Pleiku (Gia Lai): Tranh chấp 2,25 tỷ đồng từ… chữ ký khống

Thục Hà| 14/10/2015 14:06
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhiều bất cập trong việc vay nợ giữa bà Nguyễn Thị Minh Hiền và bà Giáp Thị Huy Phương đã được VKSND Tp. Pleiku xác định và đề nghị làm rõ, kể cả nhận định rằng có dấu hiệu hình sự nên chuyển đơn cho cơ quan điều tra xử lý theo quy định.

Có dấu hiệu hình sự

Đó là nhận định của VKSND Tp. Pleiku về vụ án dân sự do bà Nguyễn Thị Minh Hiền khởi kiện với nội dung: giữa bà Hiền và bà Giáp Thị Huy Phương có quan hệ làm ăn với nhau. Ngày 9/10/2011 hai bà ký “Biên bản thỏa thuận về việc đối chiếu công nợ và phương án trả nợ”. Theo đó, bà Phương còn nợ bà Hiền 550 triệu đồng và cam kết thanh toán theo các đợt đến hết năm 2014 thì xong. Sau do bà Phương không trả theo cam kết nên ngày 12/4/2012 hai bà ký với nhau cam kết mới về khoản này. Ngoài ra, cùng ngày hôm đó bà Hiền còn cho bà Phương vay thêm 2,25 tỷ đồng với thời hạn từ 12/4 đến 12/8/2012, có giấy vay tiền. Do hết hạn, bà Phương không trả nên bà Hiền khởi kiện đòi khoản tiền này và cả khoản nợ cũ  nữa, tổng số là 2,75 tỷ đồng.

Bà Phương công nhận có quan hệ vay mượn tiền bà Hiền nhiều năm và có đối chiếu công nợ, tuy nhiên đã trả xong. Bà Phương cho rằng bản cam kết ngày 12/4/2012 và giấy mượn tiền cùng ngày do bà Hiền đưa ra là giấy tờ giả mạo cho nên bà không chấp nhận yêu cầu của bà Hiền.

Kết luận giám định số 1210/C54(P4) ngày 7/6/2013 của Viện khoa học hình sự - Bộ Công an đã kết luận: “Chữ ký mang tên Giáp Thị Huy Phương dưới dòng “Người mượn tiền” trong văn bản “Giấy mượn tiền” đề ngày 12/4/2012 là chữ ký khống (chữ ký này được ký khống trước sau đó mới in dòng “Người mượn tiền”)”.

Tại Phiếu chuyển đơn số 607/VKS-KT ngày 30/9/2013 gửi Cơ quan cảnh sát điều tra- Công an Tp. Pleiku, VKDND thành phố này đã nhận định rằng vụ tranh chấp giữa bà Nguyễn Thị Minh Hiền và bà Giáp Thị Huy Phương có dấu hiệu hình sự, cần thiết phải xác minh làm rõ có hay không hành vi giả mạo giấy mượn tiền giữ bà Phương và bà Hiền. Do đó, căn cứ vào Điều 103 BLTTHS, VKSND Tp. chuyển đơn của bà Phương đến Cơ quan cảnh sát điều tra để giải quyết theo thẩm quyền.

Cùng ngày 30/9/2013, VKS cũng đề nghị TAND Tp. Pleiku chuyển toàn bộ chứng cứ, tài liệu liên quan đến việc bà Hiền khởi kiện đòi bà Phương khoản tiền 2,25 tỷ đồng đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Tp. Pleiku để điều tra xác minh hành vi bị tố cáo và tạm đình chỉ giải quyết để đợi kết quả giải quyết của CQĐT.

Tuy nhiên vụ án này vẫn được TAND Tp. Pleiku đưa ra xét xử, chấp nhận yêu cầu của bà Hiền, buộc bà Phương trả nợ, trong đó có khoản 2,25 tỷ đồng.

Và nhiều bất cập

Trong quá trình giải quyết vụ án này, theo VKSND Tp. Pleiku thì đã có nhiều bất cập về tố tụng, đặc biệt là trong việc đánh giá chứng cứ “Giấy mượn tiền” lập ngày 12/4/2012.

Trước hết, về mặt khoa học, theo Kết luận giám định số 1210/C54(P4) nêu trên thì chữ ký mang tên Giáp Thị Huy Phương tại “Giấy mượn tiền” ngày 12/4/2012 là chữ ký khống. Từ đó, VKSND Tp. Pleiku xác định chứng cứ trong vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản này là giả mạo. Chính vì vậy mà VKS đã có văn bản đề nghị CQĐT giải quyết theo thẩm quyền về tố cáo của bà Phương cho rằng bà Hiền đã có hành vi lập chứng từ giả mạo để chiếm đoạt số tiền 2,25 tỷ đồng.

Về thực tế, việc đánh giá chứng cứ quan trọng này, theo VKS thì cần tôn trọng sự thật khách quan và đánh giá một cách toàn diện. Bởi lẽ, ngày 27/5/2013, người cho vay là bà Hiền cho rằng bà Phương là người lập ra “Giấy mượn tiền” đề ngày 12/4/2012 và đưa cho bà Hiền. Việc bà Phương ký và ghi tên mình trước hay sau khi in nội dung “Giấy mượn tiền” đó thì bà Hiền không biết. Tuy nhiên, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Hiền là bà Võ Thị Tiết lại cho rằng “Giấy mượn tiền” đề ngày 12/4/2012 này do chính bà Hiền đánh máy tại nhà bà Phương và bà Hiền đưa cho bà Phương ký trước mặt bà Hiền. Hơn nữa, tại cuộc hòa giải ngày 21/5/2013, bà Hiền cũng khẳng định sau khi giao đủ tiền cho bà Phương, bà Hiền đã đánh máy giấy mượn tiền tại máy tính của nhà bà Phương và in ra. Bà Phương đếm đủ tiền và ký, ghi rõ họ tên vào giấy mượn tiền mà bà Hiền đánh máy. Như vậy, đã có sự mâu thuẫn trong chính quá trình chứng minh của nguyên đơn về việc ai là người lập ra giấy mượn tiền. Điều này liên quan trực tiếp đến việc Viện khoa học hình sự kết luận rằng chữ ký khống (ký trước và sau mới in nội dung).

Một vấn đề khác: bà Phương khai rằng để thuận tiện cho công việc nên trước đó bà có ký khống một số giấy tờ. Điều này phù hợp với biên bản thỏa thuận ngày 9/10/2011 giữa bà Hiền và bà Phương, trong đó ghi rằng “Các giấy tờ trước đây mà chị Phương đã ký song không có chữ viết của chị Phương về phần nội dung (bút tích) đều không có giá trị về mặt pháp luật”. VKS nhận định, kết quả giám định xác định chữ ký trong giấy mượn tiền ngày 12/4/2012 được ký trước phần nội dung nhưng lại chưa xác định được thời điểm bà Phương ký là trước hay sau 12/4/2012 để làm căn cứ xác định giấy mượn tiền này có giá trị pháp lý hay không…

Một nghi vấn cũng rất cần xem xét, đánh giá nữa, liệu có thể xảy ra điều “hy hữu” trong thực tế giao dịch dân sự là trong lúc bà Phương còn nợ, không chịu thực hiện nghĩa vụ thanh toán đã cam kết về khoản 550 triệu thì bà Hiền lại “vô tư” mà cho vay tiếp 2,25 tỷ, không cần thế chấp?

Được biết, VKSND Tp. Pleiku đã kháng nghị với đề nghị hủy bản án sơ thẩm để giải quyết theo thủ tục chung. Do vụ án phức tạp nên ngày 12/2/2014, Chánh án TAND tỉnh Gia Lai đã ban hành quyết định gia hạn thời hạn xét xử là 1 tháng kể từ ngày 14/2/2014. Hiện nay, vụ án đang được tiếp tục xử lý theo quy định pháp luật. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Pleiku (Gia Lai): Tranh chấp 2,25 tỷ đồng từ… chữ ký khống