Những mất mát đớn đau của người đàn ông tên Được

Hồ Duy| 14/10/2014 06:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sinh ra đã bị bỏ rơi và lớn lên trong nghèo khó, những tưởng khi có vợ cuộc sống của chàng trai nghèo miền Tây xứ Nghệ sẽ tươi sáng hơn, nhưng rồi tai nạn giao thông đã cướp đi những hi vọng mới le lói, khiến cuộc sống của anh càng thêm cùng cực.

Chúng tôi tìm về một ngôi nhà nhỏ nằm sát vách núi thuộc miền Tây xứ Nghệ những ngày cuối thu. Trong ngôi nhà nhỏ được dựng bằng những tấm gỗ trống trước hở sau, trong nhà chẳng có thứ gì đáng giá ngoài hai chiếc giường nhỏ đặt song song với nhau. Phía trên chiếc giường là hình ảnh một người phụ nữa gầy teo tóp, nằm bất động, mắt mở lừ đừ. Bà cụ già nua ngồi cạnh tay cầm chiếc quạt mo phe phẩy quạt cho cô con dâu bạo bệnh. Phía ngoài gian bếp, người đàn ông bất hạnh đang hì hục thổi lửa, nấu lại nồi cháo loãng để chuẩn bị bữa trưa cho cả gia đình.

“Cưới vợ, nghĩ sẽ tạo dựng một gia đình hạnh phúc, sẽ đỡ đần, chăm sóc mẹ khi về già yếu. Nào ngờ, tai ương ập đến, con mất, vợ thì nằm đó, mẹ già ở tuổi cuối chiều rồi vẫn phải vất vả ngược xuôi kiếm tiền, rồi chăm sóc, tắm rửa cho con dâu”, gạt vội những dòng nước mắt anh Nguyễn Văn Được, sinh năm 1983, ngụ tại bản Tam Liên, xã Tam Quang (Tương Dương, Nghệ An) chia sẻ về nỗi đau của gia đình.

 

Những mất mát đớn đau của người đàn ông tên Được

Anh Được bên người vợ liệt giường. Ảnh Hồ Duy

Bất hạnh từ trong nôi

Qua lời kể của cụ Nguyễn Thị Kim (84 tuổi, mẹ nuôi anh Được), quê cụ vốn ở Nam Đàn (Nghệ An). Một buổi chiều cuối thu năm 1983, cụ ra vườn hái rau để chuẩn bị bữa tối thì nghe có tiếng trẻ con khóc. Tiến lại gần, cụ tá hoả khi phát hiện một đứa trẻ sơ sinh được quấn trong một chiếc khăn mỏng, nằm lấp giữa đám rau lang trong vườn. Đó là một bé trai nặng 2.8kg. Trên mặt và cổ có nhiều vết sưng tấy vì bị côn trùng cắn.

Qua bốn ngày điều trị, đứa bé đã ổn định và được gia đình cụ đưa về chăm sóc. Sau đó, vợ chồng cụ thống nhất làm lễ nhận đứa bé làm con nuôi và đặt tên là Nguyễn Văn Được (“Được” có ý nghĩa là nhặt được). Cũng từ đó, anh Được lớn lên trong tình thương yêu, bao bọc của gia đình bố mẹ nuôi.

Vì hoàn cảnh khó khăn nên 14 tuổi, Được phải nghỉ học để theo chân bố nuôi lên huyện miền núi Tương Dương hành nghề chèo đò. Năm 2006, vụ chìm đò khiến 19 học sinh tại bến đò Chôm Lôm (thuộc xã Lạng Khê, huyện Con Cuông, Nghệ An) tử nạn. Từ đó, hành khách qua đò thưa dần, rồi hai năm sau, cầu treo Chôm Lôm được xây dựng, chẳng còn ai nghĩ đến việc qua sông bằng đò nữa, gia đình Được thất nghiệp từ đó.

Sau khi nghỉ nghề chèo đò, cả gia đình kéo nhau vào bản Tam Liên (xã Tam Quang, huyện Tương Dương) mướn nhà rồi mưu sinh bằng nghề chặt củi, hái măng rừng. Vài năm sau, gia đình bà Kim được xã cấp đất, hỗ trợ 3 triệu đồng xây căn nhà tình nghĩa. Không lâu sau đó, bố Được cũng qua đời vì bệnh tật, không có tiền chữa trị. Căn nhà nhỏ chỉ còn hai mẹ con anh Được sớm tối thui thủi đi về. Hàng ngày, ngoài việc vào rừng hái măng, Được còn tranh thủ tìm mật ong rừng, bẫy chim rừng rồi mang về xuôi bán, lấy tiền mua thức ăn, thuốc thang cho bà mẹ già. Cũng vì vật lộn với cuộc sống nghèo khó mà mãi hơn 30 tuổi, khi trai bản cùng trang lứa đã có gia đình, con cái thì anh vẫn sáng đi, chiều về một mình lẻ bóng.

Hạnh phúc chẳng tày gang

Cuối năm 2012, anh  Được cùng chị Lô Thị Ly, sinh năm1995, ngụ tại bản Xiềng, (xã Tam Thái, huyện Tương Dương) người phụ nữ lỡ làng nên nghĩa vợ chồng. Niềm hạnh phúc được nhân lên khi không lâu sau đó, anh Được biết tin mình sắp được làm bố. Nhưng rồi, ngày chờ đợi đứa con chào đời lại biến thành ngày oan nghiệt nhất của cuộc đời của anh. Đó là ngày cướp đi sinh mạng của đứa con trai chưa kịp chào đời. Người vợ anh từ một người bình thường trở thành một phế nhân. Mãi đến tận bây giờ, anh Được vẫn nghĩ đó là một cơn ác mộng kinh hoàng mà anh đang cố gượng dậy để chống chọi.

Khoảng 13h ngày 28/1/2014 ( tức ngày 28 Tết) chị Ly đau bụng trở dạ, nên anh Được điện thoại nhờ người em trai chị Ly chở vợ đến bệnh viện, còn anh sắp xếp đồ đạc đưa vào sau. Khi đến đoạn Mỏ Than (thuộc địa phận bản Tam Liên) thì xe chị Ly bị chiếc xe máy chạy ngược chiều do anh Trần Văn Độ (ngụ tại bản Nông Trang Bãi Sở) tông phải. Cú đâm mạnh khiến chị Ly ngã xuống đường, nằm bất động tại chỗ. Chiếc xe đè lên bụng chị, chiếc mũ bảo hiểm chị đội trên đầu bị vỡ tan tành. Người em trai của chị Ly bị văng xuống vực sâu.

Nhờ người đi đường, chị Ly được đưa tới bệnh viện cấp cứu. Đau đớn thay, một bé trai bụ bẩm nặng 3kg chưa kịp chào đời đã ra đi khi còn trong bụng mẹ. Ma chay cho người con xấu số xong, anh lại tất tả xuôi về bệnh viện để ngóng trông tình hình của vợ. Suốt ba tháng trời chăm sóc vợ trong bệnh viện, thứ có giá trị nhất trong gia đình là con trâu cũng phải bán đi, căn nhà đơn sơ cũng phải thế chấp để vay ngân hàng, Được còn phải vay mượn hết làng trên xóm dưới để chạy chữa cho vợ. Nhưng rồi anh lại bất lực cõng vợ về nhà, nhìn vợ sống cuộc đời của một phế nhân.

Tương lai mịt mùng

Từ ngày thảm nạn xảy ra, anh Được không làm được gì ngoài việc ở nhà chăm sóc cho vợ. “Mặc dù vợ nằm đó, mắt mở trừng trừng, chân tay thẳng đuột, khô héo từng ngày nhưng tôi vẫn sợ. Sợ khi đi làm về, không thấy vợ nằm đó nữa thì tôi biết sẽ sống sao đây. Nhiều lúc nhìn thấy bạn bè cùng lứa tuổi vui vầy bên gia đình rồi nhìn lại mình mà xót xa. Giá như có một phép màu để vợ tôi được khỏe mạnh như trước” Anh Được đau sót nói.

Nhắc đến hoàn cảnh gia đình, cụ Kim hướng đôi mắt mờ đục về phía người con dâu đang ngồi bất động trên giường, rồi nhìn con trai ủ rủ ngồi đó mà lắc đầu thở dài: “Tội nghiệp cho số phận của nó (ý nói anh Được), sinh ra đã bị người ta vứt bỏ. Tưởng khi có gia đình sẽ được bù đắp. Dừ nhìn nó khốn khổ, con mất, vợ tàn tật, mẹ thì già nua, chẳng có thứ chi để nó bấu víu. Nhìn cảnh gia đình, tui tủi thân lắm, muốn cắn lưỡi mà chết đi. Nhưng rồi nghĩ về vợ chồng nó, tui lại cố sống tiếp”.

Nói về hoàn cảnh của gia đình anh Được, ông Lương Văn Thoãn (trưởng bản Tam Liên) cho biết: “Hoàn cảnh gia đình anh Được vốn là một trong những hộ gia đình khó khăn nhất bản. Từ ngày tai nạn xảy ra, cuộc sống lại càng bi đát hơn. Chúng tôi cũng đã kêu gọi bà con trong bản, nhưng họ cũng chỉ đủ điều kiện thay nhau giúp đỡ mớ rau, bắp ngô ăn qua ngày mà thôi”.

Chiều buông, chia tay người chồng bất hạnh, nhìn những giọt nước mắt anh rơi mà chạnh lòng. Từ trong nôi, Được đã bất hạnh. Và bây giờ khi chưa qua nửa đời người, anh đã phải gồng mình đối diện với biết bao sóng gió, tai ương. Ai cũng mong có một cuộc sống yên bình, một mái ấm hạnh phúc, nhưng với anh Được, điều ước ấy sao mà quá xa xôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những mất mát đớn đau của người đàn ông tên Được