Những cuộc hôn nhân đánh đổi bằng tính mạng

05/12/2014 04:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 30/11/2014 vừa qua, chị Nguyễn Thị Thanh Ngân (22 tuổi, ở phường 2, quận 4, TP. Hồ Chí Minh) bị một người Hàn Quốc tên Kim Hee Cheol (41 tuổi) sát hại tại một nhà nghỉ trên đảo Jeju, Hàn Quốc khiến dư luận bàng hoàng, căm phẫn.

Đây không phải là lần đầu tiên một cô dâu Việt phải bỏ mạng nơi đất khách, thế nhưng, đâu đó nơi làng quê nghèo vẫn còn vô số các cô gái tiếp tục nuôi hy vọng đổi đời từ việc lấy chồng ngoại quốc...

Bỏ mạng nơi xứ người

Thông tin từ người nhà chị Ngân cho biết, chị Ngân lấy chồng Hàn Quốc và chuyển qua nước này sinh sống vào tháng 6/2012. Tuy nhiên, sau khi lấy chồng, chị Ngân vẫn không thể mang bầu nên gia đình nhà chồng có dẫn chị đi khám. Lúc đó, chị Ngân mới biết mình bị vô sinh. Ngay lập tức, bố mẹ chồng đã đuổi chị Ngân ra khỏi nhà và lấy vợ khác cho con trai.

Bị nhà chồng đuổi ra khỏi nhà, không rành tiếng Hàn nên chị Ngân phải sống dựa vào cộng đồng người Việt Nam tại đây. Hằng ngày, ai thuê công việc gì, chị đều làm để có tiền trang trải cuộc sống và gửi tiền về phụ giúp gia đình. Thời gian đầu, thỉnh thoảng chị cũng có điện về, nhưng mấy tháng gần đây, do điều kiện kinh tế không cho phép, chị không còn giữ liên lạc với gia đình. Phải đến khi nhận được thông báo từ các cơ quan chức năng, gia đình chị ở Việt Nam mới biết, chị đã bị nhà chồng đuổi ra ngoài, phải sống lay lắt nơi đất khách cho đến khi bị sát hại. Hiện, Kim Hee Cheol đã ra đầu thú...

Đây không phải là lần đầu tiên một "cô dâu Việt" phải bỏ mạng nơi đất khách mà trước đó đã có quá nhiều cô gái phải trả giá bằng mạng sống của mình từ những cuộc hôn nhân với người ngoại quốc. Cách đây ít lâu, dư luận cả nước bàng hoàng trước thông tin, cô dâu Việt tên Võ Thị Ph (SN 1985, ấp Hòa Quế B, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) lấy chồng Hàn Quốc đã được 8 năm và ngày 23/11/2012 bất ngờ ôm hai đứa con nhỏ nhảy từ lầu 18 tự tử.  

Những cuộc hôn nhân đánh đổi bằng tính mạng

Hương khói trên bàn thờ chị Ngân không ngớt 

 

Trước khi tự tử, chị Ph có gọi điện về Việt Nam kể với mẹ ruột là muốn ly dị vì chồng hay ghen và đánh đập vợ vô cớ. Trong bức tâm thư để lại, bên cạnh chuyện xin lỗi cha mẹ vì không làm tròn bổn phận của một người con hiếu thảo, chị Ph cũng trách cứ chồng đã đối xử không tốt với vợ trong suốt quãng thời gian chung sống. Đồng thời, chị Ph cũng chia sẻ, trong thâm tâm mình không hề muốn nghĩ đến chuyện ly dị, nhưng chỉ vì chị đã nhiều lần bị đuổi ra khỏi nhà nên không còn lựa chọn nào khác.

Nguyện vọng cuối cùng của chị Ph là mong muốn chồng và gia đình chồng cho phép ba mẹ con chị chung sống bên nhau, đổi lại, chị sẽ không đòi hỏi bất cứ tài sản nào. Thế nhưng, chồng chị cũng không đồng ý. Trong lúc quẫn bách và chán nản, chị đã ôm hai con nhảy lầu tự tử. Tâm nguyện cuối cùng của chị Ph là sau khi chị và hai đứa con qua đời sẽ được mang về Việt Nam an táng gần nhau. Tâm nguyện đó của chị được lặp lại nhiều lần trong bức thư cuối cùng làm thắt lòng người ở lại. Giờ đây, phần tro cốt của chị Ph và hai cháu đã được gia đình gửi tại một ngôi chùa gần nhà để hương khói. Nhưng, nỗi đau xót vì mất con, mất cháu khiến người thân của chị không bao giờ nguôi…

Xuất phát từ mong muốn đổi đời

Đắng cay, phũ phàng là thế nhưng trào lưu lấy chồng ngoại qua môi giới ở một số vùng quê vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống. Theo số liệu thống kê của các cơ quan chức năng, hiện nay, số lượng cô dâu Việt Nam lấy chồng nước ngoài có khoảng 300.000 người, trong đó Đài Loan chiếm khoảng 100.000 người, Hàn Quốc khoảng 44.000 người, còn lại là Trung Quốc và một số quốc gia khác. Con số này trên thực tế sẽ còn cao hơn nữa vì có khá nhiều phụ nữ Việt Nam di cư kết hôn bất hợp pháp.

Đa số những người phụ nữ đi lấy chồng nước ngoài qua môi giới đều xuất thân từ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, trình độ học vấn thấp, nhận thức còn nhiều hạn chế, muốn báo hiếu cha mẹ hay chăng chỉ muốn thử vận may mong một cuộc sống đổi đời khi xuất ngoại lấy chồng. Ngoài ra, tâm lý phổ biến ở người nông thôn là lấy chồng, lấy vợ do duyên số nên nhiều chị em chỉ biết phó mặc cho số phận.

 Có tới 80% - 90% cuộc kết hôn của cô dâu Việt Nam với chồng nước ngoài là hôn nhân vì lợi ích kinh tế. Còn các chú rể như Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc không thể lấy vợ "nội địa" vì chi phí quá đắt đỏ nên phải tìm vợ "ngoại", trong đó, Việt Nam là quốc gia có nền văn hóa tương đồng. Phần lớn các cuộc hôn nhân này qua thời gian tìm hiểu đều đạt được mục đích, cô dâu người Việt hài lòng với cuộc hôn nhân, hòa nhập được với gia đình, họ hàng quê hương chồng và cộng đồng xã hội nước sở tại. Nhiều chị em đã tìm được công việc phù hợp. Con cái sinh ra được đối xử bình đẳng và hưởng đầy đủ các quyền lợi của trẻ em. Mối liên hệ với gia đình và quê hương được duy trì tốt, thường xuyên.

Tuy nhiên, do nhiều phụ nữ Việt Nam mong muốn kết hôn với người nước ngoài một cách nhanh chóng, không cần nhiều thủ tục đã thông qua hoạt động môi giới bất hợp pháp, chính sự thiếu hiểu biết giữa hai bên nam nữ trước khi kết hôn đã khiến hàng ngàn phụ nữ Việt xuất ngoại theo chồng lâm vào hoàn cảnh khó khăn, trớ trêu... khiến cho nhiều cuộc hôn nhân bị tan vỡ. Thậm chí, một số trường hợp bị đánh đập thương tật suốt đời, bị giết hoặc bức tử cho đến chết. Nhiều ông bố, bà mẹ ở Việt Nam đã sống trong sự hối hận, đau xót vì đã gả con gái cho người nước ngoài chỉ với mục đích kinh tế.

Những cuộc hôn nhân đánh đổi bằng tính mạng

Ảnh cưới của chị Võ Thị Ph 

Có một thực tế là phần lớn các cô dâu xuất ngoại theo chồng không biết ngôn ngữ, văn hóa của nhà chồng, mà đây lại là phương tiện chính để vợ chồng giao tiếp, truyền tải thông điệp đến với nhau. Khi người này nói, người kia không hiểu thì tất yếu sẽ dẫn đến mâu thuẫn, cãi vã. Bên cạnh đó, tất cả hôn nhân đều thông qua của môi giới đưa ra nên khi gả con gái theo chồng, các bậc phụ huynh của cô dâu cũng không nắm rõ địa chỉ, nơi cư trú của con rể, khi có sự việc đau lòng xảy ra, họ chẳng biết kêu ai.

Bên cạnh đó, một bộ phận rất lớn người dân ở nông thông vẫn có những quan điểm lệch lạc về mục đích, ý nghĩa của hôn nhân và gia đình, coi lấy chồng nước ngoài là một giải pháp để cải thiện kinh tế gia đình, hoặc cũng vì động cơ mong muốn đổi đời thông qua việc được định cư ở nước ngoài làm ăn sinh sống. Quá trình đi đến hôn nhân của họ thường diễn ra rất nhanh chóng, vội vàng, đơn giản, hầu hết đều thông qua những nhóm môi giới bất hợp pháp sắp xếp. Vì vậy, hầu hết những người lấy chồng nhằm mục đích kinh tế đều vỡ mộng. Rất nhiều người chồng mà các cô lấy phải già yếu, bệnh tật, thậm chí mất năng lực hành vi dân sự và kinh tế gia đình của họ không hơn người lao động ở Việt Nam. Nhiều trường hợp cô dâu Việt đã rơi vào hoàn cảnh bi đát, rất bất hạnh ở nước ngoài nhưng không nhận được sự giúp đỡ, bảo vệ.

Cần sự chung tay của toàn xã hội

Sở dĩ lấy chồng nước ngoài thông qua đường dây môi giới hôn nhân bất hợp pháp vẫn còn phát triển mạnh mẽ là do các cơ quan chức năng quản lý, xác minh chưa chặt chẽ để xảy ra nhiều sự việc đáng tiếc như chú rể có vấn đề về sức khỏe, mất khả năng kiểm soát hành vi của bản thân mà vẫn cho họ đăng ký kết hôn với cô dâu Việt. Bên cạnh đó, việc môi giới nấp bóng trong các văn phòng thông tin, hỗ trợ khách du lịch, tư vấn du lịch hoặc môi giới cá nhân ngày càng đa dạng về hình thức và quy mô, cách thức hoạt động ngày càng tinh vi và cung cấp các dịch vụ môi giới nhanh chóng, thuận tiện. Thậm chí, có những người đàn ông ngoại quốc lấy được vợ chỉ trong vòng vài ngày đi du lịch.

Thông thường, khi kiếm được khách có nhu cầu, các cá nhân môi giới tích cực, chủ động trong việc tiếp cận và thuyết phục đối tượng là những cô gái mới lớn sống ở nông thôn, gia đình hoàn cảnh kinh tế khó khăn hoặc chưa có công việc ổn định. Rồi bọn chúng bắt đầu hứa hẹn về viễn cảnh sống tốt đẹp khi kết hôn với người nước ngoài để tạo sức hấp dẫn và niềm tin đối với các cô gái. Chúng còn sẵn sàng cung cấp các thông tin giả mạo về chú rể, lừa gạt tinh vi để kiếm lời. Thậm chí, có không ít trường hợp còn trở thành con mồi của các tổ chức mua bán phụ nữ thông qua hình thức kết hôn với người nước ngoài và không ít những cô gái nhẹ dạ đi theo.

Chính vì lợi nhuận từ hoạt động môi giới đã khiến bọn tội phạm không từ thủ đoạn nào để làm trung gian dắt mối, thậm chí là đưa những cô gái Việt ra nước ngoài bán dâm. Với lời lẽ đường mật, chúng thêu dệt một tương lai sáng lạn về một tấm chồng giàu sang, thủ tục giấy tờ xuất ngoại đơn giản, chỉ cần photo giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu và giấy chứng nhận độc thân. Rất nhiều cô gái nhẹ dạ cả tin đã bị mắc bẫy và trở thành nạn nhân của bọn buôn người này.

Đứng trước tình trạng đó, vấn đề đặt ra đối với các cơ quan, ban ngành các cấp đó là cần ngăn chặn có hiệu quả hoạt động các cơ sở môi giới hôn nhân trái phép. Bên cạnh đó, vai trò của lực lượng Công an là cần phát hiện và kịp thời ngăn chặn, triệt phá các đường dây môi giới hôn nhân lừa đảo một cánh nghiêm minh. Đồng thời, các cơ quan đoàn thể, chính quyền cơ sở cũng cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, thuyết phục mọi người dân không tham gia vào các đường dây tuyển vợ, coi phụ nữ như những món hàng hóa để mặc cho những chú rể nước ngoài lựa chọn, khám xét thân thể gây nên bức xúc trong xã hội, vi phạm thuần phong mỹ tục của Việt Nam; giúp các gia đình giáo dục kỹ năng sống và sự hiểu biết pháp luật cho con em mình để biết cách phòng tránh khỏi sự lợi dụng, lừa gạt từ cá nhân, tổ chức môi giới kết hôn bất hợp pháp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những cuộc hôn nhân đánh đổi bằng tính mạng