Ươm lại những giấc mơ xanh ở một “bản nghiện” vùng biên

02/01/2014 21:13
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Gọi là “bản nghiện” vì hầu như những người đang ở độ tuổi lao động đều vì ma túy mà người nghiện, kẻ vào tù, chỉ còn người già và con trẻ.

Thế nhưng họ không đơn độc bởi ngày ngày những chiến sỹ quân hàm xanh vẫn sánh vai các thầy cô giáo lo cho bọn trẻ ở đây được ăn, được học. Những con người ấy đang làm một công việc thầm lặng là ươm lại những giấc mơ xanh cho những đứa trẻ dù còn đầy đủ bố mẹ mà sớm thiệt thòi. 

 

Xác xơ vì ma túy

 

Mới đầu mùa lạnh nhưng ở Mộc Châu, Sơn La đã rét cắt da cắt thịt. Không ai có thể ngờ rằng, đằng sau sự hào nhoáng, sầm uất của một thị trấn cửa ngõ Tây Bắc, cách đó chỉ hơn 20 cây số, có 1 bản làng Buốc Pát thuộc xã Lóng Sập lại nghèo đến thế. Ma túy đeo bám nhiều năm nay làm cho người già, trẻ con ngơ ngác, cả bản trở nên u ám buồn tẻ vì nhà nào người trụ cột gia đình cũng chuyển hộ khẩu vào nhà tù và các trung tâm cai nghiện. Chính vì thế mà nhiều người cứ gọi đùa Buốc Pát là bản nghiện

 

Ươm lại những giấc mơ xanh ở một “bản nghiện” vùng biên

Lực lượng biên phòng thường xuyên động viên, giúp đỡ gia đình bà Sông

 

Buốc Pát có 14 gia đình, đều là người dân tộc Mông nhưng có số con nghiện chiếm tới 35% dân số xã. Nhiều đứa trẻ gầy gò, đen đúa không ai trông nom ngồi buồn bã bên ô cửa những căn nhà lụp sụp. Nhiều căn bếp đã lâu không đỏ lửa, nhiều thửa ruộng từ lâu không ai làm. Căn nhà của Mùa A Thái và Trần Thị Dông gần như trở thành nhà hoang bởi cả hai vợ chồng đã dắt díu nhau vào tù, bỏ lại 4 đứa con nheo nhóc. Thương cháu ngoại bơ vơ, bà Sông đón chúng về nuôi, nâng tổng số cháu bám, dựa vào người bà đã gần 80 tuổi này lên cấp tiểu đội. 9 đứa cháu chỉ có một đứa 16 tuổi, biết đi làm thuê đỡ đần còn lại đều lau nhau, lít nhít. Bà Sông là hộ nghèo nhất bản, vì thế cũng trở thành địa chỉ thường xuyên để các chiến sĩ biên phòng đến phụ giúp những công việc nương rẫy, việc nhà...

 

Buốc Pát là bản vùng biên của xã Lóng Sập, Mộc Châu (Sơn La), mỗi năm chỉ nhìn vào một vụ ngô, nghề phụ không có nên 20km đường biên giới vô tình khiến họ trở thành tâm điểm để bọn tội phạm ma túy nhắm tới. Theo Trưởng bản Mùa A Sủ thì cả bản có hơn 70 nhân khẩu nhưng số người nghiện là gần 40. Thanh niên, phụ nữ, người già cũng nghiện, kéo theo rất nhiều hệ lụy là người chết, người vào tù, chỉ có bọn trẻ là thiệt thòi và vất vưởng. Lý giải vì sao không dứt bỏ được ma túy, Trưởng bản Sủ bảo tại “làm nương cực thân mà đồng tiền vẫn ít, đi mua ma túy về nhanh giàu lại dễ bán”. Có thời kỳ xã Lóng Sập có nhiều nhà lầu, xe hơi, chủ yếu của người buôn ma túy nhưng chỉ sau thời gian bị nghiện, đến cái nhà rách họ cũng không có để tá túc. Theo tính toán của các chiến sĩ biên phòng, một con nghiện nặng ở xã Lóng Sập, mỗi ngày tiêu tốn hết 2-3 triệu đồng. Ma túy làm cho bệnh tật tăng lên, có người nghiện ma túy đến mức suy gan, suy thận, rồi cũng có không ít người mắc bệnh xã hội vì ma túy. Vẫn còn đó những đứa bé bơ vơ, côi cút khi cha mẹ chúng bị tử thần cướp đi mạng sống vì mắc AIDS hay dính vòng lao lý đến không hẹn ngày về. Vẫn còn những đứa trẻ vô tội chưa kịp cắp sách đến trường đã vĩnh viễn ra đi vì nhiễm HIV từ cha mẹ.

 

Chủ tịch UBND xã buồn rầu nói: “Ma lực đồng tiền siêu lợi nhuận từ buôn bán ma túy đã khiến nhiều người mau chóng đổi thay”. Cho đến bây giờ, Lóng Sập vẫn là một trong những xã nghèo nhất của huyện mà  Buốc Pát lại là bản lạc hậu, nghèo đói nhất xã. Cơn bão ma túy ở vùng này càng dữ dội hơn khi người dân vô cùng  lì lợm. Nhiều người từng vào tù ra tội mấy lần, được cán bộ động viên giúp đỡ, sau đó lại “chứng nào tật ấy”. Có bản một ngày xảy ra ba vụ bắt kẻ buôn “ hàng trắng”, khi công an về, người dân lại tiếp tục hành nghề. Ma túy khiến đầu óc mụ mẫm, xui họ phạm tội và đưa họ đến vòng lao lý. Tâm sự với chúng tôi, bà Vi Thị Huệ - Chủ tịch hội phụ nữ xã lo ngại: “Giờ đây, hầu hết phụ nữ trong bản đều làm trụ cột gia đình, bản giờ vắng đàn ông, chúng tôi chỉ thương lũ trẻ thiếu hơi ấm người cha rồi tương lai sẽ ra sao trong khi mẹ chúng phải lo ăn từng bữa. Đấy là chưa kể nhiều chị em còn phơi nhiễm HIV từ chồng, cuốc sống vô cùng cực khổ”.  

 

Chung tay ươm mầm xanh con trẻ

 

Buốc Pát nằm cách không xa Đồn biên phòng cửa khẩu Lóng Sập, cái đói cái khổ hiện trên gương mặt non tơ với những đôi mắt trẻ trong veo trở thành nỗi khắc khoải trong lòng những người chiến sỹ quân hàm xanh. Hàng tuần các anh vẫn về Buốc Pát, tìm tới những gia đình nghèo khó, neo người lao động, giúp họ trồng cấy và sẻ cho họ những cân khoai, cân gạo, cốt sao không để ai bị đói, bị rét. Không chỉ giúp các gia đình neo người, những hộ nghèo về cây, con giống phát triển kinh tế, các chiến sỹ biên phòng đồn cửa khẩu Lóng Sập còn khuyến khích các em nhỏ tới trường bằng một bữa ăn miễn phí. Hàng ngày các cô giáo ở điểm trường Buốc Pát lên đồn lấy thực phẩm về nấu bữa trưa cho các em nhỏ đang theo học. Sự cưu mang của các chiến sỹ biên phòng, sự nhiệt tình, tận tụy của các thầy cô giáo và cả sự quan tâm của chính quyền, mặt trận chẳng khác nào nút gỡ cho nhiều gia đình đang cảnh túng bấn. Thấy con em mình vừa được học lại vừa được nuôi ăn, những ông bố, bà mẹ ở Buốc Pát đã không còn ngăn cấm con đi học nữa. Tuy nhiên, nói như cô giáo Thủy dạy lớp mầm non thì mặc dù sách vở nhà trường lo, ăn uống đã có đồn biên phòng nhưng việc gieo chữ ở bản nghiện vẫn còn nhiều gian nan lắm. Đơn cử như gia đình Mùa A Táo. Trước đây do buôn ma túy, Táo có nhà 3 tầng, có xe máy nhưng từ khi cả 2 vợ chồng dính nghiện thì giờ tay trắng. Chạy ăn từng bữa nên 6 đứa con Táo bắt nghỉ học đi làm thuê. Chỉ có 2 đứa bé quá không ai thuê thì được cho đến trường vì như thế cũng đồng nghĩa với việc không bị đói nhưng ai dám chắc 2 đứa bé này sẽ tiếp tục được đi học khi chúng có thể làm được việc gì đó.

 

Ươm lại những giấc mơ xanh ở một “bản nghiện” vùng biên

Điểm trường Buốc Pát

 

Có kinh nghiệm dạy điểm trường nhiều năm là cô giáo Định Thị Ngân, giáo viên  lớp 1 và 2. Nhà cô Ngân ở thị trấn Mộc Châu, cách trường gần 30 cây số thế nhưng phải vài tháng cô mới về qua nhà một lần còn chủ yếu vẫn là ở lại trường. Dân nghèo ít học nên chuyện cho con đến trường không được họ quan tâm thành ra để kéo được học sinh đến lớp, hàng ngày những người như cô Ngân, cô Thủy phải đến từng nhà dân gọi học sinh, bồng bế, cõng nhau đến lớp thế nhưng cũng chỉ những em nhỏ là đi học đều còn lớn hơn một tí, lớp 4, lớp 5 là bị ép ở nhà giúp gia đình.

 

Nói về tình hình ma túy nơi này, Trung tá Đỗ Văn Đông, Chính trị viên đồn biên phòng cửa khẩu Lóng Sập ví von: ma túy như một cơn bão ào qua rồi vò nát cuộc sống của bản làng vốn êm ả, thanh bình. Một số đối tượng lao vào ma túy chỉ chớp nhoáng hào quang, căng lên rồi vỡ toang nhanh như bong bóng xà phòng.Trưởng bản Buốc Pát thì  phân trần, nguyên nhân chính khiến nhiều người dân ở nơi này buôn ma túy vẫn không ngoài chuyện hám lời. Vợ, chồng rồi anh em họ hàng cùng rủ nhau “làm giàu” từ ma túy. Thêm nữa, từ bản Buốc Pát sang Lào rất gần nên ma túy cũng từ đó tràn về bản không khó. Đã thế mùa vụ thì ít, mỗi năm chỉ có 1 vụ ngô, thu hoạch xong là chẳng biết làm gì nên nếu không ở nhà chơi thì người dân lại kéo nhau sang Lào làm  thuê, có tiền là ăn chơi nghiện ngập, không mấy ai nghĩ đến bữa sau.

 

Được biết từ đầu năm 2013 đến nay, đồn phối hợp MTTQ huyện Mộc Châu, 03 xã và Hiệp hội doanh nghiệp Sơn La trao 08 nhà đại đoàn kết trị giá 160 triệu đồng cho dân; quân y khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 361 người; xây dựng mô hình nuôi con dúi thương phẩm xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên để trả lại sự yên bình xưa kia cho một Buốc Pát hôm nay thì không chỉ cần sự chung tay của rất nhiều cấp nhiều ngành mà cái quan trọng nhất đó là phải làm sao thay đổi được nhận thức của người dân khi họ biết đặt mục đích lâu dài về tương lai con trẻ. Một khi họ hiểu ra rằng chỉ có lao động chân chính mới là khởi nguồn bền lâu cho một gia đình và con cái được học hành thì cuộc sống sau này sẽ khá lên rất nhiều. Có như vậy thì những đứa trẻ hôm nay đến trường sẽ đi bằng chính đôi chân của mình, không còn phải ở nhà đợi thầy cô đến rước như bây giờ nữa. 

 

Nhìn điểm trường Buốc Pát là những ngôi nhà mái brô xi măng, nền đất, vách là những tấm bạt ni lon, nằm tơ hơ giữa khoảnh đồi, đối diện với con đường dân sinh duy nhất, tôi chợt nghĩ không biết bao giờ Buốc Pát mới đổi thay được. Đến bao giờ một Buốc Pát quanh năm không có điện, mùa đông sương mù dày đặc giăng kín, gió thổi ào ào, lạnh buốt của ngày hôm nay thay da đổi thịt để trẻ con không còn phải thụ động đến trường và người dân yên tâm cấy cày, sản xuất. Nghĩ lại thấy thương những chiến sỹ quân hàm xanh, thương các thầy cô giáo ở điểm trường Buốc Pát. Vì sự nhiệt tình, cái tâm của mình, họ đã đem hết cả khả năng, nhiệt huyết của mình để ba cùng với dân bản vùng biên để rồi cùng mơ ước về một ngày mai tươi sáng dẫu rằng có thể đôi lúc những con người đang ươm chồi xanh này chợt nghĩ rằng công lao của mình có thể mãi mãi chẳng ai biết đến.

 

Lam Trinh

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ươm lại những giấc mơ xanh ở một “bản nghiện” vùng biên