Hãy biến kỳ thi THPT quốc gia thành ngày hội mà ai cũng muốn tham dự

Giáo dục - Ngày đăng : 09:36, 14/10/2017

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia thì kỳ thi THPT quốc gia hàng năm khến phụ huynh và học sinh đang rất áp lực. Vì vậy, nhiều chuyên gia mong muốn chúng ta nên “biến” kỳ thi THPT quốc gia thành ngày hội hơn là kỳ thi thì áp lực đó sẽ giảm.

Một trong những người gắn bó cả cuộc đời cho ngành giáo dục, hiểu rõ những áp lực của các kỳ thi , GS.TSKH Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng: “Chúng ta nên biến kỳ thi THPT quốc gia thành ngày hội, để học sinh nô nức tham dự, được thể hiện hết khả năng của mình. Bên cạnh đó, chúng ta phải làm sao cho khi kỳ thi đến và kết thúc, cả xã hội đều vui vẻ”.

Hãy biến kỳ thi THPT quốc gia thành ngày hội mà ai cũng muốn tham dự

GS.TSKH Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Ảnh nguồn Internet.

“Hiện tại, kỳ thi của chúng ta đang làm cho phụ huynh và học sinh “xanh mắt”, phụ huynh phải cho con tăng cường học thêm vì lo lắng”, GS Dong chia sẻ.

GS Dong nhấn mạnh: “Năm nay, kỳ thi THPT quốc gia có thêm chương trình lớp 11 nhưng không vì thế mà các em học sinh quá lo lắng, hãy bình tĩnh. Ví dụ như môn Toán, sẽ có những định lý học ở lớp 11 mà nó sẽ liên quan đến chương trình học của lớp 12 buộc các em phải nhớ. Hay trong môn tiếng Anh, các Thời trong tiếng Anh buộc các em phải nhớ. Nếu không nhớ những kiến thức cơ bản của các Thời đó thì sẽ không làm được bài”.

GS Dong cho biết thêm: “Khi các em vào đại học, học các môn cơ bản như Toán cao cấp thì cũng dựa trên nền tảng những kiến thức của phổ thông để học và làm bài. Nên gần như những kiến thức đó cũng cơ bản buộc chúng ta phải nhớ, nó là nền móng không chỉ hết phổ thông hôm nay mà nó sẽ theo các em khi vào đại học”.

“Cho nên các em không nên quá nặng nề khi có thêm chương trình lớp 11 mà hãy bình tĩnh, bám sát chương trình học mà ôn tập”, GS Dong nhấn mạnh.

Hãy biến kỳ thi THPT quốc gia thành ngày hội mà ai cũng muốn tham dự

Ảnh minh họa.

Không chỉ GS Dong mà nhiều chuyên gia giáo dục cũng đề nghị Bộ GD-ĐT trong quá trình ra đề không nên đánh đố học sinh mà nên căn cứ vào năng lực, chất lượng, mặt bằng chung của học sinh để có một cái đề hay. Đề phải đánh giá được đúng năng lực của từng đối tượng, phân loại được khả năng của học sinh, không để những học sinh giỏi bị trượt oan.

Nếu Bộ GD-ĐT làm căng thẳng về kỳ thi THPT, phụ huynh sẽ cho con đi học thêm nhiều, vô hình chung chúng ta đang “cố tình” làm khó khăn cho kỳ thi hơn. Khi đưa thêm chương trình lớp 11 vào đề thi, thì người ra đề không nên đánh đố học sinh mà chỉ nên ra những câu hỏi mang tính chất kiểm tra, ôn lại kiến thức và đánh giá đúng năng lực của học sinh.

Cũng theo GS Dong kỳ thi THPT quốc gia chỉ là phương pháp để học sinh khẳng định lại năng lực cũng như quá trình rèn luyện 12 năm của mình.

“Làm sao cho học sinh có thể nắm được những kiến thức cơ bản. Đồng thời, Bộ GD-ĐT cũng không nên bí mật quá về cách ra đề thi mà nên định hướng và ra đề đúng với năng lực mà học sinh đang có để học sinh có kỳ thi không quá áp lực”, GS Dong nhấn mạnh.

Ngô Chuyên