Vui buồn nghề giũ tóc kiếm cơm

Việt Văn| 21/12/2014 06:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hàng chục năm nay, người dân ở làng Đông Bích, xã Đông Thọ (Yên Phong, Bắc Ninh) luôn tất bật, bôn ba xuôi ngược vào Nam, sang Lào, Campuchia mưu sinh bằng nghề "giũ tóc kiếm cơm".

"Kiếm cơm" từ... tóc

Về xã Đông Thọ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, hỏi thăm cánh lái buôn tóc, hay dân làng ai cũng tự hào vì ở chốn quê này, từ già tới trẻ, chẳng kể đàn ông hay đàn bà, đã là người xã Đông Thọ thì đều được coi là một “tay buôn” có hạng. Dân quanh vùng vẫn trầm trồ nể phục dân xã Đông Thọ, bởi có vô số những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát trong xã như khẳng định thanh thế một vùng quê.

Tuy nhiên, có tìm hiểu kỹ mới thấy hết những vui buồn, trong công việc tưởng như an nhàn của những người đã quen gắn bó với thương trường này. Thậm chí, với nhưng người buôn tóc trong xã, hẳn đó lại là những ngày nhọc nhằn ngược xuôi trên những con đường đầy bụi cát, ăn nhờ ở trọ để lượm nhặt mua về “một góc con người,” rồi bắt tay vào “giũ tóc kiếm cơm”.

Theo ông Nguyễn Quang Chư, cán bộ văn phòng UBND xã Đông Thọ cho hay, nghề buôn tóc xuất hiện ở xã Đông Thọ đã gần 30 năm nay, tuy là nghề phụ làm vào những lúc nông nhàn, nhưng nghề này đã mang lại cho người dân nơi đây cuộc sống khá giả hơn, nhiều người đã trở thành tỷ phú nhờ buôn tóc xuất khẩu.

Vui buồn nghề giũ tóc kiếm cơm

Ở xã Đông Thọ có nhiều hộ gia đình trở thành tỷ phú nhờ buôn tóc

Theo người dân gốc ở đây, nghề buôn tóc hình thành ở Đông Thọ từ năm 1998, sau khi nghề thu gom lông gà lông vịt dần biến mất.Lúc đầu chỉ là một vài hộ đi mua tóc ở các vùng lân cận về bán cho chủ thu gom tóc ở thành phố Bắc Ninh, Hà Nội. Sau này, thấy nghề thu mua tóc mang lại lợi ích kinh tế cao, người dân  làng Đông Bích chuyển hẳn sang nghề buôn tóc.

Những ngày này, về xã Đông Thọ, từ người già đến đến trẻ em, đều bận rộn với việc phân loại tóc. Cánh đàn ông  thì chia nhau tới các tỉnh thành xa để thu mua tóc. Một chủ buôn tóc ở Đông Thọ cho biết, tóc mua được chia thành nhiều loại gồm: tóc rối, tóc dài, tóc cắt, tóc tỉa, tóc lộn đầu, tóc cùng đầu… Trừ tóc rối ra, các loại tóc khác đều được định giá theo chiều dài và chất lượng, độ bóng mượt, dày mỏng của tóc. Mức giá bình quân, tóc được mua với giá 2 triệu - 3 triệu/kg.

Ngoài ra, đối với tóc tỉa (là loại tóc được đánh giá có chất lượng tốt, tóc đều, lẫn ít tóc ngắn được thị trường ưa chuộng - PV) thì có giá cao hơn. Trong đó, tóc tỉa dài từ 40 cm trở lên thường được mua với giá trên 4 triệu/kg, tóc tỉa ngắn hơn 40 cm có giá từ 2 - 3 triệu/kg, tùy theo độ đẹp xấu của tóc. Tóc sau khi sơ chế, phân loại sẽ được xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc.

Vui buồn nghề giũ tóc kiếm cơm

Tóc tỉa dài từ 40cm được mua với giá 4 triệu đồng/1kg

Một trong những “đại gia tóc” nổi tiếng ở xã Đông Thọ là ông Đặng Xuân Tiệp, Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Tiến Phát cho biết, trung bình mỗi tháng làng Đông Bích (xã Đông Thọ) xuất khẩu gần chục tấn tóc. Khách hàng mua lại tóc của làng chủ yếu là người Trung Quốc, họ đến tận làng thu mua đem về nước để sản xuất tóc giả, tóc nối, râu giả, bàn chải tóc…

Lao đao gom tóc

Trong một kho xưởng, chất kín gần trăm bao tải đựng tóc, chị Nguyễn Thị Thủy ở thôn Đông Bích vẫn còn lấm lem bụi đất sau chuyến đi hai tháng lên Cao Bằng gom tóc chia sẻ, mấy năm gần đây, nếu không lặn lội đi xa, thì không thể sống được bằng cái nghề “giũ tóc kiếm cơm” này.

Theo chị Thủy, nếu như trước kia, người dân xã Đông Thọ, điển hình là làng Đông Bích chỉ quanh quẩn đi ở mấy tỉnh lân cận, hoặc lặn lội lên những phiên chợ vùng cao mua tóc, thì nay họ còn phải lao đao lặn lội ngược xuôi sang tận Lào, Campuchia mới mong có đủ số lượng để đáp ứng cho mối hàng.

Vui buồn nghề giũ tóc kiếm cơm

Tóc khi mua về được phân thành từng loại

Bên cạnh nguồn lợi nhuận khổng lồ thu được từ tóc, các thương lái ở Đông Thọ cũng gặp không ít chuyện dở khóc, dở cười. Như câu chuyện chị Thủy kể, có một thời gian tại các tỉnh, thành rộ lên chuyện thôi miên cướp của, bắt cóc trẻ con, mọi người lại đổ lỗi cho chính những người buôn tóc. Có những lần vừa đặt chân đến làng, mới cất tiếng rao “ai bán tóc…” đã bị người dân quay lại, đánh chửi xa xả. Dù thấy ấm ức mà đành nín nhịn cho "yên chuyện".

Theo tìm hiểu từ các hộ thu mua tóc, hành trình “mua một góc con người” không chỉ dừng lại ở việc thu mua tóc, mà quan trọng còn ở khâu làm đẹp tóc. Vì vậy, nếu muốn bán được giá cao, cánh lái buôn còn phải “lên đời” cho từng lọn tóc.

Anh Long, người đã có 12 năm kinh nghiệm với nghề, bật mí: “Việc đầu tiên là phải phân loại tóc, rồi sau đó chỉnh trang lại cho tóc thẳng bằng từng công đoạn như: gội, duỗi, chải tóc và hong khô tóc” Cũng theo anh Long, tóc chủ yếu có hai loại là tóc cái và tóc tỉa. Giá cả tùy thuộc vào độ dài, cân nặng và độ mượt, nhưng đắt nhất vẫn là tóc cái.

Mặc dù cái nghề này, dù chỉ tranh thủ vào những lúc nông nhàn, nhưng mang lại hiệu quả tương đối cao. Cũng vì lẽ đó mà ở Đông Thọ, những đứa trẻ mới sinh chưa tròn 1 năm tuổi đã phải cai sữa, những bà mẹ trẻ bỏ lại con cho ông bà trông nom để đi  thu mua tóc. Thậm chí, có những gia đình cả năm chỉ gặp nhau được vài ba ngày tết, rồi lại tất bật trên những nẻo đường để gom nhặt tóc.

Nguồn lợi nhuận thu được từ nghề buôn tóc là không nhỏ, nhưng cũng mang lại cho người dân Đông Thọ lắm chuyện vui có, buồn có. Dẫu vậy, những người dân chất phác, quanh năm vẫn gắn bó với nghề như một cơ hội thay đổi cuộc sống của mình, nhất là trong bối cảnh hiện nay nông nhàn, nhưng đi "buôn nhiều lại lỗ lắm", họ lại càng hài lòng  với nghề "giũ tóc kiếm cơm" hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vui buồn nghề giũ tóc kiếm cơm