Phụ huynh nên hỗ trợ nhà trường hơn là tổ chức mô hình tự học tại nhà

Ngô Chuyên| 08/05/2017 16:21
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mô hình tự học tại nhà của một gia đình ở TP. Hồ Chí Minh, sau khi được báo đài đưa tin đã nhận được không ít ý kiến tán dương, khen ngợi. Thế nhưng, nhiều phụ huynh vẫn đề cao vai trò giáo dục của nhà trường giúp học sinh phát triển toàn diện hơn.

Phụ huynh không nên ôm việc của nhà trường vào mình

Những năm gần đây phụ huynh, học sinh luôn trong tình trạng áp lực. Phụ huynh áp lực việc chọn trường, chọn lớp cho con làm sao con đạt được mục tiêu đã đặt ra, còn con cái áp lực việc học, việc thi cử. Chính những áp lực đó nên khi có một mô hình học mới nào đó được áp dụng thành công, phụ huynh lại đua theo, tán dương mà họ bỏ quên một điều rằng "liệu mô hình đó có thực sự hiệu quả đối với con mình không?".

Để tìm hiểu suy nghĩ của phụ huynh về mô hình tự học tại nhà nổi lên trong tuần qua, PV báo Công lý đã có cuộc trò chuyện với các phụ huynh để nghe họ chia sẻ quan điểm của họ về mô hình tự học tại nhà này. Nhiều người hưởng ứng mô hình học đó, tuy nhiên không ít người phản bác và cho rằng mô hình tại nhà thực sự không lý tưởng như nhiều người đang nghĩ.

Phụ huynh nên hỗ trợ nhà trường hơn là tổ chức mô hình tự học tại nhà

Nhiều phụ huynh vẫn ủng hộ mô hình học tại trường bởi trường học giúp học sinh phát triển toàn diện. Ảnh minh họa.

Trò chuyện cùng chị Bùi Tuyết (Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội) chị chia sẻ: “Phụ huynh không nên làm thay những việc của nhà trường. Phụ huynh nên hỗ trợ, giúp đỡ nhà trường trong quá trình giảng dạy sẽ tốt hơn là cho con tự học ở nhà”.

Chị Tuyết chia sẻ thêm: “Vấn đề tự học ở nhà thực sự rất khó để đảm bảo học sinh phát triển toàn diện về thể chất lẫn tâm hồn. Ví dụ: con đến tuổi cần tìm hiểu về các vấn đề giới tính, vấn đề tâm sinh lý cũng như những kỹ năng giao tiếp xã hội, liệu phụ huynh có thể nắm rõ và hiểu chính xác như các giáo viên đã được đào tạo không? Liệu phụ huynh có truyền đạt được tốt như các thầy cô ở nhà trường không? Mặt khác, dạy học cần có phương pháp, kỹ năng sư phạm để truyền đạt không phải thích là dạy được”.

“Nhiều bố mẹ học rất giỏi nhưng không thể truyền đạt được cho con mình hiểu được. Hơn nữa, trong sự phân công xã hội, giáo dục phải ở nhà trường. Nhà trường có phương pháp sư phạm, trước lúc đứng giảng giáo viên đã được đào tạo 4 năm về nghiệp vụ sư phạm, kiến thức. Họ có những kỹ năng truyền đạt, truyền cảm để làm sao học sinh hiểu, tiếp nhận được thông tin", chị Tuyết nhấn mạnh.

Cùng quan điểm với chị Bùi Ánh Tuyết, chị Lương Thu Hương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: “Bản thân mình không ủng hộ mô hình giáo dục tại nhà vì mình không có kỹ năng sư phạm. Mặt khác, nhiều ông bố, bà mẹ trong quá trình dạy con sẽ có thể dẫn đến mâu thuẫn. Hơn nữa, học ở nhà sẽ khó đi vào nề nếp quy cũ như ở trường. Mình vẫn ủng hộ cách học truyền thống cách học truyền thống hơn”.

Chuyên gia vẫn đề cao môi trường giáo dục trường học

Chia sẻ về vấn đề tự học ở nhà, tiến sĩ Nguyễn Lê Minh - nguyên Phó Vụ trưởng, Phó Ban chương trình quốc gia cho hay: “Trong quá trình phát triển của một con người có rất nhiều yếu tố, không chỉ kiến thức mà còn là quan hệ xã hội, tính cách và nhiều kỹ năng khác. Hiện giờ, có nhiều cô cậu sinh viên, khi đứng trước đám đông để trình bày một vấn đề còn run rẩy, không nói được, bởi vì không được rèn luyện”.

Phụ huynh nên hỗ trợ nhà trường hơn là tổ chức mô hình tự học tại nhà

Chuyên gia vẫn đề cao vai trò giáo dục ở trường học. Ảnh minh họa.

“Nếu mà khuyến khích trẻ tự học ở nhà càng làm hạn chế khả năng giao tiếp. Ở nước ngoài hình thức tự học phát triển vì trẻ được rèn thói quen tự lập ngay từ nhỏ. Còn ở Việt Nam, tôi nghĩ cả phụ huynh lẫn học sinh đều chưa đủ hành trang để có thể thành công khi đi theo con đường này”, TS. Minh phân tích.

Với một người trực tiếp giảng dạy cũng như nghiên cứu các mô hình học ở nước  ngoài, thầy Nguyễn Quốc Vương - giảng viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ: “Gia đình, trường học, xã hội và địa phương là ba yếu tố rất quan trọng để tạo nên sự trưởng thành của học sinh và gia đình có lẽ là yếu tố đầu tiên tác động đến học sinh chứ không có nghĩa là quyết định tất cả”.

“Khi chúng ta muốn có một con người tốt đẹp không thể quá thiên lệch về bất kỳ một yếu tố nào đó. Cách tốt nhất để giáo dục học sinh phát triển là kết hợp tất cả các yếu tố: giáo dục gia đình, giáo dục trường học và giáo dục xã hội”, Thầy Vương nhấn mạnh.

Theo tiến sĩ Nguyễn Khánh Trung -Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục RED chia sẻ: “Nhà trường không chỉ là nơi truyền tải trí thức, nơi con em mình đến để học kiến thức, chuyên môn mà nhà trường còn có chức năng thứ hai chính là xã hội hóa”.

“Ví dụ: khi học sinh đến trường các em được tiếp xúc với bạn bè cùng trang lứa. Đươc tiếp xúc với môi trường sư phạm, có cô, thầy đặc biệt môi trường xã hội ở bên trong nhà trường. Như vậy, nhà trường đóng một vai trò rất quan trọng không phải chỉ trong kiến thức chuyên môn mà hình thành nhân cách con trẻ qua môi trường bạn bè…. Nên việc cho con học ở nhà mà không cho con đến trường, con sẽ thiếu cái đó", TS. Trung nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phụ huynh nên hỗ trợ nhà trường hơn là tổ chức mô hình tự học tại nhà