Như chúng tôi đã thông tin, TAND tỉnh Quảng Ninh cuối năm 2013 đã tuyên án đối với “siêu lừa" Bùi Thị Thu Hằng cùng 16 đồng phạm khác trong vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trị giá trên 230 tỷ đồng, liên quan tới 59 bị hại.
Đến nay vẫn có ý kiến trái chiều về vụ án này, chúng tôi đã vào cuộc điều tra làm rõ...
Dường như con sóng về lừa đảo tài chính và chiếm đọat tài sản tổ chức, cá nhân đình đám gần đây chưa lắng xuống mặc dù phiên xử đã tạm khép lại trước Tết Nguyên đán thì vụ việc “siêu lừa” Bùi Thị Thu Hằng lại được đưa ra xét xử ở Tòa phúc thẩm. Nguyên do bắt nguồn từ đâu? Theo thông tin từ TANDTC thì có một số bị cáo nộp đơn kháng cáo xin giảm án hình phạt, một số bị hại và những người liên quan nộp đơn yêu cầu làm rõ trách nhiệm bồi thường của Công ty Prudential.
Bị cáo Bùi Thị Thu Hằng tại phiên tòa sơ thẩm
Tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX TAND tỉnh Quảng Ninh đã tuyên "siêu lừa" Bùi Thị Thu Hằng mức án chung thân về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", đối với các bị cáo còn lại lần lượt nhận mức án cao nhất là 12 năm cho tới 5 năm tù và chịu trách nhiệm bồi thường cho các bị hại khác.. Riêng đối với bị cáo Vũ Cao Thăng, đồng phạm với Bùi Thị Thu Hằng là bị cáo duy nhất được hưởng án treo (3 năm, thử thách 5 năm).
Về trách nhiệm bồi thường, HĐXX còn làm rõ và yêu cầu Bùi Thị Thu Hằng phải bồi thường số tiền cho các bị hại và những người có quyền lợi liên quan. Các bị cáo khác cũng bị buộc bồi thường tiền cho bị hại với mức thấp hơn, từ vài trăm triệu đến hơn 3 tỷ đồng. Ngoài ra, HĐXX cũng chấp nhận yêu cầu bồi thường của Prudential với số tiền hơn 600 triệu đồng. Có căn cứ hay không khi các bị hại lại kháng cáo yêu cầu Prudential bồi thường như yêu cầu đòi bồi thường quyết liệt ở Tòa sơ thẩm? Dựa trên cáo trạng của Viện kiểm sát tỉnh Quảng Ninh cho thấy, qua quá trình điều tra cho thấy không có cơ sở khẳng định trách nhiệm của hãng bảo hiểm này đối với hành vi phạm tội của cựu đại lý Thu Hằng, bản tuyên án “trong trường hợp có sự lỏng lẻo trong quản lý doanh nghiệp, các cơ quan chức năng sẽ thanh tra để xử lý riêng”.
Theo Điều 29.2 (e) Nghị định 45/2007/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 27/3/2007 (sửa đổi bằng Nghị định 123/2011 ngày 28/12/2011) quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm chỉ chịu trách nhiệm về những thiệt hại hay tổn thất do hoạt động đại lý bảo hiểm của mình gây ra theo thỏa thuận trong hợp đồng đại lý bảo hiểm. Theo hợp đồng đại lý đã ký giữa Prudential và Bùi Thị Thu Hằng thì đại lý là người kinh doanh độc lập, không phải là nhân viên của Công ty; hợp đồng đại lý không phải là hợp đồng lao động (Điều 12). Hơn nữa, đại lý phải chịu trách nhiệm cá nhân của mình đối với mọi hành vi vượt quá sự ủy quyền của Công ty (Điều 1). Đại lý không có quyền ký kết các hợp đồng bảo hiểm, không có quyền bán các sản phẩm không phải của Công ty, không có quyền cam kết thay cho công ty.
Cụ thể hơn, theo điểm c, khoản 2, Điều 29 Nghị định 45 nêu trên thì công ty bảo hiểm chỉ có nghĩa vụ thực hiện các trách nhiệm phát sinh theo hợp đồng đại lý bảo hiểm đã ký kết. Bị cáo Hằng và đồng bọn đã lợi dụng danh nghĩa của Prudential, tự đặt in ấn và sử dụng tài liệu giấy tờ giả mạo, gian dối để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các bị hại. Cá nhân bị cáo Hằng cùng đồng phạm làm thì phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật, không thể ràng buộc công ty phải chịu trách nhiệm đối với các hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân ngoài hoạt động của Công ty. Hơn nữa, theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ phải chịu trách nhiệm về các hợp đồng bảo hiểm do đại lý bảo hiểm thu xếp với những người được bảo hiểm khi đã chấp nhận bảo hiểm và hai bên đã ký kết hợp đồng bảo hiểm. Thực tế cho thấy, Prudential không hề ký hợp đồng bảo hiểm nào với bị hại. Các bị hại trong vụ án cũng không có bất kỳ bằng chứng nào về việc Prudential đã chấp nhận bảo hiểm với họ. Thu Hằng và đồng bọn đã mạo nhận danh nghĩa Prudential tự in ấn các hồ sơ yêu cầu bảo hiểm, phiếu thu tiền…giả mạo để bán các sản phẩm do các bị cáo nghĩ ra nhằm mục đích chiếm đoạt tiền của bị hại.
Đối với 91 hợp đồng thường do Bùi Thị Thu Hằng lập bằng cách giả mạo tên, chữ ký người mua bảo hiểm, giả mạo tên người đóng phí…chỉ với mục đích duy trì vị trí đại lý của Prudential để lợi dụng danh nghĩa Prudential lừa đảo bị hại trong các giao dịch khác do Hằng thiết lập. Như vậy, căn cứ Bộ luật Dân sự, Luật Kinh doanh bảo hiểm thì toàn bộ 91 hợp đồng thường do bị cáo Hằng nộp về Prudential đều bị vô hiệu vì lừa dối nên không phát sinh hiệu lực.
Thiết nghĩ, hành vi chiếm đoạt của Hằng và đồng bọn là nguyên nhân trực tiếp gây ra các thiệt hại cho bị hại. Các bị hại lại đang nuôi hỵ vọng để “bấu víu” vào công ty bảo hiểm đòi bồi thường thiệt hại. Điều đáng nói ở đây chính là sự mất cảnh giác của một số người dân đã cả tin vào lãi suất cao để tham gia tiếp tay nhằm hòng nhận được món tiền hời trong thời gian ngắn nhất, dẫn đến hệ lụy khôn lường.
Dự kiến phiên tòa phúc thẩm bắt đầu diễn ra từ hôm nay 27/2/2014, chúng tôi sẽ theo dõi diễn biến phiên tòa và thông tin tới bạn đọc.
Tống Toàn