Thực hư chuyện “cụ xoài” 300 năm tuổi truyền năng lượng trường thọ?

Phong Nguyên| 26/07/2014 08:07
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nằm sâu trong con lộ nhỏ phía cuối của ấp Biển Tây B (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu), đó là ngôi chùa Ông Bổn lừng danh được nhiều du khách thập phương biết đến.

Sở dĩ, ngôi chùa nhỏ này có tiếng như vậy là vì có sự hiện diện của cây xoài cổ thụ có tuổi đời lên tới 300 năm mà nhân dân xung quanh vô cùng tín ngưỡng. Tìm tới đây, PV đã được tận mắt nhìn và nghe những giai thoại truyền miệng mà lâu nay người dân xung quanh vẫn lưu truyền, kể lại cho các thế hệ sau.

Cúng heo cho chúa sơn lâm 3 móng

Trong khuôn viên ngôi chùa nhỏ bé, người tham quan có thể dễ dàng nhận ra sự hiện diện của cây xoài đại thụ bởi thân hình to lớn gấp nhiều lần những cây cối xung quanh. Thân gốc ước chừng phải tới 5 người ôm mới hết, tán lá cao và rộng tới gần 30m. Cộng với cái vẻ âm u, tĩnh mịch sẵn có, “cụ xoài” này càng như tăng thêm sự linh thiêng, kỳ lạ. Những người có tuổi trong địa phương kể lại, từ thời rất xa xưa, lúc nơi đây còn chưa có người ở, cây cỏ cao hơn đầu người thì cây xoài đã có rồi. Được biết, tại địa phương vốn có cộng đồng nhỏ người Hoa sinh sống đan xen với các dân tộc và những người Khmer của Việt Nam. Họ xuất hiện tại đây cũng từ rất lâu rồi, ước chừng thời gian từ khi triều đại nhà Mãn Thanh lật đổ nhà Minh. Qua hàng chục đời tiếp nối sinh sống và làm ăn, tới nay họ đã là một trong những thành phần bản địa, biết rõ nhiều về văn hóa cũng như lịch sử của vùng đất này. Chính trong ghi chép nhiều đời của những người Hoa di cư tới đây đã khẳng định, từ thời họ đặt chân tới, cây xoài đã có rồi.

Thực hư chuyện “cụ xoài” 300 năm tuổi truyền năng lượng trường thọ?

 

Cây xoài đại thụ

 

Trò chuyện cùng bà Nguyễn Thị Lan (người trông coi ngôi chùa), PV được bà kể lại những sự tích liên quan. Hồi đó, khi nhà cửa và người dân chỗ này còn thưa thớt thì gốc xoài đã có và là nơi nghỉ ngơi quen thuộc của người dân và đàn gia súc khi đi qua. Mọi chuyện cứ như vậy trôi qua cho tới một ngày tháng 7, đột nhiên dưới gốc xoài có sự hiện diện của một con hổ rất lớn. Từ đó, không ai dám lại gần khu vực này, mà phải chờ tới khi hổ đi mất thì mọi sinh hoạt mới trở lại bình thường. Nhưng cũng rất lạ, cứ tới tháng 7 hàng năm con vật này lại trở lại, ở đó hết tháng mới chịu đi. Cho rằng con vật linh, người dân bèn lập tục thờ cúng heo sống mỗi khi “ông chúa sơn lâm” tới.

“Mỗi năm người dân lại nuôi 1 con heo cho thật lớn, chờ tới khi ông hổ xuất hiện là sẽ dắt ra cột tại gốc xoài để cho ông ăn thịt. Có lẽ cũng vì vậy mà không bao giờ ông hổ quấy nhiễu hay ăn thịt dân làng cả”, bà Lan kể. Thậm chí, có lần ông hổ còn cứu giúp những người bị nạn. Nhiều người từ đó tin rằng con vật này là thần linh nhập thể, xuống bảo vệ người làng. Cũng từ đó, không ai sợ hãi hay xa lánh con vật như trước nữa. Thế là hằng ngày, sáng ông hổ bỏ vào rừng kiếm ăn, tới chiều muộn lại trở về gốc xoài để ngủ. Hết tháng, con vật kỳ lạ bỏ đi và tới tận thời điểm tương tự của năm sau mới trở lại.

“Trong một lần cúng bái heo, có một người làng đã nổi tà ý, ăn trộm mang về nhà làm của riêng. Khi ông hổ tới mà không thấy heo cúng, ông đã lần theo dấu chân và mùi tìm về tận nhà người kia. Thế là người đó đã gài bẫy đánh gãy một chân sau của ông hổ. Từ đó ông ấy chỉ còn 3 chân, nên được gọi là ông 3 móng. Nhưng cũng vì vậy, ông hổ giận nên bỏ đi mất hẳn, không trở về nữa”, ông Nguyễn Văn (60 tuổi), một người sống cạnh chùa cho biết. Sau sự việc trên, những người dân khi ấy đã sùng bái cây xoài hơn hẳn, bởi họ tin vị trí này có long mạch, mang đến may mắn, sức mạnh. Thế là nhiều người bắt đầu lập bàn thờ tự, cúng bái theo tín ngưỡng cho tới tận ngày nay.

Truyền linh khí cho người cúng bái

Giai thoại này được nhiều người biết đến nhất, và cho tới tận thời điểm hiện tại, nó vẫn còn được lưu truyền, đồn đại trong rất nhiều lượt du khách gần xa. Bà Lan bảo, bản thân mình cùng gia đình cũng chẳng mấy khi tin chuyện ma quái, lạ kỳ nhưng thực tế là đã có không ít những chuyện kỳ lạ xung quanh nó. Như để minh chứng cho lời nói của mình, nhiều người dân quả quyết với PV: “Nếu không tin, các chú có thể ra ngoài và tìm hiểu. Ở đây không ai là không biết tới sự linh thiêng của “cụ xoài” cả”.

Bà Lan kể, xung quanh gốc xoài vốn có sẵn một mạch nước ngầm tự nhiên, chính nó là nguồn sống giúp cây có thể tồn tại được hàng trăm năm như vậy. Nhưng rất kỳ lạ là mạch nước này không bình thường như những mạch nước khác, mà nó rất mát, thậm chí là cảm giác lạnh toát cho ai chạm tay vào. Mạch nước này đi theo hình tròn, chạy quanh gốc xoài và chỉ có mặt ở duy nhất địa điểm này. Bà Lan cũng kể, nhiều người thậm chí còn bỏ công tìm kiếm, đào bới nhưng cũng không tìm ra nhánh hay một mạch nước nào tương tự.

“Có một dạo, nhiều người truyền tai nhau câu chuyện về một người đàn ông bị bệnh tật sắp chết, anh ta liền tìm tới gốc xoài để cầu khẩn với mong ước chữa khỏi bệnh. Bất ngờ khi về tới nhà, anh này bỗng dưng hết bệnh, làm người thân và hàng xóm bàng hoàng. Khi được hỏi uống thuốc gì, anh này chỉ bảo tới gốc xoài và chạm tay vào thân cây mà khỏi”, bà Lan kể. Thế là từ ấy, câu chuyện cây xoài “cải tử hoàn sinh” được lan truyền làm không ít người hiếu kỳ tìm tới xin được “ôm ấp” cây thần. Rồi không chỉ truyền nhau tác dụng hết bệnh, họ còn khẳng định “cụ xoài” có khả năng làm người ta “trường thọ”.

“Nhiều người khách tới bảo với tôi như vậy. Theo như họ kể thì sau khi ôm “cụ xoài”, trở về họ luôn mạnh khỏe, tránh được bệnh tật. Thậm chí có trường hợp bảo đã từng đưa cha già tới và sau đó ông cụ không chỉ khỏi bệnh mà sống rất thọ”, anh Nguyễn Văn Tèo (em trai bà Lan) nhớ lại. Chính vì những câu chuyện truyền miệng như vậy, mà tiếng tăm “cụ xoài” ngày càng vang xa với những khả năng đặc biệt. Lượng người tò mò kéo về đây thăm nom, cúng bái, ôm ấp “cụ xoài” tăng lên nhanh chóng, hầu như ngày nào cũng có, không chỉ người dân địa phương mà nay còn có cả người ở xa, thậm chí là Việt kiều nước ngoài về.

Được biết hằng ngày, ít thì là vài lượt, nhiều sẽ lên tới hàng chục lượt du khách tìm tới đây để cúng bái và “ôm cây” xin trường thọ như lời truyền. Theo như giải thích của người dân, phần vì tin vào câu chuyện nên tò mò, phần vì khu di tích nằm trong quần thể khu du lịch sinh thái nên dễ thu hút người tham quan. Theo những người dân sinh sống lâu năm, việc cây xoài có tiếng đồn linh thiêng như trên là sự thật hay không thì họ không dám khẳng định, bởi đó là dựa trên lòng tin, tín ngưỡng của mỗi người khác nhau.

Cần xây dựng khu di tích

Ông Trần Văn Mãi, Trưởng ấp Biển Tây B cho biết, việc cây xoài cổ thụ đã là một phần trong cuộc sống, nét văn hóa và tâm linh của nhân dân địa phương thì là sự thật không thể từ bỏ được. Từ nhiều năm nay, đông đảo người dân đã có nhiều hình thức vận động, quyên góp để xây dựng, trùng tu cảnh quang xung quanh khu vực có cây xoài đại thụ này. Với họ, việc làm ấy không chỉ giúp bảo tồn một danh thắng của vùng, mà còn là gìn giữ, phát triển một niềm tự hào đã có từ hàng trăm năm trước, từ đời cha ông xa xưa truyền lại. Theo ông Mãi, nếu tương lai được chính quyền quan tâm, đồng thời nhu cầu của du khách tăng lên thì có thể địa phương sẽ đề xuất cải tạo, xây dựng mới khu di tích để tương xứng với tiềm năng mà nó mang lại.

 

Chuyên cây xoài hơn 300 tuổi có “linh khí, chữa bách bệnh” là không có thật

Đó là khẳng định của bà Lê Thị Ái Nam, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu khi trao đổi với PV. Bà Ái Nam cho biết đúng là ven biển Bạc Liêu có cây xoài cổ thụ hơn 300 năm tuổi, là một trong những địa chỉ được du khách ghé tham quan. Thế nhưng nói chuyện cây xoài này có linh khí, có thể chữa bách bệnh là hoàn toàn nhảm nhí, bịa đặt, không có thật.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hư chuyện “cụ xoài” 300 năm tuổi truyền năng lượng trường thọ?