Lá thư sám hối của kẻ giết người

13/06/2014 16:23
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Vì những va chạm rất nhỏ với một nhóm người lạ tại bãi đỗ xe, Trần Chinh đã cướp đi sự sống của anh Nguyễn Văn Phương bằng những nhát dao chí mạng. Gây án xong, Chinh bỏ trốn xuống miền Tây, thay tên đổi họ rồi sống chui lủi suốt 14 năm ròng...

Gây án rồi trốn nã

 

Ngày 23/5/1996, Trần Chinh (SN 1975, ngụ 135/19 Bà Triệu, phường Xuân Phú, TP Huế) đang là cậu thanh niên mới lớn cùng anh họ lái xe từ Huế vào TP Hồ Chí Minh chở hàng. Khoảng 20 giờ cùng ngày, sau khi nhậu xong, Chinh và anh họ quay về bãi giữ xe ở 41 Mạc Đĩnh Chi (phường Đa Kao, quận 1, TP Hồ Chí Minh) thì xảy ra cự cãi với vợ chồng ông Nguyễn Đức Thắng và bà Nguyễn Thị Xúy, cũng là khách hàng đang gửi xe ở bãi. 

 

Thấy “chướng tai gai mắt”, Nguyễn Quang Trung, con của chủ bãi giữ xe đang ngồi gần đó liền chạy ra quát tháo, chửi bới Chinh. Đồng thời, anh rể của Trung là Nguyễn Văn Phương cũng từ trong nhà lao ra đánh Chinh nhưng không trúng. Chinh bỏ chạy ra quán nhậu bên lề đường vớ lấy con dao Thái Lan quay lại bãi giữ xe đâm anh Phương hai nhát khiến anh Phương tử vong.

 

Gây án xong, Chinh xuống Vĩnh Long, Cần Thơ thay đổi giấy tờ tùy thân, sống chui lủi nhằm trốn tránh tội ác. Một thời gian sau đó, vào năm 2007, Chinh lấy vợ và sinh con tại Cần Thơ. Vợ Chinh, người con gái thật thà đậm chất miệt vườn đã không hề hay biết quá khứ tội lỗi của chồng. Chị thỉnh thoảng cũng dò hỏi về gia đình, bố mẹ, anh chị em của chồng nhưng mỗi lần như thế, Chinh lại nổi đóa hoặc nói dối quanh, nên chị lại thôi. Mãi đến năm 2010, sau 14 năm trốn lệnh truy nã, Chinh bị bắt giữ. Lúc đó, vợ Chinh mới bàng hoàng đau đớn khi biết được quá khứ tội lỗi của chồng. Sau đó ít lâu, TAND TP Hồ Chí Minh đã tuyên phạt Trần Chinh 20 năm tù về tội “Giết người”.

Lá thư sám hối của kẻ giết người

 

Cuộc gặp mặt cảm động giữa chị Mỹ và Chinh

 

Ngày Chinh bị bắt, vợ Chinh đi vắng, chỉ có cô con gái hai tuổi chứng kiến. Ánh mắt sợ hãi, những tiếng gọi “ba ơi!” thảm thiết của con đã ám ảnh người đàn ông ấy mãi về sau này. Suốt những ngày tháng đằng đẵng cải tạo trong trại giam, nỗi nhớ vợ, nhớ con luôn dày vò Chinh mỗi khi đêm xuống. Thời gian đầu, Chinh luôn tỏ ra bất mãn, chán chường. Nhưng rồi, được sự chỉ bảo ân cần của các cán bộ, Chinh cũng dần bình tâm lại để ngẫm ngợi về quãng thời gian đã qua và chuỗi ngày sắp tới. 

 

Càng ý thức được giá trị của hạnh phúc, Chinh càng cảm thấy ăn năn, day dứt trước lỗi lầm mình đã gây ra khi cướp đi mạng sống của anh Nguyễn Văn Phương - chỗ dựa vững chắc của một người phụ nữ và ba đứa con thơ. Suốt những ngày tháng đó, Chinh luôn ước ao một lần được gặp vợ con anh Phương để trực tiếp nói lời xin lỗi. Ngay bản thân Chinh cũng không mong được tha thứ, vì Chinh ý thức được rằng, nỗi đau mà mình gây ra cho gia đình nạn nhân là quá lớn và không sao khỏa lấp. Niềm mong mỏi ấy của người phạm nhân cuối cùng cũng đã thành hiện thực.

 

Đó là khi Trại giam Thủ Đức, nơi Chinh đang thụ án, phát động chương trình “Gửi lời xin lỗi, khát khao hướng thiện nơi phạm nhân”. Mất mấy đêm ròng thức trắng, Chinh mới viết xong bức thư gửi gia đình nạn nhân. Trong bức thư dài hai trang A4 ấy, ngoài lời xin lỗi, Chinh cũng khẩn cầu gia đình, người thân anh Phương và nhất là chị Nguyễn Thị Mỹ (vợ nạn nhân Nguyễn Văn Phương) tha thứ cho mình. Trong lá thư đó, Chinh cũng lý giải nguồn cơn mình phạm tội và lý do bỏ trốn: “Do thời điểm đó, tôi đang là thanh niên hiếu thắng, bốc đồng nên mới gây tội ác tày trời như vậy.

 

Cũng vì sợ nhà tù nên tôi mới lẩn trốn và không nói chuyện này cho vợ biết...” và “… Tôi là người cướp đi sinh mạng của anh Phương, người trụ cột trong gia đình chị. Tôi thấy gia đình chị quá khó khăn nên đã bán đi mảnh đất ông nội tôi để lại để khắc phục hậu quả cho chị. Dù số tiền không lớn, nhưng đó lại là gia sản của vợ chồng tôi… Mong chị tha thứ cho tôi”.

 

Lòng vị tha của người vợ nạn nhân

 

Về phần chị Nguyễn Thị Mỹ (vợ nạn nhân Nguyễn Văn Phương), kể từ ngày chồng mất, từ một người phụ nữ chỉ lo công việc nội trợ, chị phải gánh vác lo toan cho cả gia đình. Mọi gánh nặng mưu sinh dồn lên vai người đàn bà nhỏ bé. Vì hoàn cảnh quá khó khăn, con trai cả của anh Phương - chị Mỹ đã phải bỏ học khi mới học hết lớp 9, ở nhà phụ giúp mẹ kiếm tiền trang trải cho cuộc sống gia đình.

 

Trước đó, vợ chồng anh Phương - chị Mỹ có ba đứa con, con trai đầu tên Phi, 15 tuổi, con gái kế và út vừa ở tuổi 12, 13. Cả gia đình sống trên mảnh đất hương hỏa của cha mẹ chị Mỹ ở phường Đa Kao, quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Để tăng thêm thu nhập cho gia đình nên ngoài phần đất xây dựng căn nhà để ở, gia đình có dựng thêm một bãi giữ xe. Thế rồi, cũng chính từ việc kinh doanh ấy lại mang tới câu chuyện buồn của ngày 23/5/1996. 

 

Không được chứng kiến tận mắt phút lâm chung của chồng, khi vào viện đã thấy thi thể chồng nằm bất động, chị Mỹ không chịu đựng nổi và gần như ngã quỵ. Khi đó, chị cũng không biết, người đâm chết chồng mình là ai, còn bản thân anh Phương cũng không rõ tên người thủ ác. Chị Mỹ chỉ nghe em gái kể lại, trên đường đi cấp cứu, anh Phương kịp nói một câu: “Anh đi bệnh viện một lát rồi về nói chuyện với cậu ấy. Chắc cậu ấy nóng giận quá thôi!”. Nhưng rồi, mãi mãi anh không tỉnh lại nữa.

 

Lá thư sám hối của kẻ giết người

 

Lá thư sám hối của Trần Chinh gửi gia đình chị Mỹ

 

Lúc đó, chị Mỹ đã từng rất căm phẫn kẻ gây ra cái chết của chồng mình. Nhưng, có lẽ thời gian là thứ nước màu nhiệm và bản tính giàu lòng yêu thương đã giúp chị dần nguôi ngoai và tha thứ cho kẻ đã gây ra bi kịch cho gia đình mình. Đến khi Chinh bị bắt sau hơn chục năm bỏ trốn, chị Mỹ lại một lần nữa thể hiện lòng vị tha khi khuyên nhủ các con mình tha thứ cho Chinh. Và, cả ba người con của chị đều đồng ý cho chị làm đơn bãi nại. Đến khi nhận đươc thư của Trần Chinh từ trại giam, không riêng chị Mỹ mà cả ba người con của chị đều đã khóc vì cảm động. Má con chị cảm động không bởi những lời xin lỗi hay ăn năn của Chinh mà bởi vì thương cho số phận không hề may mắn của người đàn ông ấy.

 

Chị Mỹ nói rằng, qua những lần gặp gỡ người thân của Chinh và những gì Chinh kể trong thư, chị tin rằng cuộc sống của Chinh cũng chẳng sung sướng gì. “Tôi thấy thương cậu ấy. Cả chục năm sống chui lủi, lập gia đình rồi nên cậu ấy đã hiểu rõ sự mất mát của tôi đau đớn thế nào. Khi phạm tội, cậu ấy còn quá trẻ, sự tức giận, bồng bột và thiếu nhận thức đó là do không được học hành tới nơi tới chốn nên đã hủy hoại cả cuộc đời. Đó là cái giá lớn nhất mà cậu ấy phải trả rồi”, chị Mỹ tâm sự.

 

Cuộc gặp mặt trong nước mắt

 

Cầm lá thư Chinh viết trên tay, đọc lại một lần nữa những lời trong bức thư ấy, chị Mỹ vẫn không cầm nổi nước mắt. Chị bảo, giờ thương nhất là vợ và con của Chinh. Trong những năm tháng chạy trốn, Chinh đã lấy vợ và sinh con trong nỗi lo sợ, ân hận lẫn giày vò. Dù giấu vợ và gia đình vợ thì chị biết, Chinh cũng không sung sướng gì. “Tôi đã gặp vợ Chinh. Tôi cũng nói với cô ấy ráng làm sao giải thích để cháu bé hiểu ba cháu gây ra chuyện ngoài ý muốn. Con bé còn nhỏ thế, lại là con gái, nếu không giải thích cho cháu hiểu, sau này lớn lên sẽ mang một mặc cảm quá lớn, cha mình là kẻ giết người. Tội lắm!”.

 

Không những thế, sau khi đọc xong lá thư sám hối đầy nước mắt của Chinh gửi ra từ trại giam, chị Mỹ đã đồng ý gặp mặt kẻ tước đoạt mạng sống của chồng mình từ 18 năm về trước. Dù giàu lòng vị tha đến đâu, người ta vẫn hoàn toàn có thể chửi bới, trách móc hay nguyền rủa khi gặp lại người đã đẩy gia đình mình vào cơn bĩ cực. Nhưng không, trong cuộc gặp gỡ vào một ngày tháng Ba trên con đường nội bộ của Trại giam Thủ Đức giữa hai mẹ con chị Mỹ và phạm nhân mang tội giết người Trần Chinh, chỉ có nước mắt, sự tha thứ và những cái ôm thật chặt.

 

Trong những giây phút xúc động nghẹn ngào và sống thật với lòng mình nhất, chị Mỹ đã không còn coi Chinh là kẻ thù của gia đình nữa. Nhìn chị dang rộng vòng tay ôm Chinh thật chặt, người ta cứ ngỡ đó là cái ôm của những người thân lâu ngày gặp mặt. Sự tha thứ đến cùng với những giọt nước mắt, những lời thăm hỏi, động viên của vợ và con trai anh Phương đã khiến Chinh nghẹn ngào và không thể tin rằng đó lại là sự thật. Nước mắt chan hòa trên gương mặt, Chinh bảo: “Thật sự đây là một việc rất hạnh phúc đối với con, con sẽ cố gắng sống thật tốt để bù đắp những tháng ngày tội lỗi đã qua. Sau này mãn hạn, nếu được cô cho phép, con xin đến thắp một nén nhang tạ lỗi với chú Phương. Cô cho con xin lỗi...!”.

 

Một mái ấm bỗng dưng mất đi trụ cột, kẻ giết người phải ngồi tù, những bi kịch ấy tưởng chừng như sẽ đẩy con người ta xa nhau mãi mãi. Nhưng, cuộc gặp gỡ giữa phạm nhân Trần Chinh và mẹ con chị Mỹ một lần nữa đã chứng tỏ, trong cuộc đời này vẫn còn rất nhiều điều kỳ diệu, những điều kỳ diệu do chính những con người biết yêu thương, tha thứ, biết sống hướng thiện tạo ra. Thay vì chỉ toàn những dằn vặt, đau khổ, quãng đời phía trước của Trần Chinh hứa hẹn sẽ có nhiều điều tốt đẹp. Tương lai đang chờ người đàn ông biết sám hối ấy ở ngoài kia song sắt.

 

Nam Hoàng

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lá thư sám hối của kẻ giết người