Người đàn bà mang án tử và nỗi ân hận giằng xé

12/12/2013 10:33
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Buôn bán ma túy, bị xử mức án cao nhất nhưng người đàn bà này chẳng nghĩ gì cho mình ngoài nỗi thương chồng, xót con.

Lý giải về việc này, tử tù Trần Thị Lan Hương, SN 1977, trú tại Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội bảo tại ngày trước sống cho mình nhiều quá nên giờ ân hận. Khao khát được sống nhưng Hương bây giờ biết chấp nhận số phận, chỉ thương hai con vì cha mẹ mà phải ra nước ngoài sống với bác.

 

Chồng cờ, vợ bạc 

 

Vợ chồng cùng ham cờ bạc là điều Hương thừa nhận với chúng tôi khi kể về gia đình. Theo lời cô ta, Hương biết rất nhiều trò bài bạc từ đánh liêng, đỏ đen, xóc đĩa, ba cây, phỏm… thậm chí cả chắn, tổ tôm cô cũng đều rất rành. Hương đánh bạc từ thời còn con gái, quen chồng cũng từ sới bạc nên chuyện vợ giấu chồng, chồng trốn vợ tìm tới sới bạc diễn ra thường xuyên. Để có tiền đánh bạc, chồng Hương là Lương Quốc Hòa đi xách thuê ma túy và phải trả giá bằng bản án chung thân ở trại giam Nam Hà. Hương cũng không kém chồng về sự liều lĩnh, ngoài việc đi xách thuê ma túy, cô còn dàn dựng cả một kế hoạch cướp 4 bánh heroin của “đồng nghiệp”. Vì sự táo tợn ấy mà Hương phải trả giá bằng bản án tử hình, đặt dấu chấm hết cho cuộc sống của mình…

 

Người đàn bà mang án tử và nỗi ân hận giằng xé

Lá thư xin tha tội chết

 

Cái án của chồng không khiến Hương chùn bước. Nghĩ mình giỏi che giấu, thực hiện chớp nhoáng nên Hương vẫn tiếp tục hoạt động cho đến ngày bị bắt. Nhận bản án tử hình, đối diện với 4 bức tường bê tông lạnh cứng, vô cảm, Hương mới thực sự nuối tiếc và đến lúc này, bản năng người mẹ mới khiến chị ta nghĩ đến hai đứa con gái tội nghiệp. Hương bảo từ ngày bị bắt, chưa một lần được gặp con nên khi được gia đình báo tin hai con của Hương đã ra nước ngoài sống với bác ruột thì Hương hiểu rằng, chị ta đã mất con mãi mãi. Nước mắt của sự dằn vặt, ân hận cứ thế chảy dài mỗi đêm khi những lá thư hàng tháng người chồng tù tội nơi xa vẫn đều đặn gửi cho vợ, xen lẫn nỗi nhớ thương là sự giận hờn, trách cứ.

 

Quê gốc của Hương ở Nam Định. Vì bố mẹ làm nghề buôn bán ở chợ Long Biên nên khi Hương học lớp 5, cô được lên Hà Nội sống với cha mẹ tại ngôi nhà trọ ở bãi Phúc Xá. Chốn xô bồ của người dân tứ xứ tụ hội về đây đã khiến Hương ma lanh hơn nhiều so với tuổi. Ngoài những kiến thức ở trường, cô học được cả những cái ma mãnh vỉa hè từ đám trẻ đánh giày và cả những người dân lao động. Năm 16 tuổi, Hương đã biết thế nào là cờ bạc với những trò ban đầu rất đơn giản như “đầu to, đầu nhỏ”, tiến lên và đánh liêng. Rồi Hương nghiện đánh bạc lúc nào không hay.

 

Biết con gái không thi đỗ vào PTTH vì suốt ngày trốn học đi đánh bạc, bố Hương quật cho con một trận nên thân nhưng đó cũng là cái cớ để cô con gái mới lớn bộc lộ cá tính của mình. Hương ngang nhiên bỏ nhà đi chơi, cô còn tỏ ra bướng bỉnh, giữ nét mặt lạnh lùng, tỉnh bơ khi bị bố mắng. Bất lực trước đứa con gái ngỗ ngược, mẹ cô sắm cho thúng hàng, bắt Hương ngày ngày cùng mẹ ra ngồi chợ. Cứ nghĩ con không học được ở trường thì để đời dạy cho khôn, mẹ Hương đâu ngờ cô chỉ cắp thúng đi làm vì rồi thừa lúc mẹ sơ sểnh là chui vào một xó với đám bài bạc. Đòn roi hay những lời mắng chửi của bố mẹ chỉ làm cô rơi lệ những khi ở nhà nhưng khi gặp bạn cờ bạc thì mọi lời răn dạy với Hương đều trở nên vô nghĩa. Cô bảo ngày nào không chơi cảm thấy tay chân thừa thãi như bị làm sao ấy. Không còn chơi những trò trẻ con như đánh “tiến lên, phỏm” nữa, giờ Hương đẳng cấp hơn nhiều với những trận đánh ba cây, xóc đĩa nhiều khi thông đêm theo sự di động của sới bạc.

 

Thấy con gái quá sa đà vào bài bạc, đòn roi cũng chẳng làm thay đổi, bố mẹ Hương đành mặc cô muốn làm gì thì làm. Thế nên khi Hương tuyên bố lấy chồng, cả nhà chẳng ai buồn hỏi xem anh ta làm gì, ở đâu và gia cảnh thế nào. Cứ nghĩ có chồng rồi, con cái vào, Hương sẽ bỏ tính cờ bạc, ai ngờ vợ chồng Hương lại cùng hội cùng thuyền, đều chung một sở thích bài bạc.

 

Sự ân hận muộn màng

 

Nhớ lại ngày trước, Hương bảo tất cả là tại mình vì nếu Hương cứng rắn, kiên quyết không đánh bạc nữa thì chắc chắn chồng cô cũng bỏ, đằng này…

 

Có chồng rồi có hai con nhưng vợ chồng Hương vẫn người nọ trốn người kia, bỏ con ở nhà cho ông bà trông nom, tìm tới sới bạc. Sự thôi thúc của cờ bạc đã khiến cả hai tính chuyện làm một việc gì đó vừa tốn ít thời gian mà lại kiếm được nhiều tiền nhất. Được một người bạn cờ bạc rủ rê, Lương Quốc Hòa trở thành đồng bọn trong một đường dây đưa ma túy từ Sơn La về Hà Nội. 

 

Cũng giống chồng, Hương cũng tham gia vào một đường dây ma túy khác do anh em tên Sồng A Chồng ở Sơn La điều hành. Vì trong đường dây có nhiều đối tượng là người sinh sống ở Hà Nội nên dù không có tiền song do vài lần cùng ông chủ đi lấy hàng, Hương được những kẻ này tin tưởng, từ đó mỗi khi có đơn đặt hàng là chỉ việc đến nhận rồi thanh toán sau. Công việc của Hương là đón nhận hàng ngay tại TP. Hà Nội sau đó mang về cho đầu nậu, nhiều khi quãng đường chỉ vài cây số, thậm chí chỉ vài trăm mét nhưng đổi lại tiền công thường là 5.000.000 đồng/chuyến. Khoản tiền tuy không lớn nhưng với những kẻ không nghề nghiệp, bằng cấp như Hương, chỉ muốn nhàn nhã mà có tiền thì so với công sức bỏ ra, số tiền ấy là quá nhiều rồi, đủ để cô “đu” vài tiếng với sới bạc. Có hôm nhờ đồng tiền xách thuê ma túy, Hương thắng lớn song cũng có khi còn âm cả vào tiền vay lãi cắt cổ từ nhà cái. Biết luật giang hồ, không có tiền trả nợ phải trả bằng máu, Hương lại tiếp tục đi xách thuê ma túy để lấy tiền đánh bạc và trả nợ. Cứ lao vào vòng xoáy xách thuê ma túy lấy tiền công đánh bạc, hết lại đi xách thuê ma túy, vợ chồng Hương đâu ngờ cái vòng lẩn quẩn ấy đã biến thành cái thòng lọng, ngày càng thít dần vào cổ họ. Cho đến một ngày vụ việc vỡ lở, Lương Quốc Hòa bị bắt và không lâu sau ngày anh ta thi hành bản án chung thân thì tới lượt Hương bị bắt. Với 7 lần vận chuyển 18 bánh heroin, Hương phải trả giá cao nhất.

 

“Em mới nhận được thư của gia đình, thông báo hai con em sang Đức sống với bác hết rồi, vậy là con em có bố mẹ mà chẳng khác gì trẻ mồ côi”, Hương khẽ thở dài. Dường như đến lúc này, khi phải sống trong bốn bức tường, đối mặt với ngày dài thăm thẳm trong sự chờ đợi mòn mỏi về một cái chết đang đến gần, Hương mới cảm nhận hết sai lầm của mình. Cô thương chồng, thương con và cũng xót xa cho cả tuổi xuân đã sống hoài phí của mình. Hương bảo tháng nào cũng nhận được thư chồng, dù có rất nhiều lời động viên nhưng không tránh khỏi những câu trách móc. Hương khóc rất nhiều vì ân hận, vì những lời trách cứ của chồng nhưng đành phải chấp nhận vì không còn cơ hội sửa chữa.

 

Một lần duy nhất, bố Hương lặn lội từ Nam Định lên thăm, ông mang cho con gái 4 quyển kinh và đó là món quà theo Hương là vô giá bởi những lời kinh ấy đã giúp cô thanh thản hơn, không còn oán trách số phận nữa.

 

Là một trong hai nữ tử tù xinh đẹp nhất ở trại giam Sơn La chưa bước qua tuổi tứ tuần nên Hương vẫn còn khao khát sống. Cô làm đơn xin ân xá, hy vọng được Chủ tịch nước tha tội chết để có cơ hội đền đáp ơn sinh thành và gặp lại hai đứa con bé bỏng. 

Lam Trinh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người đàn bà mang án tử và nỗi ân hận giằng xé