Vụ cô giáo không giảng bài: Nhiều thầy cô quá lạm dụng quyền lực
Giáo dục - Ngày đăng : 17:28, 11/04/2018
Sau khi Phạm Song Toàn – cựu học sinh trường THPT Long Thới (TP.HCM) chuyển đến một trường tư thục, đồng thời được vinh danh tại trường mới, nhiều độc giả đánh giá đó là một hành động vô cùng nhân văn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng để Song Toàn phải chuyển trường là điều thất bại trong giáo dục. Như vậy sau này sẽ hiếm có học sinh nào thẳng thắn nói sự thật như Song Toàn.
Phạm Song Toàn- cựu học sinh trường THPT Long Thới. Ảnh Lao động.
Phân tích sự im lặng không giảng bài của cô giáo Trần Thị Minh Châu, thầy Lê Đức Dũng – Hiệu trưởng trường Tiểu học Xuân Trường – Đồng Nai chia sẻ: “Tôi nghĩ, vấn đề mấu chốt của cô giáo này là kỹ năng sư phạm. Trong kỹ năng sư phạm bao gồm kỹ năng ứng xử, xử lý tình huống. Có thể ngay trong một tiết học mình phản ứng thái quá với học sinh có thể chấp nhận được. Đó xem như là thủ thuật của giáo viên với học trò, thế nhưng thủ thật đó không được kéo dài, kéo dài thì vấn đề nó lại khác”.
Thầy Dũng cũng phân tích, một thiếu sót lớn mà trường THPT Long Thới gặp phải là nội bộ quản lý của nhà trường. Cả mấy tháng trời có bao nhiêu hoạt động đoàn thể, bao nhiêu thầy cô bộ môn, thầy cô chủ nhiệm mà không phát hiện ra được như vậy cho thấy hệ thống quản lý tổ chức đoàn thể có vấn đề.
Thầy Dũng cũng đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của Hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm, các hoạt động đoàn trong trường ở đâu? Đặc biệt, hiện nay các trường cấp 3 có phòng tư vấn tâm lý học đường cho học sinh vậy tại sao học sinh không thể chia sẻ? Tại sao cô giáo không giảng bài trong mấy tháng mà học sinh không thể chia sẻ ở trường mà phải thông qua cuộc đối thoại của lãnh đạo mới có thể chia sẻ?
“Nói gì thì nói, hệ thống giáo dục của đơn vị đó có vấn đề. Đồng thời, cách giải quyết cho em đó chuyển trường theo tôi là cực kỳ dở”, thầy Lê Đức Dũng nhấn mạnh.
Thầy Dũng phân tích thêm, vấn đề này kỷ luật ngành không thể tránh khỏi. Tuy nhiên theo tôi nên cho cả cô và trò có cơ hội hàn gắn với nhau. Kỷ luật rồi sẽ qua đi, một điều mà chúng ta không bao giờ mất chính là tình cảm thầy trò. Hàn gắn luôn là sự cần thiết. Nếu giải quyết giáo dục theo cách thủ tục hành chính chuyển trường là thất bại.
Thầy Lê Đức Dũng - Hiệu trưởng trường Tiểu học Xuân Trường - Đồng Nai. Ảnh Ngô Chuyên.
Nếu khi nói ra sự thật mà học sinh và gia đình phải chọn cách tìm trường mới thì sẽ rất hiếm học sinh dám nói ra sự thật. Theo thầy Dũng, không nên cho hành động nói ra đó là sai mà nên cho đó là cơ hội để đối thoại giữa thầy và trò. Cô thầy không phải lúc nào cũng đúng.
“Tôi nghĩ một nhà giáo dục trước tiên phải giáo dục mình, đó cũng là một cái kênh để mình tự điều chỉnh mình. Nhiều thầy cô giáo có biểu hiện lạm dụng quyền lực, quyền lực rất dễ bị tha hóa”, thầy Lê Đức Dũng nói.
Theo thầy Dũng, vấn đề lớn được đặt ra với ngành giáo dục chính là phải xác định rằng giáo dục không phải chỉ là dạy học, không phải chỉ là khơi dậy kiến thức, khả năng tiềm tàng trong con người của trẻ. Mà giáo dục là người hướng dẫn, giúp đỡ học sinh thì chắc chắn mình không lạm dụng quyền lực của người thầy.
Bên cạnh đó, một khó khăn mà hiện nay ngành sư phạm đang đối mặt chính là chất lượng đầu vào.
“Những trung tâm đào tạo chất lượng giáo viên rất tốt như ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm TP. HCM thì vẫn có những nơi điểm đầu vào còn thấp, như vậy rõ ràng kiến thức, kỹ năng của sinh không vững thì sẽ không định hướng được cho học sinh. Không chỉ điểm đầu vào, mà nhiều nơi hình thức tuyển chọn chưa thực sự được giáo viên tốt thực sự như vậy sẽ không tìm được người có tâm huyết, có năng lực”, thầy Dũng nhấn mạnh.