Người “chép sử” bên dòng Thạch Hãn

Đan Lê| 06/09/2014 20:09
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ở vùng đất Hải Lăng, có một người lính già đã dành gần hết cuộc đời mình để tìm kiếm và lưu giữ những kỷ vật về Bác Hồ, về chiến tranh, với mong muốn thắp lên được ngọn lửa ký ức cho thế hệ mai sau.

Ông là Nguyễn Hồng Khai (82 tuổi, ở thôn An Khê, xã Hải Thương, huyện Hải Lăng, Quảng Trị), người được nhân dân hai bên bờ Thạch Hãn gọi với cái tên “Người chép sử của làng”.

40 năm kỳ cụi  “chép sử”

Trong căn nhà núp giữa xanh rì cây trái, bằng giọng nói nằng nặng thổ âm Trung bộ, ông Khai chầm chậm kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời đầy khuất khúc của mình. Ông Khai sinh năm 1932, trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở Quảng Trị. Ngay từ khi còn nhỏ, ông Khai đã sớm phải chứng kiến những mất mát, đau thương mà người dân quê mình phải gánh chịu bởi chiến tranh. Cũng từ đó, ông bắt đầu thắp cho mình ước mơ sau này lớn lên sẽ làm bộ đội cầm súng chống giặc để giải phóng quê hương.

18 tuổi, ông Khai nhập ngũ và tham gia chiến đấu tại hầu khắp các chiến trường từ miền Trung đến Tây Nguyên. Đến năm 1961, ông Khai được cử đi học trường bổ túc văn hóa Công nông Trung ương, rồi về công tác tại Ban Giao thông vận tải đặc biệt. Suốt quãng thời gian làm lái xe phục vụ chiến trường, giữa bom đạn, khói lửa bời bời, ông Khai vẫn luôn có một ước muốn là cố gắng ghi nhớ và lưu giữ lại những hình ảnh khốc liệt của chiến tranh và cả những tình cảm mến thương của nhân dân, của đồng bào đã dành cho ông nói riêng và cho bộ đội cụ Hồ nói chung. Cũng từ tâm nguyện ấy, mỗi lúc thảnh thơi hay mỗi phút nghỉ ngơi hiếm có bên đường, ông đều ngồi ghi chép lại tỉ mỉ những sự kiện hay con người mà mình đã gặp. Máy ảnh không có, ông lưu lại kỷ niệm bằng thơ...

Hòa bình lập lại, ông Khai xuất ngũ rồi về với đất mẹ Quảng Trị. Không có vợ con nhưng ông phải lo chăm bẵm cho hai đứa cháu họ. Suốt mấy chục năm qua, ông như con ông tìm mật, góp nhặt, chắt chiu những vần thơ, những mẩu chuyện hay những tin tức, tranh ảnh để tổng hợp nên những câu chuyện lịch sử. Khi bắt gặp những bài báo hay bài nghiên cứu, bình luận nào hay liên quan đến hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc, ông Khai đều cắt lại, rồi đưa vào “kho lưu trữ”. Ông Khai bảo: “Tôi vốn xuất thân con nhà cách mạng, may mắn được biết đến cái chữ, nên bây giờ phải cố tranh thủ lọc qua sách báo, chép lại thông tin, vừa là để nhớ lâu hơn, vừa để làm tài liệu, ai cần thì tham khảo".

Người “chép sử” bên dòng Thạch Hãn

 Ông Nguyễn Hồng Khai cùng tấm Huân chương Lao động hạng Nhất

Chính vì ý nghĩ ấy nên suốt mấy chục năm qua, chỉ với một cuốn sổ nhỏ và chiếc xe đạp cũ, ông Khai rong ruổi khắp các vùng đất thuộc hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị để sưu tầm. Bất cứ khi nghe ai nói ở đâu có đề tài hay, lạ mang hơi hướng đề tài lịch sử, ông Khai đều có mặt. Rồi từ những con người, từ những cuộc trò chuyện như thế, sau khi đối chiếu với những tư liệu có sẵn, ông viết lại cho chính xác. Nhiều học sinh, sinh viên sống trong khu vực, sau khi đến xin tài liệu ở ông để tham khảo rồi đều bảo, tài liệu của ông có nhiều thứ còn chính xác, rõ ràng hơn ở thư viện.

Trong số tài liệu đó, một số được ông Khai thể hiện dưới dạng một bài báo rồi gửi cho Tạp chí Cửa Việt và Báo Quảng Trị đăng tải, được độc giả đón nhận và đánh giá rất cao. “Viết bài vất vả và tốn kém lắm chú à, tiền nhuận bút không bằng cái công của mình bỏ ra, nhưng vì niềm đam mê nên tôi không từ bỏ nó được. Xưa, cụ Nguyễn Đình Chiểu có viết: “Chở bao nhiêu đạo thuyển không thẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”, giờ tôi học cái “tinh thần” ấy của cụ, cố gắng dùng ngòi bút của mình để viết ra những điều hay lẽ phải, nhằm giáo dục con cháu để chúng tránh xa những thói hư tật xấu trong xã hội”, ông Khai tâm đắc.

“Thân đơn lạnh lẽo chiều sương giá...”

Trong khi nhiều người cất công sưu tầm những món cổ vật có giá trị và để lại một gia tài đáng kể cho con cháu thì ông Khai lại chỉ chăm chăm tìm sách, báo và sưu tầm những kỷ vật thời binh lửa. Đó là những kỷ vật bán không ai mua, không thể chuyển được thành tiền. Ông bảo, mình sưu tầm không phải vì tiền, cũng không phải để làm cuộc chơi. Ông muốn tập hợp chúng lại thành một bảo tàng cho nhiều thế hệ sau được biết về hai cuộc chiến của dân tộc như thế nào thông qua những hiện vật này, như một cách để tưởng nhớ những người đã hy sinh và cống hiến cho độc lập của dân tộc.

Ở cái “bảo tàng lịch sử thu nhỏ” ấy của ông Khai thì bên cạnh những kỷ vật, tư liệu về chiến tranh, còn có rất nhiều những tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi dấu chân của Bác, mỗi năm tháng Bác bôn ba đi tìm đường cứu nước, ông Khai đều lưu lại bằng nhiều hình ảnh. Số ảnh đó, giờ đã chất đầy trong bảy cuốn album khổ lớn. Không dừng lại ở việc sưu tầm, trong suốt sáu năm, từ 2006 đến 2012, ông Khai còn bắt tay vào việc viết tập bút ký lịch sử “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với 340 trang, viết bằng tay, trền bề mặt giấy A4, gồm 10 chương. Tất cả những tài liệu này, ông đều cất giữ cẩn thận.

Trên bàn làm việc của ông Khai, bên cạnh di ảnh của Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp là những bằng khen, giấy khen mà ông được các cơ quan chức năng trao tặng. Từ tấm Huân chương Lao động hạng Nhất cho đến Kỷ niệm chương của Ban liên lạc quân khu Trị Thiên, giấy chứng nhận đạt giải trong cuộc thi tìm hiểu và viết về 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Những thứ đó được ông Khai cất giữ và nâng niu, trân trọng chẳng khác gì báu vật.

Bên cạnh việc sưu tầm các tư liệu về Bác Hồ, về lịch sử, ông Khai còn là người có niềm yêu bất tận với thi ca. Cuộc đời ông, từ thời trai trẻ cho đến lúc xế chiều đều được khái quát bằng thơ. Thơ ông dung dị và gần gũi, như tính cách con người và cuộc đời ông vậy: “Nghĩ việc lui về thiếu vợ hiền/Khác nào nhà bỏ trống hàng hiên/Gió tung bốn phía van trời mở/Mưa tạt ba bề vái tổ tiên/Ấm lạnh thờ ơ ai biết đến/Vui buồn lặng lẽ nỗi niềm riêng/Thân đơn lạnh lẽo chiều sương giá/Cắt ruột lòng ta rét tháng Giêng...”.

Người “chép sử” bên dòng Thạch Hãn

Đôi bạn già hàn huyên về chuyện thế sự

Tính đến giờ, ông Khai đã “cho ra đời” năm tập thơ. Cả năm tập thơ ấy đều được ông viết sau những tờ lịch cũ, viết theo thể thơ truyền thống của dân tộc (lục bát) và thể thơ Đường luật. Tuy không được qua một trường lớp đào tạo chuyên biệt nào về viết lách, nhưng mỗi vần thơ của ông Khai đều mang nhiều giá trị nhân văn sâu sắc về cuộc sống và cách ứng xử giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên. Ông viết bằng chính sự trải nghiệm và thổn thức của mình.

Giờ, mỗi khi đọc lại những vần thơ ấy, ông Khai như được sống lại cái thời đã qua. Những con người, những hình ảnh, vùng miền mà ông đi qua cứ hiện ra trước mắt rõ mồn một như một thước phim quay chậm. “Ngày đầu, mới tấp tểnh viết thơ, “vần vè” không  được mạch lạc, có nhiều bài tôi phải mất mấy tuần mới sửa được. Sau rồi tôi nghĩ, mình viết cho mình, viết để thỏa mãn cái đam mê trong máu chứ không cầu danh vọng gì, thế nên tôi lại tiếp tục viết cho đến tận bây giờ”, ông Khai chia sẻ.

Sống một mình trong căn nhà nhỏ, không có bàn tay người phụ nữ nhưng trong nhà ông Khai lúc nào cũng gọn gàng, ngăn nắp. Căn nhà hai gian đủ để ông kê hai cái giường, phần còn lại ông dành một góc để viết bài và trưng bày các vật dụng cá nhân. Ông Khai chia sẻ: “Sau những giờ lao động căng thẳng, tôi lại ra mảnh vườn nhỏ để nhặt rau và chuẩn bị cho mình những bữa cơm. Có thể với những người đàn ông khác thì họ cho là vất vả, nhưng với tôi, đó là một niềm vui. Được làm công việc mình thích và thả hồn vào thiên nhiên sau những giờ làm việc là tôi lại thấy mình thảnh thơi và tràn đầy nhựa sống”.

Ngoài ra, những lúc rảnh rỗi, ông Khai hay đi thăm người bạn già, vừa là đồng nghiệp, vừa là đồng đội của mình. Đó là ông Lê Thanh Hải, quê mãi tận Tĩnh Gia, Thanh Hóa, vào Quảng Trị từ nhỏ, rồi cùng công tác với ông Khai ở trong Ban Vận tải thời chiến tranh. Hai con người, hai hoàn cảnh khác nhau nhưng họ có rất nhiều điểm tương đồng trong tâm hồn và tính cách. Ông Khai bảo: “Giờ tôi cũng chẳng có ước muốn nào cao sang cả, ông trời cho sống thêm ngày nào hay ngày đó. Tôi chỉ có nguyện vọng duy nhất, đó là xuất bản tập thơ về cuộc đời mình...”.

Giờ, nếu có dịp đi qua dòng Thạch Hãn, ghé thăm “bảo tàng đặc biệt” của người lính già Nguyễn Hồng Khai, đứng trước những hiện vật, tài liệu mà ông nâng niu, gìn giữ, người ta sẽ cảm nhận được công sức của một người dành gần trọn cuộc đời với những ký ức, kỷ vật của lịch sử, của chiến tranh. Đồng thời, khi đứng trước người đàn ông hiền lành, dung dị mang tên Phạm Chí Thiện, người ta cũng sẽ hiểu, chỉ cần có lòng đam mê và khát vọng cống hiến thì ắt sẽ làm được nhiều điều tưởng như không thể.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người “chép sử” bên dòng Thạch Hãn