Hàng loạt lớp, nhóm trẻ tư thục hoạt động “chui” ở Thanh Hóa: Cần siết chặt quản lý
Giáo dục - Ngày đăng : 17:27, 27/03/2018
Tồn tại nhiều hạn chế ở các cơ sở mầm non tư thục
Nếu căn cứ theo Thông tư 13 của Bộ GD&ĐT về quy chế tổ chức, hoạt động của trường mầm non, nhóm trẻ tư thục quy định: Các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục có diện tích phòng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em bảo đảm tối thiểu 15m2; tổng số trẻ không quá 50 em, nơi tổ chức ăn cho trẻ phải có bếp ăn riêng, an toàn, bếp phải đặt xa nhóm trẻ; có sổ theo dõi cho trẻ... thì nhiều các nhóm lớp mầm non tư thục trên địa bàn thành phố Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) không đủ tiêu chuẩn vẫn được cấp phép hoạt động.
Theo ghi nhận của PV, hầu hết những cơ sở mầm non tư thục kể cả có phép và không phép đều có diện tích khá nhỏ, mọi hoạt động từ ăn ngủ, sinh hoạt cũng như vui chơi đều gói gọn trong khuôn viên chật hẹp, không đảm bảo những yêu cầu tối thiểu. Nhiều cơ sở chưa đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm, không có khu vui chơi, không đảm bảo an toàn, thoáng, mát, đủ ánh sáng. Mặt khác, số giáo viên, nhân viên tại các cơ sở này chưa đảm bảo được số lượng cũng như tiêu chuẩn, bằng cấp theo đúng quy định.
Các lớp, nhóm tư thục còn tồn tại nhiều hạn chế khiến công tác quản lý gặp không ít khó khăn
Theo kết quả kiểm tra của Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa vào ngày 25/1 vừa qua, tại nhóm tư thục Hoàng Hương, ở phường Đông Cương đang nhận giữ khoảng 45 trẻ. Mặc dù nhóm này đã được cấp phép hoạt động nhưng vẫn còn tồn tại một số mặt hạn chế như; chưa lắp đặt camera, không có khuôn viên cho trẻ hoạt động, không có sổ tính khẩu phần ăn và không có hợp đồng mua bán thực phẩm,…
Tương tự, nhóm Ngôi sao nhỏ, ở phường Đông Cương cũng chưa đảm bảo một số quy định như: Chủ nhóm chưa tham gia bồi dưỡng quản lý giáo dục; lan can cầu thang chưa đảm bảo an toàn cho trẻ; phòng học không đảm bảo diện tích, chưa tạo được môi trường hoạt động của trẻ;…
Trong tổng số hơn 90 nhóm, lớp tư thục trên địa bàn thành phố Thanh Hóa thì đã có khoảng gần 20 cơ sở hoạt động khi chưa được cấp phép của các cấp có thẩm quyền. Những cơ sở này hoạt động công khai được vài tháng, thậm chí vài năm nay, thế nhưng không hề bị các cơ quan chức năng xử lý.
Chỉ tính riêng trên địa bàn phường Đông Thọ cũng đã có đến 4 nhóm tư thục hoạt động trái phép, đó là còn chưa kể đến hàng chục “điểm trông giữ trẻ” tự phát.
Đơn cử như nhóm trẻ Bông Hoa Nhỏ của chủ nhóm Nguyễn Thị Lan, ở đường Thành Thái đã hoạt động trái phép gần 1 năm nay nhưng không bị xử lý dứt điểm, mặc dù cơ sở này trông giữ lên đến khoảng 25 cháu và chỉ nằm cách trụ sở UBND phường Đông Thọ chỉ vài chục mét.
Cần siết chặt quản lý
Trao đổi về thực trạng trên, ông Nguyễn Xuân Sính – Phó Chủ tịch UBND phường Đông Thọ cho biết: “Đối với một số cơ sở chưa được cấp phép trên địa bàn, phường vẫn thường xuyên kiểm tra ít nhất 1 lần/năm. Cơ sở nào chưa được cấp phép, phường cũng đã yêu cầu họ dừng hoạt động và hoàn thiện nốt hồ sơ để cấp phép”.
Tuy nhiên, trên thực tế, các nhóm, lớp tư thục đang hoạt động không phép, không đảm bảo các tiêu chí mà Bộ GD&ĐT quy định vẫn ngang nhiên hoạt động trong thời gian dài mà không hề bị các cấp chính quyền xử lý dứt điểm.
Trước những bất cập trong công tác quản lý các cơ sở mầm non tư thục trên địa bàn TP Thanh Hóa, bà Mạc Thị Ngọc - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP Thanh Hóa cho hay: “Bất kỳ một cơ sở nào được cấp phép đều có sự tham gia của phòng. Trong những lần cùng địa phương đi kiểm tra thực tế, phòng đều thẩm định ít nhất một lần về mặt chuyên môn, còn việc cấp - rút giấy phép, cũng như trực tiếp quản lý thì phải là cấp phường, xã”.
Bà Ngọc cho biết thêm, nếu phường, xã không báo cáo lên thì phòng cũng không thể nắm được những đơn vị nào đang hoạt động trái phép để có phương án thanh, kiểm tra cũng như tham mưu cho Chủ tịch UBND thành phố có hướng xử lý.
Đề nghị các cấp có thẩm quyền trên địa bàn thành phố Thanh Hóa cần chỉ đạo quyết liệt các phường, xã rà soát lại quá trình hoạt động của các nhóm, lớp tư thục trên địa bàn, kể cả có phép và không phép. Qua đó kiên quyết hơn trong việc xử lý, đình chỉ hoạt động các cơ sở không đủ điều kiện hoạt động để mang lại môi trường giáo dục an toàn, chất lượng cho trẻ.
Theo quy định tại khoản 2 điều 26 Thông tư 13 năm 2015 về Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường mầm non tư thục, chỉ rõ: “Trong trường hợp có đủ căn cứ chứng minh nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục không chấp hành đúng pháp luật của Nhà nước, các quy chế, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; không bảo đảm an toàn và chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em; không bảo đảm yêu cầu tối thiểu về cơ sở vật chất, trang thiết bị; hoặc không có quyết định cho phép thành lập và cho phép hoạt động giáo dục mà vẫn hoạt động thì tùy mức độ vi phạm sẽ bị xử lý. Hình thức xử ý sẽ từ: Nhắc nhở bằng văn bản; Xử phạt hành chính; Tạm ngừng công tác của cá nhân, cán bộ, giáo viên, nhân viên hoặc tạm ngừng hoạt động giáo dục của nhà trường, cơ sở giáo dục đến Đình chỉ hoạt động hoặc giải thể và xử lý theo quy định của pháp luật”. |