Rừng Sác: Ngày ấy, bây giờ...

Nguyễn Văn Khôi (ghi)| 26/04/2015 14:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cho đến bây giờ, đã 40 năm sống trong hòa bình, tôi vẫn không thể nào quên được những gian khổ ác liệt và mất mát, hy sinh trong cuộc chiến đấu trên mặt trận sông nước sình lầy của quân và dân Rừng Sác anh hùng”.

Đại tá Lê Bá Ước, nguyên Chính ủy viên kiêm Trung đội trưởng Bộ đội đặc công Rừng Sác đã bắt đầu câu chuyện về đời đặc công và đồng đội của mình ở Rừng Sác, tại ngôi nhà riêng của ông ở phường Quyết Thắng, Tp.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh

Rừng Sác xưa kia vốn là một hiểm địa, sông rạch chằng chịt, sình lầy ngập mặn quanh năm- ông Ước bồi hồi kể. Ngoài số ngư dân trong các ấp chiến lược bung ra bằng ghe thuyền làm ăn sinh sống bằng nghề hạ bạc theo dòng thủy triều lên xuống, nơi đây hầu như không có sự sống của con người. Đoàn đặc công do ông Bảy Ước cầm đầu được Bộ chỉ huy quân giải phóng miền Nam phân công làm nhiệm vụ thọc sâu, áp sát, bám trụ bằng mọi giá chiến khu Rừng Sác để tiến công liên tục vào kho tàng, bến cảng từ Cát Lở, Rạch Dừa, đến Nhà Bè, Cát Lái, Thành Tuy Hạ, đánh sâu vào nội đô.

Rừng Sác: Ngày ấy, bây giờ...

Đại tá Lê Bá Ước

Đội quân Rừng Sác của ông Ước ngày đó có gần 800 người, trong đó đặc công thủy, bộ chiếm đến 1/3. Ông kể: Chinh chiến ở Rừng Sác ngót 10 năm nhưng trận Mậu Thân 1968 là nhớ đời nhất. Đó chính là lần Mỹ tổ chức phản kích, tập trung lực lượng hải quân với cả trăm tàu các loại nhằm bao vây diệt Sở chỉ huy Đoàn 10, đóng cách trung tâm Sài Gòn khoảng 15 km đường chim bay. Thật khủng khiếp, trong nội đô rung rinh tiếng chấn động, cứ khoảng hai lượt bom B52 vừa dứt thì chiếc máy bay OV10 ì ì trên bầu trời kêu gọi liên hồi: “Tử thần, tử thần, cán binh Đoàn 10 chiêu hồi, chiêu hồi”. Kèm theo tiếng đờn cò rên rỉ là tiếng trẻ nhỏ gọi ba mẹ, vợ kêu chồng. Sau 20 ngày bị vây đánh, đơn vị ông đã bắn cháy, chìm 40 tàu chiến các loại. Hàng trăm xác Mỹ chìm sâu xuống lòng sông Ông Kéo làm mồi cho cá sấu. Về sau, với tiền lệ này, hễ nghe tiếng súng nổ là cá sấu bắt đầu lao vào khiến ông Ước phải ra lệnh chiến sỹ cấm lội qua đoạn sông này để bảo đảm an toàn. Điên cuồng với những thất bại trên sông Lòng Tàu, các bến cảng, địch phản kích dữ dội bằng cách rải chất độc hóa học nặng liều xuống toàn bộ khu vực mà theo đài BBC lúc bấy giờ bình luận: “Có thể 25 năm sau cây Rừng Sác mới hồi phục”. Chỉ còn lại cây rừng đã rụng lá, anh em phải đắp hầm nổi, ngụy trang bằng màu cây khô để trú ẩn. Thế nhưng, không như sự tính toán của Mỹ, chỉ vài ba năm thì cây đước đã hiên ngang trồi lên. Màu xanh lại tiếp tục che phủ cho bộ đội.

Bốn năm phản kích ác liệt, từ 1969 đến 1972- ông Ước cho biết- địch hòng trục xuất lực lượng đặc công ra khỏi Rừng Sác nhưng bất thành. Trong một trận càn có đến hàng trăm tàu hải quân đủ loại quần nhau khắp sông rạch khiến mặt nước nổi bọt như cơm sôi. Có 30 đồng chí của ta vì bị phản ứng nơi trận địa sình lầy nên không đường rút. Chiến công Rừng Sác lập được bao nhiêu thì thách thức đi kèm cũng bấy nhiêu. Toàn bộ rừng ngập mặn quanh năm, không có nước ngọt ăn uống cũng là bài toán tính bằng xương máu. Ông Ước cho biết, nhiều đêm anh em phải chèo ghe luồn lách, tránh biệt kích, máy bay để đột nhập vào các ấp chiến lược Bà Bông, Bảy Giã và Lý Nhơn, Cần Thạnh chở từng can, từng phuy nước giếng. Về sau địch biết rõ, nên phục kích, nhiều đồng chí của ta đã hy sinh. Nhưng trong cái khó ló cái khôn. Vào thời kỳ căng thẳng nhất, không còn cách nào bám lấy đất liền, đơn vị đã có sáng kiến, lấy nước ngọt từ nước mặn bằng phương pháp chưng cất như kiểu nấu rượu. Ông Ước nói: “Phải giữ khói, che lửa đối với máy bay quan sát từ xa, hoặc dùng nồi nhôm lật ngược nắp đậy, bỏ vào trong một cái đĩa nổi để nấu nước mặn cũng có thể chống khát qua ngày cho từng tiểu đội”.

Rừng Sác: Ngày ấy, bây giờ...

 Một góc Khu lâm viên Cần Giờ

Để bám trụ, theo lẽ thường bộ đội phải nhờ sự hỗ trợ của tình quân dân, vận chuyển gạo từ Cà Mau, Bến Tre, Châu Đốc đưa về, mỗi lần cả chục tấn. Cảm động biết bao khi nhiều lần cấp trên “rót” tiền xuống chậm phải vận động mượn vàng của dân mua gạo nuôi quân. Trong 10 năm bám trụ tại chiến khu Rừng Sác, 500 tàu chiến các loại của Mỹ- ngụy đã bị Đoàn 10 đặc công Rừng Sác nhận chìm, 200 tàu vận tải hải quân bị đánh cháy, tiêu diệt hơn ngàn tên địch... Thế nhưng, điều khiến ông Ước ngậm ngùi là 500/800 đồng chí của ta chỉ còn có tên trong danh sách, chứ hài cốt đã bị chìm dưới lòng sông hoặc trôi ra biển cả.

Rừng sác giữa thời bình

Hòa bình lập lại, ông Ước bắt tay sưu tầm tài liệu để viết hồi ký về đặc công Rừng Sác. Một việc làm tuy vất vả nhưng theo ông là rất cần thiết cho hậu thế. Năm 1998, khi Công ty du lịch Sài Gòn (Saigon Tourist) có kế hoạch đầu tư, xây dựng khu vui chơi- văn hóa- du lịch “Đặc công thủy Rừng Sác”, ông nghiễm nhiên trở thành người cố vấn số 1.

Theo kế hoạch, phải tạo cho kỳ được một cụm căn cứ đặc công thủy Rừng Sác để tạo sức hút cho khách du lịch, bởi đây là một binh chủng đặc biệt, độc đáo, góp phần tạo nên những kỳ tích, công trạng thần kỳ làm cho hai con sông Lòng Tàu và Soài Rạp trở thành những địa danh đi vào lịch sử. Với tư cách là một “nhân chứng sống”, ông Ước còn trao cho Công ty du lịch Sài Gòn 27 tấm ảnh về đặc công Rừng Sác và cho xem cuộn phim đen trắng ghi hình chân dung nhiều nhân vật anh hùng, cán bộ, chiến sỹ đặc công (hầu hết đã hy sinh). Xem hình, mọi người đều mừng mừng tủi tủi bởi đây là bộ ảnh duy nhất còn lưu lại về lịch sử đặc công Rừng Sác. Điều quý nhất, trong thời gian ác liệt, chiến trường Rừng Sác chia cắt, các phóng viên ảnh, quay phim của “R” và đặc khu Sài Gòn không tới được thì chính một người chụp ảnh không chuyên- ông Lê Văn Sáu lại chụp được những bức ảnh quý này.

Rừng Sác: Ngày ấy, bây giờ...

Du khách tham quan Khu Đặc công thủy Rừng Sác

Sau một thời gian nghiên cứu tư liệu, ngày 30/4/2000 Khu lâm viên Cần Giờ do Tổng công ty du lịch Sài Gòn đầu tư giai đoạn 1 với kinh phí gần 2 tỷ đồng đã bắt đầu xây dựng. Theo ông Lê Trường Hải, giám đốc Công ty du lịch sinh thái Cần Giờ, từ lâu chiến công Rừng Sác được mọi người biết đến khá nhiều, nhưng cuộc sống đời thường của các chiến sỹ ít ai biết đến nên đó cũng là lý do để tái tạo hình ảnh đời thường của người lính. Ban đầu, hiện vật sưu tầm còn khó khăn nên phải kêu gọi cựu chiến binh cùng sưu tập. Nay, do điều kiện, một số hiện vật không thể sưu tập nên phải tái tạo lại theo đúng nguyên mẫu bằng cánh làm mới. Ông Hải cho biết thêm, ngoài con đường thủy đạo dài 11 km xuyên giữa ruột rừng đước, còn có các điểm câu cá, khu nuôi khỉ, chim, thú... Khu Đặc công thủy Rừng Sác với một đường “sạn đạo” dài dẫn vào khu căn cứ với hiện vật: súng, mìn, trái nổ... tái hiện đúng với một căn cứ đặc công thủy rất thu hút du khách. Đặc biệt, những vật dụng liên quan đến sinh hoạt đời thường như: giày, dép, ấm, chén, dây thắt lưng, đèn nghéo, võng... giúp cho lớp trẻ có cái nhìn chân thực hơn về thế hệ cha anh. Theo kế hoạch, khu du lịch sinh thái Cần Giờ còn tái tạo lại những căn phòng hạnh phúc dành riêng cho những cặp vợ chồng đêm tân hôn, hoặc những đêm vợ từ hậu phương ghé đơn vị thăm chồng thời chinh chiến.

Với một lâm viên rộng 2.000 ha, đồng thời là một trong 24 tiểu khu của rừng phòng hộ Cần Giờ, được nâng lên thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới, hy vọng với sự kết hợp hài hòa giữa xưa và nay; sự tái tạo một Rừng Sác oai hùng sẽ tô điểm thêm những công trạng lẫy lừng cho một Rừng Sác xưa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rừng Sác: Ngày ấy, bây giờ...