Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu đẩy nhanh quy hoạch lại các trường sư phạm
Giáo dục - Ngày đăng : 16:07, 21/08/2017
Đẩy nhanh việc quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm
Trước thềm năm học mới, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã đưa ra 9 nhiệm vụ chủ yếu cần thực hiện. Đó là: Rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo trong cả nước; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; đổi mới chương trình giáo dục giáo dục mầm non, phổ thông; đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng trong giáo dục phổ thông.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ yêu cầu toàn ngành Giáo dục quán triệt phương hướng và tập trung triển khai 9 nhiệm vụ, 5 giải pháp để năm học 2017 - 2018 gặt hái nhiều thành công. Ảnh Thanh Hùng.
Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục;đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo; Hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo; tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo; Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ngay tại hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm được Bộ GD-ĐT dự kiến lựa chọn để tập trung chỉ đạo trong năm học tới. Trong đó quan trọng nhất là vấn đề quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm. Hướng quy hoạch sẽ là, các trường có chất lượng cao, có uy tín được chọn làm trung tâm, các trường khác sẽ chuyển đổi hoạt động trở thành phân hiệu hay vệ tinh của các trường trung tâm để trước mắt tập trung vào nhiệm vụ đào tạo lại đội ngũ giáo viên cho các địa phương.
Tiếp đó là vấn đề chuẩn bị các điều kiện để triển khai có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đó, tập trung vào công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới. Bên cạnh đó, các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị trường học đồng bộ với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Ngoài ra, việc đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo cũng được Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong năm học mới.
Theo đó, sẽ đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục và các chương trình đào tạo; đề ra các giải pháp quyết liệt để Hội đồng trường đi vào hoạt động hiệu quả và thực chất hơn.
Toàn cảnh Hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018. Ảnh Đặng Hà.
5 giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục
Để nâng cao chất lượng giáo dục, thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra, Bộ GD-ĐT đưa ra 5 nhóm giải pháp chủ yếu:
Đầu tiên là hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về giáo dục và đào tạo. Trong đó có việc tập trung xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học; đổi mới công tác thi đua, khen thưởng bảo đảm công khai, minh bạch với các tiêu chí rõ ràng, cụ thể gắn với hiệu quả công việc được giao.
Thứ hai: Nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý giáo dục các cấp, bằng cách ban hành các chuẩn, tiêu chí cán bộ quản lý các cấp và triển khai chương trình, kế hoạch bồi dưỡng đạt chuẩn các vị trí chức danh quản lý; xây dựng quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giáo dục chủ chốt ở các cấp và thực hiện đánh giá, phân loại cán bộ quản lý theo chuẩn; tăng cường hơn nữa kỷ cương, kỷ luật đối với cán bộ quản lý giáo dục.
Giải pháp thứ ba là tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo, Trong đó có việc tăng cường các giải pháp đẩy mạnh thu hút các nguồn tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư vào giáo dục, trong đó khuyến khích thành lập các trường tư thục chất lượng cao.
Thứ tư là tăng cường công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục. Và giải pháp cuối cùng là đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục và đào tạo. Trong đó đẩy mạnh tuyên truyền gương người tốt việc tốt, biểu dương những tấm gương nhà giáo điển hình tiên tiến để động viên các thầy cô nỗ lực hơn nữa “trong sự nghiệp trồng người”.