Dũa Đại Phu và nỗi lo mai một làng nghề truyền thống

Huy Hùng| 06/12/2014 09:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Làng Đại Phu thuộc xã An Đổ (Bình Lục, Hà Nam) với hơn 270 hộ dân, trên 800 nhân khẩu trong làng thì có tới 700 người làm dũa. Dũa Đại Phu một thời đã trở thành làng nghề độc đáo có sản phẩm được cả thế giới tin dùng, nay đang đứng trước nguy cơ mất nghề.

Làng "mài sắt thành vàng" 

Làng nghề làm dũa Đại Phu thuộc xã An Đổ (Bình Lục, Hà Nam) với những con người suốt ngày cặm cụi bên bếp lò, chiếc búa, sau lũy tre không phải được nhiều người biết đến, tuy nhiên, nhưng trái ngược với những hình ảnh ấy, sản phẩm họ làm ra lại xuất khẩu đi hơn 150 nước trên thế giới và thu về nguồn lợi không hề nhỏ.

Ngay từ năm 1952, lang Đại Phu đã có nhiều nhà, cả 4 - 5 đời làm dũa ở làng. Theo các cụ cao niên, ông tổ của nghề này là cụ Vũ Khánh, cụ Khánh từng là thợ mộc gốc làng Đại Phu. Sau một thời gian làm ăn xa, thấy thợ mộc người Nhật có con dũa để mài cưa, cụ Khánh mới mày mò nghiên cứu, tìm tòi làm ra chiếc dũa từ thanh sắt bỏ đi.

Do con dũa nhìn đơn giản, nhưng lại được sử dụng khá nhiều trong đời sống sinh hoạt, cũng như một số ngành sản xuất. Song, Việt Nam lại chưa có ai làm ra con dũa, nên cụ Khánh về làng hô hào con cháu làm nghề. Ban đầu chỉ là những con dũa 3 cạnh thô sơ, được sản xuất từ những cây sắt vứt đi của các biệt thự Pháp ở trong vùng, với số lượng ít để dùng, dần dần mẫu mã, chất lượng dũa được nâng cao, sản phẩm được đa dạng hóa và đem bán ra thị trường. Chất lượng dũa được đảm bảo, có uy tín cao trên thị trường.

Với giá thành hợp lý, khách đến mua ngày một đông, sản phẩm làm ra nhiều, đã tạo ra công ăn việc làm cho một lượng lớn lao động. Với hơn 270 hộ dân, trên 800 nhân khẩu, thì có khoảng 700 người làm nghề làm dũa. 100 người còn lại không tham gia với lý do quá già, hoặc còn quá nhỏ để làm nghề. Trong số 270 hộ dân ấy, trung bình mỗi nhà có từ 2 - 3 lò bễ để nung và cán sắt.. , Ngoài ra, làng Đại Phu còn nhận thêm hàng trăm lao động trong xã về làm công đoạn. Cái hay của nghề làm dũa là từ người già đến trẻ nhỏ đều có thể tham gia làm nghề, chỉ những người quá già yếu hoặc trẻ em đang giai đoạn ẵm ngửa mới không không tham gia, còn lại trẻ mẫu giáo cũng đã có thể giúp bố mẹ canh coi lò bễ khi nung sắt , hoặc sắp xếp đóng thùng hàng hóa chờ xe tải về gom hàng.

Dũa Đại Phu và nỗi lo mai một làng nghề truyền thống

"Xưởng" chế tạo dũa của người làng Đại Phu chỉ đơn giản là một gian bếp nhỏ gọn, chỉ có 1 - 2 lò than nhỏ lửa đang hồng rực vừa để nấu nướng, vừa để tôi thép

Nguyên liệu làm dũa có 2 nguồn: Một là thép cây đặc chủng Y12A của Liên Xô (cũ), hai là các loại vòng bi đã hết hạn sử dụng. Dụng cụ để làm dũa khá đơn giản, gồm đe, búa, khuôn, dao băm, lò luyện, bễ rèn, đôi càng nạo (nay được thay bằng máy mài chạy điện), axít và dung dịch xút để tẩy rửa. Nghề làm dũa ở đây đã được đi vào chuyên môn hoá, theo 6 khâu cơ bản: tạo phôi, tạo mặt phẳng, tạo răng, tôi luyện, kiểm hoá và đóng gói.

Công đoạn làm dũa chẳng hề đơn giản như nhiều người nghĩ: Đầu tiên là dùng lò rèn để xẻ nguyên liệu, tạo phôi bằng khuôn, tạo phôi xong phải mài mặt phẳng, mài xong đến công đoạn băm răng dũa. Công đoạn này cũng phải làm thủ công, bởi lẽ băm dũa bằng tay thì gai sắc và gợn hơn băm bằng máy. Khâu cuối cùng trong sản xuất dũa là tôi luyện tạo độ cứng của dũa. Đây thực sự là bí quyết nghề nghiệp. Những người thợ lành nghề hoàn toàn tôi luyện dũa bằng kinh nghiệm của mắt - nhìn dũa chuyển màu để biết tôi luyện thế nào cho dũa cứng đủ độ, không non quá mà cũng không già quá. Dũa làm ra nếu non quá thì kém chất lượng, mà già quá thì dễ gãy.

Các loại dũa làng Đại Phu được làm ra đa dạng theo yêu cầu của khách hàng với đủ hình thù như: tam giác, bán nguyệt, vuông, tròn, chữ nhật, với hàng trăm chủng loại có kích cỡ từ 1 - 350 mm có thể sử dụng trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Ngoài ra, các hộ làm dũa ở đây còn nhận làm dũa mỹ nghệ cho các công ty chuyên trạm khắc gỗ, kỹ nghệ vàng bạc.

Dũa Đại Phu và nỗi lo mai một làng nghề truyền thống

Những người thợ lành nghề hoàn toàn tôi luyện dũa bằng sự từng trải, kinh nghiệm thông qua con mắt nhà nghề 

Theo một gia đình đã 4 đời gắn bó với nghề làm dũa ở làng Đại Phu cho biết: “Tất cả các loại dũa làng Đại Phu chúng tôi sản xuất ra cả trong nước và trên thế giới đều là các sản phẩm được làm theo phương pháp truyền thống”.

Từ năm 1957, làng dũa nơi đây bắt đầu thịnh vượng và làm việc như một công xưởng khổng lồ với cả trăm hộ dân trong làng đều làm nghề dũa. Khi đó, Làng dũa Đại Phu đã hoàn toàn phục vụ công nghiệp, trong khi cả nước còn đang trung thành với nông nghiệp lúa nước. Ngoài việc xuất hàng đi các tỉnh thành trong nước, nhiều đầu mối thu mua nước ngoài cũng đặt hàng với Đại Phu.

Cho tới năm 1981, dũa của làng Đại Phu đã trở thành thương hiệu có tiếng được ưa chuộng tại nhiều nước Đông Âu như Ba Lan, Tiệp Khắc… Nơi đây thành lập những hợp tác xã khổng lồ với hàng trăm lao động làm việc liên tục, nhưng vẫn không đủ hàng để xuất sang các nước bạn. Từ đó, thu được nguồn ngoại tệ đáng kể và làm rạng danh cho làng Đại Phu. Ngày ấy, dũa Đại Phu cũng đã đăng kí chất lượng sản phẩm và 3 lần đạt Huy chương Vàng tại  Hội chợ hàng tiểu thủ công nghiệp vào các năm 1980 - 1981 và 1982.

Và nỗi lo mất nghề

Dũa Đại Phu và nỗi lo mai một làng nghề truyền thống

Những chiếc dũa thành phẩm được xuất xưởng bán đi khắp nơi trên thế giới, đã khiến thương hiệu dũa Đại Phu trở lên nổi tiếng 

Tuy nhiên, từ sau thời gian hợp tác xã công nghiệp đóng cửa và chuyển đổi mô hình tiểu thủ công nghiệp, thì nghề làm dũa ở đây không còn thịnh vượng như trước. Các hộ gia đình quay trở lại với việc làm thủ công tại nhà, chỉ có khoảng 10 hộ đứng ra thu mua và chuyển vào miền Nam cho một đầu mối khác để xuất đi nước ngoài.

Mặc dù là làng nghề không ngừng phát triển, thu hút hàng trăm lao động địa phương và các nơi khác đổ về, nhưng đời sống của người dân Đại Phu vẫn ở mức trung bình. Hiện nay bình quân, một nhân công làm dũa một ngày cũng chỉ được 50 000 - 70 000 đồng, làm liên tục cả một tháng cũng chưa được 2 triệu đồng. Chính vì thế số hộ lao động ở Đại Phu ngày càng giảm do giới trẻ hiện tại không còn tha thiết với nghề truyền thống.

Anh Tiến, một người gắn bó nhiều năm với nghề làm dũa ở Đại Phu trăn trở: “Mặc dù không có nhiều nơi cạnh tranh làm dũa với Đại Phu, nhưng sản phẩm của chúng tôi thường xuyên bị ép giá. Hầu hết, người làm dũa chưa trực tiếp tìm được đầu ra cho sản phẩm, vẫn phải thông qua nhiều doanh nghiệp thu mua khác. Lời lãi ngày càng ít, trong khi giá cả đầu vào các loại mặt hàng tăng cao”.

Ngoài những yếu tố chủ quan làm ảnh hưởng đến làng nghề, thì cũng có không ít những yếu tố khách quan khác tác động đến nghề làm dũa nơi đây như: giá thành nguyên liệu, đầu ra cho sản phẩm... Nếu như cách đây vài năm, giá thép mà làng nghề Đại Phu nhập vào chỉ có 7.000 - 10.000 đồng/1kg, thì hiện nay, đã tăng lên tới 15.000 - 20.000 đồng/1kg. Thêm vào đó, giá điện, than, xăng dầu ngày càng tăng lên trong khi giá bán dũa vẫn không thay đổi. Đó là những thách thức đối với nghề làm dũa ở Đại Phu trong cơn “bão giá” như hiện nay.

Ngoài ra, do nghề làm dũa phải sử dụng một nguồn điện lớn, nên việc cung cấp điện cho người dân nơi đây luôn ở trong tình trạng quá tải. Vào những giờ cao điểm, điện yếu, hệ thống nước thải axít tẩy dũa đã làm ô nhiễm một khoảng cánh đồng của làng và đang trở thành vấn đề gây nhức nhối. Hiện nay, làng Đại Phu đang kiến nghị với tỉnh Hà Nam hai vấn đề: nâng cấp trạm biến áp điện và xử lý tình trạng ô nhiễm ở cánh đồng làng do nước tẩy axit gây ra, nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Những khó khăn trên đã và đang trở thành những thành thách thức lớn đối với sự gìn giữ, bảo bồn và phát huy làng nghề truyền thống một thời “hưng thịnh” này.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dũa Đại Phu và nỗi lo mai một làng nghề truyền thống