Ký ức kinh hoàng của nhân chứng cuối cùng về vụ thảm sát suối Tré

Ngọc Nguyễn| 14/03/2015 06:36
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tiếng thét, tiếng gào, tiếng khóc lẫn trong tiếng đạn, tiếng la hét và tiếng cười sằng sặc của bọn lính Tây, những ngọn lửa bốc lên nuốt trọn những mái chòi lá, khói kéo lên ngùn ngụt đen cả một góc rừng không khi nào rời bỏ tâm trí tôi...

Tôi khóc rồi nín lặng, tôi sợ rồi tôi bình tĩnh đi cùng anh Lò chạy ra lay những cái xác ngổn ngang nằm đè lên nhau…” - Đó là dòng ký ức của bà Lê Thị Thường, nhân chứng cuối cùng về một tội ác rùng rợn mà giặc Pháp đã gieo rắc lên nhân dân ta.

Bỏ làng, phá núi sinh nhai

Chia sẻ với chúng tôi, bà Lê Thị Thường (SN 1936, ngụ ấp Nhân Nghĩa, xã Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết: “Tôi không còn nhớ rõ năm, rõ tháng nữa, khi sinh ra tôi đã được dạy rằng có giặc Pháp xâm lược, rằng giặc Pháp đã cướp đi chén cơm trắng của nhà tôi cũng như nhiều nhà khác. Thời đó, dân ở đây không có gạo, có muối để ăn như bây giờ.

Thanh niên, trai tráng nếu không đi lính thì cũng bị bắt đi làm đồn điền cao su ở Đồng Nai. Ở làng, đất đai, ruộng nương chúng chiếm cả. Để có cái ăn, cái mặc dân nơi đây phải bỏ làng mà lên suối Tré (một địa danh tại xã Xuyên Mộc) xa ấp Nhân Nghĩa ngày nay hơn chục cây số để phá rừng kiếm kế sinh nhai”.

Trong ký ức không chút mờ nhạt của bà, suối Tré là địa danh hãi hùng nhất mà bà từng biết đến. Khi ấy, Suối Tré còn là rừng rậm hoang vu. Mặc dù trước đó cũng đã có người lên suối mở đất làm ăn nhưng vì xa làng xa ấp nên họ lại bỏ. Tuy nhiên, khi giặc chiếm làng, chiếm đất, một lần nữa họ phải rời bỏ làng ấp để vào rừng sinh nhai. Tại đây, các hộ gia đình tập hợp lại, cùng nhau khai khẩn đất hoang làm rẫy. Nhà có nhiều người thì khai hoang, cuốc đất trồng nhãn, nhà ít người thì xới đất trồng bắp, trồng rau.

Ký ức kinh hoàng của nhân chứng cuối cùng  về vụ thảm sát suối Tré

Ngôi mộ tập thể trong vụ thảm sát của giặc Pháp

Gia đình bà cũng không ngoại lệ. Đất rừng tốt, dân làng có cái ăn, phần dư ra họ đem về chợ dưới xã bán. Chẳng mấy chốc, từ một vài hộ ít ỏi, suối Tré trở thành nơi cưu mang những “dân đen”, nơi những con người “chết không mảnh đất chôn” bấu víu. Về sau, càng nhiều người bỏ làng lên suối khai hoang.

“Có người chỉ lên đấy làm rồi về lại Xuyên Mộc, có người dọn hẳn lên trên đấy ở luôn. Tôi nhớ nhất là nhà ông Ba Đe sống cùng ấp với tôi. Hai vợ chồng ông Ba Đe cũng rời làng lên đấy khẩn hoang, nhưng họ không ở lại luôn mà mỗi tuần lại về xuôi “lấy đồ ăn một lần. Những ngày tự do, xa khỏi bàn tay bóc lột của giặc “ngắn không tày gang”. Như họa từ trên trời rơi xuống, cả làng chết sạch chỉ còn dăm ba đứa trẻ nheo nhóc, khóc đến lả người, gục trên những cái xác bất động”, bà Thường kể.

Hố chôn tập thể ám ảnh một đời

Nhớ lại buổi sáng kinh hoàng ngày nào, bà như đờ người đi, những nếp nhăn trên khuôn mặt bà xô lại, bà cúi đầu nói nhỏ: “Đã lâu lắm, không ai hỏi tôi và tôi cũng không kể ai nghe. Nhiều lúc không ai tin những người sống cùng tôi sau trận thảm sát đó cũng đã chết hết. Đến như ông Lò sống cách nhà tôi vài căn, người sống sót cùng tôi sau buổi sáng hôm đó cũng vừa chết năm ngoái. Tôi không nhớ rõ ngày tháng nữa nhưng biết đó là năm 1947. Khi mọi người đã ra rừng làm việc, đám trẻ con chúng tôi thấy tên cai Thời chạy trước bốn tên lính Pháp cưỡi ngựa, dẫn đường lên suối Tré điểm danh. Tâm trí của một đứa trẻ mới lên 9 như tôi lúc đó cũng đã cảm nhận được có điều gì đó bất thường trong lần điểm danh này. Mọi hôm, khi điểm danh, bọn chúng chỉ quan tâm đến người lớn còn con nít như bọn tôi, chúng để mặc”.

Nhưng sáng hôm đó, một buổi sáng nắng rất tươi như lời bà kể, bọn chúng đã bắt phải gọi hết mọi người ra xếp hàng điểm danh. Mọi người, nháo nhào chạy bổ đi gọi nhau về tập hợp. “Tôi còn nhớ, ngay cả một cô gái trẻ mà tôi không còn nhớ tên đi chăn trâu xa, bọn chúng cũng bắt mọi người đi tìm về cho kỳ được. Sau đấy, bọn giặc tách người lớn và trẻ nhỏ ra làm hai nhóm. Chúng bảo người lớn tuổi và thanh niên đứng vào một hàng, mấy đứa con nít thì chúng xách tai bảo ra đằng sau đứng”, bà Thường nói.

Ký ức kinh hoàng của nhân chứng cuối cùng  về vụ thảm sát suối Tré

Bà Thường kinh hoàng khi kể lại buổi sáng đẫm máu tại suối Tré năm 1947

Cuối cùng, sau khi đã ổn định hàng ngũ, chúng hỏi kỹ lại rằng: “Đã đủ người chưa?”. Khi đã chắc chắn không một ai vắng mặt, chúng dẫn mọi người ra chân núi. Trong lúc mọi người chưa một ai biết chuyện gì đang xảy ra thì bà nghe một loạt súng máy vang lên, xé toạc sự tĩnh lặng của rừng già. “Rồi tôi nghe những tiếng kêu la thất thanh, tiếng khóc nghe thảm thiết vang lên. “Có ai không? Cứu tôi. Cứu lấy con tôi”. Rồi: “Chạy đi, bà con chạy đi. Bọn chúng giết dân, bọn chúng bắn bà con đó”.

Bà vứt rổ rau đang nhặt, vùng chạy ra xem. Bà Thường chia sẻ: “Trước mắt tôi và anh Lò, chị Vui là những xác người ngổn ngang nằm chống chất lên nhau. Rồi tôi thấy những người cố lết, cố chạy, cố bò ra khỏi đống xác, tay cố bấu vào đất mà lết đi trong vũng máu loang. Rồi một loạt đạn súng máy nữa vang lên. Mọi người không còn nghe thấy tiếng la nào, không còn ai nhúc nhích nữa. Sau khi không còn ai sống nữa, bốn tên Pháp quay ngựa chạy vào khu vực có lán lục tung mọi nơi tìm đuốc tẩm dầu tràm, bật quẹt thiêu trọi mọi nhà cửa. Chúng đập phá các khạp nước”.

“Tôi còn nhớ lúc bọn Tây đốt chòi, anh Lò lúc ấy được 13 tuổi cố lao vào để lấy cái mền và quần áo nhưng bị chúng bạt tai té lộn nhào. Sau khi chúng đi, tôi cùng mấy chị em sống sót vẫn ngây thơ chạy lại phía những cái xác mới đây thôi họ còn là chú tôi, bác tôi, ông tôi bà tôi để lay họ dậy. Tôi và những người sống sót cứ lay hết người này, người khác, vừa khóc vừa lay. Lay đến máu thấm vào áo, đến khi mệt rã, khóc đến nước mắt nước mũi trộn chung với khói than đen kịt rỏ cả vào miệng nhưng không một ai trả lời. Từ lúc đó, ấp suối Tré chỉ còn lại đúng 5 người sống sót. Ngoài tôi còn có anh Nguyễn Văn Lò, Nguyễn Thị Vui, Nguyễn Văn Không và Nguyễn Thị Cầu”, bà Thường kể trong nước mắt.

Như gà con mất mẹ, 5 đứa trẻ lem luốc lả đi vì đói, khát. Bà Thường đau xót nhớ lại: “Năm đứa chúng tôi tụm vào nhau mà khóc từ trưa đến chiều tối. Khóc cho đến khi ông Ba Đe từ xuôi lên và phát hiện sự thật kinh hoàng ấy. Sở dĩ ông Ba Đe thoát chết là do bà Đe đang mang thai nên chiều hôm trước ông phải về xuôi lấy thêm thức ăn. Không ngờ khi vừa lên tới nơi mọi người không còn ai nữa. Ông lao đi tìm vợ, ông đã gào khóc tưởng như chết khi thấy xác của bà Đe nằm sóng xoài trên mặt đất. Vậy là ông vừa mất vợ và mất cả luôn đứa con còn chưa ra đời”.

Ông Ba Đe dẫn mấy đứa trẻ và đưa xác của vợ về làng chôn. Ngay đêm hôm đó, ông cùng một số người dân bí mật quay trở lại suối Tré để đào hố chôn tập thể hơn 20 sinh mạng vừa bị chết oan ngay dưới chân núi Đất thuộc xã Xuyên Mộc. Hiện nay, ngôi mộ tập thể vẫn được dân địa phương chăm sóc, hương khói, xây cất cẩn trọng như một bằng chứng không thể chối cãi về một vụ thảm sát tàn bạo của kẻ xâm lược. 

Bị thảm sát vì nuôi giấu cán bộ Việt Minh 

Bà Thường cho biết: “Sở dĩ cả ấp bị thảm sát là vì bọn giặc nghi dân trên suối nuôi cán bộ Việt Minh. Nhưng việc này, đến nay, không có bất kỳ một ghi chép cụ thể nào. Hiện nay, chứng tích chỉ còn ngôi mộ chôn tập thể 20 người bị giặc tàn sát dưới chân núi Đất thuộc, xã Xuyên Mộc mà thôi. Cách đây mấy năm, ngôi mộ vừa được xây tường bao quanh để ghi nhớ tội ác của giặc”.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ký ức kinh hoàng của nhân chứng cuối cùng về vụ thảm sát suối Tré