Người cựu binh và hành trình đi tìm hàng nghìn bộ hài cốt của đồng đội

Huy Hùng| 02/03/2015 07:27
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đó là chia sẻ từ đáy lòng của người cựu chiến binh, vốn là lính đặc công Cao Việt Đức (Đồng Kỳ, Yên Thế, Bắc Giang) - người đã có công tìm được hơn 700 bộ hài cốt liệt sĩ trên khắp mọi miền đất nước, nhờ hình thức giải mã kí hiệu.

Giấc mơ lạ với các đồng đội đã ngã xuống

Ông Cao Việt Đức là bộ đội đặc công tham gia chiến đấu trên khắp các mặt trận Tây Nam, rồi làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia. Ông đã qua nhiều cuộc chiến tranh ác nghiệt, đến khi đất nước hòa bình trở về làm giảng viên trong trường Sĩ quan 600. Năm 1984, do kinh tế gia đình khó khăn, cả gia đình sống nhờ vào những đồng lương ít ỏi của ông, nên ông đã xin phục viên về làm kinh tế.

Từ một người lính chỉ quen với chiến trường súng đạn, trở về với ruộng đồng nhờ sự cần mẫn, bằng cuốc, bằng xẻng, ông  Đức đã biến khu đồi trọc hoang hóa, bạc màu thành một trang trại vải thiều xum xuê hoa trái. Rồi ông lại nghĩ cách kết hợp chăn nuôi gà đồi để tăng năng suất và thêm thu nhập. Ban đầu ông thả nuôi vài trăm con, đến nay đàn gà đã được mở rộng lên đến 2000 - 3000 con mỗi lứa. Thành công trong mô hình gà đồi đã mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Nhiều người dân Yên Thế thấy vậy cũng học hỏi và làm theo. Cũng từ đó cái tên triệu phú gà đồi với thương hiệu gà Yên Thế không chỉ được lan tỏa trong vùng, mà ngày càng được nhiều người ở các tỉnh xa biết đến.

Tưởng rằng kinh tế ổn định là ông Đức có thể yên ổn cuộc sống phong lưu tuổi già. Nhưng rồi, người lính trở về từ chiến trường với mảnh đạn trong đầu, kèm theo tiền sử về chứng mất ngủ, khiến ông Đức suốt hai tháng liền bị mất ngủ triền miên. Cứ chợp mắt là ông lại mơ về chiến trường năm xưa với những trận đánh ác liệt, hình ảnh những đồng đội mãi nằm xuống nơi rừng thiêng nước độc khi tuổi đời mới mười tám, đôi mươi cứ hiện lên trong tâm trí. Chính điều này khiến ông không thể ngồi yên được và quyết định khăn gói lên đường về lại chiến trường xưa để tìm những người đồng đội đã khuất.

Tại cửa khẩu Xa Mát (Tây Ninh), nơi mà ông đã từng đau đớn khi chứng kiến 17 đồng đội cùng vào sinh ra tử với mình lần lượt ngã xuống trong một trận chiến ác liệt vào tháng 6/1977. Ông đã tìm lại được 12 bộ hài cốt của đồng đội, tất cả đều đã được quy tập về nghĩa trang Châu Thành, Tây Ninh. Còn 5 bộ hài cốt do không có dấu vết gì nên ông không thể biết các đồng đội đang nằm ở đâu, điều đó khiến ông buồn và day dứt như mình còn gánh nợ chưa trả khi nghĩ “chắc họ đã ở lại với núi rừng, nơi hoang vu lạnh lẽo”. Nhìn những tấm bia ghi đầy đủ tên tuổi, hình ảnh của những người đồng đội ruột thịt khi ấy, ông Đức đã không cầm được nước mắt. 

Người cựu binh và hành trình đi tìm hàng nghìn bộ hài cốt của đồng đội

Cựu chiến binh Cao Việt Đức đã đưa hơn 700 hài cốt liệt sĩ trên mọi miền tổ quốc về với gia đình, người thân của họ

Cũng trong chuyến đi kéo dài gần 10 ngày đó, ông Đức còn kì công ghi chép lại thông tin của hơn 4.000 liệt sĩ được quy tập về nghĩa trang Châu Thành, sau đó gửi thư đi khắp nơi thông báo cho thân nhân các liệt sĩ biết. Theo ông thì hầu hết mộ liệt sĩ ở nghĩa trang Châu Thành đều đã được ông giúp các thân nhân đưa về an táng tại quê nhà. Cũng chính từ đây, "duyên nợ" với các hài cốt liệt sĩ đã đến với ông.

Phương pháp giải mã kí hiệu với độ chính xác cao

Sau khi tìm được 12 phần mộ liệt sĩ hy sinh trong trận chiến đấu tại cửa khẩu Sa - Mát, ông Đức vẫn luôn day dứt một điều, còn quá nhiều liệt sĩ đang nằm lại đâu đó trên khắp mọi miền đất nước và gia đình họ còn đang mong mỏi tìm được người thân. Nghĩ vậy, ông quyết định tìm mộ liệt sĩ bằng việc giải mã các ký hiệu đơn vị. So với nhiều phương pháp tìm hài cốt liệt sĩ của các nhà ngoại cảm hiện đang gặp không chính xác và không được tin tưởng, thì phương pháp tìm hài cốt liệt sĩ của ông lại dựa trên cơ sở khoa học, tính toán công phu và đem lại độ chính xác cao.

Theo ông phương pháp này sẽ dựa vào những giấy tờ liên quan tới liệt sĩ do gia đình cung cấp rồi liên hệ, gửi các tài liệu sẵn có tới các cơ quan có thẩm quyền như: Bộ Chỉ huy quân sự, Sở, phòng LĐTB&XH, huyện, xã… nơi liệt sĩ từng chiến đấu và hy sinh để nhờ sự giúp đỡ. Tuy nhiên, để có thể đọc được, hiểu được và chỉ được ra những ký hiệu kia ở đâu thì lại cần cả một quá trình nghe có vẻ đơn giản, nhưng lại không hề dễ dàng.

Để có thể nắm bắt được các kí hiệu, mã hiệu như BM1 là ở đâu? PM2, P1, P2, P3, P4 nằm ở vùng chiến trường nào? KH nằm ở đơn vị nào… Ông đã phải mất hơn 3 năm lần mò, tìm kiếm. Đi bất cứ đơn vị nào ông cũng hỏi về kí hiệu, địa điểm hoạt động của đơn vị trong từng thời kỳ chiến tranh, rồi ghi chép lại cẩn thận vào từng cuốn sổ. Sau khi đã giải mã ký hiệu, xác định nơi hy sinh và nơi an táng ban đầu của liệt sỹ ở đâu, thì ông sẽ liên lạc kết hợp với các lực lượng chức năng để tiến hành rà soát, kiểm tra… Đó là một hành trình dài gặp không ít khó khăn và tốn rất nhiều công sức, tiền của.

Theo ông Đức, có những trường hợp ông làm rất nhanh chỉ trong vòng 15 phút là có thể tìm thấy hài cốt của người đã khuất, nhưng có trường hợp đã khiến ông “đau đầu” cả 2 - 3 năm trời, vì nhiều khi giấy báo tử của liệt sĩ do đơn vị báo tử ghi sai, hoặc nhầm ký hiệu đơn vị khiến cho việc tìm kiếm lại thêm khó khăn và nhiều khi đi vào bế tắc.

Tuy nhiên, ông vẫn luôn đau đáu một điều “ngoài kia còn nhiều bà mẹ anh hùng, người vợ liệt sĩ vẫn đang từng ngày mỏi mòn, mong ngóng các con, các anh trở về nên ông không thể bỏ cuộc được". Nhiều khi ông ao ước, có thêm nhiều người cùng làm công việc như ông đang làm, thì các liệt sĩ đang nằm ngoài kia sẽ sớm được về với gia đình hơn.

Người cựu binh và hành trình đi tìm hàng nghìn bộ hài cốt của đồng đội

Mỗi ngày, ông Đức nhận được từ 3 đến 5 lá thư của các gia đình liệt sĩ gửi về nhờ ông tìm phần mộ con em mình. Nhận được thư, ông nhanh chóng hồi âm và gửi hồ sơ đến các đơn vị liên quan, giúp gia đình tìm kiếm hài cốt một cách nhanh nhất.

Đến nay, số liệt sĩ được ông tìm thấy đã lên đến con số 700 mộ, trong số đó, có tới hơn 70 ngôi mộ đã từng được tìm thấy bằng phương pháp sử dụng ngoại cảm, nhưng đến khi ông tìm lại, thì chỉ những ngôi mộ ông tìm ra mới đem lại kết quả chính xác khi xét nghiệm ADN. Đồng thời, ông cũng đã gửi mười mấy nghìn bức thư thông tin về phần mộ liệt sĩ khi ông đi qua các nghĩa trang trên toàn quốc đến các gia đình và địa phương, để các thân nhân liệt sĩ sớm đưa được phần mộ của các anh về với quê hương.

“Tôi không có năng lực siêu phàm, cũng không phải làm vì tiền mà là làm vì cái tâm, sự mong muốn tri ân, đáp đền công ơn đối với người đã ngã xuống để bảo vệ nền độc lập, tự do cho dân tộc. Mỗi cuộc hành trình đi tìm hài cốt đối với tôi là cả một chuyến đi đầy thiêng liêng và chắc chắn, công việc này có lẽ sẽ còn theo tôi đến khi tôi nhắm mắt xuôi tay” ông Đức chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người cựu binh và hành trình đi tìm hàng nghìn bộ hài cốt của đồng đội