Thanh Hóa: Hàng loạt giáo viên mòn mỏi chờ lương hưu và chế độ hiểm xã hội

Giáo dục - Ngày đăng : 11:02, 15/09/2017

Gần trọn cuộc đời cống hiến cho ngành giáo dục, đến lúc nghỉ hưu, sức yếu, bệnh tật quanh năm, nhiều cô nuôi dạy trẻ tại Cẩm Thủy (Thanh Hóa) vẫn chưa được hưởng lương hưu, ốm đau không có thẻ bảo hiểm phải tự trang trải, khiến cuộc sống càng thêm vất vả.

Thanh Hóa: Hàng loạt giáo viên mòn mỏi chờ lương hưu và chế độ hiểm xã hội

Các cô nuôi dạy trẻ xã Cẩm Vân mong mỏi được hưởng chế độ lúc về già

Từ những ngày đất nước còn khó khăn, bằng lòng yêu nghề, yêu trẻ, các cô đã tự nguyện đứng lớp chăm sóc các cháu với mức thù lao được tính kg bằng lúa.  Vượt qua tất cả khó khăn, một buổi đến trường, thời gian còn lại các cô phải bươn trải tất tả ngược xuôi, tần tảo nhặt từng hạt lúa, chăm từng ngọn mùng tơi… mang ra chợ bán để kiếm thêm đồng ra đồng vào.

Tất cả  không một lời ca thán, những cô nuôi dạy trẻ vẫn kiên trì bám trường, bám lớp. Đến khi nhà nước cho về nghỉ, những tưởng công lao suốt một đời cống hiến sẽ được bù đắp bằng những đồng lương hưu ít ỏi. Trớ trêu thay, từ ngày nghỉ đến nay, các cô vẫn chưa được hưởng một chế độ nào, họ vẫn ngày đêm khắc khoải, mòn mỏi chờ đợi trong vô vọng. Đau lòng hơn, có người đã ra đi vĩnh viễn vì bạo bệnh.

Cô Lê Thị Viên (SN 1960), xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa, tóc đã điểm bạc ngậm ngùi nhớ lại: “Tôi vào ngành từ năm 1978, là giáo viên mầm non tại xã Cẩm Vân. Lúc đầu, tôi là giáo viên mầm non ở làng Vân Long. Sau đó một thời gian, tôi lên dạy tại trường trung tâm của xã với mức lương 12kg thóc/1 tháng, đến năm 2007 tăng lên được 360.000đ/1 tháng.Năm 2012, sau khi các cô mầm non tại huyện Như Thanh nghỉ dạy trước ngày khai giảng để phản đối vì chế độ quá ít ỏi, chúng tôi được huyện Cẩm Thủy xét tuyển là viên chức. Cả một đời gắn bó với các cháu, lúc nhận lương viên chức được 2.800.000đ/ tháng. Lần đầu tiên trong đời làm nghề được lĩnh lương tiền triệu mừng rơi cả nước mắt. Sau bao nhiêu khó khăn, vất vả, cuối cùng cũng được nhà nước ghi nhận. Năm 2015, về nghỉ hưu, mọi chế độ bị cắt hết, không có lương, không có bảo hiểm xã hội, những lần đi viện vì mổ mắt, cắt khối u, thoái hóa…đều phải chi trả 100% tiền viện phí. Chỉ mong sao các cơ quan chức năng nhanh chóng hoàn chỉnh thủ tục để chúng tôi được truy đóng BHXH”.

Thanh Hóa: Hàng loạt giáo viên mòn mỏi chờ lương hưu và chế độ hiểm xã hội

Các cô kiến nghị nhiều năm chưa được giải quyết thỏa đáng

Cũng như cô Viên, cô Nguyễn Thị Nguyệt, xã Cẩm Tú tâm sự: “Mang tiếng là giáo viên, công tác liên tục 38 năm, nhưng khi về lại chưa được hưởng bất kỳ chế độ nào, ngay cả như cái thẻ bảo hiểm đi khám bệnh lúc về cũng bị thu lại. Tuổi đời, tuổi nghề đều thừa nhưng năm đóng bảo hiểm thì lại thiếu, chúng tôi lên bảo hiểm huyện hỏi thì họ bảo phải có 10 năm đóng bảo hiểm thì mới được đóng bảo hiểm truy thu. Tuy về hưu nhưng vẫn còn chút sức khỏe, lại không có bất kỳ nguồn thu nhập nào, tôi phải nhờ người quen xin vào trồng rau cho công ty may Hồ Gươm ở xã Cẩm Tú, vừa kiếm thêm thu nhập và được tiếp tục đóng bảo hiểm”.

Thất vọng, bức xúc, buồn tủi là tâm trạng chung của các cô nuôi dạy trẻ khi chúng tôi tiếp xúc. Cô Phạm Thị Luận, (SN 1960), giáo viên mầm non xã Cẩm Vân cho biết thêm: “Trong quá trình công tác, chúng tôi liên tục yêu cầu được được đóng BHXH, nhưng do đồng lương quá ít (trước đó được trả hơn 10kg thóc/1 tháng, năm 2007 đi học trung cấp lương tăng lên 360.000đ/1 tháng), lãnh đạo ngành giáo dục huyện động viên, lương thấp như thế lấy gì mà đóng, kiên trì chờ lúc nào lương tăng rồi đóng. Thời gian cứ đằng đẵng trôi đi, năm 2015, tôi về hưu, tính ra mới đóng bảo hiểm được 8 năm. Từ ngày nghỉ hưu, chúng tôi liên tục lên huyện, xuống tỉnh. BHXH tỉnh thông báo do giấy tờ thất lạc, phía huyện đã thẩm định, xác nhận quá trình công tác của chúng tôi nhưng bên bảo hiểm vẫn không chấp nhận. Họ làm như vậy quá cứng nhắc và vô cảm”.

Gần 3 năm trời chờ đợi, các cô nuôi dạy trẻ đã gửi đơn, đi gõ cửa rất nhiều cơ quan, ban, ngành. Ngày 9/8/2017, UBND huyện Cẩm Thủy có công văn số 897/UBND-GD trả lời về những kiến nghị của các cô: “…Tính đến năm 2014, cả huyện có 34 giáo viên đang công tác tại các trường mầm non nộp hồ sơ về UBND huyện xin truy đóng BHXH. Hồ sơ xin truy đóng BHXH của 34 giáo viên đã được UBND huyện tiếp nhận, tuy nhiên nhiều giấy tờ không hợp lệ hoặc đã bị thất lạc. UBND huyện đã giao cho phòng Giáo dục& Đào tạo tiến hành xác minh.

Ngày 26/12/2014, UBND huyện đã có văn bản số 1224/UBND-GD gửi BHXH tỉnh, BHXH huyện Cẩm Thủy về việc đề nghị BHXH tỉnh Thanh Hóa giải quyết truy thu BHXH cho 34 giáo viên mầm non. Trong văn bản này, UBND huyện Cẩm Thủy cũng đã xác nhận tính pháp lí hồ sơ của các giáo viên và cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về những thông tin trong hồ sơ của từng cá nhân.

Tuy nhiên, tháng 4/2015, BHXH tỉnh trả lời: “Hồ sơ thiếu Quyết định và các giấy tờ tuyển dụng, hợp đồng ban đầu (do trước đây đã thất lạc). Bản thanh toán tiền lương, tiền công của giáo viên từ 2002 về trước không có con dấu của Trường mầm non. Thiếu một số giấy tờ pháp lý minh chứng cho giáo viên mầm non công tác liên tục trong ngành giáo dục qua các thời kỳ”.

Trao đổi với PV, ông Bùi Ngọc Bích, chuyên viên phụ trách mảng chế độ chính sách, phòng GD&ĐT huyện Cẩm Thủy cho biết: “Sau khi rà soát, toàn huyện còn 35 cô đang công tác tại các trường mầm non chưa được truy đóng BHXH, trong đó có 17 cô đã nghỉ hưu, 1 cô đã mất, số còn lại đến 2018 đều về hưu. Chúng tôi rất trăn trở về trường hợp của các giáo viên mầm non, nhất là những người đã về hưu chưa được truy đóng BHXH theo quy định, nên chưa được hưởng bất kỳ chế độ nào. Đây là số giáo viên cống hiến liên tục gần hết đời cho sự nghiệp giáo dục và chịu nhiều thiệt thòi nhất bởi mức lương quá thấp.

Ngậm ngùi, cay đắng suốt cả một đời gắn bó với nghề, những cô nuôi dạy trẻ như những người lái đò, âm thầm, lặng lẽ dắt tay không biết bao nhiêu thế hệ các cháu bước qua những con chữ đầu đời, để đến hôm nay, khi đã hoàn thành nhiệm vụ “người mẹ hiền”, các cô lại đang đứng trước một tình cảnh trớ trêu. Công lao của họ đã được các cấp cơ sở xã, huyện xác nhận. Thiết nghĩ đã đến lúc các cơ quan chức năng  tỉnh  Thanh Hóa nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ để họ được hưởng những chế độ đãi ngộ ít ỏi ở những năm cuối đời. Đó vừa là trách nhiệm, vừa là sự tri ân, ghi nhận công lao cống hiến của những cô nuôi dạy trẻ.

Thanh Phương- N.Hưng