Sự thật đằng sau câu chuyện “người cha giả câm hơn 10 năm vượt biên tìm con gái”

Huy Hùng| 18/11/2014 08:20
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Câu chuyện về người đàn ông dân tộc Nùng là Ban Văn Mình lặn lội giả câm hàng chục năm đi tìm con gái mất tích bên kia biên giới được báo chí đăng tải rất nhiều. Tuy nhiên đâu mới là sự thật ở trong câu chuyện “ly kỳ” về người cha này?

Chính ông Mình đã kể lại đầu đuôi câu chuyện với PV báo điện tử Công lý, đồng thời ông cũng không khỏi bức xúc khi được biết nhiều tờ báo đã hư cấu, viết sai sự thật về ông.

Từ chuyện đứa “con thơ” bị lừa bán

Câu chuyện của ông Ban Văn Mình người dân tộc Nùng (SN 1943, trú tại thôn Đồng Sinh, xã Tân Lập, huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn) đã xảy ra hơn 17 năm trời. Ban Thị Hoạt (SN 1979), là con thứ 7 trong 8 người con của vợ chồng ông Mình bị bán sang Trung Quốc là khởi thủy của những bài báo hư cấu sau này. Lúc bị bọn lừa bán đi, Hoạt đang học cấp hai và vừa bước sang tuổi 14.

 Sự thật đằng sau câu chuyện “người cha giả câm hơn 10 năm vượt biên tìm con gái”

Bà Nông Thị Tập bên 1 trong những bức ảnh hiếm hoi còn lại của đứa con gái Nông Thị Hoạt 

Theo ông Mình kể thì vào thập niên 90 về trước, ở vùng đất Lạng Sơn, tệ nạn buôn bán phụ nữ sang Trung Quốc xảy ra như cơm bữa, liên tục có những cô gái mới lớn bị bắt cóc, mất tích, lừa bán sang Trung Quốc. Và không may, cô con gái mới 14 tuổi của ông lại là nạn nhân của một vụ buôn bán người khiến ông đến giờ vẫn đau xót khi nhắc lại sự việc này.

Hôm đó là một ngày cuối năm 1993, khi ông Mình đi tiền cưới cho đứa cháu dâu và ngày phiên chợ tháng thiếu 29/11/1993 ở trên Đồng Mỏ cách nhà ông 100km. Mấy ngày sau ông trở về nhà thì vô cùng bàng hoàng khi có người hỏi ông là đã tìm thấy con gái chưa?.

Ông Mình ngẩn người chẳng hiểu chuyện gì, gặng hỏi thì người đó nói là con gái ông đã bị lừa đi đâu mất tích. Ông chết lặng người, vội vã trở về nhà thì được biết Hoạt đã bị một người phụ nữ đến làm thuê và cũng từng ăn ngủ ở nhà ông rủ đi đâu không rõ. Mọi người đoán già đoán non là rất có thể Hoạt đã bị bọn buôn người lừa gạt bán đi Trung Quốc.

Sau quá trình tự điều tra, ông Mình phát hiện người lừa bán con gái của mình là Huệ - người phụ nữ quê ở Hà Bắc làm thuê trong xã mà ông vẫn thường xuyên gặp.

Biết hôm ấy ông Mình đi vắng, Huệ đã tiếp cận Hoạt khi đó mới học hết lớp 4 được 2 tháng. Sau một hồi thủ thỉ đủ chuyện, Huệ hỏi Hoạt có thích đi Tàu chơi không? Huệ bảo, đi vui lắm, đi chơi vài hôm rồi về.

Mới 14 tuổi, Hoạt chưa bao giờ sang làng khác chơi chứ đừng nói là đi đâu xa nên khi được Huệ bảo cho đi Tàu Hoạt tưởng là được đi Tàu hỏa như trên tivi nên đồng ý.

Ngay lập tức khi phát hiện ra con gái mình đã bị lừa bán đi. Ông liền tập hợp anh em trong nhà đi báo công an và bắt giữ ngay lập tức Huệ tại làng. Tuy nhiên con gái ông đã được Huệ giao cho một người đàn ông đưa lên khu vực Cổng Trắng giáp Trung Quốc nhằm bán lấy tiền.

 Sự thật đằng sau câu chuyện “người cha giả câm hơn 10 năm vượt biên tìm con gái”

Ông Ban Văn Mình 

Nghe vậy, ông Mình liền tìm lên địa bàn cửa khẩu Cổng Trắng tìm con. Điểm dừng chân đầu tiên của ông Mình sau khi đi qua biên giới là Ninh Minh (tỉnh Nam Ninh, Trung Quốc). Vào hang ổ bọn buôn người phải đi qua “ba cửa”, đút lót cho chúng ít tiền thì mới được đến nơi giam lỏng những người bị lừa bán. Ông đã đi qua không biết bao nhiêu tụ điểm, đó là những ngôi nhà nhỏ ẩm thấp nằm biệt lập với các khu dân cư tuy nhiên vẫn không có bất cứ một thông tin nào về đứa con gái của ông.

Đúng lúc thất vọng và chán nản thì ông Mình nhận được thông tin từ công an huyện Hữu Lũng báo về nhà nhận con. Lập tức ông bắt xe về Việt Nam. Nhưng hy vọng lắm thì thất vọng nhiều. Thực ra, công an Việt Nam mới chỉ bắt được trùm môi giới Hứa Hồng Chương - kẻ trực tiếp áp tải và bán Hoạt sang bên kia biên giới.

Tại cơ quan điều tra Hứa Hồng Chương khai sau khi đưa Hoạt lên đến biên giới đã bán cho một người tên Chung ở Hà Bắc lên làm cửu vạn ở Cổng Trắng. Lập tức ông lại lên phía biên giới cùng sự giúp đỡ của công an địa phương. Ông Mình cùng với các chiến sĩ công an xã Tân Mỹ đã đi gõ cửa từng nhà, hỏi từng người. Đến ngày thứ ba, ông Mình cùng lực lượng chức năng đã dò ra được gần 100 cái tên Chung.

Không biết mặt, không biết rõ lai lịch, biết tìm ai trong số cả 100 cái tên này. Một lần nữa, ông Mình lại bắt xe ngược về Hữu Lũng vay tiền của anh em, hàng xóm, rồi nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, di lý thủ phạm là Hứa Hồng Chương lên cửa khẩu Cổng Trắng để nhận diện đối tượng.

Tại đây, Chương đã phải khai nhận người tên Chung chỉ là khai man nhằm đánh lạc hướng điều tra của cơ quan công an. Gã cho biết, sau khi mua lại cô bé tên Hoạt từ tay Huệ, Chương đã bán lại cho một người phụ nữ khác tên là Tô Thị Cạn người ở khu vực cửa khẩu Cổng Trắng. Sau tìm hiểu ông Mình cho biết Cạn chính là vợ của một cán bộ công an làm việc tại Cổng Trắng tên là Ca.

Từ đây, một đường dây buôn bán phụ nữ và trẻ em được hé mở, rồi nhanh chóng bị lực lượng công an phá vỡ. Chỉ trong 10 ngày, thủ phạm bị bắt giữ, ông Mình mừng lắm vì tin rằng con gái ông sẽ nhanh chóng được tìm ra. Tuy nhiên, sự việc không hề đơn giản. Cạn khai rằng, khi Hoạt rơi vào tay Cạn, Cạn liền bán Hoạt cho một người đàn ông Trung Quốc, và người đàn ông ấy đưa Hoạt đi đâu ả cũng không hề được biết.

Ông buồn bã, dù muốn tìm con nhưng cũng không biết tìm ở đâu. Đất nước Trung Quốc quá rộng lớn mà ông thì lại quá nhỏ bé, cả sức lực và tiền bạc đều không đủ. Lúc này ông đành ngậm ngùi trở về quê với gia đình, làm ăn trả lại số nợ ông đã vay của mọi người trước đó.  Ông chỉ còn biết cầu mong có một phép màu nào đó xuất hiện mang con đứa con gái của ông quay về.

Lá thư bất ngờ và cuộc hội ngộ đầy nước mắt

Ngỡ tưởng cha con họ sẽ không bao giờ được gặp lại nhau thì bỗng dưng một ngày cuối thu năm 2002, ông nhận được một lá thư từ Trung Quốc bên ngoài ghi hoàn toàn bằng chữ Hoa. Ông phân vân mở ra đọc thì thấy đó là thư của con gái mình.

Trong thư con gái ông nói rằng mình được bán về làm vợ cho một người đàn ông ở tận Quảng Tây. Quá mừng rỡ ông lập tức vay mượn  tiền lên đường sang Quảng Tây tìm con gái. Ông liên lạc với người cháu rể ở trên biên giới Trung Quốc tìm đường rồi cùng ông sang Quảng Tây. Lúc này trên đường đi ông phải giả câm đang đi chữa bệnh để tránh sự chú ý của mọi người, phải vô cùng vất vả ông mới tìm đến được nơi chị Hoạt đang sinh sống.

Cuộc hội ngộ diễn ra đầy nước mắt vì mừng tủi giữa hai cha con sau 10 năm xa cách. Ông Mình cũng chua xót khi biết người con rể của ông tuổi cũng gần bằng ông.

Sáng hôm sau, chị Hoạt theo ông đến biên giới gặp mẹ rồi gạt nước mắt quay lại nhà chồng. Thời gian sau đó thì chị cũng có thu xếp để về Việt Nam thăm gia đình. Tuy nhiên, chị cũng không thể ở lại quê hương vì còn hai đứa con ở bên kia Trung Quốc.

Sự hư cấu quá đà của báo chí

Đó là câu chuyện của ông Ban Văn Mình vốn cũng không có quá nhiều điều để nói nhưng nay ông lại đang nhận được những sự “quan tâm” đặc biệt của nhiều người dân quanh làng khi hàng ngày họ vẫn thấy ông ở nhà mà nay lại có chuyện ông đi Trung Quốc cả chục năm khiến ông rất khó xử và không biết giải thích ra sao.

Thông tin về câu chuyện của ông được đăng tải trên các mặt báo, nhiều câu chuyện “như thật” về ông đã được viết lên. Đặc biệt thông tin về ông giả câm, giả điếc, làm thuê bên Trung Quốc để tìm con "suốt hơn 10 năm trời " thì hoàn toàn không có thật. Đồng thời những thông tin về chuyện ông cùng phối hợp với công an để truy tìm ra bọn buôn người mà nhiều báo đã đăng tải cũng không chính xác, nhầm tên, nhầm cả đối tượng khiến câu chuyện của ông càng khác đi so với sự thật.

Ông khẳng định: “Không biết tung tích, không có một chút thông tin gì sao mà biết tìm ở đâu”. Từ sau khi bắt được bọn tội phạm buôn người ông về quê làm ăn chưa sang Trung Quốc tìm con lần nào. Ông có nhờ những ai đi làm ăn, buôn bán ở Trung Quốc thì nghe ngóng thông tin về đứa con ông chứ hoàn toàn không có chuyện như nhiều tờ báo đã đăng tải. 

Đồng thời ông cũng rất bức xúc khi đọc được những điều báo chí viết về ông rằng: “Vào nhà chứa nào ông Mình cũng xòe tiền ra và ra hiệu là tìm những cô gái trẻ nhất để “tâm sự”. Bọn chúng thấy ông già khắc khổ, lại câm điếc nhưng có nhiều tiền “chịu chơi” nên đều gật đầu gọi hàng chục cô gái trẻ nhất ra cho ông chọn…”.

Ông cho rằng tất cả đều là bịa đặt, không có thật. Không hề có chuyện ông vào nhà chứa và làm như vậy. Những điều hư cấu này đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của ông suốt bao năm qua.

 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sự thật đằng sau câu chuyện “người cha giả câm hơn 10 năm vượt biên tìm con gái”