Những giai thoại ly kỳ về võ phái đả hổ nổi tiếng miền Nam (Kỳ 1): Cuộc nổi dậy của nữ tướng nhà Sơn Tây

T. Lợi| 05/04/2015 09:06
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Vào Nam khai hoang, lập ấp, những cư dân miền Thuận Quảng (Nam Trung Bộ ngày nay) phải đối mặt với vô vàn thách thức. Đó là những cánh rừng thiêng nước độc, đó là nạn cướp bóc… Để sinh tồn họ phải học cách chống chọi với tất cả.

Khi ngồi trò chuyện với võ sư Hồ Tường, Chưởng môn, hậu duệ đời thứ năm của võ phái Tân Khánh Bà Trà (TKBT) về sự hình thành, phát triển và những giai thoại về phái TKBT khiến chúng tôi cứ tưởng đang đọc một cuốn tiểu thuyết ly kỳ. Võ sư Hồ Tường là con trai của võ sư lừng danh, một trong Tứ Tú của võ thuật miền Nam Hồ Văn Lành hay còn gọi là Từ Thiện. Kể từ số này, chúng tôi sẽ giới thiệu về phái võ TKBT và những giai thoại nổi tiếng trước giải phóng tại mảnh đất Sông Bé cũ (nay là Bình Dương). Đặc biệt là những chiến công đả hổ của các võ sư TKBT thời điểm còn “rừng thiêng nước độc” ở Tân Khánh, Tân Uyên, Sông Bé.

Muốn tồn tại phải học võ

Nhắc đến phái võ TKBT không thể không điểm qua một chút về sự hình thành của các phái võ Nam Bộ. Bởi trong cùng bối cảnh loạn lạc mà vùng đất phương Nam đã hình thành và phát triển khá nhiều môn phái. Tuy không phải là những môn phái mới hoàn toàn nhưng các phái võ đã có những biến hóa, phù hợp với khả năng chiến đấu ở vùng đất mới.

Đến nay, những người cao niên ở mảnh đất phương Nam còn nhớ một thời huy hoàng của võ thuật miền Nam. Trước giải phóng, miền Nam có những võ sư nổi tiếng. Trong Tam Nhật (ba mặt trời) là Hàn Bái, Ba Cát và Bảy Mùa; Tam Nguyệt (ba mặt trăng) là Trương Thanh Đăng, Quách Văn Kế và Vũ Bá Oai cùng Tứ Tú (bốn vì sao) Hồ Văn Lành, Trần Xil, Xuân Bình và Lý Huỳnh.

Trước khi những võ sư này nổi danh, võ thuật Nam Bộ đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Theo các tài liệu chúng tôi có được thì võ Nam Bộ hình thành từ thuở mang gươm đi mở cõi. Bên cạnh đó, trong quá trình khẩn hoang và định cư tại mảnh đất phương Nam trù phú nhưng còn heo hút, rừng núi rậm rạp cũng là điều kiện tốt để hình thành võ thuật Nam Bộ.

Khi trụ lại ở khu vực Nam Trung Bộ ngày nay, chúa Nguyễn tiếp tục khai hoang, di dân mở cõi phương Nam. Họ cho dân từ vùng Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định ngày nay vào khai phá vùng đất Nam Bộ còn hoang vu. Song song đó, các tội phạm thời ấy cũng được các chúa Nguyễn đày vào phương Nam. Để sinh tồn, hai tầng lớp người này đã phải dùng những khả năng của mình để tồn tại ở mảnh đất mới. Do xuất thân từ quê võ Nam Trung Bộ nên những người khai hoang và những người đày ải đã thích nghi tốt, sớm làm chủ vùng đất này.

Vào cuối thế kỷ XVIII, trong cuộc chiến với nhà Tây Sơn bị bại trận, tàn quân nhà Nguyễn đã chạy xuôi về phương Nam. Họ chọn Đồng Nai ngày nay để trú ẩn và gây dựng lại cơ nghiệp. Tại mảnh đất này, các chúa Nguyễn kêu gọi anh tài, quy tụ võ sĩ, võ sư khắp nơi về đầu quân. Họ nhận nhiệm vụ dạy các chiêu thức võ công cho trai tráng để theo nghiệp binh, chinh chiến. Ngày ấy, những người biết võ quy tụ lại và lập thành những bang, phái võ. Từ đó hình thành nên võ Nam Bộ.

Những giai thoại ly kỳ về võ phái đả hổ nổi tiếng miền Nam (Kỳ 1): Cuộc nổi dậy của nữ tướng nhà Sơn Tây

Một miếng võ của Tân Khánh Bà Trà

Nói về võ Nam Bộ, nhiều võ sư cho biết, nó hình thành theo sự pha tạp và phát triển mới của nhiều võ phái khác nhau. Nhưng đa phần là dựa trên các thế, miếng của võ Bình Định, ngoài ra là các môn phái phương Bắc và của Thiếu Lâm Trung Hoa, võ Cao Miên… Sự giao thoa của các phái võ này và được các võ sư phát triển thành những môn phái mới... Họ phát triển phái võ mới dựa trên những ưu điểm của các phái võ cũ và đặc thù của vùng đất mới. Thời đó, vùng đất phương Nam còn hoang vu, cây cối rậm rạp, thú dữ rất nhiều… Võ Nam bộ nổi tiếng cho tới ngày nay có các phái: Thất Sơn quyền, Âm Dương võ phái, Kim Kê và Tân Khánh Bà Trà.

Huyền thoại võ Bà Trà

Có người nhắc đến một phái võ khá cổ của Nam Bộ trước đây và còn lưu truyền, phát triển mạnh đến ngày nay tại miền Nam. Đó là phái TKBT. Để tìm hiểu môn phái này, chúng tôi tìm về thị trấn Tân Phước Khánh. Tuy nhiên, tại đây, chúng tôi chỉ nhận được sự thất vọng.

Sau này gặp, võ sư Hồ Tường có bảo rằng, giờ ở vùng đó chỉ toàn là rừng cao su, nhà cửa xây dựng kiên cố, khang trang. Nào đâu còn Hố Ngỡi, chiến tích năm xưa đả hổ của các võ sư, nào đâu còn những di tích gì của phái võ TKBT… Nay, nơi đó duy chỉ còn lưu lại tên giáo xứ Bà Trà với một nhà thờ Công giáo nằm trên địa bàn xã Bình Chuẩn.

Đến nay, chúng tôi hỏi thăm nhưng nhiều người chẳng biết TKBT là một phái võ. Hỏi người lớn tuổi, có một vài người nhớ và biết về những câu chuyện đánh hổ của các võ sư xưa. Hóa ra, những gì chúng tôi cần tìm, cần biết lại đang nằm trong bộ nhớ của một người, đó chính là võ sư Hồ Tường. Trước đó, chúng tôi có biết võ sư Nguyễn Hồng Đỏ, một đệ tử của môn phái và có một võ đường tên Tân Khánh Hoàng Hạc tại huyện Nhà Bè. Tuy nhiên, những người này cũng chỉ đến gặp võ sư hồ Tường.

Nói chuyện với chúng tôi, võ sư Nguyễn Hồng Đỏ kể về những chiêu thức, miếng đánh, bài quyền và đặc biệt là những lần đánh hổ của các bậc tiền bối. Điều này khiến chúng tôi cảm thấy tò mò quyết tìm gặp bằng được võ sư Hồ Tường. Sau một mồi điện thoại, chúng tôi đã hẹn gặp được võ sư Hồ Tường ở Nhà Văn hóa Thanh Niên (quận 1. TP.HCM).

Ngồi ở ghế đá trong Nhà Văn hóa Thanh Niên, ông chỉ, dãy nhà trước đây từng là trụ sở của Tổng hội Võ học Việt Nam mà ba tôi (võ sư Từ Thiện) là một trong những người sáng lập. Ngoài võ sư Từ Thiện sáng lập ra Tổng hội Võ học Việt Nam còn có các võ sư uy tín trong làng võ Sài Gòn thời ấy như Lê Văn Kiển, Mai Văn Phát, Quách Văn Phước…

Theo lời kể của võ sư Tường, sau ngày giải phóng 30/4/1975, Tổng hội Võ học Việt Nam tự động giải tán. Từ đây câu chuyện về TKBT bắt đầu được người ta kể lại. Ánh mắt nhìn về phía xa xăm, võ sư Hồ Tường kể: Tân Khánh là vùng đất mới thuộc phủ Gia Định xưa (nay là Thị trấn Tân Phước Khánh, Tân Uyên và Bình Chuẩn, thị xã Dĩ An, Bình Dương). Tân Phước Khánh và Bình Chuẩn mới được chia tách. Ngày xưa gọi chung là Tân Khánh. Vào thời điểm đó, vùng đất này còn hoang sơ, rừng rú rậm rạp có nhiều thú dữ. Đặc biệt là hổ.

Một thời gian chưa lâu, thực dân Pháp đã giơ nanh vuốt đến ngôi làng Tân Khánh bằng bè lũ tay sai. Chúng hống hách và chèn ép, bắt nạt dân thường. Trong làng Tân Khánh có một người nữ giỏi võ, ghét cường bạo và thường dạy chữ trong làng võ nghệ. Bà là Võ Thị Trà, một "nữ đi quyền" thực thụ. Bà Trà vốn là dòng dõi của một vị tướng nhà Tây Sơn. Mang tinh thần đất võ Bình Định, bà đã đứng lên kêu gọi mọi người nổi dậy chống lại sự xâm lăng của tay sai ngoại bang.

Tương truyền, thời ấy với võ nghệ cao cường và có sự truyền dạy bài bản cho những người kế cận, bà đã lập ra một nghĩa quân chống lại những tên tay sai bán nước. Nghĩa quân này thường lấy tài sản của người giàu, quan lại chia cho người nghèo khổ. Cuộc khởi nghĩa do bà khởi xướng kéo dài trong nhiều năm và có nhiều trận đánh ác liệt. Tuy nhiên, cuộc khởi nghĩa kết thúc khi thực dân Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Bộ.

Dù không thể lật đổ được bọn bè lũ tay sai ngoại bang nhưng tiếng tăm của Bà Trà đã vang xa. Nhiều người đã tìm đến và tiếp tục học võ nghệ của đệ tử bà. Từ đây hình thành nên phái võ Bà Trà. Vì gắn với vùng đất Tân Khánh nên gọi là TKBT.

Còn tiếp...

Kỹ năng sinh tồn và nguồn gốc địa danh Tân Khánh

Ngoài chiến đấu với thú dữ, sự khắc nghiệt của rừng thiêng nước độc thì người dân còn phải chống lại nạn cướp bóc hoành hành. Do vậy, mọi người phải trang bị các kỹ năng để chống chọi với thú dữ, với những tên cướp bóc để sinh tồn. Nói về sự hình thành nên địa danh Tân Khánh, võ sư Hồ Tường cho biết, sau khi Gia Long được sự hậu thuẫn của Pháp đã đánh bại quân Tây Sơn ở miền Trung. Trước tình thế đó, nhiều người đã phải chạy vào Nam để tránh những cuộc thảm sát. Dân di cư vào lập nên nhiều ngôi làng ở các khu vực khác nhau. Còn tại mảnh đất Tân Uyên, dân làng lấy tên là Tân Khánh.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những giai thoại ly kỳ về võ phái đả hổ nổi tiếng miền Nam (Kỳ 1): Cuộc nổi dậy của nữ tướng nhà Sơn Tây