Nghề xiếc - Nụ cười và nước mắt (Kỳ cuối): “Xin đừng làm mọi người sợ xiếc”

Hoài Đan| 09/10/2014 06:45
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đó là câu nói của thầy Hoàng Minh Khánh, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam nói với tôi trong cuộc trò chuyện về những khó khăn mà thầy, trò nhà trường và những diễn viên xiếc đang gặp phải.

Cay đắng và đau xót

Trong câu chuyện của chúng tôi, thầy Khánh không nói về mình, bằng giọng tâm sự của người chất chứa nhiều tâm trạng, nhiều vấn đề như: an toàn lao động trong luyện tập, khó khăn trong cơ chế chính sách, khó khăn trong đào tạo, không phải là nghề hót, lương thấp, tuổi nghề ngắn trong khi đào tạo thì quá đỗi công phu được thầy nói ra như nỗi trăn trở đã từ lâu mà không tìm được lối thoát.

Khi được hỏi về chuyện tuyển sinh, thầy Khánh không giấu được tiếng thở dài nhìn vào cuốn sổ nói, vài năm trở lại đây công tác tuyển sinh của nhà trường gặp nhiều khó khăn. Năm học mới nào chúng tôi cũng phải chia tay một vài em học sinh vì bố mẹ sợ con mình phải chịu đựng đau đớn trong quá trình tập luyện hoặc sau này có ra nghề thì rẽ sang một nghề khác vì không chịu được những áp lực trong nghề. Rồi thì dạy xiếc thú thì bị thú tát, tập luyện với thú thì bị thú quật, thú ném…Và, những diễn viên xiếc như chúng tôi luôn luôn phải đối mặt với việc có thể gặp chấn thương ở bất kỳ tình huống nào, dù là luyện tập hay biểu diễn. Chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có thể dẫn tới việc bị xây xước, gãy chân, tay, thậm chí phải giã từ nghề xiếc, hoặc mất đi mạng sống của mình.

Nói về trường hợp bị tai nạn vì nghề gần đây nhất, dẫn đến việc phải ngồi xe lăn suốt quãng đời còn lại là chị Nguyễn Thị Tuyết Hoàn, Phó đoàn xiếc 2 của Liên đoàn Xiếc Việt Nam, thầy Khánh xót xa: “Nhìn những học sinh, diễn viên bị chấn thương chúng tôi cay đắng và đau xót lắm chứ. Nhưng, nếu đã coi xiếc là một nghề, đến với xiếc vì đam mê, vì yêu thích thì phải chấp nhận vì đơn giản là nghề nào cũng có những rủi ro riêng của nó”.

Thịnh gặp chấn thương khi luyện tập

Trong nghề xiếc chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có thể dẫn đến bị chấn thương

Tôi nhận rõ nét mặt căng thẳng của thầy Khánh khi nhận được tin một học sinh tên Thịnh, vừa bị ngã trong giờ luyện tập. Thầy vội lao xuống phòng tập, một cảnh tượng nhốn nháo đang diễn ra ở đây. Thịnh đang nằm bất động trên sàn tập, mắt nhắm nghiền, những giọt mồ hôi vã ra trên khuôn mặt tuổi mới lớn. Thầy Khánh vừa đi vừa hỏi các em học sinh về nguyên nhân của sự cố trên, và tiến hành sơ cứu. Thầy nắm thử vào xương bả vai của Thịnh. Thịnh giật mình, co người lại và nói: “Em đau lắm thầy ơi”.

Bằng kinh nghiệm 40 năm trong nghề, thầy Khánh nhận định, Thịnh bị trật khớp xương bả vai. Ngay lập tức các học sinh tỏa nhau đi tìm thanh nẹp để nẹp tay cho Thịnh. Hủy bỏ các cuộc hẹn với bạn bè vào chiều muộn một ngày cuối tuần, thầy Khánh trực tiếp đưa học sinh của mình vào viện.

40 năm thăng trầm với nghề xiếc

Trong 40 năm làm nghề, bản thân thầy Khánh đã trải qua biết bao thăng trầm. Nhưng, tuyệt nhiên chưa bao giờ thầy có ý định bỏ nghề. Có lẽ, những thăng trầm đó chỉ khiến cho tình yêu nghề, nhiệt huyết với nghề trong thầy nhiều lên theo năm tháng chứ không hề vơi hụt.

Thầy kể cho tôi nghe về một thời tuổi trẻ ăn, ngủ, nghĩ về xiếc. Xiếc gần gũi như hơi thở, và gắn với thầy như một định mệnh. Đã có những mất mát trong nghề phải trả bằng máu và nước mắt. Nhưng, chính những điều đó đã khiến thầy trân trọng hơn nghề mà mình đã chọn.

Giờ đây, khi không còn trực tiếp đứng dưới ánh đèn sân khấu, khoác lên mình những bộ trang phục long lanh để biểu diễn cho khán giả, thầy lại đứng dưới sàn tập làm bệ đỡ cho những học sinh của mình bay cao, bay xa trong nghề. Thầy Khánh bảo rằng, những giáo viên dạy xiếc đòi hỏi phải có thể lực tốt và đặc biệt là đạo đức. “Phương pháp đào tạo của xiếc là nặng về truyền nghề mà đã truyền nghề thì học sinh nhìn thấy thầy làm cái gì, họ bắt trước làm cái đó. Thầy sống thế nào họ sống y như vậy. Trên thực tế, đã có những học sinh trở thành bản sao của người thầy dạy từ biểu diễn cho tới cách sống”, thầy Khánh chia sẻ.

Thầy Khánh nhận xét về bài diễn của các học sinh

Thầy Khánh nhận xét bài biểu diễn cho các học sinh

Gạt bỏ những mảng tối - xám của nghề xiếc, thầy Khánh khẳng định chắc nịch với tôi rằng, dù nghề xiếc có vất vả, khó khăn, nguy hiểm như thế nào thì vẫn có một bộ phận người trong xã hội đam mê, yêu xiếc, đến với xiếc và sẵn sàng hy sinh để cống hiến cho nghề, cho khán giả những màn biểu diễn có chất lượng. Bởi, theo như thầy Khánh, nghề xiếc là một môn nghệ thuật biểu diễn năng lực tiềm ẩn bên trong con người. Trong khi, khán giả luôn tò mò và luôn mong muốn khám phá những điều bí ẩn. Chính vì thế, người ta thấy ở xiếc có sự mạo hiểm, phiêu lưu, bất ngờ. Điều đó giải thích vì sao những tiết mục xiếc vẫn có một lượng khán giả nhất định. Và, điều đó chính là sự động viên, khích lệ rất lớn đối với mỗi người làm nghề xiếc. Vì thế, có những người thầy, dù năm nay đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng vẫn đứng dưới sàn tập truyền nghề cho các học sinh, những mong những các thế hệ sau sẽ trưởng thành, gắn bó, và nhiệt huyết với nghề.

Nghề xiếc hay bất cứ nghề nào đi chẳng nữa thì luôn cần cái tâm của người làm nghề. Dù có phải đối mặt với những khó khăn, khắc nghiệt thì những diễn viên xiếc như thầy Khánh, chị Hoàn, em Thịnh bằng cách này hay cách khác vẫn sẽ cố gắng vượt qua và trụ lại với nghề.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghề xiếc - Nụ cười và nước mắt (Kỳ cuối): “Xin đừng làm mọi người sợ xiếc”