Nhức nhối tình trạng xuất khẩu lao động “chui” ở vùng cao

Nam Hoàng| 31/05/2014 09:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thời gian gần đây, dư luận xôn xao về chuyện anh chàng người Mông Vừ Già Pó ở thôn Lũng Lầu, Khau Vai, Mèo Vạc, Hà Giang nghe lời dụ dỗ vượt biên sang Trung Quốc làm thuê rồi phải lưu lạc, đầy ải sang tận Pakistan.

Vụ việc này một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng đi xuất khẩu lao động “chui” ở một số tỉnh vùng cao biên giới, nơi tập trung chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số.

Những “giấc mơ”… không có thực

Đối với các tỉnh có đường biên giới giáp với Trung Quốc như Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang, Lạng Sơn thì tình trạng xuất cảnh trái phép dường như đã trở thành phong trào, người lao động chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Thu nhập bình quân của họ dao động từ 200 đến 300.000 đồng/ngày. Cá biệt cũng có những công việc được trả tới 500.000 đồng cho một ngày công. Hồ sơ điều tra cơ bản của Phòng Trinh sát, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Hà Giang ghi nhận, chỉ riêng trong năm 2013, tổng số lao động sang nước bạn làm thuê là trên một vạn lượt người. Trong đó có đến 94% là đi theo đường mòn biên giới, không đăng ký xuất nhập cảnh theo quy định. Công việc mà những người lao động nơi đây nhận làm chủ yếu là lao động phổ thông như vận chuyển hàng hóa, làm thuê tại các trang trại, khai thác mỏ, xây dựng…

Nhức nhối tình trạng xuất khẩu lao động “chui” ở vùng cao

Đăng ký xuất cảnh bằng giấy thông hành

Trào lưu này hiện cũng đang lan dần đến các tỉnh nội địa với những lao động trong độ tuổi từ 20 đến 30. Công an tỉnh Phú Thọ cho biết, tỉnh này cũng có khoảng hơn 1.000 công dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động, tập trung ở các huyện có điều kiện kinh tế khó khăn, đông đồng bào dân tộc sinh sống như Yên Lập, Tân Sơn, Cẩm Khê, Hạ Hòa, Tam Nông, Thanh Sơn... Những người này hy vọng rằng, sau vài năm lao động tại nước ngoài, họ sẽ dành dụm được một khoản tiền kha khá để có thể về quê xây nhà, lập trang trại hoặc kinh doanh, buôn bán nhỏ...

Song, những “giấc mơ” đó quá ngắn ngủi đối với hầu hết người lao động xuất cảnh trái phép. Qua môi giới, họ xuất cảnh chủ yếu con đường visa du lịch hoặc vượt biên trái phép qua đường mòn, lối tắt. Các chế độ của người lao động như tiền lương, bảo hiểm, nơi ăn nghỉ… là do chủ thuê và người làm thuê tự ý thỏa thuận với những thiệt thòi đáng kể mà người lao động vốn không tự chủ được. Không những vậy, do thiếu hiểu biết nên họ đang tự đánh cược tính mạng của mình vì miếng cơm manh áo và đẩy các ngành chức năng vào “thế khó” trong quản lý nhân sự cũng như quản lý hoạt động xuất nhập cảnh.

Đánh cược với sinh mạng của mình

Đến giờ, gần 40 người dân của xã Bản Lang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu vẫn chưa hết bàng hoàng và ân hận khi đã trót nghe lời rủ rê rồi kéo nhau đi làm thuê cho một chủ trang trại tại vùng sâu của huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc vào đầu năm 2013. Ông Lò Văn Minh, một thành viên trong đoàn người lao động kể lại rằng, họ đã bị người môi giới lừa vượt biên trái phép qua con suối giáp biên với lý do “buổi trưa cán bộ biên phòng không làm việc”. Sau hai tháng bị ép làm việc vất vả, điều kiện ăn ở tồi tệ, kém vệ sinh… họ đòi tiền công để về nước thì được chủ trả lời là chưa đến thu hoạch nên chưa có tiền và bắt phải làm thêm cho đủ ba tháng mới trả. Gần đến ngày trả lương như lời hẹn thì tất cả những người làm thuê tại trang trại này bị Công an Trung Quốc đến kiểm tra và bắt giam rồi bị đẩy trả về nước mà không mang về được một đồng tiền công nào. 

Đâu phải chỉ bị lợi dụng, chiếm đoạt tiền lương và sức lao động, nguy cơ bị xâm hại và có thể bị thiệt mạng của những lao động này cũng rất cao. Một cán bộ BĐBP tỉnh Hà Giang nhận định, hiện Hà Giang đã xuất hiện dấu hiệu kẻ xấu lợi dụng việc đi lao động để mua bán người, trộm cắp tài sản, trấn cướp trên biên giới. Cá biệt cũng xảy ra một vài vụ người lao động bị thương hoặc bị chết do tai nạn lao động không được đền bù, chủ lao động cho xác nạn nhân vào bao tải rồi vứt qua các lối mòn biên giới.

Người đi thấp thỏm trước sự “may rủi” của vận mệnh đã đành, người ở nhà ngóng đợi dòng tiền từ nước ngoài gửi về cũng không hề thanh thản. Có xã có đến 100 người “lao động chui” tại nước bạn, song các cuộc điện thoại gọi về cho gia đình từ bên kia biên giới đều kể rằng, họ bị các công ty, xí nghiệp bên kia bắt làm việc từ 12 đến 14 tiếng/ngày, thời gian làm thường là từ 2 - 4 tháng và khi về không được trả lương. Anh Hà Sĩ Thịnh, ở Mèo Vạc, Hà Giang, một người may mắn được thả về sau khi gia đình bỏ 20 triệu đồng ra chuộc đã kể rằng, lúc anh bị bắt, có người đã gọi điện cho gia đình anh dọa nếu không chuộc người thì sẽ bị mổ ra lấy nội tạng hoặc sẽ bị đưa đi lao động dưới hầm mỏ… Nhiều gia đình không có tiền chuộc người thì đành nhắm mắt phó mặc cho số phận của người thân.

Nhức nhối tình trạng xuất khẩu lao động “chui” ở vùng cao

Các lực lượng vũ trang trên địa bàn biên giới đẩy mạnh công tác quản lý hộ tịch, hộ khẩu

Những câu chuyện của người trong cuộc cho thấy, việc xuất cảnh trái phép đi lao động tại nước ngoài sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy đáng buồn đối với người lao động cũng như chính quyền cơ sở. Sự nghèo khó cộng với thiếu việc làm đã đẩy nhiều gia đình vào tình cảnh chấp nhận thua thiệt. Cá biệt cũng có một số người bị các đối tượng lạ câu móc, lôi kéo thực hiện những hành vi gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng biên. Nhiều biện pháp đã được áp dụng, song rất cần có sự đồng hành, hỗ trợ của chính quyền để người dân có thể mưu sinh chính đáng mà vẫn có thể tự bảo vệ mình. 

Để có được một biện pháp thực sự hữu hiệu cho vấn đề lao động xuất cảnh trái phép sang lao động tại Trung Quốc là điều không đơn giản. Nhất là trong bối cảnh điều kiện kinh tế, trình độ nhận thức của đồng bào ở mỗi địa phương có sự khác biệt. Những nguyên nhân chính dẫn đến trào lưu này đã rất rõ ràng. Thứ nhất là bởi đời sống của bà con trong mấy năm gần đây gặp nhiều khó khăn, thiếu việc làm. Việc xuất khẩu lao động chính ngạch vượt quá khả năng của những gia đình nông dân, ngư dân vì phải đóng mức chi phí cao hơn, đòi hỏi phải có trình độ ngoại ngữ, tay nghề chuyên môn đạt chuẩn và quản lý giờ làm việc nghiêm ngặt, người dân còn thiếu thông tin về lao động, việc làm… Không còn cách nào khác, người lao động đành lựa chọn con đường “lao động chui”.

Một thực tế khác cho thấy, những năm gần đây, địa bàn phía bên kia biên giới đang đầu tư xây dựng nhiều công trình lớn, thiếu hụt lao động nghiêm trọng nên nhu cầu về lao động phổ thông là rất lớn. Dù các cơ quan đoàn thể đóng trên địa bàn biên giới đã rất chú trọng trong việc tuyên truyền, song do trình độ nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của đồng bào còn hạn chế nên việc đi làm thuê còn mang tính tự phát. Khi bị bắt, lực lượng bảo vệ biên giới Trung Quốc thường tổ chức đẩy đuổi qua các lối mòn biên giới, số khác thì được trao trả qua các cửa khẩu.

Thức tỉnh những u mê

Thời gian gần đây, tỉnh Hà Giang cũng đã tổ chức nhiều Hội nghị bàn về quản lý lao động sang Trung Quốc làm việc và xuất khẩu lao động tại 4 huyện biên giới phía Bắc. Các cơ quan chức năng của tỉnh cũng đưa ra giải pháp cụ thể như đề xuất với Cục Quản lý lao động ngoài nước xây dựng cơ chế chính sách, tạo điều kiện cho người lao động đặc biệt là đối với các xã biên giới giáp với Trung Quốc; phối hợp cùng với các Bộ, ngành liên quan sớm có văn bản thoả thuận, ban hành khung pháp lý để các địa phương làm căn cứ đàm phán với các địa phương có nhu cầu về nguồn lao động của Trung Quốc để cùng quản lý sử dụng, tạo thuận lợi cho lao động sang Trung Quốc làm việc hợp pháp…

Nhức nhối tình trạng xuất khẩu lao động “chui” ở vùng cao

Tuyên truyền, phổ biến pháp luật giúp người dân thay đổi nhận thức

Được biết, hiện một số tỉnh biên giới Việt - Trung đã triển khai các thỏa thuận giữa hai tỉnh đối diện về việc quản lý và bảo vệ người lao động Việt Nam sang lao động trái phép tại Trung Quốc, song hoạt động này vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Hiện tại, tỉnh Lai Châu cũng đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người lao động hiểu rõ hơn về quy chế bảo vệ biên giới. Giúp họ nhận thức hiểu được việc lao động tự do xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm việc là vi phạm pháp luật, khi bị phát giác sẽ bị xử lý theo pháp luật của nước sở tại. Nếu không tỉnh táo, người lao động sẽ bị bắt giam, phạt tiền và trục xuất về nước trong cảnh trắng tay, rơi vào cảnh nợ nần, túng thiếu. Trong hoạt động tuyên truyền, những nhân chứng như các hộ dân ở xã Bản Lang cũng được phát huy để kể lại những thủ đoạn và tác hại của việc xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê. Đồng thời khuyến cáo người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác đối với những lời rủ rê để kiên quyết từ chối và báo cáo với chính quyền, lực lượng chức năng để có biện pháp xử lý.

Cùng với hoạt động tuyên truyền, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền một số tỉnh có đường biên giới ở phía Bắc đã vào cuộc chỉ đạo quyết liệt, phối hợp với các lực lượng Công an, đồn biên phòng và các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội kịp thời ngăn chặn không để tăng thêm số lao động xuất cảnh trái phép; đồng thời thông qua số lao động đã trở về nước để kêu gọi số lao động đang sống và làm việc ở nước ngoài. Tại các vùng biên, vùng giáp ranh, quản lý về an ninh cũng đã được tăng cường chặt chẽ hơn để hạn chế tình trạng lao động vượt biên trái phép bằng con đường tiểu ngạch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhức nhối tình trạng xuất khẩu lao động “chui” ở vùng cao