Giấc mơ về một cây cầu còn xa lắm!

Hoài Đan| 31/01/2015 08:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Từ bao đời nay người dân xóm Cành, xã Mỵ Hòa, Kim Bôi, Hòa Bình sống trong thế cô lập bởi dòng sông Bôi chia cắt đôi bờ. Cũng vì cái thế ấy, mà mọi mặt đời sống của người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn, trắc trở như chính việc đi lại của họ vậy.

Độc đạo và đánh đổi

Từ Hà Nội dọc theo Quốc lộ 21B, phải vượt hơn 70 km đường mới đến được xóm Cành. Nhưng có lẽ, quãng đường hơn 70km ấy không là gì so với quãng đường 4km đầy hiểm trở từ xóm Cành ra tới trung tâm xã Mỵ Hòa.

Để ra khỏi xóm, trước tiên những người dân nơi đây phải vượt qua được sông Bôi, tiếp đến là đoạn đường dài 4km đất, đá trải như bàn chông đầy ổ trâu, ổ voi ngày mưa thì sình lấy, ngày nắng thì bụi bay tứ tung, mù mịt.

Giấc mơ về một cây cầu còn xa lắm!

Dù chỉ là giải pháp tình thế nhưng cây cầu tạm dân sinh đã phần nào giúp người dân đi lại dễ dàng hơn

Trước đây, khi chưa có thuyền bè, người ta thường bơi vào mùa nước lũ và lội bì bõm vào mùa khô khi nước cạn. Vì thế mà bao tai nạn đau lòng đã xảy ra.

Cách đây vài năm về trước, đúng vào mùa nước lũ khi ông Bùi Văn Nánh đưa cô em họ qua sông thì bị dòng Bôi nhấn chìm và cuốn phăng đi tất cả. Người dân trong xóm thảng thốt hò hét nhau ra cứu người, nhưng bất lực vì dòng nước chảy xiết, cuộn tròn như muốn nuốt chửng bất kỳ ai dám đụng tới nó. Người ta tìm thấy thi thể ông và cô em gái khi dòng Bôi trở lại lặng lẽ. Dòng sông tưởng hiền hòa mà chứa đựng nhiều tai ương.  

Biết là nguy hiểm luôn rình rập, nhưng để ra khỏi xóm, người dâm xóm Cành không còn cách nào khác là phải vượt bằng được sông Bôi, chấp nhận đánh đổi cả tính mạng của mình. Và, hằng ngày, chính tại quãng sông này vẫn thường xuyên diễn ra những cuộc đánh đổi như thế, từ người già cho tới trẻ nhỏ cứ như mọi việc đương nhiên phải vậy.

Những “cuộc tẩu thoát” ra khỏi cái thế độc đạo đó của những cá nhân trú tại xóm Cành đã cho họ một cái nhìn mới, một cách làm mới, họ biết góp tiền vào mua thuyền, bè để đi lại trên sông. Hai cái thuyền, một được làm bằng gỗ, một được làm bằng tôn lần lượt được đưa về làm phương tiện qua lại cho bà con trong xóm.

Từ ngày có thuyền, việc đi lại của người dân thuận tiện hơn nhiều, nhưng những bất trắc thì chẳng ai có thể lường trước được. Nhất là khi 2 chiếc thuyền phải chở sự khát khao được ra ngoài để hiểu biết, để học tập, để phát triển kinh tế của hơn 700 nhân khẩu xóm Cành. Như vậy, chẳng phải là quá sức lắm sao?.

Và điều gì đến sẽ đến, vào dịp khai giảng năm học mới, hơn chục em học sinh diện áo trắng, khăn quàng đỏ háo hức dắt díu nhau lên thuyền để đến trường khi đến giữa dòng, thuyền lật, tiếng la hét của hơn chục em học sinh khiến cả những người đang làm ruộng ở tít xóm Bêu bên kia sông cũng nghe thấy. Nhà nhà huy động nhau ra cứu người, rất may, tất cả các em học sinh đều được cứu sống.

Sau đận đó, ước mơ học hành để được bay cao, bay xa của nhiều em học sinh cũng đứt đoạn luôn. Với những vụ lật thuyền như thế, sẽ chẳng ai thấy lạ khi ông trưởng xóm Bạch Thanh Mân nói rằng, ở xóm này từ xưa cho tới nay mới chỉ có 3-4 người tốt nghiệp cấp 3 còn lại là nghỉ học từ rất sớm.

Ông Mân cho biết: “Nếu không có điểm trường mầm non và tiểu học đặt tại xóm, thì với kiểu đò giang cách trở như thế này, không biết con em chúng tôi có tốt nghiệp nổi cấp 1 không nữa”.

Lật thuyền, ngã sông, chết đuối và những giọt nước mắt khóc thương đã chảy quá nhiều, khiến người dân xóm Cành không thể nào ngồi im được nữa. Họ tự đứng lên vận động nhau, nhà có ít góp ít, nhà có nhiều góp nhiều mua thùng phuy nhựa, tre, nứa về làm một cây cầu tạm dân sinh nối đôi bờ xa cách.

Dẫu biết chỉ là giải pháp tình thế, nhưng nó cũng khiến những người đàn ông trong xóm yên tâm hơn mỗi khi người già, trẻ nhỏ và phụ nữ đi ra ngoài. Thế nhưng, cây cầu tạm tròng trành trên sóng nước cũng chỉ phát huy tác dụng một cách yếu ớt vào mùa khô còn mùa lũ thì nó bị chìm trong biển nước cao từ 4-5m.

Vậy là một năm người dân xóm Cành cứ biền biệt với thế giới bên ngoài mất vài tháng lũ. Vì thế mà người ta vẫn gọi xóm Cành là "xóm đảo".

Những cái giá quá đắt

Theo số liệu mới nhất mà ông Bạch Thanh Mân cung cấp, thì hơn 50% số hộ của xóm Cành thuộc diện nghèo, bà con chủ yếu là dân tộc Mường, sinh sống bằng nông nghiệp. Dù người dân nơi đây có chăm chỉ làm ra thật nhiều nông sản nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo.

Giấc mơ về một cây cầu còn xa lắm!

Người dân xóm Cành xây nhà bằng đá để giảm chi phí

Bởi, việc vận chuyển nông sản đi tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn và thường xuyên bị thương lái ép giá. Dù biết là bị thiệt nhưng người xóm Cành đành chấp nhận bán rẻ thành quả lao động của mình. Còn những nhu yếu phẩm được thương lái vận chuyển vào xóm thì luôn bị đội giá lên gấp đôi. Ở đây đang xảy ra nghịch lý mua đắt, bán rẻ, tất cả cũng bởi giao thông bị chia cắt.

Đi dọc xóm Cành thấy nhà dân được xây toàn bằng đá, chứ ít thấy những ngôi nhà nào được dựng nên bằng gạch. Ông Mân giải thích rằng, để xây được một ngôi nhà ở “xóm đảo” này chi phí cao gấp đôi bên ngoài, vì thế thay vì xây bằng gạch, chúng tôi chọn đá để giảm chi phí. Không chỉ vật liệu mà tiền công xây dựng ở đây cũng đắt hơn rất nhiều so với nơi khác.

Vì sống trong cảnh biệt lập, nên người dân xóm Cành luôn mong mỏi có một trạm y tế được đặt ở xóm để họ đỡ lo những lúc ốm đau, bệnh tật. Trong xóm đã có nhiều trường hợp bị bệnh cấp tính, chết trên đường đưa đi cấp cứu vì thời gian qua sông quá lâu.

Ông Bạch Bá Vàn than thở: “Ở xóm này, chuyện ốm đau, bệnh tật, được cứu sống hay bỏ mạng phụ thuộc nhiều vào con nước. Nếu mùa nước cạn thì có cơ được cứu sống, chứ vào mùa lũ không qua được sông thì chúng tôi cũng đành cắn răng chấp nhận buông xuôi chứ chẳng biết làm sao”.

Ông Hà Tư Khoa, bà Bùi Thị Hường, bà Bùi Thị Thiết là những cái tên được người dân nhắc đến mỗi khi nói về những cái chết, vì cách trở đò giang.

Khoảng 20 năm về trước, ở xóm Cành chuyện họ hàng lấy nhau, tảo hôn thường xuyên xảy ra vì trai, gái trong xóm không ra ngoài được. Nhưng, những năm gần đây chuyện kết hôn cận huyết đã không còn nữa, bởi những chuyến đò ít nhiều cũng đã mang duyên sang sông.

 Mong một cây cầu nối đôi bờ vui

Có qua sông bằng cây cầu tạm dân sinh người dân vì khổ quá mà tự phát làm, mới thấy hết được sự nguy hiểm và thấu hiểu được mong mỏi có một cây cầu nối đôi bờ xa cách của người dân như thế nào.

Chị Mơ là một trong những người đã phải rời mảnh đất ông cha để lại ở trong xóm để sang bên kia sông sinh sống. Chị bảo đó thực sự là một quyết định khó khăn, nhưng vì đã quá sợ mỗi lần qua sông nên không còn cách nào khác chị đành phải làm vậy.

Nhà đã rời đi, nhưng ruộng vườn vẫn còn đó, chị Mơ vẫn phải sang sông để canh tác và những lần ngã sông cứ ảm ảnh chị mãi không thôi. Có lẽ, chừng nào chưa có một cây cầu, thì chị cũng như bao người dân khác ở xóm Cành còn phải đối mặt với những bất trắc có thể xảy mỗi khi qua sông.

Chị kể, hơn chục hôm trước, chị đi xe máy từ xóm Cành về nhà, qua sông thì chân vướng vào thanh tre trên cầu, ngã cả người lẫn xe xuống sông. Rất may chị biết bơi nên bò được lên bờ, hô hoán mọi người ra vớt xe lên.

Chị Mơ còn kể cho tôi về trường hợp một người đàn ông ở xã Hưng Thi (Lạc Thủy, Hòa Bình) đến chơi ở nhà bạn ở xóm Cành, lúc ra về bị ngã xuống sông, may được người dân cứu sống. Sau khi hoàn hồn, ông ta nói rằng, từ nay sẽ không bao giờ sang xóm Cành chơi nữa, trừ khi có một cây cầu. Vậy là, người dân xóm Cành mất luôn cả anh em, họ hàng.

Ông Bạch Thanh Mân cứ nhắc đi nhắc lại rằng, trong những cuộc họp với lãnh đạo xã, huyện, tỉnh ông đều đề đạt mong ước của người dân có một cây cầu với hy vọng giao thông thuận tiện, đời sống của bà con sẽ được cải thiện, số hộ nghèo trong xóm sẽ giảm xuống, số lượng các em học sinh đến trường được tăng lên… nhưng đã nhiều năm nay ước mơ ấy vẫn chỉ là mơ ước. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giấc mơ về một cây cầu còn xa lắm!