công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng đang bước vào giai đoạn yêu cầu ngày càng cao, đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ GD-ĐT tiếp tục tập trung quán triệt các nghị quyết, kết luận, chỉ thị, quy định của Đảng về phòng chống tham nhũng. Đặc biệt phải tổ chức quán triệt trong đội ngũ.

Nghiên cứu để tiếp tục đưa nội dung giáo dục phòng chống tham nhũng vào nhà trường với cách thức sao cho phù hợp và hiệu quả; gắn giáo dục phòng chống tham nhũng với giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho sinh viên, học sinh.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, sửa đổi bổ sung các quy định còn thiếu và tăng cường công khai minh bạch. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phối hợp với chính quyền địa phương để thanh tra giám sát những vấn đề dư luận xã hội còn có ý kiến. Bên cạnh đó, cần khen thưởng kịp thời gắn với xử lý vi phạm kịp thời; thực hiện điều chuyển, điều chỉnh phân công nhiệm vụ tạo sự chuyển biến tích cực hơn nữa.
Đồng chí Võ Văn Thưởng cho rằng, Bộ GD-ĐT đồng thời phải thực hiện hai nhiệm vụ: Đấu tranh phòng chống tham nhũng trong cơ quan bộ và chỉ đạo đưa giáo dục phòng chống tham nhũng vào hệ thống giáo dục nhà trường - đây sẽ là “vắc xin” phòng chống tham nhũng trong tương lai.

Thay mặt Ban Cán sự Đảng Bộ GD-ĐT, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã tiếp thu các ý kiến của đoàn công tác và cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh triển khai toàn diện công tác phòng chống tham nhũng trong Bộ và trong ngành. Trong đó, sẽ tập trung rà soát xây dựng các chương trình giảng dạy và tài liệu hướng dẫn giảng dạy cho giáo viên về phòng chống tham nhũng để triển khai tốt hơn nữa giáo dục phòng chống tham nhũng trong nhà trường.

Ngô Chuyên