Cột cờ huyền thoại bên bờ sông Bến Hải

Nam Hoàng| 08/04/2015 07:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, có một ngọn cờ đã trở thành biểu tượng của tinh thần bất khuất, kiên trung của miền Bắc XHCN, là đôi tay vẫy gọi nhân dân miền Nam giữ vững niềm tin và hy vọng vào một ngày độc lập, Bắc Nam sum họp một nhà.

Đó là ngọn cờ bên bờ sông Bến Hải.

Dòng sông giới tuyến

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, những địa danh như Quảng Trị, Vĩnh Linh hay Bến Hải, Cửa Tùng, Hiền Lương… bỗng được nhắc đến dồn dập trên báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng. Nguyên nhân là do sau thất bại trên chiến trường, người Pháp và đồng minh buộc phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương vào tháng 7/1954. Trong quá trình thương thuyết, hai bên thống nhất chọn Vĩ tuyến 17, nơi có dòng sông Bến Hải làm giới tuyến quân sự tạm thời. Dự kiến, đường giới tuyến tạm thời này sẽ bị xóa bỏ sau cuộc tổng tuyển cử 2 năm sau đó, tức là vào năm 1956.

Suốt quãng thời gian sau đó, người dân hai miền tràn đầy hy vọng và chờ mong một ngày sum họp. Niềm hy vọng ấy được gửi gắm qua những lá thư, cánh thiếp mà hàng tuần, người chiến sỹ quân bưu vẫn chuyển giao tại khu phi quân sự tạm thời. Các anh nâng niu, trân trọng từng cánh thư bởi đó là tấm lòng của những người mẹ, người vợ miền Nam đang khắc khoải trông ngóng người thân nơi bờ Bắc, là lời yêu thương, động viên về một ngày đoàn tụ không xa của những người đang chiến đấu trên đất Bắc gửi về với quê nhà.

Nhưng rồi tất cả những hi vọng ấy đã không thành hiện thực. Tháng 7/1956, đế quốc Mỹ cùng chính quyền Ngô Đình Diệm trắng trợn chà đạp lên các thỏa thuận chung của Hiệp Định, từ chối cuộc Tổng tuyển cử trong cả nước. Vĩ tuyến 17 cùng mảnh đất Vĩnh Linh trở thành địa đầu của miền Bắc, trực tiếp đối phó với những âm mưu, thủ đoạn thâm độc của kẻ thù hòng chia cắt đất nước dài lâu.

Cột cờ huyền thoại bên bờ sông Bến Hải

Cột cờ huyền thoại bên bờ Bến Hải

Để vượt qua dòng sông rộng chưa đầy 100m, cả dân tộc ta đã phải trải qua cuộc trường chinh 21 năm ròng rã, với bao mất mát hy sinh để cho Nam Bắc sum họp một nhà. Đôi bờ giới tuyến đã trở thành “hình ảnh thu nhỏ” của nước Việt Nam trong thời kì 1954 - 1975. Sông Bến Hải - Vĩ tuyến 17 từ chỗ là “chặng dừng” của cuộc trường chinh vĩ đại vì mục tiêu độc lập dân tộc và thống nhất đất nước đã trở thành một tiêu điểm, thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước và quốc tế.

Trong 21 năm đầy đau thương và anh dũng ấy, ở đôi bờ Bến Hải đã diễn ra nhiều cuộc đọ sức “không tiếng súng” nhưng không kém phần căng thẳng, quyết liệt trên nhiều lĩnh vực, với những hình thức đấu tranh đặc thù “có một không hai” như “đấu loa”, “chọi cờ”, sơn cầu, công tác tranh thủ... Vượt lên tất cả sự chống phá quyết liệt của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam của những người làm công tác bảo vệ giới tuyến cùng sự hậu thuẫn to lớn của nhân dân cả nước và bè bạn quốc tế đã giành ưu thế trước chế độ thuộc địa kiểu mới ở bờ Nam.

Cuộc chiến "Chọi cờ"

Trong các cuộc chiến diễn ra bên bờ Bến Hải, có lẽ “Chọi cờ” là cuộc chiến gay gắt và quyết liệt nhất, diễn ra trong nhiều năm ròng. Từ khi giới tuyến được phân định, chiều cao của cột cờ không ngừng được nâng lên, bởi cờ của ta không thể thấp hơn cờ của ngụy. Cũng khó có thể đếm được bao lần, ta và địch đọ sức về độ cao của cột cờ, độ rộng của lá cờ trên vĩ tuyến. Bởi, thủa ấy, lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới nơi đầu cầu Hiền Lương trở thành điểm tựa, niềm tin của hàng triệu đồng bào nơi bờ Nam sông Bến Hải. Nhưng lá cờ cũng luôn là mũi dao đâm thẳng vào con mắt và trái tim kẻ thù. Mỗi lần chúng cho dựng cột cờ mới cao hơn cột cờ của ta là mỗi lần chiến sỹ ta lại lặn lội lên rừng tìm cây gỗ cao hơn, to hơn về dựng.

Cột cờ huyền thoại bên bờ sông Bến Hải

Hình ảnh Mẹ Diệm vá cờ Tổ quốc được phục dựng tại bảo tàng Vĩ tuyến 17 

Bắt đầu ngày 10/8/1954, phía ta dựng cột cờ bằng cây phi lao cao 12m, với lá cờ 15,36m2. Ở bờ Nam, quân Pháp liền cắm cờ của chúng lên nóc lô cốt Xuân Hòa phía Nam cầu, cao 15m. Đồng bào hai bờ giới tuyến yêu cầu: Cờ ta nhất định phải cao hơn cờ địch. Thế là, các chiến sỹ ta lại lặn lội lên rừng tìm được cây gỗ cao 18m về làm cột cờ, trên đỉnh cột treo lá cờ 24m2. Từ 30/6/1955, Pháp chuyển giao các đồn cảnh sát cho chính quyền Ngô Đình Diệm. Từ đây, cuộc đấu tranh nâng cao cột cờ giữa ta và địch mới thực sự diễn ra gay gắt hơn .

Để thể hiện “chánh nghĩa quốc gia”, tháng 2/1956, Ngô Đình Diệm cho xây dựng cột cờ bằng xi măng cốt thép cao 30m với lá cờ 3 sọc lớn, có đèn nê - ông nhấp nháy đủ màu như thách đố. Sau khi dựng cờ, loa phóng thanh địch rêu rao: "Tổng thống Việt Nam Cộng hòa cho dựng cột cờ cao 30m ở Vĩ tuyến 17 để dân chúng Bắc Việt thấy rõ chánh nghĩa quốc gia".

Trước sự khiêu khích của địch, tháng 7/1957, quân ta đã dựng một cột cờ bằng thép ống cao 34,5m với lá cờ rộng 108m2. Trên đỉnh cột cờ có gắn một ngôi sao bằng đồng có đường kính 1,2m. Năm đỉnh ngôi sao gắn một chùm 15 bóng điện. Khi lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên cao vút, đồng bào hai bờ Bắc Nam vui sướng reo mừng. Mỹ - Ngụy hoàn toàn bất ngờ trước sự kiện này. Chúng vội vàng tăng cao cột cờ của chúng lên thành 35m và lên giọng mỉa mai: “Bắc Việt muốn chọi cờ, nhưng sao chọi nổi quốc gia”.

Không để cột cờ ta thấp hơn cờ địch, năm 1962, Chính phủ điều Tổng Công ty lắp máy Việt Nam gia công một cột cờ rồi chuyển vào dựng ở Hiền Lương. Cột cờ mới này cao 38,6m, kéo lên lá cờ 134m2, nặng 15kg. Cách đỉnh cột cờ 10m có một ca-bin để chiến sỹ ta đứng thu và treo cờ. Đây là cột cờ cao nhất giới tuyến. Lá cờ đỏ sao vàng bay cao là niềm tin, là ngôi sao Bắc Đẩu của đồng bào bờ Nam, là niềm kiêu hãnh và biểu tượng sức mạnh của đồng bào bờ Bắc. Nhân dân tận vùng Cửa Việt, Chợ Cầu, Gio An… ở xa hàng chục cây số vẫn nhìn thấy rõ lá cờ Tổ quốc đang vẫy gọi. Hiểu tấm lòng bà con hai bờ, các chiến sỹ Công an đồn Hiền Lương hàng ngày kéo cờ lên sớm hơn và hạ cờ muộn hơn (6 giờ 30 đến 18giờ 30) để bà con thêm thời gian ngắm cờ. Ngày lễ, Tết, cờ ta bay trên đỉnh cột suốt ngày đêm.

Vững vàng trong bom đạn

Đến năm 1965, Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền Bắc. Từ đây, quân và dân Bắc giới tuyến bước vào một cuộc chiến đấu mới. Cột cờ Hiền Lương là mục tiêu đánh phá trước tiên của máy bay, tàu chiến Mỹ. Chiến đấu với lời thể quyết tử: “Ngày nào tim còn đập thì lá cờ còn bay”, những chiến sỹ làm nhiệm vụ bảo vệ ngọn cờ giới tuyến đã làm kẻ thù kinh ngạc, thế giới ngợi ca. Khó lòng kể hết được biết bao tấm gương hy sinh như các đồng chí Nguyễn Bảo, Lê Lai, Lê Văn Liêm… để bầu trời Vĩnh Linh không một phút giây vắng bóng cờ. Không đếm được bao tấm lòng, bao trái tim người dân Vĩnh Linh như Mẹ Diệm, O Sen bám trụ lại cùng người chiến sỹ giới tuyến, ngày đêm miệt mài vá cờ, tham gia lao động, chiến đấu để xây đắp lên một lũy thép anh hùng.

Quyết hạ cột cờ cho bằng được, ngày 17/9/1965, Mỹ lại cử một đội máy bay ném bom, đánh phá khu vực cầu Hiền Lương. Mảnh bom bắn vào cột cờ chan chát, khói bụi mù mịt. Nhưng cột cờ vẫn đứng vững. Tức tối, máy bay Mỹ lại nhào xuống thấp hơn, nhưng bị các chiến sỹ bảo vệ cờ bắn trả quyết liệt. Bọn giặc lái hốt hoảng vãi bom trúng đồn cảnh sát bờ Nam làm 87 người chết và bị thương, trong đó có Đồn trưởng. Ngày 2/8/1967, địch tiếp tục tập trung nhiều tốp máy bay thay nhau ném bom, làm cho Cầu Hiền Lương bị sập và cột cờ bị gãy. Ngay đêm đó, bằng một cột điện nối thêm cây gỗ, một cột cờ mới lại được dựng lên. Đồng thời, các chiến sỹ đặc công thủy Đoàn 126A và dân quân vùng Bắc giới tuyến đã dùng bộc phá đánh sập cột cờ bờ Nam, chấm dứt vĩnh viễn lá cờ ba que của chế độ Sài Gòn trên bầu trời giới tuyến.

Liên tục trong nhiều năm, sau mỗi trận đánh, cột cờ gãy đổ, lá cờ bị mảnh bom, đạn pháo xé rách, lập tức một cột cờ mới, một lá cờ mới được thay thế. Chỉ tính riêng từ 5/1956 đến 10/1967, lần lượt 267 lá cờ Tổ quốc đã được treo trên kỳ đài Hiền Lương. Để bảo vệ toàn vẹn lá cờ Tổ Quốc ở đầu cầu giới tuyến, quân và dân ta đã đổ không biết bao mồ hôi công sức và xương máu. Câu hát trong bài quốc ca “Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước…” hơn lúc nào hết trở nên thật đúng theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Muốn hủy diệt lá cờ, hủy diệt trái tim tổ quốc trong lòng đồng bào miền Nam, bọn Mỹ, Ngụy đã huy động các loại máy bay để đổ xuống Bến Hải hàng ngàn tấn bom đạn các loại trong hơn 1000 ngày đêm. Số bom đạn ấy lớn hơn sức nổ của hai quả bom nguyên tử từng ném xuống Hiroshima và Nagashaki. Vậy mà quân và dân ta đã bảo vệ lá cờ bằng mọi giá.

Thời gian dần qua đi, màu xanh của cây cỏ, của lúa ngô đã phủ dần lên vết thương quá khứ. Vĩnh Linh, Gio Linh, Cửa Tùng, Cửa Việt giờ đã thay da đổi thịt. Các đồn Công an giới tuyến năm xưa nay trở thành di tích lịch sử quốc gia, là minh chứng cho một thời chiến đấu và chiến thắng của những người lính nơi đầu cầu bờ Bắc. Bến Hải giờ lại trở nên hiền hòa như bao dòng sông khác. Lặng lẽ chắt chiu, lặng lẽ gom nhặt phù sa bồi đắp cho bờ bãi quê hương trước khi hòa mình vào với biển. Nhưng, ký ức chiến tranh, ký ức về một thời binh lửa, hẳn sông sẽ không bao giờ nguôi quên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cột cờ huyền thoại bên bờ sông Bến Hải