Ánh sáng trên “ốc đảo” Kon Pne
Giáo dục - Ngày đăng : 17:31, 20/11/2018
Gieo chữ-trồng người
“Khi thầy...viết bảng, bụi phấn...rơi rơi. Có hạt bụi nào, rơi trên bục giảng, có hạt bui nào, vương trên tóc thầy...” là một đoạn trong lời bài hát “Bụi phấn” của hai tác giả Vũ Hoàng và Lê Xuân Lộc đã nói lên những hy sinh thầm lặng của người thầy.
Những vất vả thầm lặng đó đã được những người thầy, cô trường PTDT Bán trú Tiểu học và THCS Kon Pne ngày đêm thực hiện. Với họ, dường như khó khăn chỉ tiếp thêm động lực để bám bản, làng dạy từng con chữ chứ không thể khuất phục được ý chí.
Thầy Lê Tiến Thể (Sinh năm 1980, Phó hiệu trưởng nhà trường) đã 15 năm nay luôn đồng hành, dõi theo những bước chân của biết bao thế hệ học trò. Mười mấy năm đánh đổi thanh xuân, xa nhà để vào với xã xa nhất của tỉnh Gia Lai gieo con chữ, là hàng trăm, nghìn lần thầy trằn trọc, thổn thức với những bài giảng hôm sau.
Thầy Lê Tiến Thể đang “gieo mầm” ước mơ trên từng trang sách
Là xã thuộc diện khó khăn của tỉnh, nên trình độ học vấn, nhận thức của bà con đồng bào nơi đây còn hạn chế. Trước đây, việc học không quan trọng bằng lên rẫy, lên nương kiếm bắp ngô, củ khoai để sống qua ngày. Quan niệm này dường như đã ăn sâu vào tâm trí của bất kỳ người dân nơi đây khi thầy bước chân vào “gieo chữ”. Sức trẻ, nhiệt huyết và niềm đam mê nghề đã thôi thúc chàng trai trẻ quyết tâm hơn nhằm giúp bà con nơi đây thoát cảnh mù chữ. Ngoài việc chính là giảng dạy, thầy còn đi đến từng nhà, lên từng ngọn đồi để vận động những đứa trẻ tới trường. Chính vì thế, trên mỗi còn đường làng ngoằn nghoèo, hay mỗi con suối, ngọn núi dường như nơi nào cũng in bóng dấu chân thầy.
“Hơn 15 năm trước được lãnh đạo phân công về giảng dạy tôi mừng lắm. Nhưng những ngày cuối tuần, tôi vượt hơn 250km từ nhà (xã Ia Nhin, Chư Păh-Gia Lai) về trường là một quãng đường đầy vất vả. Nhưng việc đã chọn nghề giáo và đặt chân vào vùng “ốc đảo” này điều tôi muốn là cùng với những giáo viên sẽ đưa sức trẻ cống hiến, dù chỉ là “một hạt cát trên sa mạc” nhưng tôi vẫn sẽ ở lại bám trụ đến cùng. Hồi đó, tôi cùng 3 thầy khác nữa là những người kinh đầu tiên đặt chân vào đây. Hành trình đưa cái chữ đến với bà con cũng rất khó, phải cho dân tin, dân hiểu, lúc đó đồng bào mới cho con đến trường…”, thầy Thể bộc bạch.
“Đón nắng”… vươn xa tương lai
Những phút trải lòng về các lớp học, cũng như gia đình của thầy càng khiến cho chúng tôi thấy được một người thầy, người chồng, người cha đầy mẫu mực. Trong đôi mắt nhìn về xa xăm, thầy thổ lộ: “Tôi đã gắn bó với ngôi trường này hơn 15 năm cũng coi trường là gia đình thứ hai của mình. Nhưng phía sau vai trò là người thầy, tôi còn là một người cha, người chồng. Thời gian tôi đều dành cho ngôi trường này, toàn bộ mọi việc gia đình đều đặt lên
đôi vai của vợ. Thời gian gần đây, khi có mạng Wifi tôi mới có thể trò chuyện qua điện thoại cho vơi đi nỗi nhớ nhà…”.
Đường đi lại vốn đã khó khăn, nhưng khi gặp phải trời mưa thì lại thêm khổ. Xe bị trơn trợt, nước suối chảy xiết khiến cho việc về thăm gia đình hay thăm hỏi các gia đình học trò càng trở nên vất vả. Bởi vậy, để trụ lại được mảnh đất này, làm công việc suốt ngày đứng bảng với bụi phấn thì ngoài sự nhiệt huyết cần phải có cái tâm và ý chí.
Một tiết học thể dục tại trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Kon Pne
Khi được hỏi về những kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc sống, công việc, thầy thể cho biết: “Cứ mỗi cuối tuần ngày thứ 7, tôi lại cưỡi lên con ngựa sắt (chiếc xe máy) một mình đi cà tàn vượt hơn 250km từ ốc đảo Kon Pne về xã Ia Nhin (Chư Pah) để thăm gia đình bố mẹ, vợ và các con. Có đợt, trên đường đi vào trường, qua ghềnh suối làng Kon Lốc (xã Đăk Roong) thì tôi và chiếc xe bị nước trên thượng nguồn đổ về mạnh cuốn trôi. Dường như bất lực trước sự “nổi dậy” của thiên nhiên, trong lúc tuyệt vọng nhất thì tôi lại vịn vào được khúc cây gần đó, nên thoát nạn. Sau đó, người dân đã đến cứu kịp thời.
Ngoài ra, tôi còn nhớ rất rõ về một ngày 20/11 khi mới đặt chân vào đây. Sáng hôm ấy, tôi dậy sớm để trang trí chuẩn bị cho lễ kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam xong đâu vào đấy rồi trên đường về thay đồ thì bắt gặp nhóm học trò quần áo lấm lem chạy đến trước mặt tôi hớn hở “chúng em chúc thầy lễ vui vẻ” với một bó hoa dại các em tự hái trên nương, rẫy. Thực sự lúc đó, tôi đã không cầm được những giọt nước mắt của sự sung sướng của niềm hạnh phúc. Cảm ơn các em nhiều”.
Mảnh đất “ốc đảo” vẫn còn đó, nhưng đang thay đổi để vươn lên. Và…chính nhờ sự chịu khó, ý chí kiên cường “bám bản, gieo chữ” cho học sinh vùng cao mà giờ đây ngôi trường Kon Pne đã được xây dựng khang trang, và được công nhận đạt chuẩn Quốc gia.
Mặt trời đã len lỏi trên đầu núi, người dân “ốc đảo” Kon Pne lại bắt đầu một ngày mới với một niềm tin vào ngày mai tương sáng.