Người phụ nữ tật nguyền và tâm nguyện được hiến xác mình cho y học

Huy Hùng| 20/11/2014 05:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Người phụ nữ tật nguyền bị bệnh teo cơ từ 12 tuổi, sống cô độc gần 50 năm trời, nhưng lại có tấm lòng nhân hậu, ít ai sánh được. Cả cuộc đời chịu bất hạnh thiệt thòi, bà chỉ duy nhất một ước muốn, cuối đời hiến xác cho y học để thấy mình có ích cho đời.

Đó là nỗi niềm mong muốn, khát khao bấy lâu nay của bà Nguyễn Thị Túy (60 tuổi)  tại tổ 4, phường Thanh Tuyền, TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.

Số phận trớ trêu

Bà Túy sinh trong 1 gia đình không mấy khá giả với 3 người anh em, 1 trai 2 gái. Tuy nhiên, bà là người được bố mẹ tin tưởng và hy vọng nhất và luôn cố gắng lo cho bà ăn học đầy đủ. Không phụ lại điều đó, ngay từ nhỏ bà đã thể hiện mình là người nhanh nhẹn, tháo vát khi luôn là học sinh giỏi nhiều cấp.

Bỗng năm 12 tuổi bà mắc phải căn bệnh quái ác. “Đó là những năm cuối cấp, tôi đang chuẩn bị ôn thi với ước mong sẽ đỗ trường sư phạm để biến ước mơ được làm cô giáo trở thành hiện thực. Cũng như mọi ngày, tôi chuẩn bị sách vở để đi bộ tới trường, nhưng bỗng dưng hôm đó, tôi dậy nhưng không thể nào đi được, 2 chân tự nhiên tê buốt, đau nhói mà không hiểu lý do tại sao. Mấy hôm sau đi khám, bác sĩ cho biết tôi bị teo cơ”, bà Túy kể.

Người phụ nữ tật nguyền và tâm nguyện được hiến xác mình cho y học

Để có thể tồn tại, bà Túy phải gắng gượng vất vả với đôi chân tật nguyền

Ước mơ trở thành cô giáo đã “không cánh mà bay” khi bà không còn được đến trường mà phải nằm liệt 1 chỗ cùng đôi chân yếu ớt. Nỗi nhớ trường, thầy cô và bạn bè, đặc biệt là nhớ những ngày tháng được cắp sách chạy trên đường tới lớp. Bà khóc, bà đã khóc rất nhiều và đôi khi đã muốn được “sang kiếp khác” để tiếp tục theo đuổi ước mơ. Nhưng rồi bà lại nghĩ, có lẽ ông trời đã an bài số phận cho bà, phải tiếp tục sống, biết đâu, một ngày nào đó có một phép mầu kỳ diệu làm cho căn bệnh quái ác của bà không còn nữa.

Tưởng chừng như hạnh phúc còn sót lại với bà là gia đình, thì bố mẹ của bà lại lần lượt mất vì bệnh tật. Như bà nói “Chắc khổ quá họ bỏ tôi đi hết rồi”. Ngày mẹ bà còn sống, dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, cụ vẫn phải chăm sóc cho người con bệnh tật. Cụ mất đi, âu cũng là sự giải thoát cho cuộc đời đầy đắng cay khi phải chứng kiến con gái bị bạo bệnh.

Căn nhà nhỏ chỉ còn lại 3 anh chị em dựa vào nhau mà sống. Tuy ngày ấy cuộc sống khó khăn vất vả, rau cháo nuôi nhau, nhưng đó là quãng thời gian ấm áp, tràn đầy tình yêu thương trong cuộc đời của bà. Hạnh phúc giản đơn ấy lại không kéo dài được bao lâu, thì anh chị bà cũng mất, người thân không còn một ai.

Bà Túy không chỉ đau đớn khi hết mất đi đấng sinh thành, nay lại mất cả anh chị em trong nhà. Chỗ dựa duy nhất của bà cũng không còn, mất đi người chăm lo cho bà từng miếng ăn giấc ngủ. Bà lủi thủi một mình đối mặt với cuộc sống, lay lắt qua ngày, nhờ vào sự giúp đỡ của bà con hàng xóm. Để có thể tồn tại, bà Túy phải gắng gượng vất vả với đôi chân tật nguyền. Không thể đứng được như người bình thường, bà tập tễnh, lê từng bước nhọc nhằn trong suốt gần 50 năm qua.

Ước mong được “chết có ích”

Đơn độc, bệnh tật, biết bao đêm bà khóc cạn nước mắt, cực thân tủi phận. Một gia đình nhỏ nhỏ có vợ chồng con cái quây quần bên nhau là điều hết sức tự nhiên, thứ hạnh phúc bình dị, điều nhỏ nhoi trong đời người mà người bình thường ai cũng có, cũng trải qua. Nhưng đối với bà Túy thì đó là niềm mong ước, giấc mơ không bao giờ thành hiện thực.

Bà kể rằng có thể sống được đến bây giờ cũng nhờ cả vào những người hàng xóm tốt bụng, các hộ dân trong xóm 4, phường Thanh Tuyền ai nấy đều rất hiểu và cảm thương trước hoàn cảnh và số phận của bà. Có ai đi chợ qua nhà bà đều ghé vào xem bà có muốn ăn gì không để mua giúp, có nhiều hôm bà hết không còn tiền nhiều người không ngại mang gạo, mang cơm sang cho bà ăn.

"Tôi bị bệnh hẹp động mạch tim. Tối hôm trước ngất lịm đi lúc nào không hay biết. Sáng ra mọi người đi chợ ghé vào hỏi xem có mua gì không thì họ mua giúp cho, nhưng gọi mãi không thấy tôi thưa. Biết có chuyện không lành, mọi người đã phá cửa, đưa tôi đi cấp cứu, may sao còn kịp. Nếu không có họ, chắc tôi khó qua nổi" – Bà Túy ngậm ngùi.

Người phụ nữ tật nguyền và tâm nguyện được hiến xác mình cho y học

Với công việc thêu thùa, bà Túy kiếm được vài nghìn đồng mỗi ngày

Với số tiền trợ cấp người người khuyết tật ít ỏi, lại không có người thân bên cạnh, bà Túy dù không đủ sức cũng vẫn gắng gượng tìm kế sinh nhai. Chiếc khung thêu như người bạn đồng hành cùng bà sớm tối. Trước bà thêu vá tại trung tâm công tác xã hội tỉnh Hà Nam, nhưng sức khỏe yếu dần bà xin về. Số tiền trợ cấp ít ỏi dành cho bà không đủ để trang trải cho cuộc sống hàng ngày, huống chi những lúc trái gió trở trời toàn thân đau buốt bà lại tốn thêm tiền khám chữa, thuốc thang. Đến nay dù đã 60, nhưng bà vẫn xin nhận thêu gia công từ các xưởng may. Tuy nhiên mắt đã kém, tay chậm chạp không còn khéo léo nên mỗi ngày bà thêu cũng chỉ kiếm được 3000 đồng tiền công ít ỏi.

Thân hình gầy gò, chân tay teo nhỏ, bà cố chút sức lực yếu ớt, mệt nhọc thêu từng mũi kim. Mắt kém, lại không thể điều khiển được hoạt động của cơ thể như mong muốn, đã bao lần bà bị mũi kim đâm nát những ngón tay. Nhưng nỗi đau ấy cũng không thấm vào đâu so với nỗi tủi cực trong tâm hồn bà. Từ bỏ ước mơ đến trường mà bà hằng ao ước, từ bỏ luôn cả những dự định của thời xuân trẻ. Bà tủi phận, tự ti và luôn sống trong mặc cảm.

Hiện nay, niềm mong ước luôn là nỗi trăn trở, đau đáu trong lòng bà là, có thể hiến xác cho y học khi mai này khuất núi. Vì vậy, bà đã đăng ký hiến xác với Trường Đại học Y Hà Nội qua Trung tâm công tác xã hội tỉnh Hà Nam.

Trò chuyện với chúng tôi, bà chia sẻ từ đáy lòng: "Cuộc sống khắc khoải như vậy, tôi chưa làm được gì cho kiếp đời này cả. “Cứu một người phúc đẳng hà sa”, giờ tôi chỉ mong lúc chết đi rồi thân xác tôi có thể giúp ích cho y học, có ích cho xã hội để có thể cứu chữa cho những số phận kém may mắn khác. Hiện tôi đã liên lạc với trường Đại học Y Hà Nội hỏi về thủ tục và đang tiến hành làm giấy tờ gửi đi, chỉ mong không có vướng mắc gì để tôi được toại nguyện".
 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người phụ nữ tật nguyền và tâm nguyện được hiến xác mình cho y học